Vatican Media Screenshot
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu
‘Đó là một sự đối thoại giữa những người yêu nhau, một sự đối thoại đặt trên niềm tin tưởng, thể hiện qua việc lắng nghe và mở lòng cho cam kết của tình đoàn kết’
28 tháng Bảy, 2019 16:01
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha ngày 28 tháng Bảy năm 2019, trước và sau giờ đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong trang Tin mừng hôm nay (x. Lc 11:1-13), Thánh Lu-ca tường thuật lại tình huống Chúa Giê-su dạy “Kinh Lạy Cha” cho các môn đệ của Người. Họ đã biết cách cầu nguyện, đọc theo những công thức của truyền thống Do Thái, nhưng họ cũng muốn sống theo cùng một “giá trị” như việc cầu nguyện của Chúa Giê-su. Họ nhìn thấy rằng cầu nguyện là một chiều kích quan trọng trong đời sống của Thầy; thật vậy, mỗi hoạt động quan trọng của Người đều được đánh dấu bằng những khoảng thời gian cầu nguyện kéo dài. Hơn nữa, họ bị cuốn hút vì họ thấy rằng Người không cầu nguyện giống như những bậc thầy cầu nguyện khác, nhưng việc cầu nguyện của Người là một mối dây ràng buộc thân tình với Chúa Cha, đến mức họ muốn trở thành những người được dự phần trong những giây phút hiệp nhất với Thiên Chúa để nếm trải sự ngọt ngào tuyệt đối của nó.
Vì thế, một ngày kia, đợi khi Chúa Giê-su kết thúc việc cầu nguyện của Người ở một nơi thanh tịnh, họ liền đến xin Ngài: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (c. 1). Đáp lại cho lời yêu cầu rõ ràng của các môn đệ, Chúa Giê-su không đưa ra một định nghĩa trừu tượng về việc cầu nguyện hoặc dạy một phương pháp hiệu quả cho cầu nguyện để “đạt” được điều gì đó. Thay vì vậy, Người mời các môn đệ của Người bước vào sự trải nghiệm của việc cầu nguyện, đưa họ trực tiếp đi vào cuộc đối thoại với Chúa Cha, gợi lên trong họ sự cảm mến về một mối quan hệ riêng tư với Người, với Chúa Cha. Đây là tính mới mẻ của việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu! Đó là một sự đối thoại giữa những người yêu nhau, một sự đối thoại đặt trên niềm tin tưởng, thể hiện qua việc lắng nghe và mở lòng cho cam kết của tình đoàn kết. Nó là một cuộc đối thoại của Chúa Con với Chúa Cha, một cuộc đối thoại giữa những đứa con và người Cha. Đây là sự cầu nguyện của người Ki-tô hữu.
Vì vậy, Người dạy cho cho các ông cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha,” là một trong những món quà quý giá nhất để lại cho chúng ta bởi chính Chúa trong sứ vụ nơi dương thế của Người. Sau khi mạc khải mầu nhiệm Chúa Con và tình anh em của Người, với lời cầu nguyện này Chúa Giê-su là cho chúng ta đi vào tình phụ tử của Thiên Chúa và Người chỉ cho chúng ta con đường tín thác của cương vị làm con. Nó là một sự đối thoại giữa người Cha và đứa con của ông và giữa đứa con với Cha của nó. Những gì chúng ta xin trong “Kinh Lạy Cha” đã trở nên hiện thực và được trao tặng cho chúng ta nơi Người Con Yêu Dấu Duy Nhất: sự thánh hóa Danh Người, Nước Người ngự đến, xin ban lương thực, tha thứ và thoát khỏi sự dữ. Khi chúng ta xin, chúng ta mở rộng tay để đón nhận. Để đón nhận các ơn mà Chúa Cha đã cho chúng ta được nhìn thấy nơi Chúa Con. Lời cầu nguyện Chúa dạy chúng ta là sự tổng hợp của tất cả mọi lời cầu nguyện, và chúng ta dâng lên với Chúa Cha luôn cùng hiệp nhất với anh em. Tuy nhiên, đôi lúc có những sự sao lãng trong việc cầu nguyện, nhiều lần chúng ta cảm thấy muốn dừng lại trên lời đầu tiên: “Lạy Cha,” và cảm nhận tình phụ tử đó trong lòng mình.
Rồi Chúa Giê-su kể dụ ngôn về người bạn bị quấy rầy, và Người nói: “Cần phải kiên trì trong việc cầu nguyện.” Cha chợt nhớ đến hình ảnh về những đứa trẻ ba hoặc ba tuổi rưỡi thường làm: chúng bắt đầu hỏi điều gì đó mà chúng chẳng hiểu. Ở quê hương của cha, người ta gọi nó là “tuổi của tại sao,” cha tin rằng ở đây cũng như vậy. Những đứa con bắt đầu nhìn vào Cha của chúng và hỏi: “Ba à, tại sao? Ba à, tại sao?” Chúng đòi hỏi sự giải thích. Chúng ta phải cẩn thận: khi người Cha bắt đầu giải thích tại sao thì chúng lại hỏi một câu hỏi khác mà không lắng nghe toàn bộ giải thích. Chuyện gì xảy ra vậy? Đó tức là các đứa trẻ không cảm thấy an toàn về nhiều điều, những điều mà chúng bắt đầu hiểu từng phần. Chúng chỉ muốn thu hút cái nhìn của người Cha vào chúng và vì vậy mà chúng cứ hỏi: “Tại sao, tại sao, tại sao?” Trong Kinh Lạy Cha, nếu chúng ta dừng lại ở lời thứ nhất, chúng ta cũng sẽ làm giống như điều chúng ta làm khi chúng ta còn là trẻ thơ, muốn thu hút cái nhìn của Cha chúng ta. Chúng ta nói: “Cha ơi, Cha ơi, và rồi hỏi: “Tại sao?” Và Người sẽ nhìn đến chúng ta.
Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, người nữ của cầu nguyện, giúp chúng ta biết cầu nguyện với Chúa Cha được kết hiệp với Chúa Giê-su để sống Tin mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Sau Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến,
Cha biết được tin đau buồn của vụ đắm tàu bi thương, xảy ra trong những ngày qua trên vùng biển Địa Trung hải, trong đó hàng chục người di cư đã mất mạng sống mình, và trong số đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tôi thiết tha lặp lại lời kêu gọi với Cộng đồng Quốc tế hãy hành động nhanh chóng và dứt khoát để tránh lặp lại những thảm kịch tương tự và để bảo đảm sự an toàn và phẩm giá cho tất cả mọi người. Cha mời gọi anh chị em hãy cùng với cha cầu nguyện cho các nạn nhân và cho gia đình của họ. Và từ tận sâu thẳm tâm hồn thưa lên: “Cha ơi, tại sao?” [Một phút thinh lặng]
Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương của Ý và nhiều nơi trên thế giới: các gia đình, các nhóm giáo xứ và các hội đoàn.
Đặc biệt, cha xin chào các Nữ tu Dòng Thánh Elizabeth đến từ nhiều quốc gia, Tổ chức AVART Quốc tế về Nghệ thuật và Văn hóa Mexico của Puebla, Mexico, và các bạn trẻ của giáo xứ Thánh Rita Turin. Cha có nhìn thấy cờ Uruguay, nhưng cha không nhìn thấy người! Xin chào mừng! Cha cũng gửi lời chào nhiều anh chị em người Ba Lan mà cha nhìn thấy ở đây với những lá cờ và nhóm người nói tiếng Tây Ban nha.
Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/7/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét