Gặp linh mục phục vụ những miền xa xôi nhất của Papua Tân Guinea
Những ngọn núi ở Papua Tân Guinea. Courtesy of Fr. Christian Sieland.
Antonio Anup Gonsalves và Kevin Jones
Kundiawa, Papua New Guinea, 9 tháng 8, 2016 / 06:01 sáng (CNA/EWTN News).- Trong những khu rừng nhiệt đới của Melanesia, một linh mục Công giáo người bản xứ Papua Tân Guinea đi bộ nhiều dặm xuyên qua các khu rừng rậm sâu hun hút. Cha leo các địa hình núi non cao vút của quốc gia để đến với đoàn chiên xa xôi trong những giáo xứ nghèo nhất vào mỗi cuối tuần.
“Những người này sống ở những nơi địa hình nhấp nhô và khó khăn. Thiên Chúa đã để họ ở đó. Đó là nhà của họ. Tất cả vật liệu để xây dựng nhà thờ từ đời cha ông của họ phải vác vai đưa tới. Họ rất tự hào có được sự hiện diện của Giáo hội trong vùng,” cha Christian Sieland nói, cha thuộc địa phận Kundiawa của Papua Tân Guinea.
“Rất nhiều người chỉ có một vài bộ quần áo hay chỉ đủ tiền để sống qua tuần. Họ có thể nghèo, nhưng họ biết ơn về tất cả những phúc lành Thiên Chúa đã ban cho họ,” cha Sieland nói với CNA.
“Họ không đói vì Chúa ban cho họ một vùng đất màu mỡ nơi họ có thể trồng hầu như bất cứ thứ gì. Họ không khát vì Chúa cho họ những dòng suối trên núi nước mát trong lành ở gần đó để lấy nước.”
Linh mục rất ca ngợi lòng hiếu khách của những người Công giáo này.
“Khi tôi là linh mục quản xứ của họ tới nhà thăm họ hay thậm chí ở qua đêm, họ cho tôi một đĩa lớn nhất đầy thức ăn, họ để tôi ngủ ở trên những giường có mùng tốt nhất của họ. Sự chăm lo và tôn trọng một linh mục ở những vùng xa xôi đó đôi lúc thực sự làm tôi rất xúc động và đôi khi làm cho tôi cảm thấy lùng túng,” cha nói.
“Nhưng làm sao bạn có thể từ chối những cử chỉ hiếu khách như vậy từ những tín hữu đơn sơ? Họ không có gì nhiều để cho, nhưng khi họ cho bạn sự ít ỏi họ có được, nó xuất phát từ tận sâu thẳm trong tim họ.”
Khoảng 30 phần trăm trong số 375.000 người của giáo phận là người Công giáo. Địa hạt của giáo phận gồm núi Wilhelm, núi cao nhất trong nước với độ cao 14.000 bộ (khoảng 4.200 m). Một số vùng quá xa đến mức người ta chưa bao giờ nhìn thấy một cái xe hơi.
Cha Sieland nói về sứ mạng của mình
“Động lực của tôi rất đơn giản. Nếu tôi là một linh mục mà không đến với những người này, vậy ai sẽ đến?” cha hỏi. “Tôi được tiến chức không phải vì mục đích này sao, cụ thể là đem các bí tích đến cho mọi người và nuôi dưỡng họ bằng lương thực linh hồn, nói cách khác là Lời Chúa, và Thánh Thể? Không có linh mục có nghĩa không có Mình Thánh, không giải tội, không có bí tích nào cả. Nếu tôi không đi, tức là tôi đang tước đi của họ quyền mà Chúa ban cho họ được nhận lãnh tất cả mọi lương thực phần hồn và những ơn lành.”
Cha Christian Sieland nói chuyện tại hội nghị ở Papua Tân Guinea. Ảnh của cha Christian Sieland.
“Làm sao tôi có thể biện minh cho mình trước mặt Thiên Chúa vì ‘không nuôi dưỡng đoàn chiên của Người, không chăm sóc đoàn chiên của Người và không nuôi nấng đàn chiên của Người?’,” cha nói và trích lời của Chúa Giê-su nói với Thánh Phê-rô.
“Thậm chí nếu chỉ có 10 người già thôi, tôi vẫn đi bộ và leo các ngọn núi và băng qua các con sông để đến với họ.”
Chính phủ Papua Tân Guinea vẫn chưa đụng chạm gì đến vùng này trong hơn 40 năm qua, từ khi có độc lập năm 1975.
“Nhưng Giáo hội đã có mặt ở đó từ khi những nhóm truyền giáo từ Dòng Lời Chúa bắt đầu rao giảng Phúc âm cho người ở đây từ những năm đầu thập niêm 1930 và 1940,” cha Sieland nói.
“Khi bạn chứng kiến đức tin tuy đơn sơ nhưng rất mạnh mẽ của người dân ở đây, và đem so sánh với niềm tin của bạn được cấp chứng chỉ, có bằng cấp, và trình độ, bạn sẽ bắt đầu khâm phục đức tin đơn sơ của ‘những con người bé nhỏ’ này nhiều nhiều hơn nữa.”
Trong những thập kỷ qua, nhiều nhà thờ kết cấu bền vững đã được xây dựng. Giáo hội Công giáo ở Papua Tân Guinea đang đang chuyển tiếp từ giai đoạn truyền giáo, nhưng đã có những thay đổi đến quá nhanh.
“Những giá trị truyền thống và của phương tây hiện đại đang va chạm nhau, và thế hệ trẻ dường như hơi bị mất phương hướng và lẫn lộn,” cha Sieland nói. “Những giá trị truyền thống tốt đẹp gần giống với những giá trị của Tin mừng đang dần dần biến mất. Trong vòng 20 năm tới những giá trị đó sẽ biến mất.”
Con số những nhà truyền giáo nước ngoài, đặc biệt từ Châu Âu, đã giảm mạnh. Ngay cả có sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo từ Úc, Ba lan, Ấn độ, và Indonesia, các linh mục địa phương vẫn không thể bố trí người trên khắp mọi khu vực mà các vị đi trước đã để lại.
“Hầu hết các giáo xứ Công giáo đều phủ trên những diện tích khổng lồ,” linh mục nói. “Thậm chí ở những vùng xa xôi nhất, bạn cũng sẽ tìm thấy một nhà thờ Công giáo nhỏ và có thể là một trường tiểu học hay trung học và một trạm cứu trợ.”
Linh mục nói rằng chính phủ đáng lẽ nên cung cấp những dịch vụ cơ bản, nhưng các nhà thờ đã phải lấp vào những chỗ trống.
Mặc dù có những nỗ lực đưa các giá trị Công giáo vào các trường học của giáo xứ, đất nước này vẫn phải đối mặt với những thách thức do lối sống của tây phương du nhập vào, công nghệ điện thoại di động và internet.
“Một trong những thách thức lớn nhất là mất những giá trị của Tin mừng như sự trung thực, sự thanh sạch, lòng tôn trọng, sự yêu thương, tính trách nhiệm và hy sinh trong gia đình, trong hôn nhân, trong giáo xứ, trong trường học, và ngoài trường học,” cha Sieland nói.
Rất nhiều giáo viên thiếu đời sống hôn nhân bền vững và phải đối mặt với các vấn đề nợ nần và rượu. Một số quản lý không đúng mục đích số tiền của nhà trường. Nhiều học sinh, về phần các em, không còn tôn trọng giáo viên và một số sử dụng ma túy và cần sa, thường ảnh hưởng đến việc học tập của các em ở trường.
Cũng có những vấn đề chính xuất phát từ văn hóa của người Melanesia. Những mối quan hệ đa thê cho thấy rất khó xóa bỏ. Cũng có một sự va chạm giữa niềm tin Ki-tô giáo và truyền thống về tà ma.
“Nếu một người ốm và chết, đặc biệt đối với những người trẻ, những người khỏe mạnh và có học, người ta liền nói đến ‘sanguma’ hay tà ma làm,” linh mục nói. “Chúng tôi vẫn có rất nhiều chuyện tà ma liên quan đến bạo lực và giết nhau ở Papua Tân Guinea, đặc biệt trong tỉnh của chúng tôi.”
“Giáo hội địa phương tìm đủ cách để đương đầu với thử thách của sự mê tín này, dạy bảo người dân và loại bỏ mê tín vào tà ma, nhưng chuyện không thể xảy ra ngày một ngày hai. Phải có thời gian.”
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/08/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét