Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

CHUYÊN MỤC: ‘Xin đừng quên Syria,’ Đức Hồng y Zenari lặp lại lời kêu gọi trên ZENIT

CHUYÊN MỤC: ‘Xin đừng quên Syria,’ Đức Hồng y Zenari lặp lại lời kêu gọi trên ZENITFoto: © Sana

CHUYÊN MỤC: ‘Xin đừng quên Syria,’ Đức Hồng y Zenari lặp lại lời kêu gọi trên ZENIT

Cũng như Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ với ông Assad 'mối quan ngại sâu sắc', Đức Khâm sứ tại Syria mô tả là ‘một sự thử thách đức tin rất lớn’ và những dấu chỉ của hy vọng

23 tháng Bảy, 2019 00:05

Đừng quên Syria. Vì một cơn bão lốc vẫn đang tới … Nhưng cũng đừng quên cơ hội để trở thành những người Sa-ma-ri Tốt lành, những bà Vê-rô-ni-ca lau mặt … 

Đây là lời kêu gọi của Đức Hồng y Mario Zenari, Khâm sứ tại Syria, nói với ZENIT. Ngài nói chuyện với chúng tôi trong Đại sứ quán Ý tại Tòa Thánh ở Roma, tại sự kiện với chủ đề: “Hãy mở cửa các nhà thương ở Syria: giai đoạn đầu tiên đã qua, lời kêu gọi được đổi mới,” vào ngày 31 tháng Năm, 2019, tại Palazzo Borromeo.

Đức Thánh Cha tiếp tục ‘quan ngại sâu sắc’ về cuộc khủng hoảng nhân đạo

Ngày 22 tháng Bảy, 2019, Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, cùng tháp tùng với Đức Hồng y Zenari, gặp gỡ Tổng thống Syria, Bashar Hafez Al-Assad.

Đức Thánh Cha Phanxico đã viết một lá thư mà ngài hồng y của Vatican trao cho tổng thống tại Damascus, bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” của ngài vì cuộc khủng hoảng nhân đạo trong nước, đặc biệt liên quan đến “những điều kiện kinh hoàng của các công dân ở Idlib.”

Đức Hồng y Phê-rô Parolin giải thích trong một phỏng vấn với Andrea Tornielli, Giám đốc Biên tập của Vatican, Đức Thánh Cha viết thư “để nhắc lại lời kêu gọi của ngài hãy bảo vệ sinh mạng của công dân và bảo tồn những cơ sở hạ tầng chính yếu như trường học, nhà thương, và những tiện ích về sức khỏe.”

“Những gì đang diễn ra đã quá mức chịu đựng và vô cùng tàn bạo,” Đức Hồng y Parolin nói thêm: “Đức Thánh Cha kêu mời Tổng thống làm mọi điều có thể để chấm dứt tấn bi kịch vô nhân, để bảo vệ những người dân không có khả năng bảo vệ mình, đặc biệt đối với những người dễ bị xúc phạm nhất, để tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.” Đức Thánh Cha Phanxico đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ “nước Syria thân yêu bị bủa vây” trong nhiều năm, và khởi động những sáng kiến để nâng cao ý thức, chẳng hạn như việc ăn chay cho Syria.

‘Cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong thời đại của chúng ta’

Cuộc chiến nổ ra tại Syria vào tháng Ba năm 2011 khiến cho Cao ủy Liên Hợp quốc về người Tị nạn phải gọi nó là “cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong thời đại của chúng ta.”

Theo dữ liệu năm 2016, cơ quan Liên Hợp quốc ước tính rằng tình trạng khẩn cấp về nhân đạo đã ảnh hưởng đến 13,5 triệu người Syria, trong đó có 6 triệu trẻ em. Đa phần trong số đó, tức là 9 triệu người, sống trong tình trạng mất an ninh lương thực, không được tiếp cận với những nguồn cung cấp căn bản.

Chiến dịch các nhà thương mở

Sự kiện Đại sứ quán, nơi Ký giả Cấp cao của Zenit gần đây trao đổi với Đức Khâm sứ, bắt đầu bằng những lời chào của Đại sứ Pietro Sebastiani, và các diễn giả bao gồm: Đức Hồng y Mario Zenari, Khâm sứ tại Damascus; Đức Hồng y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý; Đại sứ Hungary tại Tòa Thánh, Eduard Habsburg-Lotharingiai; Giovanni Raimondi, Chủ tịch Quỹ Gemelli; Emmanuele FM Emanuele, Chủ tịch Quỹ Third Pillar Quốc tế;; Giampaolo Silvestri, Tổng Thư ký Quỹ AVSI. Điều phối là Maria Gianniti, phóng viên của TG1 – ban biên tập chương trình nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng về sức khỏe trong nước đã thôi thúc Chiến dịch các Nhà thương Mở. Chiến dịch được khởi động bởi Quỹ AVSI cùng với Cor Unum và Gemelli, vào cuối năm 2016, với mục tiêu phát triển những hoạt động của ba nhà thương phi lợi nhuận của Syria.

Theo trang web của Quỹ AVSI, nó là một trong 16 tổ chức quốc tế hiện diện tại Syria, hoạt động trên một số mặt trận để hỗ trợ cho người dân Syria. Ở Damascus có những hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em, và ở Aleppo hỗ trợ cho công cuộc của Custodia Terra Sancta.

Website cho biết, “Công cuộc này là rất cần thiết trước cuộc khủng hoảng về sức khỏe chưa từng xảy ra: gần 11,5 triệu người, trong đó 40 phần trăm là trẻ em, không nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp,” và chỉ ra rằng: “Ở Aleppo, hơn 2 triệu người không tiếp cận được các nhà thường, ở Damascus, là hơn một triệu người. Hệ thống y tế không thể đương đầu được với yêu cầu cho sự chăm sóc và các gia đình không thể chi trả các hóa đơn viện phí của họ.”

Một cơn cuồng phong khác sắp đến

Đức Hồng y nói với ZENIT và các nhà báo công nhận rằng trong các cuộc xung đột khác, trong các quốc gia và vùng miền khác, chúng thường thu hút được sự chú ý của truyền thông trong một thời gian, rồi sau đó biến mất. Ngài nói, “Việc này gây hại rất lớn — bị lãng quên.”

Lưu ý rằng Syria đã bước vào năm thứ chín của chiến tranh, ngài than thở rằng sự chú ý của truyền thông đã giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng phải lường trước được cơn bão lốc.

Ngài phân tích, “Tôi tin rằng một cơn bão lốc khác đang đến Syria. Và cần phải cảnh báo Cộng đồng quốc tế về những gì đang được chuẩn bị.”

“Thật đáng buồn, tôi tin rằng chúng ta sẽ lại chứng kiến những cuộc di tản của người dân. Từ đầu tháng Ba đến giữa tháng Năm có 300.000 người tị nạn của tỉnh Idlib … và sau đó là người chết, bị thương, sự hủy diệt …”

Trong toàn cõi Syria – vì cả hàng chục và hàng chục nếu không nói là hàng trăm bệnh viện đã bị phá hủy hoặc ngừng sử dụng –, thì điều đầu tiên, “trước khi xây dựng lại các tòa nhà và những cây cầu”, “cần phải xây dựng lại phẩm giá con người, thân thể của họ”, và để làm như vậy, thì “hãy chữa lành những vết thương thân xác, và cùng với những người đó, chữa lành những vết thương đạo đức.”

Lòng biết ơn rất lớn của người Ki-tô hữu và người ngoài Ki-tô giáo

Dự án “Bệnh viện Mở” là một dự án dành cho người bệnh, người nghèo thuộc bất kỳ nhóm sắc tộc hay tôn giáo nào. Ngài nói, có hai mục tiêu khi làm điều này: chữa lành những vết thương trên thân thể và cải thiện mối quan hệ giữa các sắc tộc và liên tôn giáo.

Ngài khen ngợi, “Có một số mẫu gương rất đẹp ở đây. Những nữ tu phục vụ trong ba nhà thương này kể cho tôi về những tấm gương rất đẹp về lòng biết ơn đối với những người không theo Ki-tô giáo.

“Tôi luôn suy nghĩ về Syria đáng thương — cho đến bao giờ thì đất nước mới thoát ra khỏi cơn lốc này ở Trung Đông? Một cơn lốc khủng khiếp đang hoành hành. “Chỉ cần nghĩ đến những vấn đề của câu hỏi giữa Israel và Palestine, đến những bất đồng giữa Iran và Ả Rập Saudi, những sức mạnh quốc tế vẫn hiện diện. Đây thực sự là một trận cuồng phong và Syria chính là mắt của cơn bão lốc này.”

Vì rất nhiều quốc gia thực hiện chiến tranh bằng sự ủy quyền ở Syria, nên rất khó để nói rằng Syria có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh này vào nay mai, ngài nói, “khi có một cơn bão lốc đang hoành hành trên toàn Trung Đông.”

Lời kêu gọi với ZENIT & Lòng biết ơn đối với những người Samari tốt lành, những bà Veronica, những ông Simon

Ngài đã trao đổi với ZENIT về điều này và thừa nhận rằng các biến cố trong nước đã thử thách đức tin của nhiều người, và những dấu hiệu hy vọng duy nhất thực sự “là những người Samari tốt lành” đã giúp đỡ trên đường đi.

Đức Hồng y lặp lại lời kêu gọi của mình đối với cộng đồng quốc tế: “Xin đừng quên Syria! Đừng lãng quên Syria!”

Những dấu chỉ của hy vọng, trên con đường dài lên đồi Can-vê

Ngài thừa nhận rằng sự đau khổ là không thể tả được, đặc biệt khi bạn tận mắt nhìn thấy sự chết chóc và đau khổ của các trẻ em và những bà mẹ, là “một sự thử thách lớn về đức tin.”

Tuy nhiên, ngài nói chúng ta không được quên những dấu chỉ hy vọng đó.

Ngài nói, “Có rất nhiều người Samari tốt lành, nhiều người Samari tốt lành, được tìm thấy ở Syria trên con đường dài lên đồi Calvary; nhiều người tốt đã mất mạng sống của mình. Đây là những dấu chỉ tạo hy vọng cho chúng ta.

“Có nhiều bà Veronica lau mặt cho những người nghèo này, nhiều thiện nguyện viên, nhiều người Cyrenians; những gì họ làm và đã làm phải được đề cao.”

Hạt giống nhỏ trên sa mạc, thử thách đức tin rất lớn

Hơn nữa, ngài nói với ZENIT, “tình đoàn kết, sự viện trợ là không thiếu, nhưng nhu cầu là quá lớn. Có rất nhiều hạt giống âm thầm của tình đoàn kết, những hạt giống nhỏ trên sa mạc, một ngày nào đó sẽ phát triển, và Syria sẽ trở lại xanh tươi.”

Khi ZENIT hỏi về việc cầu nguyện đã giúp ngài bền chí vượt qua tất cả những gì ngài chứng kiến, ngài nói: “Tôi đã chứng kiến quá nhiều sự đau khổ, rất nhiều cuộc nội chiến, quá nhiều sự khổ đau của trẻ em, của các bà mẹ, tôi đang tham gia vào một công cuộc phản ánh lại tất cả những sự đau khổ mà tôi đã chứng kiến thấy, hai mươi năm đau khổ, và Chúa ban cho tôi sự sống; những năm đó sẽ giúp tôi suy nghĩ lại, hiểu cách cố gắng để thấu hiểu.

“Đau khổ là một sự thử thách, và sự đau khổ của trẻ em, của những người vô tội, nó là một sự thử thách lớn của đức tin.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét