© Vatican Media
Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha bắt đầu loạt giáo lý mới về ‘Kinh Lạy Cha’
Điểm trọng yếu: Chúa Giê-su cầu nguyện
05 tháng Mười Hai, 2018 15:31
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Sảnh đường Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Bắt đầu loạt giáo lý mới về “Kinh Lạy Cha,” trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về chủ đề: “Xin dạy chúng con cầu nguyện” (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Tin mừng theo Thánh Lu-ca 11:1).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung được kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta bắt đầu những bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha.”
Các Tin mừng cho chúng ta những hình ảnh rất sống động về Chúa Giê-su là một người của sự cầu nguyện. Cho dù có sự cần gấp trong sứ mạng của Ngài và sự hối hả của quá nhiều người đang tìm đến Ngài, Chúa Giê-su cảm thấy cần phải lui vào trong nơi thanh vắng để cầu nguyện. Tin mừng Thánh Mác-cô cho chúng ta biết chi tiết này ngay trang đầu tiên nói về sứ vụ công khai của Chúa Giê-su (x. 1:35).
Ngày khởi đầu của Chúa Giê-su tại Ca-phác-na-um kết thúc trong tâm trạng khải hoàn. Mặt trời đã khuất, nhưng quá nhiều bệnh nhân đứng đợi nơi cửa nhà nơi Chúa Giê-su ở: Đấng Mê-xi-a rao giảng và chữa lành. Những lời sấm ngôn từ thuở xa xưa và những mong chờ của quá nhiều người đau khổ nay được thực hiện: Chúa Giê-su là Thiên Chúa ở gần, là Thiên Chúa giải thoát. Tuy nhiên, đám đông đó cũng còn là nhỏ nếu so với nhiều đám đông khác sẽ tập trung quanh vị Ngôn sứ của Na-da-rét; có những lúc các đám đông tụ tập như biển người, và Chúa Giê-su đứng giữa họ, Đấng được các dân tộc mong đợi từ lâu, là sự thành công của niềm hy vọng của dân Israel.
Tuy nhiên, Người lại giải phóng chính Ngài; Ngài không để cho mình biến thành con tin cho những mong chờ của những người muốn chọn Ngài làm người lãnh đạo, và đó là sự nguy hiểm cho các nhà lãnh đạo: quá gắn chặt bản thân với mọi người và không thoát ra khỏi họ. Chúa Giê-su nhận biết điều này và không biến mình thành con tin cho người dân. Từ đêm đầu tiên tại Ca-phác-na-um, Ngài cho thấy mình là một Đấng Mê-xi-a đích thực. Trong đêm sắp tàn, khi bình minh bắt đầu ló dạng, các môn đệ lại đi tìm Ngài nhưng không thể tìm được. Người ở đâu? Cho đến khi Phê-rô phát hiện ra Người đang ở một nơi thanh tịnh, chìm đắm trọn vẹn trong việc cầu nguyện. Và ông nói với Người: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (Mc 1:37). Cách nói này giống như một mệnh đề phụ bổ khuyết thêm cho một sự trưng cầu dân ý thành công, bằng chứng của một kết quả tốt cho sứ mạng.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói với các ông rằng Người còn phải đi nơi khác nữa; không chỉ là những người tìm đến Ngài, nhưng trước hết chính Ngài là Người đi tìm kiếm người khác. Vì thế, Ngài không cắm rễ ở đó nhưng lại tiếp tục một cuộc lữ hành trên những con đường của Ga-li-lê (cc. 38-39). Và cũng là cuộc lữ hành đến với Chúa Cha, tức là cầu nguyện, tiếp tục con đường cầu nguyện. Chúa Giê-su cầu nguyện. Và tất cả mọi sự diễn ra trong một đêm cầu nguyện.
Trong một số trang Kinh Thánh, điểm hiện lên đầu tiên hầu như là việc cầu nguyện của Chúa Giê-su, sự mật thiết của Ngài với Chúa Cha điều khiển tất cả. Việc đó diễn ra một cách hết sức đặc biệt trong đêm tại vườn Cây Dầu. Chặng cuối cùng của hành trình của Chúa Giê-su (chắc chắn là chặng khó khăn nhất mà Người đã từng thực hiện cho đến lúc đó) tìm được ý nghĩa của nó trong sự vâng nghe Chúa Cha của Ngài. Sự cầu nguyện đó chắc chắn không dễ dàng, và hơn thế đó là một “sự đau đớn cực độ,” mang ý nghĩa giống như sự ganh đua của các vận động viên điền kinh, nhưng sự cầu nguyện giúp đủ khả năng giữ vững được con đường thập giá.
Và đây là điểm trọng yếu: Chúa Giê-su cầu nguyện.
Chúa Giê-su cầu nguyện trong những thời gian hoạt động công khai, cùng chung nghi thức tế lễ với dân của Người, nhưng Người cũng tìm đến những nơi thanh vắng, tách biệt khỏi vòng xoáy ồn ào của trần gian, những nơi cho phép Người tìm vào được thẳm sâu của linh hồn: Người là vị Ngôn sứ biết được những tảng đá của sa mạc và các đỉnh núi. Lời cuối cùng của Chúa Giê-su trước khi trút hơi thở trên thập giá là lời của Thánh vịnh, đó chính là một lời cầu nguyện, lời kinh của người Do thái: Người cầu nguyện bằng những lời kinh nguyện mà Mẹ Người đã dạy cho Người.
Chúa Giê-su cầu nguyện như mọi người trần gian cầu nguyện. Tuy nhiên, trong cách cầu nguyện của Người luôn có một sự huyền nhiệm, một điều không thoát khỏi ánh mắt quan sát của các môn đệ của Người, như trong các Tin mừng chúng ta tìm thấy lời nài xin rất đơn sơ và sát thực: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1). Các ông nhìn thấy Chúa Giê-su cầu nguyện và muốn học cách cầu nguyện: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.” Và Chúa Giê-su không từ chối, Ngài không khư khư giữ cho riêng mình sự mật thiết với Chúa Cha, nhưng Người ngay lập tức giới thiệu cho chúng ta mối quan hệ này. Và vì vậy Người trở thành Thầy dạy cầu nguyện cho các môn đệ của Người, và chắc chắn Người muốn như vậy cho tất cả chúng ta. Chúng ta cũng phải thưa với Người: “Thưa Thầy, xin dạy con cầu nguyện. Xin dạy con.”
Cho dù chúng ta có thể đã cầu nguyện rất nhiều năm, nhưng chúng ta vẫn phải học cách cầu nguyện! Những lời kinh nguyện của con người, sự mong mỏi được bột phát một cách hết sức tự nhiên từ trong linh hồn, có lẽ là một trong những sự bí mật thâm sâu nhất của vũ trụ. Và chúng ta thậm chí không biết rằng những lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa, xét về tính hiệu quả, có phải là những lời Người mong muốn được gửi lên Người hay không. Sách Thánh cũng cho chúng ta bằng chứng về những lời cầu nguyện không thích hợp, và cuối cùng bị Thiên Chúa từ chối: chỉ cần đọc lại dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Người thu thuế trở về từ Đền Thờ và được nên công chính, nhưng người Pha-ri-sêu thì tự mãn và ông ta muốn mọi người nhìn thấy việc ông ta cầu nguyện, và ông ta giả vờ cầu nguyện nhưng tâm hồn của ông ta lại lạnh giá. Và Chúa Giê-su nói: ông ta không được nên công chính “vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18:14). Bước đầu tiên khi cầu nguyện là phải khiêm hạ, đến với Chúa Cha và nói: xin Người hãy đoái nhìn đến con, con là một kẻ có tội, con yếu đuối, con rất xấu,” mỗi người đều biết những gì phải nói. Nhưng chúng ta phải luôn luôn bắt đầu bằng sự khiêm hạ, và Chúa sẽ lắng nghe. Chúa lắng nghe lời cầu nguyện khiêm cung.
Vì vậy, bắt đầu những bài giáo lý về sự cầu nguyện của Chúa Giê-su, điều đẹp nhất và đúng đắn nhất mà tất cả chúng ta phải làm là lặp lại lời khẩn nài của các môn đệ: “Lạy Thầy, xin dạy con cầu nguyện!” Điều này sẽ giúp ích rất nhiều, trong Mùa Vọng này, hãy lặp lại lời đó: “Lạy Thầy, xin dạy con cầu nguyện!” Chúng ta hãy làm điều này, trong Mùa Vọng, và Người chắc chắn sẽ không để lời khẩn nài của chúng ta rơi vào quãng không quên lãng.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Tiếng Ý
Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý.
Cha rất vui được đón các Nữ tử Đức Bà Thánh Tâm và các nhóm giáo xứ, đặc biệt anh chị em đến từ Sant’Elia a Pianisi, của Roma và Pescara.
Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, người cao tuổi, và anh chị em bệnh nhân và các đôi uyên ương mới.
Thứ Bảy này chúng ta sẽ mừng Lễ Trọng Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ! Nguyện xin Mẹ, là mẫu gương của niềm tin và sự vâng phục Thiên Chúa, giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Hài nhi Giê-su trong ngày Giáng Sinh của Người.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/12/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét