Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Đức Hồng y Parolin đánh dấu Ngày Quốc tế Loại trừ Hoàn toàn Vũ khí Nguyên tử

Đức Hồng y Parolin đánh dấu Ngày Quốc tế Loại trừ Hoàn toàn Vũ khí Nguyên tử
Copyright © 2019 Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, All Rights Reserved.

Đức Hồng y Parolin đánh dấu Ngày Quốc tế Loại trừ Hoàn toàn Vũ khí Nguyên tử

Phiên họp cấp cao ngày 26 tháng Chín tại Liên Hợp quốc

27 tháng Chín, 2019 16:44

Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Vatican, nhấn mạnh mong muốn của Tòa Thánh đối với việc loại bỏ vũ khí nguyên tử. Diễn văn của ngài trong Phiên họp Toàn thể Cấp cao để kỷ niệm và thúc đẩy Ngày Quốc tế Loại trừ Hoàn toàn Vũ khí Nguyên tử tại Liên Hợp quốc ở New York.


Dưới đây là toàn văn diễn văn của Đức Hồng y;

Thưa ông Chủ tịch,

Phái bộ Tòa Thánh xin chào mừng nhân dịp Phiên họp Toàn thể Cấp cao để lặp lại sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc loại trừ tất cả các vũ khí nguyên tử. Đứng trước tình hình hiện tại thiếu vắng những đàm phán nhằm mục tiêu đạt được thậm chí chỉ những bước đi khiêm tốn nhất hướng đến mục tiêu an ninh toàn cầu vô cùng quan trọng này, sự an toàn cho mỗi người chúng ta và cho mọi người trong cộng đồng các dân tộc toàn cầu, Phiên họp Chung này là vô cùng phù hợp. Điều quan trọng chính yếu là các nhà lãnh đạo toàn cầu, ở những cấp cao nhất, phải mạnh mẽ lên tiếng nói thúc giục các Chính phủ phải thực hiện những bước đi tiếp theo hướng đến việc loại trừ vũ khí nguyên tử để bắt đầu ngay từ bây giờ, không phải là một thời điểm tương lai mơ hồ nào đó và cũng không chờ đợi một nền hòa bình quốc tế “lý tưởng” nào đó và rồi tình hình an ninh sẽ xuất hiện.

Tháng Mười Một năm 2017, trình bày tại hội nghị chuyên đề tổ chức tại Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxico đã làm rõ vị trí của Tòa Thánh về vũ khí nguyên tử, khi ngài nói, “việc đe dọa sử dụng chúng, cũng như việc sở hữu, phải bị lên án mạnh mẽ. Vì chúng được đưa ra để phục vụ cho tâm lý sợ hãi làm ảnh hưởng không chỉ các bên liên quan trong cuộc xung đột nhưng toàn thể nhân loại. Những mối quan hệ quốc tế không thể bị giam hãm dựa trên sức mạnh quân sự, đe dọa lẫn nhau và những cuộc diễu hành phô trương các loại vũ khí dự trữ. Những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí nguyên tử, chẳng xây dựng nên điều gì ngoài cảm giác an toàn giả tạo. Chúng không thể góp phần xây dựng nền móng cho sự chung sống hòa bình giữa các thành viên của gia đình nhân loại, điều đáng lý phải được truyền cảm hứng bởi một nền luân lý đạo đức của tình đoàn kết.”

Tòa Thánh rất tiếc phải nói đến, cùng với nhiều vấn đề khác, sự thất bại của Hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung, sự thất bại không đạt được hiệu lực của Hiệp ước Cấm thử Nguyên tử Toàn diện, sự bất lực của Hội nghị Giải trừ Quân bị để bắt đầu những đàm phán về lệnh cấm sản xuất nguyên liệu phân hạch cho vũ khí nguyên tử, cái được gọi là “sự hiện đại hóa” của vũ khí nguyên tử và những hệ thống chuyển giao, và những bất ổn trong việc thực hiện Chương trình Hành động Toàn diện Chung. Tất cả những điều đó là các dấu hiệu đáng lo ngại về sự tiếp tục xói mòn của chính sách hợp tác đa phương và của trật tự đặt trên những quy ước.

Tòa Thánh vui mừng nhận thấy con số ngày càng nhiều những Chính phủ thông qua Hiệp ước Cấm Vũ khí Nguyên tử (TPNW) và khuyến khích các Chính phủ đã ký nhanh chóng thông qua nó. Chỉ bằng cách gắn kết trong sự chân thành, trung thực và đối thoại hiệu quả, thì mới có hy vọng rằng các Chính phủ khác xây dựng được niềm tin cần thiết để ký và thông qua văn kiện này. Chúng tôi tin rằng Hiệp ước là một bước đi quan trọng hướng tới một thế giới phi nguyên tử, và bổ sung cho Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Nguyên tử (NPT). TPNW là một kết quả của những nỗ lực từ nhiều Chính phủ và những bên liên quan nhằm thúc đẩy ý thức mạnh hơn và hiểu biết sâu hơn về những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến con người và những thảm họa về môi trường do việc sử dụng những loại vũ khí nguyên tử.

Thưa ông Chủ tịch,

Người ta có thể mất hy vọng trước những bước đi lùi, những bế tắc hoặc tiến trình rất chậm trong chương trình hành động giải trừ quân bị, đặc biệt trong khu vực giải trừ vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, sự kiên trì và lòng quyết tâm phải là đặc tính riêng biệt cho những nỗ lực chung của chúng ta để tiến đến việc loại bỏ các vũ khí nguyên tử. Chúng ta phải đưa ra mọi cố gắng để tránh việc hủy bỏ cơ cấu kiểm soát vũ khí quốc tế, đặc biệt đối với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tòa Thánh khuyến khích các Quốc gia liên quan có hành động kịp thời để gia hạn Tân Hiệp ước START vượt quá thời hạn kết thúc vào tháng Hai năm 2020. Vẫn tiếp tục hy vọng rằng cùng những Quốc gia có liên quan đó quay lại bàn để phục hồi các cuộc đàm phán về INF, ngay cả khi Hiệp ước đã hết hiệu lực. Hội nghị Giải trừ Quân bị, Ủy ban Giải trừ Quân bị của Liên Hợp quốc và tất cả các bên liên quan phải thực hiện các bước đi cụ thể để ngăn chặn việc trang bị vũ khí ngoài không gian với các rủi ro kèm theo đối với các hệ thống trọng yếu thuộc nhiều khía cạnh sự sống của chúng ta trên Trái đất. Không được để Trung Đông có nguy cơ mất ổn định hơn nữa trong việc đối phó với Chương trình Hành động Toàn diện Chung và những thách thức khác liên quan đến vũ khí. Phái đoàn của tôi cũng thúc giục sự kiềm chế và các bước đi cụ thể để giảm thiểu các mối đe dọa nguyên tử ở Bán đảo Triều Tiên và các vùng lãnh thổ xung quanh, với những nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Chúng ta phải làm việc miệt mài để khôi phục bất kỳ khả năng đối thoại nào và chống lại sự thiếu vắng niềm tin, đáng buồn nó lại là điểm đặc trưng cho tình hình giải trừ quân bị hiện nay, cũng như trong việc xây dựng an ninh chung và toàn diện của chúng ta.

Thưa ông Chủ tịch,

Vào tháng Mười Một, Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm Hiroshima và Nagasaki. Ngài sẽ không bỏ lỡ cơ hội để đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ nhất cho các bước đi phối hợp hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí nguyên tử. Chúng tôi mong muốn được đưa ra đóng góp tại Hội nghị Đánh giá lần thứ mười về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Nguyên tử vào năm tới, đây là cơ hội rất quan trọng để tất cả các quốc gia thành viên cùng hợp tác nhằm đạt được mục tiêu lâu dài về một thế giới phi vũ khí nguyên tử và để tái xây dựng sự đối thoại và niềm tin cho nền an ninh chung của chúng ta.

Cảm ơn ông Chủ tịch.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét