General Audience, 17 April 2019 © Zenit/María Langarica
Toàn văn Tiếp Kiến Chung: Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha
‘Phục sinh: Lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha trong cơn thử thách’
17 tháng Tư, 2019 15:28
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong đêm trước Tam Nhật Thánh, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Phục sinh: Lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha trong cơn thử thách” (Trích Tin mừng theo Thánh Mác-cô 14:32-36a).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện. Cuối lời chào gửi đến những người hành hương Pháp, Đức Thánh Cha bày tỏ tình hiệp thông với thành phố Paris và với toàn thể người dân Pháp vì vụ hỏa hoạn đã tàn phá một phần lớn Vương cung Thánh đường Notre Dame.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong những tuần này chúng ta đang suy niệm về lời kinh của “Kinh Lạy Cha.” Bây giờ, trong ngày vọng trước Tam Nhật Thánh, chúng ta dừng lại và suy tư một số lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha trong Cuộc Thương Khó của Người.
Lời khẩn cầu đầu tiên diễn ra sau Tiệc Ly, khi Chúa “ngước mắt lên trời và cầu nguyện: ‘Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. — và sau đó — ‘Lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian’” (Ga 17:1.5). Chúa Giê-su cầu xin vinh quang, một lời cầu xin có vẻ nghịch lý khi Cuộc Thương Khó sắp xảy đến. Vậy đó là vinh quang như thế nào? Trong Kinh Thánh, vinh quang chỉ về sự khải hiện của chính Thiên Chúa; đó là dấu chỉ riêng biệt về sự hiện diện giải thoát của Ngài ở giữa con người. Bây giờ Chúa Giê-su chính là Đấng tỏ lộ rõ ràng sự hiện hữu và ơn cứu độ của Chúa. Và Ngài thực hiện điều đó trong ngày Phục sinh: bị treo trên thập giá, Ngài được tôn vinh (x. Ga 12:23-33). Ở đó, Thiên Chúa cuối cùng đã mặc khải vinh quang của Người: Người gỡ tấm khăn che phủ cuối cùng xuống và làm chúng ta sững sờ kinh ngạc. Thật vậy, chúng ta khám phá ra rằng vinh quang của Chúa tất cả là tình yêu: tình yêu tinh tuyền, cháy bỏng và không thể tưởng tượng được, vượt ra ngoài mọi giới hạn và thước đo.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy lấy lời cầu nguyện của Chúa Giê-su làm của riêng mình: chúng ta hãy xin Chúa Cha cất đi những tấm mạng che trước mắt chúng ta trong những ngày này, nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu. Không biết bao nhiêu lần chúng ta tưởng tượng ra Ngài là một Ông Chủ chứ không phải là một người Cha; không biết bao nhiêu lần chúng ta nghĩ đến Người như một Quan tòa nghiêm khắc hơn là một Đấng Cứu Thế đầy lòng thương xót! Tuy nhiên, trong ngày Phục sinh Thiên Chúa đã thu hẹp những khoảng cách này và thể hiện Ngài trong sự khiêm nhường của một tình yêu cầu xin tình yêu của chúng ta. Vì vậy, chúng ta trao vinh quang cho Ngài khi chúng ta làm mọi việc với tình yêu, khi chúng ta làm mỗi việc bằng cả con tim của chúng ta, làm cho Ngài (x. Col 3:17). Vinh quang đích thực là vinh quang của tình yêu vì đó là điều duy nhất trao tặng sự sống cho thế gian. Vinh quang này chắc chắn là nghịch lại với vinh quang thế gian là vinh quang đạt đến khi một người được ca tụng, được khen ngợi, được hoan hô: khi tôi ở vị trí trung tâm của sự chú ý. Thay vì vậy, vinh quang của Chúa là nghịch lý: không lời tung hô, không ai vỗ tay. Chữ “tôi” không được đặt ở trung tâm nhưng là người khác: thật vậy vào ngày Phục sinh chúng ta nhìn thấy Chúa Cha tôn vinh Chúa Con khi Chúa Con tôn vinh Chúa Cha. Không Đấng nào tự tôn vinh mình. Hôm nay chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân: “Tôi sống vì ánh vinh quang nào, vinh quang của tôi hay của Thiên Chúa? Tôi chỉ muốn đón nhận từ người khác hay cũng trao tặng cho người khác?”
Sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đi vào vườn Cây Dầu và cũng tại đây Người lại cầu nguyện với Chúa Cha. Trong khi các môn đệ không thể tỉnh thức và Giu-đa đang đến với các tên lính, Chúa Giê-su bắt đầu cảm thấy “hãi hùng và xao xuyến.” Người trải nghiệm mọi nỗi thống khổ với những gì đang chờ đợi Người: phản bội, khinh rẻ, đau đớn, và thất bại. Người cảm thấy “rất buồn” và ở đó, trong vực sâu của sự hiu quạnh, Người dâng lên Chúa Cha tiếng kêu tha thiết và dịu ngọt nhất: “Abba,” nghĩa là, “Cha ơi” (x. Mc 14:33-36). Trong cơn thử thách Chúa Giê-su dạy cho chúng ta hãy ôm lấy Chúa Cha, vì trong sự cầu nguyện với Người luôn có một sức mạnh để tiến tới trong sự sầu khổ. Trong công việc vất vả, cầu nguyện đem lại sự an bình, sự phó thác và ủi an. Giữa tất cả mọi sự chối bỏ, giữa sự hiu quạnh trong lòng, Chúa Giê-su vẫn không cô đơn; Người ở cùng Chúa Cha. Ngược lại, chúng ta khi đi vào vườn Giết-sê-ma-ni thường lại chọn cách cô đơn một mình hơn là kêu lên “Lạy Cha” và phó thác bản thân mình theo Thánh ý của Người, là sự tốt lành đích thực, như Chúa Giê-su. Tuy nhiên, khi chúng ta khóa chặt mình trong những cơn thử thách là chúng ta đào một đường hầm trong tâm hồn, một đường hầm đau khổ, bó chặt khuôn trong lòng, nó chỉ có một hướng đi duy nhất: luôn luôn bước sâu hơn vào trong bản thân. Vấn đề lớn nhất không phải là sự khó khăn nhưng là cách đối mặt với nó. Sự cô độc không dẫn đến những lối thoát; cầu nguyện sẽ tạo ra con đường giải thoát, vì nó chính là mối quan hệ, nó chính là sự phó thác. Chúa Giê-su phó thác mọi sự và mọi sự đều được trao phó cho Chúa Cha, mang đến cho Người những gì Ngài đang cảm nhận, tựa vào Người trong cuộc chiến đấu. Khi chúng ta đi vào vườn Giết-sê-ma-ni của mình — mỗi người chúng ta đầu có vườn Giết-sê-ma-ni của riêng mình, hoặc là đã có hoặc là sẽ có — chúng ta hãy ghi nhớ điều này: khi chúng ta đi vào vườn Giết-sê-ma-ni của mình, hãy nhắc nhở bản thân dâng lên lời thưa: “Thưa Cha.” Chúng ta phải nhớ cầu nguyện như vậy: “Thưa Cha.”
Cuối cùng, Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện thứ ba cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Chúa Giê-su cầu nguyện cho những người độc ác với Ngài, cho những kẻ giết Ngài. Tin mừng tường thuật rất rõ rằng lời cầu nguyện này diễn ra tại thời điểm bị đóng đinh. Đó có lẽ là thời điểm đau đớn nhất khi những mũi đinh nhọn đâm thâu qua cổ tay và bàn chân của Người. Thời điểm đó, đỉnh điểm của sự đau đớn, Người đã đạt đến đỉnh tối thượng của tình yêu: sự tha thứ được trao ban, tức là món quà của sức mạnh vô song, nó bẻ gãy vòng xoáy của cái ác.
Đọc “Kinh Lạy Cha” trong những ngày này, chúng ta hãy xin một trong những ơn sủng sau đây: sống cuộc đời của chúng ta vì vinh quang của Chúa, đó chính là sống cho tình yêu; có đủ khả năng phó thác bản thân cho Chúa Cha trong những cơn thử thách và thưa với Người “Cha ơi” và tìm thấy sự tha thứ và lòng can đảm để thứ tha trong cuộc gặp gỡ với Chúa Cha. Cả hai điều luôn đi song song với nhau. Chúa Cha tha thứ cho chúng ta, nhưng Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm để có thể tha thứ.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester ZENIT]
Tiếng Ý
Xin gửi lời chào nồng hậu đến các tín hữu nói tiếng Ý. Cha rất vui được chào đón các tham dự viên của cuộc Họp UNIV 2019. Những bạn trẻ thân yêu của chúng ta sống những ngày huấn luyện này theo gương của Thánh Josemaria, hãy đặt cuộc sống của mình trên những giá trị của đức tin mạnh mẽ hơn bao giờ hết, để qua sự thay đổi bản thân theo mẫu gương của Đức Ki-tô, chúng con sẽ có thể biến đổi thế giới quanh mình.
Cha gửi lời chào các giáo xứ; các trường học, đặc biệt là các trường ở Aversa và Teramo; nhóm Legion of the Piedmont Police và Valle d’Aosta và Hiệp hội Gia đình Ki-tô.
Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, ông bà cao tuổi, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Ngày mai là bắt đầu Tam Nhật Thánh, trọng tâm của toàn bộ Năm Phụng vụ. Nguyện xin sự Phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô giúp anh chị em suy tư về tình yêu mà Thiên Chúa đã thể hiện cho toàn thể anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho anh chị em tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm của cái Chết và sự Phục sinh của Người, và giúp anh chị em biết lấy những tình cảm của Người trở thành của anh chị em và để chia sẻ với tha nhân.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét