Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 52 của Đức Thánh Cha
‘Chính trị tốt phục vụ cho hòa bình’
18 tháng Mười Hai, 2018 11:01
Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 52 của Đức Thánh Cha Phanxico, sẽ được kỷ niệm ngày 1 tháng Một, với chủ đề: ‘Chính trị tốt phục vụ cho hòa bình’
***
Chính trị tốt phục vụ cho hòa bình
1. “Bình an cho nhà này!”
Khi sai các môn đệ ra đi thực hiện sứ vụ, Chúa Giê-su nói với các ông: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! " Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:5-6).
Mang bình an đến là trung tâm sứ mạng của các môn đệ Đức Ki-tô. Sự bình an đó được trao tặng cho tất cả mọi người mong mỏi sự bình an giữa những thảm kịch và bạo lực hằn dấu trong lịch sử con người.[1] “Nhà” mà Chúa Giê-su nói đến là tất cả mọi gia đình, mọi cộng đồng, mọi quốc gia và lục địa, với tất cả những sự đa dạng và lịch sử của chúng. Trước tiên và trên tất cả đó chính là cá nhân mỗi con người, không bị phân biệt và kỳ thị. Nhưng nó cũng chính là “ngôi nhà chung” của chúng ta: thế giới mà Thiên Chúa đặt chúng ta vào và nơi chúng ta được kêu gọi phải chăm sóc và canh tác.
Vì vậy xin lấy đây là lời chúc của tôi cho ngày đầu Năm Mới: “Bình an cho nhà này!”
2. Thách đố cho nền chính trị tốt
Hòa bình cũng giống như niềm hy vọng mà nhà thơ Charles Péguy miêu tả.[2] Nó giống như một bông hoa mong manh phải phấn đấu để nở trên nền đất sỏi đá của bạo lực. Chúng ta biết rằng cơn khát quyền lực bằng bất cứ giá nào dẫn đến những ngược đãi và bất công, và khi đời sống chính trị không được xem như một cách thức để phục vụ xã hội nói chung, thì nó sẽ trở thành một phương tiện để đàn áp, gạt bỏ và thậm chí loại trừ.
Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng, “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35). Còn đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, “đảm nhận vai trò chính trị một cách nghiêm túc ở mọi cấp độ – địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế – là khẳng định trách nhiệm của mỗi cá nhân biết thừa nhận thực tại và giá trị của sự tự do mà người đó được trao ban để phục vụ đồng thời vì lợi ích của thành phố, của quốc gia và của toàn nhân loại”.[3]
Vì thế nhiệm kỳ chính trị và trách nhiệm chính trị liên tục thách đố những người được kêu gọi phục vụ cho quốc gia của họ phải nỗ lực hết sức để bảo vệ cho người dân của họ và kiến tạo được các điều kiện cho một tương lai xứng đáng và công bằng. Nếu được thực thi trên nền tảng tôn trọng sự sống, với sự tự do và phẩm giá của con người, thì đời sống chính trị sẽ trở nên một hình thức bác ái nổi bật.
3. Bác ái và các đức hạnh của con người: nền tảng chính trị là phục vụ nhân quyền và hòa bình
Đức Giáo hoàng Benedict XVI lưu ý rằng “mọi người Ki-tô hữu có trách nhiệm thi hành bác ác theo cách phù hợp với ơn gọi của mình và phù hợp với mức độ ảnh hưởng mà người đó có trong pólis… Khi có động lực từ lòng bác ái thì sự cam kết cho ích chung sẽ có giá trị lớn hơn tính trần gian thuần túy và vị trí chính trị hiện có. Hoạt động trần gian của con người khi có động lực và được duy trì bởi tình bác ái sẽ góp phần xây dựng thành trì của Thiên Chúa, và đó là mục tiêu của lịch sử gia đình nhân loại”.[4] Đây là một chương trình trong đó tất cả các nhà chính trị, bất kể văn hóa hay vùng miền của họ, đều đồng thuận nếu họ mong muốn cùng chung tay vì ích chung của gia đình nhân loại và thi hành những đức hạnh của con người làm nền tảng cho tất cả mọi hoạt động chính trị tốt lành: công bằng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, chân thành, trung thực, trung tín.
Liên quan đến điều này, thật hữu ích khi nhắc lại “Tám Mối Phúc Thật cho các Chính trị gia” do Đức Hồng Y người Việt nam François-Xavier Nguyễn Văn Thuận, một chứng nhân trung thành của tin mừng đã qua đời năm 2002:
Phúc cho chính trị gia nào có được sự hiểu biết sâu sắc và lương tâm ngay thẳng về vai trò chính trị của mình.
Phúc cho chính trị gia nào được mọi người tin cậy.
Phúc cho chính trị gia nào chỉ biết phục vụ cho công ích chứ không tìm lợi lộc riêng cho cá nhân mình.
Phúc cho chính trị gia nào giữ trọn được chữ tín của minh.
Phúc cho chính trị gia nào biết thực hiện sự hiệp nhất.
Phúc cho chính trị gia nào biết thực hiện sự thay đổi tận căn.
Phúc cho chính trị gia nào biết lắng nghe.
Phúc cho chính trị gia nào không biết sợ hãi.[5]
Mỗi lần đắc cử và tái đắc cử, và mỗi giai đoạn của đời sống chính trị, là một cơ hội để quay trở lại với những điểm tham chiếu về căn nguyên làm động lực cho công lý và luật pháp. Một điều chắc chắn đó là: nền chính trị tốt phục vụ cho hòa bình. Nó tôn trọng và thăng tiến nhân quyền, đồng thời nó cũng là những mệnh lệnh đan xen, thúc đẩy một mối dây ràng buộc của sự tin tưởng và lòng tri ân được rèn giũa giữa các thế hệ hiện tại và tương lai.
4. Những thói xấu của chính trị
Thật đáng buồn, song song với những đức hạnh thì chính trị cũng có những thói xấu của nó, hoặc do sự thiếu năng lực cá nhân hoặc do những sai lầm trong hệ thống và các cơ quan. Rõ ràng, những thói xấu này đánh mất đi sự tín nhiệm đối với đời sống chính trị nói chung, cũng như đối với quyền hạn, những quyết định và hoạt động của những người thực thi nó. Những thói xấu này, ngầm phá hoại lý tưởng của một nền dân chủ đích thực, tạo ra sự bất mãn trong đời sống dân chúng và đe dọa sự hòa hợp xã hội. Chúng ta hãy nghĩ đến sự tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau của nó: sự tham ô những nguồn tài nguyên chung, bóc lột các cá nhân, phủ nhận các quyền, xem thường các quy tắc cộng đồng, sự bất lương gia tăng, dùng quyền lực để áp đặt hoặc chuyên quyền độc đoán lấy lý do chính trị và không chịu từ chức. Trong đó chúng ta có thể thêm vào tính bài ngoại, tính phân biệt chủng tộc, thiếu quan tâm đến môi trường tự nhiên, cướp phá tài nguyên thiên nhiên để thu lợi nhanh chóng và bất chấp dù có bao nhiêu người bị buộc phải đi tha hương.
5. Nền chính trị tốt là thúc đẩy sự tham gia của người trẻ và sự tin tưởng người khác
Khi việc thi hành quyền lực chính trị chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của một ít những cá nhân được đặc quyền, thì tương lai sẽ bị đánh đổi và người trẻ có thể bị rơi vào tình trạng mất lòng tự tin, vì họ bị đẩy ra lề của xã hội và không có cơ hội để giúp xây dựng tương lai. Nhưng khi chính trị thật sự thúc đẩy những tài năng của người trẻ và những khát vọng của họ, thì hòa bình sẽ rạng ngời trên cách nhìn và trên khuôn mặt của họ. Nó sẽ trở thành một sự bảo đảm chắc chắn cho tương lai cất lên thành lời rằng “Tôi tin tưởng bạn và cùng với bạn tôi rất vững tâm” để tất cả chúng ta có thể cùng chung sức vì ích chung. Chính trị phục vụ cho hòa bình nếu nó tìm biết để chấp nhận những tài năng và những khả năng của từng cá nhân. “Còn gì đẹp hơn một bàn tay vươn ra? Đó là ý định của Thiên Chúa để trao tặng và đón nhận. Thiên Chúa không muốn nó giết hại (x. Xh 4:1ff) hay trừng phạt bằng sự đau khổ, nhưng là để chăm sóc và giúp đỡ cho cuộc sống. Cùng đồng lòng và chung tài trí, đôi bàn tay của chúng ta có thể trở thành một phương tiện để đối thoại”.[6]
Mọi con người đều có thể đóng góp một viên đá của mình để giúp xây dựng ngôi nhà chung. Đời sống chính trị đích thực, được đặt nền móng trên luật pháp và những mối quan hệ thẳng thắn và bình đẳng giữa các cá nhân, sẽ tạo ra sự đổi mới khi chúng ta tin rằng mọi người nam, người nữ và mọi thế hệ đều mang đến sự đóng góp cho những sức mạnh mới trong các mối quan hệ, cho trí tuệ, cho văn hóa và tinh thần. Lòng tin tưởng đó không bao giờ dễ đạt được, vì những mối quan hệ của con người là rất phức tạp, đặc biệt trong thời đại của chúng ta, mang dấu ấn của sự biến đổi khí hậu và sự ngờ vực do sự e sợ người khác hoặc người lạ, hoặc lo lắng về sự an toàn của bản thân. Thật đáng buồn, điều này cũng được nhìn thấy trong phạm vi chính trị, qua những thái độ từ chối hoặc những hình thức chủ nghĩa dân tộc làm dấy lên câu hỏi về tình huynh đệ mà thế giới toàn cầu hóa của chúng ta đang rất cần có. Hơn bao giờ hết, ngày nay xã hội chúng ta rất cần “những thợ xây dựng hòa bình” là những sứ giả và chứng nhân đích thực của Thiên Chúa Cha, Đấng luôn mong muốn điều tốt lành và hạnh phúc cho gia đình nhân loại.
6. Nói không với chiến tranh và với chính sách mang tính e sợ
Một trăm năm sau Thế chiến Thứ Nhất kết thúc, khi chúng ta tưởng nhớ về những người trẻ đã hy sinh trên các chiến trường và những dân tộc bị xé tan, hơn bao giờ hết chúng ta ý thức hơn về bài học kinh hoàng bởi những cuộc chiến huynh đệ tương tàn: hòa bình không thể nào đạt được nhờ sự cân bằng giữa sức mạnh và sự sợ hãi. Đe dọa người khác tức là đẩy họ xuống tình trạng như những đồ vật và chối bỏ phẩm giá của họ. Đây là lý do tại sao một lần nữa chúng ta phải tuyên bố rằng tình trạng leo thang các hình thức đe dọa, và cuộc chạy đua vũ trang mất kiểm soát, là nghịch lại với đạo đức và sự tìm kiếm hòa bình thật sự. Sự khiếp sợ bao trùm lên những người trong hoàn cảnh mong manh nhất góp phần tạo nên cảnh tha hương của những dân tộc phải đi tìm kiếm nơi sống yên bình. Những cách giải quyết của chính trị nhằm quy trách nhiệm mọi tội ác lên đầu người di cư và tước mất niềm hy vọng của người nghèo là không thể chấp nhận được. Đúng ra chúng ta phải tái khẳng định rằng hòa bình được đặt cơ sở trên sự tôn trọng mỗi con người bất kể hoàn cảnh của họ như thế nào, trên cơ sở của luật pháp và ích chung, trên sự tôn trọng môi trường được trao phó cho chúng ta chăm sóc và trên sự phong phú của những truyền thống đạo đức được thừa hưởng từ những thế hệ đã qua.
Đặc biệt chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những thiếu nhi hiện đang sống trong các vùng xung đột, và tất cả những người đang hoạt động để bảo vệ sự sống cho các em và bảo vệ cho quyền của các em. Trung bình sáu thiếu nhi trên thế giới thì có một em bị ảnh hưởng bởi bạo lực của chiến tranh hoặc những hậu quả của nó, ngay cả khi các em không bị ghi danh gia nhập binh lính trẻ em hoặc bị bắt làm con tin bởi các nhóm vũ trang. Chứng tá của những người hoạt động để bảo vệ các trẻ và phẩm giá của chúng là vô cùng quý báo cho tương lai của nhân loại.
7. Một dự án hòa bình vĩ đại
Trong những ngày này, chúng ta mừng kỷ niệm thứ bảy mươi Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu, được thông qua sau Thế chiến Thứ Hai. Trong bối cảnh này, chúng ta hãy nhớ lại lời bình luận của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII: “Ý thức về quyền của con người chắc chắn dẫn đưa họ đến sự chân nhận về nghĩa vụ của họ. Sự sở hữu các quyền bao gồm cả trách nhiệm thực thi những quyền đó, vì chúng là cách thể hiện phẩm giá riêng của con người. Và sự sở hữu quyền cũng bao gồm sự công nhận và tôn trọng người khác”.[7]
Về căn bản, hòa bình là hoa trái của một dự án chính trị lớn đặt nền móng trong tính trách nhiệm đối với nhau và sự tương thuộc của con người. Nhưng nó cũng là một thách đố đòi hỏi sự đổi mới liên tục. Nó buộc phải có sự hoán cải tâm hồn và linh hồn; trong từng cá nhân và chung tất cả; và nó có ba khía cạnh không thể tách rời nhau:
– hòa bình với chính bản thân, từ bỏ tính cứng nhắc, sự giận giữ và sự nóng vội; nói theo cách của Thánh Phanxico de Sales, là hãy thể hiện “một chút ngọt ngào đối với bản thân” để có thể trao tặng “một chút ngọt ngào cho người khác”;
– hòa bình với người khác: các thành viên gia đình, bạn bè, người lạ, người nghèo và người đau khổ, không e sợ gặp gỡ họ và lắng nghe những gì họ nói’
– hòa bình với toàn thể tạo vật, tái khám phá sự hùng vĩ của món quà của Thiên Chúa và trách nhiệm chung và cá nhân của chúng ta là những cư dân trong thế giới này, là những công dân và người xây dựng tương lai.
Nền chính trị vì hòa bình, ý thức và quan tâm sâu sắc đến mọi hoàn cảnh mong manh của con người, luôn có thể tìm thấy nguồn cảm hứng trong bài ca Magnificat, bài ca mà Đức Maria, Mẹ Đức Ki-tô Đấng Cứu Thế và là Nữ vương Hòa bình, đã hát lên thay mặt toàn nhân loại: “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường … như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1:50-55).
Vatican, 8 tháng Mười Hai 2018
PHANXICO
_________________________
[1] X. Lc 2:14: “Glory to God in the highest, and on earth peace among men with whom he is pleased”.
[2] X. Le Porche du mystère de la deuxième vertu, Paris, 1986.
[3] Tông thư Octogesima Adveniens (14 tháng Năm 1971), 46.
[4] Tông thư Caritas in Veritate (29 tháng Sáu 2009), 7.
[5] X. Diễn từ tại Hội nghị Triển lãm “Civitas” tại Padua: “30 Giorni”, s. 5, 2002.
[6] BENEDICT XVI, Diễn từ trước các giới chức của Benin, Cotonou, 19 tháng Mười Một 2011.
[7] Tông thư Pacem in Terris (11 tháng Tư 1963), ed. Carlen, 24.
[02049-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý] Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/12/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét