© Vatican Media
Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha
‘Đọc sách Tông đồ Công vụ chúng ta thấy được cách thức Chúa Thánh Thần là vai chính trong sứ vụ của Giáo hội’
30 tháng Mười, 2019 14:14
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương từ nước Ý khắp nơi trên thế giới.
Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi!” (Cv 16:9). Những vùng đất đức tin Ki-tô giáo ở Châu Âu (Trích đoạn sách Thánh: trích sách Tông đồ Công vụ, 16:9-10).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đau ngài lên tiếng kêu gọi cho tình hình ở Iraq, gửi lời chia buồn đến những nạn nhân của những cuộc biểu tình xảy ra trong nước.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Đọc sách Tông đồ Công vụ chúng ta thấy được cách thức Chúa Thánh Thần là vai chính trong sứ vụ của Giáo hội: chính Ngài là người hướng dẫn đường đi cho các nhà rao giảng phúc âm, chỉ cho họ con đường để đi.
Chúng ta nhìn thấy điều này rõ ràng tại thời điểm Thánh Tông đồ Phaolo đến Trô-a thì nhận được một thị kiến. Một người Ma-kê-đô-ni-a khẩn khoản với ngài: “Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi!” (Cv 16:9). Người dân của vùng Bắc Ma-kê-đô-ni-a tự hào về điều này, người ta rất tự hào vì mời được Phaolo để chính Phaolo là người rao giảng Đức Giê-su Ki-tô cho họ. Cha nhớ rất rõ những con người tốt lành đó đã đón nhận cha với đầy tràn sự nồng ấm: những người giữ vững Đức tin mà Phaolo đã rao giảng cho họ! Thánh Tông đồ không lưỡng lự và vội đi đến Ma-kê-đô-ni-a, quả thật chắc chắn là như vậy, Thiên Chúa là Đấng đã sai ngài đi, và ngài cập bến Phi-líp-phê, một “thuộc địa của Roma” (Cv 16:12) để rao giảng Tin mừng. Phaolo dừng lại ở đó vài ngày. Ba biến cố làm nổi bật những ngày ngài ở Phi-líp-phê, trong ba ngày đó: ba biến cố quan trọng. 1) Rao giảng phúc âm và Rửa tội cho bà Ly-đi-a và gia đình của bà; 2) ngài bị bắt cùng với Xi-la sau khi trừ quỷ cho một cô hầu gái bị bóc lột bởi những người chủ của cô ta; 3) sự hoán cải và chịu Phép Rửa của viên cai ngục và gia đình của ông ta. Chúng ta cùng nhìn đến ba biến cốnày trong cuộc đời của Thánh Phaolo.
Trước hết, quyền năng của Tin mừng được gửi đến những người phụ nữ của vùng Phi-líp-phê, đặc biệt là bà Ly-đi-a, một người buôn bán vải điều, quê thành Thy-a-ti-ra, một người tin vào Chúa với tâm hồn được Chúa mở ra để chú ý đến những lời của Phaolo” (Cv 16:14). Thật vậy, bà Ly-đi-a chào đón Đức Ki-tô, lãnh nhận Phép Rửa cùng với gia đình và đón nhận những người của Đức Ki-tô, đón Phaolo và Xi-la vào ở nhà mình. Ở đây chúng ta có bằng chứng về Ki-tô giáo tiến vào Châu Âu: khởi đầu của tiến trình hội nhập văn hóa tồn tại cho đến ngày nay. Ki-tô giáo đi vào qua ngả Ma-xê-đô-ni-a.
Sau sự đón tiếp ấm áp tại nhà bà Li-đi-a, Phaolo và Xi-la lại phải đương đầu với vị đắng của lao tù: các ông chuyển từ trạng thái an ủi qua sự trở lại của bà Li-đi-a và gia đình bà sang trạng thái cô quạnh của nhà tù, là nơi các ông bị tống giam vì đã nhân danh Chúa Giê-su giải phóng “một đầy tớ gái bị quỷ thần ốp” và “làm lợi nhiều cho các chủ của cô ta” bằng thuật bói toán (Cv 16:16). Những người chủ của cô kiếm lợi rất nhiều và người đầy tớ gái tội nghiệp này làm những điều của các kẻ bói toán làm: cô ta đoán về tương lai của con người, xem chỉ tay — như một bài hát nói: “hãy cầm lấy bàn tay của người ghíp-xi,” và người ta trả tiền cho việc đó. Anh chị em thân mến, ngày nay cũng vậy, có những người trả tiền cho điều này. Cha còn nhớ trong giáo phận của cha, trong một công viên lớn có đặt hơn 60 cái bàn nhỏ là nơi những người bói toán ngồi và xem chỉ tay và người ta tin điều này! Và họ trả tiền. Và điều này cũng xảy ra trong thời của Thánh Phaolo. Để trả thù, những người chủ của cô gái tố cáo Phaolo và dẫn các Tông đồ đến trước các nhà chức trách với cáo buộc gây rối công cộng.
Nhưng rồi chuyện gì xảy ra? Tuy nhiên, Phaolo ở trong tù, trong thời gian ở trong tù một biến cố rất bất ngờ xảy ra. Ngài ở trong tình trạng cô độc, nhưng thay vì ca cẩm về điều đó, Phalo và Xi-la đồng thanh hát ca ngợi khen Thiên Chúa và lời ngợi khen này tạo ra một sức mạnh giải thoát các ông: trong khi cầu nguyện, một trận động đất rung chuyển nền nhà tù, các cánh cửa mở toang và xiềng xích bật tung (X. Cv 16:25-26). Cũng như lời cầu nguyện trong ngày Lễ Ngũ tuần, lời cầu nguyện trong nhà tù cũng đã có những hiệu quả phi thường.
Người cai tù, nghĩ rằng các tù nhân đã chạy trốn, liền có ý định tự tử, vì các người cai ngục phải trả bằng mạng sống của mình nếu một tù nhân trốn thoát; nhưng Phaolo lớn tiếng gọi ông ta: “Chúng tôi còn ở đây mà!” (Cv 16:27-28). Rồi người cai ngục hỏi: “Tôi phải làm gì để được cứu độ?” (c. 30). Câu trả lời là: “Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ” (c. 31). Lúc này, sự thay đổi diễn ra: trong giữa đêm khuya, người cai tù lắng nghe Lời Chúa cùng với gia đình của ông, ông ta đón tiếp các Tông đồ, lau rửa các vết thương cho họ — vì các ông đã bị đánh đòn — và cùng với những người trong nhà ông đã lãnh nhận Phép Rửa; rồi “Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa” (c. 34), rồi ông dọn một cái bàn và mời Phaolo và Xi-la cùng ngồi với họ: đó chính là thời khắc an ủi! Giữa đêm đen tâm hồn của một người cai tù vô danh, ánh sáng của Đức Ki-tô chiếu tỏa và vượt qua bóng đen: những xiềng xích tâm hồn bị đứt tung và một niềm vui chưa từng có tràn ngập lòng ông và những người thân trong gia đình. Vì thế Chúa Thánh Thần thực hiện sứ mạng: ngay từ đầu, từ ngày Lễ Ngũ Tuần và từ đó về sau Người là vai chính của sứ vụ. Và Người dẫn đưa chúng ta tiến bước; chúng ta phải trung thành với ơn gọi mà Thần Khí thúc đẩy chúng ta, để rao truyền Tin mừng.
Hôm nay chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn, nhạy cảm với Thiên Chúa và hiếu khách với tha nhân, như bà Li-đi-a, và một đức tin táo bạo, như đức tin của Phaolo và Xi-la, và sự mở rộng tâm hồn, như người cai tù đã cho phép bản thân mình được chạm đến bởi Chúa Thánh Thần.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, cha day dứt về Iraq thân yêu, nơi những cuộc biểu tình xảy ra trong tháng này đã làm cho nhiều người chết và bị thương. Tôi xin gửi lời chia buồn đến các nạn nhân và tình liên đới đến các gia đình của họ và những người bị thương, tôi mời gọi các nhà Chức trách hãy lắng nghe tiếng kêu của người dân cầu xin một đời sống xứng đáng và yên bình hơn. Tôi kêu gọi tất cả người dân Iraq, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đi theo con đường đối thoại và hòa giải để tìm ra những giải pháp công bằng trước những thách thức và vấn đề của đất nước. Tôi cầu nguyện để dân tộc tử đạo có thể tìm được nền hòa bình và ổn định sau quá nhiều năm chiến tranh và bạo lực vì nó đã phải gánh chịu quá nhiều.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
© Libreria Editrice Vatican
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/10/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét