Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Đức Hồng y Turkson: ‘Nơi nào không có việc làm, nơi đó không có sự phát triển’

Đức Hồng y Turkson: ‘Nơi nào không có việc làm, nơi đó không có sự phát triển’
Card. Turkson, May 3, 2019 © Vatican Media

Đức Hồng y Turkson: ‘Nơi nào không có việc làm, nơi đó không có sự phát triển’


Thông điệp từ ngài Tổng trưởng Bộ Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện nhân Ngày Du lịch Thế giới 2019
24 tháng Bảy, 2019 19:04

Dưới đây chúng tôi đăng Thông điệp của Đức Hồng y Phê-rô Kodwo Appiah Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện, nhân Ngày Du lịch Thế giới được mừng hàng năm vào ngày 27 tháng Chín:


Thông điệp

“Du lịch và Việc làm: Một Tương lai Cho Tất cả Mọi người” là chủ đề của Ngày Du lịch Thế giới được kỷ niệm vào ngày 27 tháng Chín, và được thúc đẩy bởi Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp quốc (UNWTO). Nó là chủ đề nhắc lại sáng kiến: “Tương lai của Việc làm,” được mong muốn bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), là tổ chức năm nay sẽ kỷ niệm một trăm năm.

Cơ hội để đưa ra chủ đề du lịch xuất phát từ tầm nhìn của việc làm dường như rất thích hợp, trước những vấn đề then chốt đã bén rễ sâu và đang phát triển là đặc trưng cho chiều kích việc làm trong cuộc sống đối với tất cả mọi người, trên mọi vùng miền. Không thể đạt được những mục tiêu cho hy vọng một nền hòa bình, an ninh, thăng tiến xã hội, và bao gồm nếu cam kết chung để bảo đảm có việc làm xứng đáng, công bằng, tự do cho mọi người bị từ chối, được xây dựng vì con người và những nhu cầu căn bản cho sự phát triển con người toàn diện của họ. Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Lao động là thích đáng với nhân vị. Nó thể hiện phẩm giá của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”[1]. Nơi nào không có lao động, nơi đó không thể có sự phát triển, và chắc chắn không thể có một tương lai tốt đẹp hơn. Việc làm, không chỉ là sự cam kết nhưng còn là cách để con người kiện toàn bản thân trong xã hội và trong thế giới, là một phần quan trọng trong việc quyết định sự phát triển toàn diện, bất kể là đối với con người hoặc với cộng đồng mà người đó sống.

“Chúng ta được kêu gọi để làm việc từ khi chúng ta được tạo dựng,” Đức Thánh Cha Phanxico viết trong Tông huấn Laudato Si’, nhận xét rằng “Việc làm là một sự cần thiết, nó là một phần của ý nghĩa cuộc sống trên dương thế, là một cách để trưởng thành, để phát triển con người và để kiện toàn cá nhân.” [2] “Không có việc làm — ngài lặp lại trong Thông điệp Video gửi đến các tham dự viên trong Tuần Xã hội lần Thứ 48 của giới Công giáo Ý (Cagliari, 26-29 tháng Mười, 2017) — thì không có phẩm giá.”

Như được viết trong “Trích yếu Giáo hội Công giáo” nói, “Con người là thước đo của giá trị công việc. Và, trích trong Tông huấn Laborem Exercens, ‘Thật vậy, rõ ràng công việc của con người có giá trị đạo đức của nó, được liên kết trực tiếp với thực tế rằng ai đang lao động thì đó chính là một con người.’”[3]

Liên quan cụ thể đến vấn đề du lịch, trong Sứ điệp nhân Ngày Du lịch Thế giới lần thứ 24, [4] Thánh Gioan Phaolo II cũng giải thích rằng ngành này “được coi là một cách thể hiện đặc biệt của đời sống xã hội, với ý nghĩa về kinh tế, tài chính, văn hóa và với những hệ quả quyết định cho các cá nhân và các dân tộc. Mối quan hệ trực tiếp của nó với sự phát triển toàn diện của con người, cũng như các hoạt động khác của con người, nên hướng đến việc phục vụ cho việc xây dựng nền văn minh theo ý nghĩa chân thực và đầy đủ nhất, đến việc xây dựng, cụ thể là, ‘Nền văn minh Tình yêu’ (x. Sứ điệp Sollicitudo Rei Socialisi, n. 33).”

Cho đến nay, những công việc trong lĩnh vực du lịch cũng gặp không ít vấn đề, nó bị suy giảm về tính chuyên nghiệp rất đa dạng trong các nhiệm vụ cụ thể. Những người tư vấn du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu bếp, bồi bàn và phục vụ rượu, tiếp viên hàng không, người hoạt náo, chuyên gia về tiếp thị du lịch và mạng xã hội: trong nhiều trường hợp họ làm việc trong những điều kiện bấp bênh và đôi khi bất hợp pháp, với chế độ đãi ngộ không công bằng, bị buộc phải làm những công việc kiệt sức, thường phải xa gia đình, có nguy cơ cao bị căng thẳng và phải cúi đầu tuân theo các quy tắc của một cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Và thật đáng lên án là sự bóc lột người lao động ở các nước nghèo nhưng lại có lượng khách du lịch rất cao nhờ vào gia sản về môi trường và văn hóa lịch sử đặc trưng cho họ, nơi người dân bản địa hiếm khi thu được lợi ích từ việc sử dụng những nguồn tài nguyên địa phương. Cũng không thể chấp nhận được các hành vi bạo lực chống lại những cư dân chủ nhà, hành vi xúc phạm đến bản sắc văn hóa của họ, và tất cả các hoạt động gây nên sự xuống cấp và bóc lột môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, vào năm 2003 Thánh Gioan Phaolo II đã chứng minh rằng “những hoạt động Du lịch có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đói nghèo, xét cả về quan điểm kinh tế hoặc xã hội và văn hóa. Qua việc du lịch, người ta sẽ biết được những địa điểm và hoàn cảnh khác nhau, và người ta nhận ra khoảng cách quá lớn giữa các nước giàu và các nước nghèo. Hơn nữa, các nguồn lực và các hoạt động địa phương có thể được đánh giá cao hơn, bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các phân khúc dân số nghèo nhất.”[5]

Trong mối liên quan này, một cái nhìn sâu hơn về những tiềm năng phát triển mà ngành du lịch cung cấp là điều rất đáng kể, có thể đó là về những cơ hội việc làm hoặc thăng tiến về con người, xã hội và văn hóa. Đặc biệt, các cơ hội được mở ra cho người trẻ và khuyến khích họ tham gia với tư cách là những vai chính cho sự phát triển của họ, có thể thông qua các sáng kiến tự làm chủ ở những quốc gia kém phát triển.

Dữ liệu do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố nhấn mạnh rằng trong số 11 công việc trên thế giới, có ít nhất một công việc được tạo ra bởi ngành du lịch một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, và họ ghi nhận sự phát triển không ngừng của hiện tượng, liên quan đến hàng triệu người ở mọi miền của trái đất. Có những ý kiến nói về một chu kỳ mở rộng, với ý nghĩa to lớn trên mặt bằng xã hội, kinh tế và văn hóa, đã vượt qua những kỳ vọng lạc quan nhất. Chỉ cần nghĩ đến năm 1950 lượng khách du lịch quốc tế chỉ có hơn 25 triệu, trong khi đó, trong thập kỷ tới, ước tính rằng con số có thể đạt tới 2 tỷ khách du lịch trên toàn thế giới.

Trước những thông tin này, chiều kích của sự gặp gỡ có vẻ rất đáng khích lệ đối với chúng ta, với những công việc trong ngành du lịch có thể mang lại. Các nhà điều hành của ngành ở tất cả các cấp, trong khi thực hiện các công việc hàng ngày của họ, trong nhiều trường hợp họ có cơ hội gặp gỡ những người ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, và bắt đầu có được kiến thức góp phần xây dựng bước đầu việc từ bỏ những định kiến và khuôn sáo và xây dựng những mối quan hệ thể hiện tình bạn. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về du lịch như một cơ hội để gặp gỡ, khi nói chuyện với những bạn trẻ của Trung tâm Du lịch Thanh niên vào tháng 3 năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hiệp hội. Đức Thánh Cha bày tỏ sự đánh giá cao về cam kết đầy nhiệt huyết của họ trong việc quảng bá “du lịch chậm”, “không bị khuấy động bởi những tiêu chuẩn của chủ nghĩa tiêu dùng hưởng thụ hoặc chỉ đơn thuần mong muốn tích lũy kinh nghiệm, nhưng có thể thúc đẩy sự gặp gỡ giữa những con người và lãnh thổ, và phát triển trong sự tôn trọng lẫn nhau.”[6]

Do đó, Bộ Phục vụ Sự Phát triển Con người Toàn diện lên tiếng kêu gọi tất cả các nhà quản trị và lãnh đạo các chính sách kinh tế quốc gia hãy thăng tiến công việc trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là của người trẻ. Một công việc đặt phẩm giá của con người vào trung tâm — như Ủy ban Toàn cầu về Tương lai của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) [7] đã đề ra — để chính bản thân nó trở thành một công cụ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi con người và của toàn thể nhân loại, là những người hợp sức trong việc phát triển các cộng đồng riêng lẻ, mỗi người theo những đặc thù riêng của mình, và thúc đẩy việc tạo ra các mối quan hệ của tình bạn và tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc.

Chúng tôi cam kết sự gần gũi và sự hỗ trợ của chúng tôi với tất cả những người cam kết đạt được các mục tiêu này, và chúng tôi khuyến khích các giám đốc và nhà điều hành du lịch có được nhận thức về những thách thức và cơ hội đặc trưng cho công việc trong ngành du lịch. Cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn, đặc biệt là các nhân viên mục vụ vì tất cả năng lượng bỏ ra mỗi ngày, để Lời Chúa có thể chiếu tỏa và làm sống động môi trường này của con người.

Viết từ Vatican, 23 tháng Bảy, 2019

Phê-rô K. A. Turkson, Hồng y Tổng trưởng

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[1] Phanxico, Bài giáo lý trong Buổi Tiếp Kiến Chung, 15 tháng Tám, 2015.

[2] Phanxico, Tông huấn Laudato Si’, 24 tháng Năm, 2015, s. 128.

[3] Trích yếu Giáo lý Xã hội của Giáo hội, s. 271.

[4] Gioan Phaolo II, Sứ điệp Ngày Du lịch Thế giới lần thứ 24, 2003.

[5] Nt.

[6] Phanxico, Huấn từ Tiếp kiến các Giám đốc và Thành viên của Trung tâm Du lịch Thanh niên, 22 tháng Ba, 2019.

[7] “Việc làm cho một tương lai tốt đẹp hơn,” Báo cáo của của Ủy ban Toàn cầu về Tương lai Việc làm, 22 tháng Năm, 2019; đăng trên trang; https://www.ilo.org/rome/risorse-informative/comunicati-stampa/WCMS_664152/lang–it/index.htm


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/7/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét