Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Ba yếu tố cần thiết để cầu nguyện sốt sắng – Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở tại Nhà nguyện Marta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Ba yếu tố cần thiết để cầu nguyện sốt sắng – Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở tại Nhà nguyện Marta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)
© Vatican Media

Ba yếu tố cần thiết để cầu nguyện sốt sắng – Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở tại Nhà nguyện Marta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Lòng tin, sự bền chí, và sự can đảm là chìa khóa, Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhấn mạnh


23 tháng Ba, 2020 12:31

Ba yếu tố cần thiết để cầu nguyện sốt sắng … 

Đức Thánh Cha Phanxico nêu lên ba yếu tố cho các tín hữu trên toàn thế giới để noi theo lời mời gọi của ngài, trong Thánh Lễ riêng thường nhật tại Nhà nguyện Thánh Marta, một lần nữa dâng cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi Coronavirus, hôm nay cầu nguyện đặc biệt cho những người đang phải gồng mình về vấn đề tài chính trong thời gian này.

“Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bắt đầu gánh chịu những vấn đề về kinh tế do đại dịch gây ra, vì họ không thể làm việc,” Đức Phanxico nhận xét: “Tất cả điều này ảnh hưởng tới gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người gặp phải vấn đề này.”

Trong bài giảng Đức Thánh Cha phân tích về Tin mừng trong ngày của Thánh Gioan, trong đó kể việc chữa lành cho đứa con của viên cận vệ nhà vua ở Ca-na miền Ga-li-lê (Ga 4:43-54), theo bản tin của Vatican News.

Sau khi người này xin Chúa chữa lành cho con trai của mình, Đức Phanxico nhắc lại rằng Chúa Giê-su “quở mắng ông ta một chút – mọi người – và kể cả ông ta … Thay vì im lặng thì viên cận vệ này lại tiếp tục nói, ‘Thưa ngài, xin Ngài xuống cho kẻo cháu nó chết mất.’”

Liền sau đó, Chúa cam đoan với người cha đang lo lắng rằng con của ông sẽ sống.

Phân tích về cách chúng ta thưa chuyện với Chúa một cách hiệu quả, và cầu nguyện, Đức Phanxico nói rằng cần có ba yếu tố, cụ thể đó là lòng tin, sự bền chí, và sự can đảm, giải thích tại sao mỗi yếu tố lại quá quan trọng.

***



***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Người cha này xin chữa lành cho con trai của ông (x. Ga 4:43-54). Chúa khiển trách tất cả mọi người một chút, và kể cả ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu” (x. c. 48). Thay vì im lặng thì viên quan hầu cận này cứ tiến tới và nói với Ngài: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất (c. 49). Và Chúa Giê-su trả lời ông ta: “Ông cứ về đi, con ông sẽ sống” (c. 50).

Đó là ba điều rất cần thiết để thực hiện việc cầu nguyện được sốt sắng. Thứ nhất là lòng tin: “Nếu con không có lòng tin … “Và rất nhiều lần, cầu nguyện chỉ là lời nói bằng miệng, nhưng nó không xuất phát từ niềm tin tưởng trong lòng; hoặc đó chỉ là một niềm tin yếu kém … Chúng ta hãy nghĩ đến một người cha khác, người cha có đứa con trai bị quỷ ám, khi Chúa Giê-su trả lời: “Mọi sự đều có thể đối với người tin”; người cha liền nói thật rõ ràng: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (x. Mc 9:23-24). Lòng tin trong việc cầu nguyện — cầu nguyện với lòng tin, bất kể khi chúng ta cầu nguyện ở bên ngoài [trong nơi thờ phụng], bất kể khi chúng ta đến đây, và Thiên Chúa ở đó: tôi có lòng tin hay không, hay đó chỉ là một thói quen? Chúng ta hãy chú ý trong lời cầu nguyện: chúng ta không được đi vào thói quen mà không ý thức được rằng Chúa đang ở đó, rằng tôi đang thưa chuyện với Chúa và rằng Người có thể giải quyết vấn đề. Điều kiện thứ nhất cho việc cầu nguyện đích thực là lòng tin.

Điều kiện thứ hai là điều mà chính Chúa Giê-su dạy cho chúng ta, đó là sự bền chí. Một số người xin nhưng ơn phúc chưa đến: họ không có được sự bền chí này, vì tận trong sâu thẳm tâm hồn họ không cần, hoặc họ không có lòng tin. Và chính Chúa Giê-su kể cho chúng ta dụ ngôn về một người gõ cửa nhà hàng xóm lúc nửa đêm để hỏi xin giúp ít bánh: kiên trì gõ cửa (x. Lc 11:5-8). Hoặc là bà góa, với quan tòa bất chính: và bà ấy nằn nì và nằn nì và nằn nì: đó là sự kiên trì (x. Lc 18:1-8). Lòng tin và sự bền gan cùng đi với nhau, vì nếu anh chị em có lòng tin, anh chị em chắc chắn rằng Chúa sẽ ban cho anh chị em điều anh chị em xin. Và nếu Chúa bắt anh chị em phải chờ, hãy gõ cửa, gõ cửa, gõ cửa cuối cùng Chúa sẽ ban ơn. Tuy nhiên, Chúa không làm điều này để làm cho Ngài được khát khao, hoặc vì Ngài nói “tốt hơn là để cho nó chờ đợi,” không phải. Người làm điều đó vì muốn tốt cho chúng ta, để chúng ta thực hiện nó nghiêm túc. Cầu nguyện nghiêm túc, chứ không phải như con vẹt: bla, bla, bla và chẳng có gì khác. Chính Chúa Giê-su khiển trách chúng ta: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời, rất nhiều lời” (x. Mt 6:7-8). Không, cần phải có sự bền chí; đó là lòng tin.

Và điều thứ ba mà Chúa muốn có trong lời cầu nguyện là sự can đảm. Có thể có người nghĩ: Có cần phải can đảm để cầu nguyện và khi ở trước Chúa không? Có chứ, sự can đảm để cầu xin và tiếp tục, và gần như … gần như — cha không dám nói là rối đạo — nhưng gần như là đe dọa Chúa. Như sự can đảm của Môi-sê trước Chúa, khi Chúa muốn phá hủy dân và đưa ông lên đứng đầu một dân tộc khác, ông nói: “Không. Con sẽ ở lại với dân” (x. Xh 32:7-14). Sự can đảm, sự can đảm của A-bra-ham, khi ông thương lượng về việc cứu thoát cho thành Sơ-đôm: “Và nếu có 30 người, và nếu có 25 người, và nếu có 20 người …” Lòng can đảm ở đó (x. St 18:22-33). Đức tính can đảm này là vô cùng cần thiết, không chỉ đối với hoạt động tông đồ nhưng cả đối với việc cầu nguyện.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ bằng việc Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời gọi các tín hữu chịu Lễ Thiêng liêng.

[Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Marta của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét