Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ & sự trở lại của Thánh Phaolo

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ & sự trở lại của Thánh Phaolo
Copyright: Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ & sự trở lại của Thánh Phaolo

‘Chúng ta hãy xin Chúa Cha ban cho chúng ta được trải nghiệm sự tác động của tình yêu của Người, như Thánh Phaolo đã có, một tác động duy nhất có thể biến một con tim chai đá thành con tim bằng thịt’

09 tháng Mười, 2019 14:19

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục những bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Một lợi khí Ta chọn” (Cv 9:15). Sao-lô: từ kẻ bắt đạo trở thành người rao giảng phúc âm. (Trình thuật Kinh Thánh: trích Sách Tông đồ Công vụ 9:3-6).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


*****

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bắt đầu từ chương nói về việc ném đá Stê-pha-nô, một nhân vật xuất hiện, và nhân vật đó đứng cạnh Phê-rô, hiện diện nhiều nhất và sắc bén nhất trong Tông đồ Công vụ: đó là “một thanh niên tên là Sao-lô” (Cv 7:58). Ngay từ đầu ông được mô tả là một người tán thành cho cái chết của Stê-pha-nô và muốn phá hoại Giáo hội (x. Cv 8:3); nhưng rồi ông lại trở thành một lợi khí được Chúa chọn để rao giảng Tin mừng cho người Ngoại đạo (x. Cv 9:15; 22:21; 26:17).

Với sự cho phép của thượng tế, Sa-un săn lùng người Ki-tô hữu và bắt họ. Anh chị em, những người đến từ các dân tộc bị bắt bớ bởi các nhà độc tài, thì anh chị em hiểu rõ ý nghĩa của việc săn lùng và bắt bớ đối với họ. Sa-un đã làm điều đó. Và ông làm việc đó với suy nghĩ rằng ông đang phục vụ cho Lề Luật của Chúa. Lu-ca nói rằng Sa-un “hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa” (Cv 9:1): trong ông có một hơi thở chỉ biết đến cái chết, không phải sự sống.

Thanh niên Sao-lô là hình ảnh của một sự không khoan nhượng, tức là người thể hiện sự bất bao dung đối với những người có suy nghĩ khác biệt với ông; ông tuyệt đối hóa bản sắc chính trị và tôn giáo của ông và xem người khác biệt là kẻ thù phải chống lại — một người theo hệ tư tưởng. Trong Sa-un, tôn giáo bị biến thành một hệ tư tưởng: hệ tư tưởng tôn giáo, hệ tư tưởng xã hội và hệ tư tưởng chính trị. Sau khi được Chúa Giê-su biến đổi thì ông dạy rằng trận chiến thật sự không phải “chiến đấu với phàm nhân, nhưng là [...] với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Eph 6:12). Ông dạy rằng con người không được chiến đấu chống lại con người, nhưng chống lại ác thần thôi thúc cho những hành động của họ.

Trạng thái tức giận của Sa-un — vì Sa-un rất tức giận — và trạng thái mâu thuẫn của ông mời gọi chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi sống đời sống đức tin của tôi như thế nào? Tôi có đến để gặp gỡ người khác không hay tôi chống lại người khác? Tôi có thuộc về một Giáo hội hoàn vũ không (cả người tốt và người xấu) hay tôi có một hệ tư tưởng theo sự chọn lựa? Tôi tôn thờ Thiên Chúa hay tôi tôn thờ những giáo điều? Đời sống tôn giáo của tôi như thế nào? Niềm tin của tôi vào Chúa mà tôi tuyên xưng có làm cho tôi trở nên thân thiện hoặc hiếu khách với những người khác biệt với tôi không?

Lu-ca thuật lại rằng, trong khi Sa-un toàn tâm toàn ý vào việc nhổ tận gốc cộng đoàn Ki-tô hữu, Chúa dõi theo trên con đường của ông để chạm đến tâm hồn ông và hoán cải ông trở về với Ngài. Đó là phương pháp của Chúa: Ngài chạm đến tâm hồn. Đấng Phục sinh có sáng kiến và tỏ lộ mình ra với Sa-un trên đường đi Đa-mát, trình thuật được kể lại ba lần trong Sách Tông đồ Công vụ (x. Cv 9:3-19; 22:3-21; 26:4-23). Qua hai hình thức kép “ánh sáng” và “giọng nói,” điển hình của một sự hiển linh, Đấng Phục sinh hiện ra với Sa-un và yêu cầu ông giải thích cho cơn thịnh nộ tàn sát: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9:4). Đấng Phục sinh tỏ lộ ở đây hữu thể của Ngài với tất cả những ai tin vào Ngài: tấn công một thành viên của Hội Thánh là tấn công chính Đức Ki-tô! Những kẻ áp đặt hệ tư tưởng cũng giống như vậy vì họ muốn “thanh lọc” — trong ngoặc kép — Giáo hội, là tấn công Đức Ki-tô.

Giọng của Chúa Giê-su nói với Sa-un: “Hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9:6). Tuy nhiên, khi đứng dậy, Sao-lô không còn nhìn thấy gì nữa, ông đã bị mù, và từ một con người mạnh mẽ, có uy quyền và độc lập ông trở thành người yếu đuối, cần giúp đỡ và lệ thuộc vào người khác, vì ông không thể nhìn thấy. Ánh sáng của Đức Ki-tô đã khiến ông chói mắt và làm ông bị mù: “Từ đó, từ hình thức bên ngoài ông dường như thấy được thực tại bên trong của ông là mù trước sự thật, trước ánh sáng đó là Đức Ki-tô” (Benedict XVI, Tiếp Kiến Chung, 3 tháng Chín, 2008).

Từ “thân xác đến thân xác” giữa Sa-un và Đấng Phục sinh mà sự biến đổi bắt đầu cho thấy “Phục sinh riêng” của Sa-un, chặng đường từ sự chết đến sự sống của ông, những gì trước đây là vinh quang giờ trở thành “thứ vô giá trị” phải bỏ đi, để đạt được Đức Ki-tô và sự sống trong Ngài (x. Phl 3:7-8).

Phaolo lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó Phép Rửa ghi dấu cho Sa-un, cũng như cho mỗi người chúng ta, sự khởi đầu một đời sống mới, và nó được đi kèm với một cái nhìn mới về Thiên Chúa, về bản thân ông và về người khác, những người trước là kẻ thù nay trở nên anh em trong Đức Ki-tô.

Chúng ta hãy xin Chúa Cha ban cho chúng ta được trải nghiệm sự tác động của tình yêu của Người, như Thánh Phaolo đã có, một tác động duy nhất có thể biến một con tim chai đá thành con tim bằng thịt (x. Ez 11:15), có khả năng đón nhận cho mình “những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Phl 2:5).

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/10/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét