Thượng Hội đồng - Vatican Media
Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)
Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)
‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’
15 tháng Một, 2019 12:47
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.
* * *
Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục
về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi
Bài đăng 15 (Số 144 - 156):
**************
PHẦN III
Chương III
Sức mạnh truyền giáo được canh tân
Một số thách đố cấp thiết
144. Tính công đồng là phương pháp mà Giáo hội có thể áp dụng để giải quyết những thách đố cũ và mới, tập hợp và đưa những ân tứ của tất cả các thành viên của mình vào cuộc đối thoại, bắt đầu từ người trẻ. Dựa trên công việc của Thượng hội đồng, Phần đầu tiên của Tài liệu này đã phác thảo một số lĩnh vực cấp thiết cần phải khởi động hoặc canh tân lại sức mạnh của Giáo hội trong việc thực hiện sứ mạng Đức Ki-tô trao phó cho mình, điều mà chúng tôi tìm cách giải quyết theo con đường cụ thể hơn.
Truyền giáo trong môi trường kỹ thuật số
145. Môi trường kỹ thuật số đưa ra một thách đố đối với Giáo hội ở nhiều cấp độ khác nhau; do đó, điều cần thiết là phải đào sâu kiến thức về những động lực và phạm vi khả năng của nó trên quan điểm nhân học và đạo đức. Điều này không những đòi hỏi phải bước vào môi trường đó và phát huy tiềm năng truyền thông của nó với mục tiêu loan truyền Ki-tô giáo, mà còn mang hương vị Tin Mừng đến cho văn hóa và hoạt động của nó. Một số sáng kiến đi theo hướng này đã được tiến hành và cần được khuyến khích, đào sâu và chia sẻ. Sự ưu tiên mà nhiều người dành cho hình ảnh của nó như một chiếc xe truyền thông làm nổi lên những câu hỏi về cách truyền tải niềm tin đặt nền tảng trên việc lắng nghe Lời Chúa và đọc các Sách thánh. Người Ki-tô hữu trẻ, cũng giống như những người đương thời của họ là những cư dân của môi trường kỹ thuật số, tìm thấy ở đây một sứ mạng đích thực, trong đó một số người đã cam kết tham gia. Hơn thế nữa, họ cũng là những người trẻ yêu cầu được đồng hành trong việc phân định về những gương mẫu cuộc sống trưởng thành trong môi trường được số hóa cao ngày nay, để giúp họ nắm bắt được các cơ hội đồng thời tránh được những rủi ro.
146. Thượng hội đồng muốn nhìn thấy các Văn phòng dành riêng cho văn hóa kỹ thuật số và rao giảng Tin mừng được thiết lập trong Giáo hội ở các cấp độ thích hợp, để thúc đẩy hoạt động hội thánh và suy tư trong môi trường này, tận dụng tốt sự đóng góp quan trọng của giới trẻ. Trong số các chức năng của chúng, bên cạnh sự ưu tiên cho việc trao đổi và phổ biến cách sử dụng tốt ở mức độ cá nhân và cộng đoàn, và phát triển những công cụ huấn luyện và rao giảng kỹ thuật số thích hợp, chúng cũng có thể quản lý các hệ thống chứng thực cho các trang Công giáo, để chống lại việc lan truyền những “tin giả” về Giáo hội, và chúng có thể tìm cách thuyết phục các cơ quan chính quyền thúc đẩy các chính sách và công cụ nghiêm ngặt hơn bao giờ hết để bảo vệ trẻ vị thành niên trên web.
Người di cư: phá đổ những bức tường và xây dựng những cầu nối
147. Nhiều người di cư là người trẻ. Tính phổ quát của Giáo hội mang đến cho họ cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy sự đối thoại giữa các cộng đồng gốc của họ và những nơi mà họ di cư đến, giúp vượt qua nỗi sợ hãi và do dự và củng cố các mối liên kết di cư có nguy cơ phá vỡ. “Đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập,” bốn động từ mà Đức Thánh Cha Phanxico tổng hợp lại thành những hành động cần có để hỗ trợ cho người di cư, là những động từ của công đồng. Việc thực hiện chúng đòi hỏi phải có hoạt động của Giáo hội ở tất cả các cấp và nó liên quan đến tất cả các thành viên của cộng đoàn Ki-tô giáo. Về phần mình, khi được đồng hành một cách thích hợp, người di cư có thể cung cấp các nguồn lực về tinh thần, mục vụ và truyền giáo cho các cộng đoàn chủ nhà. Phần quan trọng đặc biệt là sự tham gia văn hóa và chính trị, gồm các cấu trúc phù hợp, để chống lại sự lây lan của chủ nghĩa bài ngoại, phân biệt chủng tộc và từ chối người di cư. Những tài nguyên của Giáo hội Công giáo là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người, như được thấy rõ trong công việc của nhiều nữ tu. Vai trò của Nhóm Santa Marta, nơi tập hợp các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người chịu trách nhiệm về luật pháp và trật tự, là rất quan trọng và đại diện cho một cách thi hành tốt có thể lấy làm nguồn cảm hứng. Chúng ta cũng không được bỏ qua cam kết bảo đảm tính hiệu lực cho quyền được ở lại đất nước quê nhà cho những người không muốn di cư nhưng bị buộc phải làm như vậy, và cung cấp sự hỗ trợ cho các cộng đoàn Ki-tô giáo có nguy cơ bị giảm bớt con số do sự di cư.
Phụ nữ trong Giáo hội theo công đồng tính
148. Một Giáo hội tìm cách sống theo phong cách thượng hội đồng không thể không suy nghĩ về điều kiện và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, và trong xã hội nói chung. Thanh niên nam nữ mạnh dạn đặt câu hỏi này. Những thành quả của sự phản ánh như vậy cần được thực hiện thông qua một sự thay đổi đầy can đảm về văn hóa và sự thay đổi trong cách thực hành mục vụ hàng ngày. Một lĩnh vực mang tầm quan trọng đặc biệt trong vấn đề này là sự hiện diện của phụ nữ trong các tổ chức giáo hội ở tất cả các cấp, gồm cả những vị trí gánh vác trách nhiệm, cũng như sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình đưa ra quyết định của giáo hội, tôn trọng vai trò của thừa tác viên chức thánh. Đây là một trách nhiệm của sự công bằng, lấy cảm hứng từ mối quan hệ của Chúa Giê-su với những người nam và nữ trong thời của Ngài, và từ tầm quan trọng trong vai trò của một số người nữ trong Kinh Thánh, trong lịch sử cứu độ và trong đời sống của Giáo hội.
Tình dục: một từ ngữ rõ ràng, tự do, xác thực
149. Trong bối cảnh văn hóa hiện nay, Giáo hội phải đấu tranh để truyền đạt nét đẹp về thân xác và tình dục theo quan điểm Ki-tô giáo, như nó nổi lên từ Sách Thánh, từ Truyền thống và từ Huấn quyền của các vị Giáo hoàng gần đây. Do đó cần phải nhanh chóng tìm kiếm những cách tốt hơn, có thể được diễn giải một cách cụ thể để trở thành những lộ trình đào tạo mới. Chúng ta phải đưa ra cho giới trẻ một kiến thức nhân chủng học về cảm xúc và tình dục có khả năng đưa ra giá trị đúng đắn cho sự trinh trong, thể hiện ý nghĩa chân thực nhất của nó đối với sự phát triển của con người bằng sự khôn ngoan của nền tảng giáo dục, trong mọi trạng thái của cuộc sống. Đó là việc nhấn mạnh sự lắng nghe thấu cảm, đồng hành và phân định, phù hợp với những điều được đưa ra bởi Huấn quyền gần đây. Vì đây là điều cần thiết phải dành sự quan tâm cho việc đào tạo các thừa tác viên mục vụ có uy tín, bắt đầu từ sự trưởng thành của các chiều kích tình cảm và tình dục của riêng họ.
150. Có những câu hỏi đặt ra về thân xác, cảm xúc và tình dục đòi hỏi phải có sự nghiên cứu về nhân học, thần học và mục vụ sâu sắc hơn, dưới bất kỳ hình thức nào và ở bất kỳ mức độ nào cho thấy cách thức phù hợp nhất, từ địa phương đến phổ quát. Trong số các câu hỏi nổi lên là những câu hỏi liên quan đến sự khác biệt và sự hài hòa giữa bản sắc nam giới và nữ giới và những khuynh hướng tình dục. Về vấn đề này, Thượng hội đồng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người và Giáo hội cũng như vậy, nhắc lại cam kết của mình chống lại mọi sự phân biệt đối xử và bạo lực trên nền tảng tình dục. Một cách công bằng, Giáo hội nhắc lại mối liên quan nhân học then chốt của sự khác biệt và tính bổ trợ cho nhau giữa nam và nữ và tin rằng đó là sự giản hóa luận để xác định bản sắc cá nhân trên cơ sở duy nhất về “định hướng tình dục” của con người” (Bộ Giáo lý Đức Tin, Thư gửi các Giám mục Giáo hội Công giáo về việc chăm sóc mục vụ cho những người quan hệ đồng tính, 1 tháng Mười 1986, 16).
Nhiều cộng đoàn Ki-tô giáo đã đưa ra những hành trình đồng hành trong đức tin cho người đồng tính: Thượng Hội đồng đề nghị rằng những sáng kiến như vậy cần được hỗ trợ. Trong những hành trình này, con người được giúp đỡ để đọc lịch sử của chính họ; bước đi trên con đường tự do và trách nhiệm theo tiếng gọi rửa tội của họ; nhận biết khao khát được thuộc về và đóng góp cho đời sống của cộng đoàn; để phân định những cách tốt nhất để nhận ra điều này.
Kinh tế, chính trị, việc làm, ngôi nhà chung
151. Giáo hội cam kết thăng tiến đời sống xã hội, kinh tế và chính trị được đánh dấu bởi sự công bằng, đoàn kết và hòa bình, đó là điều mà giới trẻ yêu cầu một cách kiên định. Điều này đòi hỏi sự can đảm để trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới, bằng cách tố cáo sự tham nhũng, chiến tranh, buôn bán vũ khí, buôn bán ma túy và bóc lột tài nguyên thiên nhiên, và bằng cách kêu gọi những người chịu trách nhiệm phải hoán cải. Là một phần của bức tranh lớn hơn, việc này không thể tách rời khỏi cam kết phải bao gồm cả những người hèn mọn nhất, xây dựng những con đường cho phép họ không những tìm được câu trả lời cho các nhu cầu của mình, mà còn đóng góp vào việc xây dựng xã hội.
152. Ý thức rằng “việc làm là một chiều kích cơ bản cho sự tồn tại của con người trên trần gian” (Thánh Gioan Phaolô II, Laborem Exercens, 4) và rằng tình trạng thiếu việc làm là nhục nhã đối với nhiều người trẻ, Thượng Hội đồng đề nghị rằng các Giáo hội địa phương giúp đỡ và đồng hành với những người trẻ khi họ tìm chỗ đứng trên thế giới này, có thể thông qua sự hỗ trợ của các sáng kiến kinh doanh trẻ. Những kinh nghiệm như vậy được tìm thấy ở nhiều Giáo hội địa phương và cần được hỗ trợ và củng cố.
153. Sự thúc đẩy công bằng cũng ảnh hưởng đến việc quản lý tài sản của Giáo hội. Giới trẻ sẽ cảm thấy như ở nhà khi ở trong một Giáo hội với những vấn đề về kinh tế và tài chính được thực hiện một cách minh bạch và nhất quán. Cần phải có những sự lựa chọn can đảm trong lĩnh vực mang tính bền vững, như được chỉ ra trong Tông huấn Laudato si’, sự thiếu tôn trọng môi trường tạo ra những hình thức nghèo đói mới, trong đó người trẻ là những nạn nhân đầu tiên. Các hệ thống đang thay đổi, và điều này cho chúng ta thấy rằng một cách sống khác thuộc khía cạnh kinh tế và tài chính là có thể. Giới trẻ thúc giục Giáo hội phải trở thành ngôn sứ trong lĩnh vực này, qua lời nói của mình nhưng trên hết là thông qua các lựa chọn cho thấy rằng sự quản lý tài chính có thể vừa là thân thiện với con người vừa thân thiện với môi trường. Cùng với họ chúng ta có thể thực hiện được.
154. Đối với các vấn đề về môi sinh được quan tâm, điều quan trọng là phải đưa ra những hướng dẫn cho hành động cụ thể theo Tông huấn Laudato si’ trong các thói quen của nhà thờ. Một số bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp cho giới trẻ sự đào tạo về những cam kết thuộc chính trị - xã hội và tài nguyên mà giáo huấn xã hội của Giáo hội đã trình bày liên quan đến vấn đề này. Những người trẻ tham gia vào chính trị nên được hỗ trợ và khuyến khích làm việc hướng tới một sự thay đổi thực sự cho các cấu trúc xã hội bất công.
Bối cảnh liên văn hóa và liên tôn
155. Tính đa nguyên về văn hóa và tôn giáo là một thực tế phát triển trong đời sống xã hội của giới trẻ. Người Ki-tô hữu trẻ thể hiện một chứng nhân rất đẹp của Tin Mừng khi đức tin của họ có một tác động biến đổi đến đời sống và hoạt động hàng ngày của họ. Họ được kêu gọi trở nên cởi mở đối với người trẻ của các truyền thống tôn giáo và tâm linh khác, và để duy trì những mối quan hệ xác thực với họ giúp hiểu biết lẫn nhau và mang lại sự chữa lành cho những định kiến và khuôn sáo. Do đó, họ là những người tiên phong cho hình thức đối thoại liên tôn và liên văn hóa mới, giúp giải phóng xã hội của chúng ta thoát khỏi sự loại trừ, chủ nghĩa cực đoan, trào lưu chính thống cực đoan và sự thao túng tôn giáo để đạt những mục tiêu cho giáo phái hay dân túy. Các nhân chứng của Tin Mừng, những người trẻ này cùng với những người đồng niên của họ, trở thành những người thúc đẩy cho một tư cách công dân bao gồm sự đa dạng và cam kết tôn giáo có trách nhiệm xã hội để xây dựng sự gắn kết xã hội và nền hòa bình.
Gần đây, theo đề nghị của giới trẻ, các sáng kiến đã được đưa ra, đưa những người thuộc các tôn giáo và văn hóa khác nhau đến để trải nghiệm việc sống chung, để trong bầu không khí vui vẻ và tôn trọng các tôn giáo của nhau, tất cả có thể tích cực thúc đẩy một cam kết chung trong xã hội.
Giới trẻ với đối thoại đại kết
156. Đối với hành trình hòa giải giữa tất cả các Ki-tô hữu, Thượng Hội đồng đánh giá rất cao khao khát của nhiều người trẻ muốn thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các cộng đồng Ki-tô giáo bị chia cách. Cam kết theo con đường này, người trẻ thường đào sâu nguồn gốc của đức tin của chính họ và trải nghiệm một sự cởi mở thật sự trước những gì người khác có thể trao tặng. Bằng trực giác họ biết rằng Chúa Ki-tô kết hiệp chúng ta, cho dù có những khác biệt nhất định vẫn còn tồn tại. Như Đức Thánh Cha Phanxico đã tuyên bố nhân dịp viếng thăm Đức Thượng phụ Bartholomew năm 2014, chính “những người trẻ tuổi hôm nay thúc giục chúng ta thực hiện những bước tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Và điều này không phải vì họ không hiểu hết tầm quan trọng của những khác biệt vẫn khiến chúng ta xa cách, nhưng vì họ có thể nhìn vượt xa hơn, họ có khả năng nắm bắt được những điều trọng yếu giúp chúng ta hợp nhất” (Phanxico, Diễn từ tại Nghi thức Phụng vụ, Nhà thờ Thượng phụ Thánh George, Istanbul, 30 tháng Mười Một, 2014).
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét