Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

PHỎNG VẤN: Giám mục của Baghdad: Cho dù có ‘sự khủng hoảng đức tin’ hôm nay, chuyến thăm đầu tiên của Đức Giáo hoàng đến Iraq sẽ là nguồn ‘niềm vui lớn’

PHỎNG VẤN: Giám mục của Baghdad: Cho dù có ‘sự khủng hoảng đức tin’ hôm nay, chuyến thăm đầu tiên của Đức Giáo hoàng đến Iraq sẽ là nguồn ‘niềm vui lớn’
Pope's Arrival - Vatican Media Photo

PHỎNG VẤN: Giám mục của Baghdad: Cho dù ngày nay có ‘sự khủng hoảng về đức tin’, chuyến thăm đầu tiên của Đức Giáo hoàng đến Iraq sẽ là ‘niềm vui lớn’

Cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề với Đức Giám mục phụ tá của giáo hội Can-đê của Baghdad, Đức Giám mục Robert Saeed Jarjis, với ZENIT tại Trung Đông

23 tháng Tám, 2019 10:19

Chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến Iraq sẽ là một chuyến đi đầu tiên của lịch sử, và nhiều người mong chờ Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đi vào năm tới.

Vào tháng Sáu chính Đức Giáo hoàng người Argentine đã bày tỏ mong muốn của ngài đến thăm dân tộc bị chiến tranh xé tan vào năm 2020. Cho đến thời điểm này, do những lo ngại về sự an toàn, một chuyến đi như vậy được cân nhắc là không thể thực hiện được.

Người Ki-tô hữu Iraq đã di cư từng đoàn từng đoàn sau sự bách hại khổng lồ người Ki-tô giáo và các tôn giáo thiểu số bởi Nhà nước Hồi giáo. Trong khi nhiều người vẫn muốn quay trở lại quê hương, và các tổ chức quốc tế như tổ chức của giáo hoàng Aid to the Church in Need (Cứu trợ Giáo hội thiếu thốn), đã có những cố gắng lớn tái xây dựng lại Đồng bằng Ni-ni-vê, nhiều người Iraq không còn tin rằng họ có thể an toàn xây dựng lại mọi thứ cho bản thân ở đó, và đang chờ đợi sự chào đón tại những vùng đất láng giềng, và trong những đất nước xa xôi như Úc, Canada và Hoa Kỳ. Nhiều người tị nạn Iraq bày tỏ điều này với ZENIT ở Jordan.

Trong một phỏng vấn dành riêng cho ZENIT tại Trung Đông, Giám mục Phụ tá của Tòa Thượng phụ Can-đê Babylon, ở Baghdad, Iraq, Đức Giám mục Robert Saeed Jarjis, thảo luận về tất cả các khía cạnh này và nhiều vấn đề khác.

“Ngày nay đức tin đang trong cuộc khủng hoảng, vì những gì xảy ra đã làm tổn thương tâm hồn không chỉ của người Ki-tô hữu,” Đức GM Phục tá của Baghdad nói với ZENIT, đề cập đến cả Yazidis, một nhóm thiểu số khác của Iraq. “Có những ngôi làng phải xây dựng lại hoàn toàn, không có sẵn nước sinh hoạt, không có việc làm,” ngài nói và đặt câu hỏi làm sao người ta có thể ở được một nơi thiếu những yếu tố như vậy … 

Tuy nhiên, ngài đồng thời bày tỏ niềm vui mừng lớn của tất cả người dân Iraq thuộc nhiều tôn giáo và nhóm trước triển vọng vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm đất nước.

Vào khoảng Giáng sinh năm 2018, Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc Vụ khanh, đã đến thăm Iraq, nhưng vào lúc đó, trong chuyến trở về Roma, đã cho biết những điều kiện vẫn chưa thuận lợi cho Đức Giáo hoàng đến thăm. Tuy nhiên, kể từ đó Đức Phanxico bày tỏ mong ước được đến vào năm 2020.

“Một suy nghĩ liên tục đeo đuổi làm tôi nghĩ đến Iraq – là nơi tôi muốn đến vào năm tới – để hướng đến sự cộng tác hòa bình và chia sẻ trong công cuộc xây dựng ích chung cho mọi thành phần tôn giáo của xã hội, và để nó không còn rơi vào những căng thẳng xuất phát từ những xung đột không bao giờ chấm dứt của các thế lực trong khu vực,” ngài nói với Đại hội Họp mặt các Cơ quan Cứu trợ các Giáo hội Đông phương tại Vatican.

Deborah Castellano Lubov, Phóng viên Vatican cấp cao của Zenit, gần đây có mặt tại Amman, Jordan, để phát biểu và tham dự hội nghị quốc tế “Truyền thông và vai trò của nó trong việc bảo vệ sự thật,” phản ánh về cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và dân tộc tại Trung Đông. Hội nghị được thúc đẩy bởi hội đồng các Tòa Thượng phụ Công giáo Đông phương, Trung tâm các môn học và truyền thông Công giáo ở Jordan, cùng cộng tác với Diễn đàn Đối thoại và Hợp tác giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và các học viện của Thế giới Ả-rập” và Văn phòng Du lịch Jordan, diễn ra vào cuối tháng Sáu năm 2019.

Đức Thánh Cha Phanxico đã đến thăm Jordan khi ngài đến Đất Thánh năm 2014, đến viếng địa điểm chịu Phép Rửa của Chúa Giê-su dọc theo Sông Jordan. Đức Phanxico thực hiện điều đó theo sau những bước đi của Đức Benedict XVI (2009) và Thánh Gioan Phaolo II (2000). Jordan, với đa phần dân số theo Hồi giáo, trong đó Công giáo chiếm không đầy 1%, nổi tiếng là một đất nước hòa bình và khoan dung ở Trung Đông.

Đức Thánh Cha cũng nhận lời mời của Giáo hội và Nhà nước Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất đến thăm Abu Dhabi để tham dự hội nghị liên tôn ngày 3-5 tháng Hai, 2019, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến Bán đảo Ả-rập. Trong cuộc gặp gỡ, ngài đã ký một “Văn kiện chung về Tình Huynh đệ Nhân loại: cho nền hòa bình thế giới và sống chung” với Đức Đại Imam của Đại học Al Azhar Al Tayyeb.

Tuy nhiên, Iraq có một kinh nghiệm khác với Jordan và Các Tiểu Vương quốc, đầy chiến tranh, bách hại và đau khổ, và vẫn đang nằm trong các vấn đề nghiêm trọng đó, trong đó có cả sự phân biệt đối xử chống lại người Ki-tô hữu trong đời sống hàng ngày.

Trong phỏng vấn dưới đây với ZENIT, Đức GM Jarjis đi sâu vào tình hình hiện tại của Iraq, người Ki-tô hữu như thế nào và tập trung vào chuyến đi đầu tiên được dự đoán rất nhiều của một Giáo hoàng đến Iraq – dù Vatican vẫn chưa khẳng định điều đó. Iraq là nơi, trong thành phố Ur, quê hương của những nguồn cội lịch sử của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới là Ki-tô giáo, Do thái giáo, và Hồi giáo.

Ngài cũng đụng chạm đến vấn đề di cư, nhấn mạnh rằng “người Iraq, bất kể là Ki-tô hữu hay không, đều không muốn di cư vì họ không thích bị mất nguồn cội ở quê hương của họ,” vì “người Iraq yêu quê hương và văn hóa của mình.” Ngài giải thích, “Di cư, buộc chúng tôi phải cắt đứt những nguồn cội nghịch lại với ý chí của mình, là hậu quả của những vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến Iraq.”

Dưới đây là cuộc phỏng vấn dành riêng cho Zenit của Đức GM Jarjis, được thực hiện tại Amman:


***

ZENIT: Thưa Đức GM, ngày 10 tháng Sáu, trong buổi tiếp kiến với Hội đồng ROACO, Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ mong muốn đến thăm Iraq vào năm 2020. Người Iraq đón nhận tin này như thế nào? Các phản ứng ra sao?

ĐGM Jarjis (GM Phụ tá Can-đê của Baghdad): Trước hết đó là niềm vui lớn, và không chỉ là niềm vui của người Ki-tô hữu, nhưng là của tất cả mọi nhóm khác nhau trong dân tộc Iraq. Điều đầu tiên Tổng thống Barham Salih của nước Cộng hòa làm là liên lạc với Đức Hồng y Sako, Thượng phụ Babylon của Giáo hội Can-đê, để lấy tất cả thông tin liên quan đến tin đó và để biết cách xử lý một sự kiện lớn như vậy, tức là chuyến thăm của một Giáo hoàng. Ngài phải làm gì? Ngài sẽ tiến hành ra sao? Những thư mời chính thức? Những nghi thức ngoại giao theo sau, hoặc có cần thiết không?

ZENIT: Như vậy là một niềm vui cho tất cả mọi người Iraq … 

ĐGM Jarjis: Dĩ nhiên, cho người Ki-tô hữu, người Hồi giáo, người Shiite và người Sunni, và tất cả những nhóm khác, vì đó sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến Iraq. Và Iraq, nơi chôn giấu những nguồn cội lịch sử của họ – chính xác là ở Ur, với tổ phụ Abraham – của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới, Do thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo, sẽ là một chuyến đi vô cùng đặc biệt, thật vô cùng quan trọng khi được chào đón một vị Giáo hoàng ở Iraq!

ZENIT: Người Ki-tô hữu mong chờ điều gì từ chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Iraq?

ĐGM Jarjis: Tôi có thể nói đó là sự hỗ trợ cho các cộng đoàn Ki-tô hữu người Iraq, là những cộng đoàn cần rất nhiều sự hỗ trợ. Tôi nói đến sự hỗ trợ về mọi mặt, nhưng trên hết là sự hỗ trợ về tinh thần, sau tất cả những cuộc tấn công mà họ phải gánh chịu và những cuộc khủng hoảng họ đã trải qua về kinh tế, xã hội … Họ đã đau khổ quá nhiều.

ZENIT: Sau việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo, sự im lặng của truyền thông quốc tế dường như đã rơi vào Iraq … 

ĐGM Jarjis: Vì thế, được chào đón Đức thánh Cha tại Iraq là vô cùng quan trọng, để một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới đến đất nước này. Nếu còn đánh nhau chống Daesh thì dĩ nhiên sự chú ý không bị mất. Nhưng rồi giới truyền thông chuyển sang hướng khác, không còn tập trung vào những vấn đề chưa được giải quyết của Iraq. Nhưng sự đau khổ chưa chấm dứt! Trên hết, các cộng đoàn Ki-tô hữu vẫn còn nhiều thách đố phải đương đầu. Vẫn chưa có việc tái kiến thiết. Nhưng bây giờ sự chú ý của truyền thông tập trung vào các quốc gia khác trong vùng, chẳng hạn những căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Ngày nay, Iraq chỉ là hậu trường của sự chú ý của báo giới quốc tế, và chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ là cơ hội hiếm hoi để thay đổi mọi việc. Khi bày tỏ mong muốn đến thăm Iraq, Đức Thánh Cha Phanxico đã tạo được rất nhiều sự chú ý vào chúng tôi! Hãy thử hình dung ra hiệu ứng của chuyến đi, khi khao khát đó trở thành hiện thực! Nó sẽ là một món quà lớn, một ơn lớn!

ZENIT: Đức Thánh Cha Phanxico sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq, nhưng không phải là giáo hoàng đầu tiên muốn đến Iraq. Điều đó có đúng không?

ĐGM Jarjis: Đúng vậy, thậm chí Thánh Gioan Phaolo II đã muốn là một người hành hương đến Ur, đến Iraq, trong Đại Năm Thánh 2000. Nhưng trong năm đó, có nhiều thách đố cấp bách hơn phải đối mặt. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã thực hiện một cuộc hành hương “tượng trưng” đến Ur từ Vatican, trong Khán phòng Phaolo VI. Tuy nhiên, mong muốn đến thăm Iraq đã nằm trong tim của các vị Giáo hoàng, thậm chí có thể là trước Đức Gioan Phaolo II. Bây giờ chúng tôi chỉ hy vọng là nó sẽ sớm diễn ra!

ZENIT: Hiện tại, nhiều sự kiện lịch sử đã xảy ra tại Iraq. Đức Cha mô tả tình hình của người Ki-tô ở Iraq hôm nay thế nào? Chúng con được biết có nhiều tổ chức, chẳng hạn như Aid to the Church in Need (Cứu trợ Giáo hội thiếu thốn), cam kết thúc đẩy sự hồi hương của những người đã di cư khỏi Iraq … 

ĐGM Jarjis: Trước hết, cộng đồng Ki-tô giáo là một phần không thể thiếu của dân tộc Iraq. Vì thế, có hai thách thức ngày nay đang phải đối mặt. Trước hết là những thách thức chạm đến và làm cho mọi người Iraq phải gánh chịu. Có thể tôi sẽ làm chị buồn cười, khi tôi nói rằng thách thức thứ nhất hiện nay là mặt trời, sức nóng, mà vào mùa hè đã lên đến gần 50 độ C (122 độ F). Nhưng đây thật sự là một thách thức, hậu quả đến từ việc môi trường đã bị đối xử như thế nào trong quá khứ. Mọi người Iraq đều phải gánh chịu sự hờ hững đối với môi trường trong những năm gần đây.

ZENIT: Và những thách thức cụ thể đối với người Ki-tô hữu Iraq?

ĐGM Jarjis: Có những ngôi làng Ki-tô giáo trong Đồng bằng Ni-ni-vê vẫn chưa được tái xây dựng. Vì vậy, tôi cho rằng ý chí, khao khát đến thăm Iraq của Đức Giáo hoàng sẽ đánh thức sự chú ý của thế giới đối với Iraq và đối với người Ki-tô hữu trong đất nước đã đánh bại nhóm Daesh, họ vẫn đang phải đối mặt với những thách thức khác. Đối với những người Ki-tô hữu trẻ – nhưng vấn đề này cũng là vấn đề của mọi người – việc làm là một thách thức. Những người có thể đầu tư vào một hoạt động kinh tế nào đó, và từ đó tạo ra việc làm, nói chung không muốn làm, vì truyền thông luôn luôn lan truyền những tin xấu về Iraq. Tình hình Iraq ngày nay có thể đầu tư vào các hoạt động kinh tế, rõ ràng là phải cẩn thận, khôn ngoan. Từ đó, người trẻ, bất kể là Ki-tô hữu hay không, sẽ có hy vọng tìm được một việc làm. Nhưng mọi người bây giờ đang khao khát có một việc làm ổn định, nhưng chính quyền không thể cung cấp việc làm cho mọi người!

Rồi người Ki-tô hữu, cũng nói về vấn đề công việc, đôi khi chịu sự đối xử khác với những người khác, thậm chí là không được cởi mở. Nếu một văn phòng ở đó tìm một người vào vị trí công việc cấp cao, chẳng hạn một giám đốc, thì luôn có những giới thiệu từ các bên này bên kia, cho dù người được đưa vào không có khả năng thực hiện được trách vụ. Ngược lại, người Ki-tô hữu chẳng có ai để đề cử, họ cảm thấy bị cô lập, cho dù họ thường có bằng cấp và sự đào tạo tốt hơn. Họ làm việc trung thực, không gây ra các vấn đề … tại sao họ lại không bao giờ có cơ hội làm việc? Điều này hàm ý nói về một vị trí cao, với mức lương cao hơn, nhiều phụ cấp hơn … 

ZENIT: Liệu thật sự vẫn còn sự nguy hiểm bị bách hại đối với một người Ki-tô hữu hồi hương về Iraq sau khi đã bỏ trốn?

ĐGM Jarjis: Bách hại chính thức thì không, cụm từ này nghe có vẻ hơi quá nghiệt ngã, hơi quá. Tuy nhiên, chắc chắn là có vấn đề khủng hoảng đức tin ngày nay, vì những gì xảy ra đã làm tổn thương tâm hồn không chỉ của người Ki-tô hữu. Tôi cũng đang nghĩ đến người Yazidis, là một nhóm thiểu số người Iraq khác. Và như tôi đã nói, có những ngôi làng cần phải xây dựng lại toàn bộ, những nơi không có sẵn nước, không có việc làm … Làm sao anh có thể sống ở một nơi nào đó nếu anh không có việc làm? Đó là chưa nói đến việc có một căn nhà. Đây là những vấn đề thực tế, dĩ nhiên, nói về vấn đề bách hại thì không thể, nhưng đây là tình hình thực tế.

ZENIT: Liệu việc di cư của người Ki-tô hữu Iraq ra nước ngoài có tạo nên những nguy cơ cho sự tồn tại của các giáo hội Ki-tô giáo ở Iraq không? Và phải dừng lại bằng cách nào?

ĐGM Jarjis: Chúng tôi cần phải đối mặt với nó một cách khôn ngoan, để có được một số kết quả thực tế, và không quên rằng trong số những nguyên nhân thì chúng ta cũng phải nói lên sự thật rằng quá nhiều người Ki-tô hữu đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Trước hết, tôi cho rằng chúng ta cần phải bắt đầu công cuộc tái xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa những thực thể sắc tộc và tôn giáo khác nhau tạo thành nên dân tộc Iraq. Có thể ngăn lại việc di cư ra nước ngoài. Nếu một người Iraq phải chọn việc cắt đứt nguồn cội của họ ở quê hương, thì đó là vì những lý do nghiêm trọng. Người Iraq, bất kể là Ki-tô hữu hay không, không di cư vì lý do người đó muốn cắt bỏ nguồn cội ở quê nhà. Hoàn toàn không! Người Iraq yêu quê hương và văn hóa của họ. Sự di cư, điều bắt buộc chúng ta phải cắt đứt nguồn cội ngược lại với ý muốn, là hậu quả của những vấn đề nghiêm trọng khác đang ảnh hưởng đến Iraq. Và nguyên nhân đầu tiên, tôi xin lặp lại, là việc làm, là một phương tiện để con người nhận ra được bản thân. Chúng ta hãy nghĩ đến một người trẻ thất nghiệp muốn kết hôn, làm sao anh ta có thể thực hiện được?

ZENIT: Những người Iraq đã di cư ra nước ngoài có thể đóng góp những gì cho sự phát triển của đất nước?

ĐGM Jarjis: Tôi đang nghĩ đến việc tạo ra các nhóm người di dân Iraq, ở ngoài Iraq, để đưa họ về Iraq để đến lượt họ tiếp tục tạo ra các nhóm nhỏ khác bằng cách truyền cho họ những kỹ năng và kiến thức họ đã tiếp thu được ở nước ngoài. Thật sự là với công cuộc như vậy, nếu được bắt đầu từ hôm nay sẽ tạo ra những kết quả trong năm, mười năm, nhưng nếu hôm nay chúng ta không bắt đầu thì vấn đề di cư sẽ không bao giờ dừng lại.

ZENIT: Khi Đức Cha nói về niềm tin bị tổn thương, ý cha muốn nói điều gì?

ĐGM Jarjis: Tất cả các thành phần cấu thành nên dân tộc Iraq đều bị tổn thương, tất cả họ! Nhưng việc tái xây dựng niềm tin này vẫn chưa được bắt đầu theo một cách “có tổ chức.” Có những tiếng nói lên tiếng về việc tái xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau, sự chung sống hòa bình, nhưng để thật sự hiểu được cách thực hiện nó thì cần phải có sự khôn ngoan rất lớn.

ZENIT: Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Đại Imam Al Tayyeb ở Abu Dhabi nói rất nhiều về “quyền công dân”, một vấn đề then chốt ở Iraq. Văn kiện này đã có tác động gì đối với Iraq? Nó có được phổ biến, đọc, hay thảo luận không?

ĐGM Jarjis: Thật đáng tiếc, văn kiện Abu Dhabi chưa được phổ biến rộng rãi và được đánh giá nghiêm túc. Giáo hội Công giáo đã cố gắng phổ biến và phát hành nó, tôi phải đặc biệt nhắc đến công cuộc của Đức Hồng y Thượng phụ Sako đã công bố nó. Nhưng báo chí Ki-tô giáo ở Iraq vẫn không đủ mạnh và có sức lan tỏa.

ZENIT: Nhưng nó có được miễn phí không?

ĐGM Jarjis: Hoàn toàn miễn phí, nhưng đôi lúc phải có sự khôn ngoan. Sự thật phải được nói lên, nhưng không phải là bằng đủ mọi cách và mọi lúc. Và ở đây cần phải có sự khôn ngoan để hiểu. Quay lại với văn kiện Abu Dhabi, tôi nghĩ rằng Trung Đông sẽ thật sự hiểu được nó theo thời gian, phải từ từ, nhưng cần phải cho giới truyền thông chú ý đến nó.

ZENIT: Văn kiện được ký bởi một nhà lãnh đạo của Hồi giáo Sunni, nhưng ở Iraq, Shiites lại là đa số …

ĐGM Jarjis: Người Shiites khẳng định họ có anh em cả trong tôn giáo và tạo vật; tất cả, tức là, theo người Shiites, chúng ta là anh em trong tạo vật. Và tuyên bố này nhắc lại tiêu đề của văn kiện Abu Dhabi. Vì vậy, dù số người Shiites sống ở Iraq là rất nhiều nhưng văn kiện này chắc sẽ có một ảnh hưởng rất mạnh tại Iraq, miễn là chúng ta thực hiện nó, đem nó vào thực hành!

ZENIT: Trong suốt chuyến thăm của giáo hoàng đến Iraq, Đức Cha có thể cho biết những địa điểm nào hay những sự gặp gỡ nào sẽ không thể thiếu trong chương trình?

ĐGM Jarjis: Theo ý tôi, mong ước của Đức Thánh Cha Phanxico cũng sẽ giống như mong ước của Thánh Gioan Phaolo II là sẽ bắt đầu hành trình đến Iraq từ Ur, đó là một địa điểm thuộc sách thánh, một địa điểm chung của người Do thái giáo, người Ki-tô hữu và Hồi giáo. Đó sẽ là một cách để gửi đi thông điệp rằng nếu quá khứ của mọi người là từ Ur, thì hiện tại và tương lai cũng có thể ở đó. Sự đối thoại liên tôn phải tập trung vào những điểm chung! Rồi xem đến những gì làm chúng ta khác biệt! Và Ur là một nơi mang ý nghĩa chung.

ZENIT: Và ngoài Ur, còn những điểm dừng nào Đức Cha cho rằng quan trọng?

ĐGM Jarjis: Chắc chắn là Baghdad, để gặp gỡ các tổ chức cao cấp nhất của nhà nước. Rồi chắc chắn là Kurdistan, về phía bắc, với thành phố Erbil, như là một dấu chỉ của sự gần gũi với người Ki-tô hữu trong vùng, vì từ khi người Ki-tô hữu bị đẩy ra khỏi làng mạc của họ thì họ chủ yếu sống ở Erbil. Vì vậy, thật là tuyệt nếu Đức Thánh Cha cũng đến đó, và tôi nghĩ rằng đây không chỉ là ý của tôi, nhưng đức Thượng phụ Sako cũng có ý này. Liên quan đến những vấn đề rõ ràng này, tôi nhìn thấy trước sự chung sống hòa bình ở Iraq, sự động viên với mọi thành phần trong dân tộc Iraq trên con đường này và văn kiện Abu Dhabi như là một sự hỗ trợ trên hành trình.

ZENIT: Xin cảm ơn Đức Giám mục.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/8/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét