Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Văn bản cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha với các Giám mục Ba lan

Văn bản cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha với các Giám mục  Ba lan (Phần 1)

Lòng thương xót, giáo xứ, hệ tư tưởng giới tính, di dân và các chủ đề khác
4 tháng 8, 2016
pope francis
L'Osservatore Romano
Trong suốt chuyến thăm Ba lan trong Ngày Giới trẻ Thế giới tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxico có một cuộc họp riêng hôm 27 tháng 7 với các giám mục trong nước. Thay vì một bài diễn văn nghi thức như đã lên chương trình, Đức Thánh Cha chọn cách có một buổi đối thoại thân mật.
Hôm thứ Ba, Vatican đưa ra văn bản của cuộc đối thoại này. Dưới đây là bản dịch tạm thời của ZENIT về cuộc trao đổi này.
__
Đức Thánh Cha Phanxico
Trước khi bắt đầu buổi nói chuyện, với những câu hỏi các đức cha đã chuẩn bị, cha muốn thực hiện một hành động của lòng thương xót với tất cả các đức cha và đề nghị một hành động khác. Cha biết trong những ngày này, với WYD, nhiều người trong anh em rất bận rộn và không thể đến lễ an táng của Đức ông Zimowski thân yêu. Một hành động của lòng thương xót là chôn xác người chết,và bây giờ cha muốn mọi người cùng cầu nguyện cho Đức ông Zygmunt Zimowski và đây là một cách thể hiện thực sự của tình bác ái huynh đệ, chôn người anh em đã chết. Pater noster … Ave Maria … Gloria Patri … Requiem aeternam …
Và rồi, một hành động khác của lòng thương xót mà Cha muốn đề nghị. Cha biết anh em đang rất quan tâm đến điều này: đức Hồng y Macharski, người anh em thân yêu của chúng ta đang ốm rất nặng … Ít nhất là hiệp ý về tinh thần, vì cha tin rằng chúng ta không thể vào nơi ngài đang ở, đang hôn mê, nhưng chí ít cũng tới chỗ khám bệnh, đến bệnh viện, và chạm vào bức tường và nói: “Người anh em, tôi đang ở bên anh.” Thăm người bệnh là một hành động khác của lòng thương xót. Cha cũng sẽ đi. Xin cảm ơn.
Và bây giờ, một trong anh em đã chuẩn bị câu hỏi, hay ít nhất vừa nghĩ ra. Cha đang sẵn sàng đây.
H.E. Đức ông Marek Jedraszewski (Tổng giám mục Lodz):
Thưa đức Thánh Cha, có vẻ như tín hữu của Giáo hội Công giáo và nói chung tất cả các Ki-tô hữu ở Tây Âu đang ngày càng trở nên thiểu số ở giữa một nền văn hóa vô thần đang lan rộng hiện nay. Ở Ba lan chúng con đang chứng kiến một sự đối kháng rất mạnh, một cuộc chiến khổng lồ giữa niềm tin vào Thiên Chúa về một bên, và bên kia, tư tưởng và lối sống coi như Thiên Chúa không tồn tại. Theo ý của người, thưa Đức Thánh Cha, Giáo hội Công giáo nên có những hoạt động mục vụ như thế nào ở đất nước chúng con, để người dân Ba lan vẫn giữ được lòng trung thành với truyền thống Ki-tô giáo hàng ngàn năm nay? Xin cảm ơn cha.
Đức Thánh Cha Phanxico:
Anh chị em là dân tộc được đặc ân!
Đúng vậy, trào lưu bài Ki-tô, trào lưu thế tục hóa của thế giới hiện đại đang mạnh; nó rất mạnh. Nhưng một số người bảo: Vâng, nó mạnh nhưng những hiện tượng sùng đạo có khắp đây đó, dường như ý thức về tôn giáo đang thức dậy, và điều này cũng có thể là một sự nguy hiểm. Cha tin rằng chúng ta, trong thế giới rất tục hóa này, cũng có sự nguy hiểm khác của  Ngộ đạo thuyết tâm linh: tính thế tục này cho chúng ta khả năng đi theo lối sống tâm linh phát triển theo chiều hướng Ngộ đạo. Chúng ta hãy nhớ lại dị giáo đầu tiên của Giáo hội: Thánh Tông đồ Gioan đã chống lại Ngộ đạo thuyết — và với cả một sức mạnh! – nơi đâu có sự tu đức chủ quan không dựa trên Đức Ki-tô. Đối với cha, vấn đề nghiêm trọng nhất của sự tục hóa này là phong trào bài Ki-tô: bỏ Đức Ki-tô, bỏ Ngôi Hai. Tôi cầu nguyện, và tôi biết …  và không cần gì nữa. Đây là Ngộ đạo thuyết. Cũng có thêm một dị thuyết khác đang là thời thượng trong lúc này, nhưng cha bỏ nó sang một bên vì câu hỏi của ngài đi sang hướng đó, thưa đức ông. Rồi cũng có thuyết Pelagio, nhưng chúng ta để những vấn đề này sang một bên, sẽ nói về nó một lần khác. Đi tìm Thiên Chúa mà không cần Đức Ki-tô, một dân tộc không cần Giáo hội. Tại sao? Vì Giáo hội là Mẹ, cho chúng ta cuộc sống, và Đức Ki-tô là người Anh, Con của Chúa Cha, Người làm trung gian lên Chúa Cha, chính Ngài là người hé lộ cho chúng ta danh thánh của Chúa Cha. Một Giáo hội mồ côi: đây là Ngộ đạo thuyết của ngày nay, vì quả thực nó là chủ nghĩa bài Ki-tô, không cần Đức Ki-tô, sẽ dẫn chúng ta đến một Giáo hội, chúng ta cứ dùng từ ngữ hay hơn, trở thành những Ki-tô hữu, trở thành một dân tộc mồ côi. Và chúng ta phải làm cho dân của chúng ta cảm nhận được điều này.
Cha nên khuyên như thế nào? Nó vừa đến trong đầu cha – nhưng cha tin rằng đây là việc thực hành Tin mừng, quả thật đó là lời dạy của Chúa về sự gần gũi. Ngày nay chúng ta, những tôi tớ của Thiên Chúa – các Giám mục, linh mục, giáo dân tận hiến — phải thật gần gũi với Dân Chúa. Không có sự gần gũi thì chỉ có tiếng mà không thấy người (nguyên văn tiếng Anh: words without flesh). Chúng ta hãy suy nghĩ – cha thích suy nghĩ điều này – về hai rường cột của Tin mừng. Hai rường cột của Tin mừng là gì? Đó là Tám mối phúc và sau đó là Mát-thêu 25, “bản dự thảo đầu tiên” mà dựa trên đó tất cả chúng ta sẽ bị phán xét. Tính cụ thể. Sự gần gũi. Sự tiếp xúc — những hành động của lòng thương xót, bất kể là thương hồn hay thương xác. “Nhưng bạn nói những điều này chỉ vì nói về lòng thương xót trong năm nay là rất hợp thời …” Không, đó là Tin mừng! — Tin mừng, những hành động thể hiện lòng thương xót. Đó là người Samaritano dị giáo hay ngoại đạo động lòng thương và làm những gì anh ta cần phải làm, mà còn nguy hiểm đến túi tiền của anh ta nữa! Tiếp xúc. Kia là Chúa Giê-su, Người luôn luôn ở giữa mọi người hay cùng với Chúa Cha, hoặc trong lời cầu nguyện, một mình với Chúa Cha, hay ở giữa mọi người, cùng với các tông đồ. Sự gần gũi. Tiếp xúc. Đó là đời sống của Chúa Giê-su … Khi Người động lòng thương, tại cổng thành Na-in (Lc 7:11-17), Người đã động lòng thương; người bước đến và chạm vào quan tài và nói, “Đừng khóc …” Sự gần gũi, và sự gần gũi chính là đụng chạm đến da thịt đau khổ của Đức Ki-tô.
Và Giáo hội, vinh quang của Giáo hội là các vị tử đạo, có rất nhiều những người nam, nữ từ bỏ tất cả và trải qua cuộc đời của họ trong các bệnh viện, trong các trường học, với các trẻ em, với những người đau bệnh … Cha nhớ đến một Nữ tu bé nhỏ ở Trung Phi, 83 hay 84 tuổi gì đó, gầy, tốt bụng, với một bé gái nhỏ. Vị nữ tu đến chào cha: “Con không phải ở đây; con từ bên kia sông sang đây, từ Congo, nhưng lúc nào cũng vậy, một tuần một lần, con đến đây để mua sắm vì nó thuận tiện hơn.” Nữ tu nói tuổi: 83, 84 gì đó. “Con đã ở đây 23 năm; con là một y tá sản khoa, con đã giúp hai hay ba ngàn em bé ra đời …” “Ồ, và con đến đây một mình?” “Vâng, vâng, chúng con đi ca-nô …” Nữ tu đã 83 tuổi! Bà ngồi trong ca-nô khoảng 1 tiếng đồng hồ mới tới. Người phụ nữ này – và rất nhiều người khác giống như bà – đã rời bỏ quê hương – bà là người Ý, từ Brescia đến — rất rất nhiều người đã rời bỏ quê hương để đụng chạm đến thịt da của Đức Ki-tô. Nếu chúng ta đến những quốc gia truyền giáo này, trong vùng Amazon, thuộc Châu Mỹ La tinh, chúng ta sẽ tìm thấy trong các nghĩa trang mộ của rất nhiều tu sĩ nam nữ đã chết trẻ, vì họ không có thuốc kháng sinh chống lại những căn bệnh của vùng đất đó, và họ đã chết trẻ. Những hành động của lòng thương xót: đụng chạm đến, dạy bảo, an ủi, dành thời gian. Hãy dành thời gian.
Cha rất vui, có một lần kia, một người đàn ông đến xưng tội và ở trong một tình trạng mà vì nó ông không nhận được sự xá tội. Ông đến với một chút sợ hãi, vì thỉnh thoảng ông bị đuổi đi: “Không, không … đi đi.” Vị linh mục đã lắng nghe ông, và nói với ông: “Nhưng này anh, anh hãy cầu nguyện. Chúa yêu anh, tôi sẽ chúc lành cho anh, nhưng anh phải quay trở lại, anh có hứa với tôi không?” Và vị linh mục này đã “dành thời gian” để kéo người đàn ông này trở lại với Bí tích. Đây được gọi là sự gần gũi.
Và khi nói chuyện với các Giám mục về sự gần gũi, cha nghĩ cha phải nói đến sự gần gũi quan trọng nhất: là gần gũi với các linh mục. Giám mục phải luôn sẵn sàng chào đón các linh mục của mình. Khi cha còn ở Argentina, cha nghe rất nhiều, rất nhiều lần từ các linh mục, khi cha đi cho các bài Rèn luyện (Exercises) — cha rất thích cho bài Rèn luyện — cha nói: “Hãy nói với Giám mục về vấn đề này …” “Nhưng thôi, để con gọi ngài,” và vị thư ký nói với tôi: “Không, ngài rất, rất bận, nhưng ngài sẽ tiếp cha sau 3 tháng nữa.” Vậy là vị linh mục này cảm thấy mình như người con mồ côi, không có cha, không có sự gần gũi, và linh mục bắt đầu xuống tinh thần. Người giám mục nhìn thấy những cuộc gọi trên tờ ghi chú, vào buổi tối, khi ngài trở về, khi ngài nhìn thấy cuộc gọi của một linh mục, ngài phải gọi lại ngay tối hôm đó hoặc ngày hôm sau. “Đúng, cha đang bận, nhưng nó có gấp không?” — “Không. Không, nhưng chúng ta cùng thỏa thuận nhé …” Vị linh mục cần phải cảm thấy mình có một người cha. Nếu chúng ta bỏ mất quan hệ cha con với các linh mục, chúng ta không thể đòi hỏi họ trở thành các người cha. Và như vậy là ý nghĩa của cương vị là cha của Thiên Chúa bị lấy mất. Công việc của Chúa Con là đụng chạm đến những nỗi đau khổ của loài người: cả hồn cả xác. Sự gần gũi. Công việc của Chúa Cha: hãy là cha, một cha Giám mục.
Rồi, giới trẻ, vì chúng ta phải nói về giới trẻ trong những ngày này. Giới trẻ thì “chán ngắt!” Vì họ luôn đến và nói những điều giống y như nhau, hoặc là “Con nghĩ cái này nó như vầy …” hay “Giáo hội nên ....,” và chúng ta phải kiên nhẫn với giới trẻ. Khi còn bé, cha có biết một vài linh mục: thời đó thì việc xưng tội còn thường xuyên hơn bây giờ; bỏ ra rất nhiều giờ để giải tội, hoặc tiếp giới trẻ trong văn phòng nhà xứ, để lắng nghe cùng một điều … nhưng với sự kiên nhẫn. Và rồi đưa giới trẻ về miền quê, lên núi … Hãy nghĩ đến Thánh Gioan Phaolo II, ngài đã làm gì với các sinh viên Đại học? Đúng, ngài dạy học, nhưng rồi ngài theo họ leo núi! Sự gần gũi. Ngài lắng nghe họ. Ngài ở với giới trẻ.
Và cha muốn nhấn mạnh đến một điều cuối cùng, vì cha tin rằng Chúa yêu cầu cha điều này: ông bà lớn tuổi. Quý vị ở đây, những người đã chịu đựng chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô thần, biết điều này: đó chính là nhờ ông bà — đó chính là các bà nội bà ngoại đã giữ và truyền lại đức tin. Ông bà luôn có ký ức của một dân tộc; họ có ký ức của đức tin, ký ức của Giáo hội. Đừng coi ông bà như bỏ đi! Trong cái văn hóa loại bỏ này, thực ra nó mang tính bài Ki-tô, cái gì không còn hữu dụng, cái gì không còn làm việc được là loại bỏ. Không! Ông bà là ký ức của dân tộc; họ là ký ức của đức tin. Và hãy kết nối giới trẻ với ông bà: điều này cũng là sự gần gũi — hãy gần gũi và tạo ra sự gần gũi. Đây là câu trả lời của cha cho câu hỏi này. Không có công thức nhất định nào cả, nhưng chúng ta phải bước xuống sân — nếu chúng ta ngồi chờ điện thoại reo hay tiếng gõ cửa … Không. Chúng ta phải bước ra tìm kiếm, như người chăn chiên, người đi tìm con chiên  lạc. Cha không biết nữa; nhưng điều này tự đến trong đầu cha.
Đức ông Slawoj Leszek Glodz (Tổng giám mục Gdansk):
Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, chúng con thật cảm kích vì Đức Thánh Cha suy tư nhấn mạnh thêm về giáo huấn lòng thương xót, điều mà Thánh Gioan Phaolo II thực sự đã bắt đầu tại đây ở Krakow. Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị thống trị bởi những bất công: người giàu trở nên giàu hơn, người nghèo thì thống khổ hơn; rồi nạn khủng bố, rồi có những kiểu đạo đức và luân lý tự do, bỏ qua Thiên Chúa … Và câu hỏi của con là: chúng ta có thể áp dụng giáo huấn lòng thương xót như thế nào, và đặc biệt cho ai? Đức Thánh Cha đã đưa ra một liều thuốc được gọi là “lòng thương xót,” mà chính con đã uống: xin cảm ơn người với sự giới thiệu liều thuốc ...

(Còn tiếp Phần 2 ...)



[Văn bản gốc: Tiếng Ý]  [Bản dịch của ZENIT]


[Nguồn: ZENIT]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 05/08/2016]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét