Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

PHỎNG VẤN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO

PHỎNG VẤN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
Phần 2
Nhân chuyến Tông Du của ngài đến Thụy Điển.
Ulf Jonsson S.J.
© La Civilta Cattolica
PHỎNG VẤN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
BẢN DỊCH TIẾNG ANH CỦA “LA CIVILTA CATTOLICA”

--------------------------------------------------------------

Ở  Argentina, nhóm Luther tạo thành một cộng đồng rất giới hạn. Trước đây cha có cơ hội tiếp xúc với họ không?
Có, một đôi lần. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đến một nhà thờ Luther. Đó là nhà thờ chính ở Argentina, trong Calle (Tiếng Tây Ban Nha: “đường phố”) Esmeralda ở Buenos Aires. Lúc đó tôi 17 tuổi. Tôi nhớ rất rõ ngày hôm đó. Người bạn đồng nghiệp của cha, Axel Bachmann, kết hôn. Anh ấy là chú của một nhà thần học Luther tên Mercedes Garcia Bachmann. Và cũng có mẹ của Mercedes, bà tên Ingrid, làm việc trong phòng thí nghiệm chỗ tôi làm việc. Đó là lần đầu tiên tôi tham dự một nghi lễ của Tin Lành Luther. Lần thứ hai là một trải nghiệm mạnh mẽ hơn. Dòng Tên của chúng tôi có một Phân Khoa Thần Học ở San Miguel, tôi dạy học ở đây. Gần đó, cách không đến 10 km, có một Phân Khoa Thần Học Luther. Vị mục sư trưởng khoa là một người Hungary tên Lesko Bela, một người thực sự tốt lành. Tôi có mối quan hệ rất chân tình với ông. Tôi là một giáo sư Thần Học Tu Đức. Tôi đã mời một giáo sư Thần Học Tu Đức của Phân Khoa đó, một người Thụy Điển tên Anders Ruuth, để cho những bài thuyết trình về tu đức cùng với tôi. Tôi nhớ đó là một thời gian vô cùng khó khăn cho tâm hồn tôi. Nhưng tôi rất tin tưởng vào ông và mở lòng với ông. Ông giúp tôi rất nhiều trong thời gian đó. Sau đó ông được chuyển sang Brazil — ông cũng biết tiếng Bồ Đào Nha rất giỏi — và sau đó ông lại trở về Thụy Điển. Ở đó ông xuất bản luận án chuyên môn của ông về “Giáo hội Hoàn Vũ của Nước Thiên Chúa”, mà ông đã bắt đầu ở Brazil cuối thập niên 70. Đó là một luận án phê bình. Ông viết bằng tiếng Thụy Điển, nhưng nó có một chương bằng tiếng Anh. Ông gửi cho tôi và tôi đọc chương bằng tiếng Anh đó: đó là một viên ngọc. Rồi thời gian trôi qua … Rồi lúc tôi là giám mục phó giáo phận Buenos Aires. Một ngày kia, Đức Tổng Giám mục tương lai của Uppsala lúc đó đến thăm tôi tại tòa giám mục. Đức Hồng Y Quarracino không có ở đó. Ngài mời tôi đến tham dự nghi thức phụng vụ của họ tại đường Azopardo, ở Iglesia Ndrdica trong Buenos Aires, trước đây gọi là “Nhà thờ Thụy Điển”. Tôi nói chuyện với ngài về Anders Ruuth, lúc đó đã trở lại Argentina để mừng một lễ cưới. Chúng tôi gặp nhau lần đó và cũng là lần cuối: một trong những con trai của ngài là một nhạc công — người kia là một bác sĩ — một ngày kia gọi điện cho tôi báo rằng cha anh đã qua đời.
Một chương khác trong mối quan hệ của tôi với giáo hội Luther liên quan đến Giáo hội ở Đan Mạch. Tôi có mối liên hệ rất tốt với vị mục sư lúc đó tên Albert Andersen, bây giờ ông đang sống ở Hoa Kỳ. Ông có mời tôi chia sẻ Kinh Thánh hai lần. Lần đầu tiên trong bối cảnh nghi thức phụng vụ. Lần đó khá khó khăn. Để tránh tạo ra sự lúng túng trong phần Hiệp Lễ, chúng tôi không làm nghi thức phụng vụ, nhưng chỉ có Bí tích Thánh tẩy. Sau đó mục sư có mời tôi tổ chức một hội nghị cho giới trẻ. Tôi nhớ là tôi có một cuộc thảo luận mạnh mẽ với ông vượt quãng đường dài vì lúc đó ông đã sang Mỹ. Vị mục sư mắng tôi rất nhiều vì tôi nói về một điều luật liên quan đến vấn đề tôn giáo ở Argentina. Nhưng tôi tin rằng ông la tôi một cách chân thành và thẳng thắn, như một người bạn tốt. Khi ông trở lại Buenos Aires tôi đến để xin lỗi ông, thực ra cách tôi trình bày trước đó có hơi làm mích lòng. Từ đó tôi có một tình thân tốt đẹp với mục sư David Calvo, một người Argentinia, thuộc giáo hội Iglesia Evangelica Luterana Unida. Ông cũng là một người tốt lành
Tôi cũng nhớ “Ngày Thánh Kinh,” được tổ chức ở Buenos Aires cuối tháng 9, tôi được trở lại ngôi nhà thờ đầu tiên tôi đã đến thăm lúc còn là thanh niên, ở đường Esmeralda. Và tôi đã gặp Mercedes Garcia Bachmann ở đó. Chúng tôi nói chuyện với nhau. Đó là lần gặp gỡ cuối cùng mang tính cộng đoàn với những người thuộc giáo hội Tin lành Luther lúc tôi còn là tổng giám mục của Buenos Aires. Từ đó về sau tôi vẫn có những mối quan hệ với cá nhân những người Tin lành Luther. Một người làm rất nhiều điều tốt lành cho tôi là Anders Ruuth. Tôi nghĩ đến ông ta với lòng kính mến và biết ơn. Khi đức Tổng Giám mục Giáo chủ của Giáo hội Thụy Điển đến gặp tôi, chúng tôi có nói về tình bạn đó giữa hai chúng tôi. Tôi nhớ rất rõ khi Đức Giám mục Antje Jackelen đến Vatican hồi tháng 5 năm 2015 trên một chuyến thăm chính thức. Bà có một bài diễn từ rất hay. Sau đó tôi có gặp bà nhân dịp lễ phong thánh Elizabeth Hesselblad. Rồi tôi cũng có cơ hội chào thăm chồng của bà. Họ thực sự là những người dễ thương. Rồi với cương vị giáo hoàng, tôi đến chia sẻ bài giảng tại nhà thờ Tin lành Luther ở Roma. Tôi rất ấn tượng với những câu hỏi được đặt ra: nhất là câu hỏi của một em thiếu nhi và của một phụ nữ về vấn đề đồng thông công thánh thể. Những câu hỏi rất hay và sâu sắc. Và vị mục sư của nhà thờ đó rất tuyệt vời!

Trong đối thoại đại kết, những cộng đoàn khác nhau phải được làm phong phú lẫn cho nhau bằng những truyền thống tốt đẹp nhất của họ. Giáo Hội Công giáo có thể học được gì từ truyền thống Tin Lành Luther?

Hai cụm từ xuất hiện trong đầu tôi: “cải cách” và “Kinh Thánh”. Tôi xin giải thích. Trước tiên là cụm từ “cải cách”. Ngay từ đầu, phái Luther làm một hành động cải cách trong thời gian khó khăn của Giáo hội. Luther muốn cứu vãn tình hình phức tạp. Sau đó hành động này — cũng vì những tình hình chính trị, chúng ta cũng hãy nghĩ đến cụm từ cuius  regio  eius religio (địa hạt của ai, tôn giáo của người đó) — trở thành một “tình trạng” ly khai, chứ không phải là tiến trình cải cách của toàn Giáo hội, đây là điều căn bản, vì Giáo hội là semper reformanda (luôn canh tân). Cụm từ thứ hai là “Kinh Thánh”, Lời của Chúa. Luther đã thực hiện một bước tiến lớn trong việc đưa Lời của Chúa vào tay của mọi người. Cải cách và Kinh Thánh là hai điều chúng ta có thể đào sâu bằng cách nhìn vào truyền thống của phái Luther. Tổng Công Nghị trước Cơ Mật Viện phải luôn được ghi nhớ trong đầu và làm sao để yêu cầu cải cách phải trở nên thiết thực trong các cuộc thảo luận.

Trước đây chỉ có một lần có một giáo hoàng đã đến thăm Thụy Điển và đó là Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Đó là một thời gian nhiệt thành đại kết và khát khao thẳm sâu cho sự hiệp nhất giữa Công giáo và Tin lành Luther. Từ đó phong trào đại kết dường như mất sự hăng hái và những những trở ngại mới lại nổi lên. Những trở ngại này nên phải giải quyết như thế nào? Theo ý của cha, những phương cách tốt nhất để thúc đẩy sự hiệp nhất giữa những người Ki-tô hữu là gì?

Tiếp tục đối thoại và nghiên cứu thật rõ các vấn đề của các nhà thần học. Vấn đề này thì không có gì nghi ngờ. Đối thoại thần học phải được tiếp tục, vì đó là con đường phải theo. Tôi nghĩ về những kết quả đã đạt được với tài liệu đại kết về công chính hóa bằng con đường này. Đó là một bước tiến triển rất lớn. Chắc chắn sau bước này, tôi nghĩ là bước tiến tiếp theo sẽ không dễ vì những cách hiểu khác nhau về một số vấn đề thần học. Tôi có hỏi Đức Thượng Phụ Bartholomew là những điều được kể về Đức Thượng Phụ Athenagoras có đúng không, đó là câu ngài nói với Đức Phaolo VI: “Cả hai chúng ta hãy tiến bước và chúng ta sẽ để các nhà thần học trên một hòn đảo để họ thảo luận với nhau.” Ngài nói với tôi câu đó là đúng. Nhưng, đúng, thì đối thoại thần học vẫn phải tiếp tục, cho dù nó không dễ dàng.
Cá nhân tôi tin rằng lòng nhiệt thành phải chuyển hướng sang cầu nguyện chung và hoạt động của lòng thương xót – những công việc cùng chung tay để giúp người đau bệnh, người nghèo, và người bị tù đày. Cùng làm việc chung là một hình thức đối thoại cấp cao và hiệu quả. Tôi cũng nghĩ đến giáo dục. Làm việc cùng nhau và không mang tính bè phái là vô cùng quan trọng. Có một điểm chúng ta cần phải làm rõ trong mọi trường hợp: lôi kéo người khác theo đạo trong môi trường đại kết là một tội. Đức Benedict XVI có nói với chúng tôi rằng Giáo hội không phát triển nhờ sự lôi kéo người khác theo đạo, nhưng là nhờ gương sáng. Lôi kéo người khác theo đạo là một hành động có tội. Nó giống như việc biến Giáo hội thành một tổ chức. Đối thoại, cầu nguyện, làm việc chung: đây là con đường chúng ta phải theo. Trong tinh thần đại kết người không bao giờ phạm sai lầm là kẻ thù, là ma quỷ. Khi những Ki-tô hữu bị bách hại và bị giết chết, họ được chọn vì họ là Ki-tô hữu, không phải vì họ là Tin Lành Luther, Can-vin, Anh giáo, Công giáo hay Chính thống giáo. Một tinh thần đại kết của máu đang tồn tại.
Tôi nhớ có một tình tiết quan trọng tôi đã trải qua cùng với linh mục giáo xứ Thánh Giu-se tại Wandsbek, Hamburg. Cha tiến hành điều tra án phong thánh cho các vị tử đạo bị Hitler chém đầu vì họ đã giảng dạy giáo lý. Họ bị chém đầu từng người từng người. Sau hai người đầu là người Công giáo, một mục sư Tin lành Luther cũng bị kết án cùng một tội và bị giết. Máu của ba vị hòa chung. Cha xứ nói với tôi rằng cha không thể nào tiếp tục điều tra án hai vị người Công giáo mà không có vị theo Luther. Máu của họ đã hòa chung! Nhưng tôi cũng nhớ lại lời giảng của Đức Phaolo VI tại Uganda năm 1964 có đề cập đến sự hiệp nhất, các vị tử đạo Công giáo và Anh giáo với nhau. Tôi cũng vậy, tôi có cùng một suy nghĩ khi tôi đến thăm Uganda. Điều này cũng xảy ra trong thời đại của chúng ta: Chính thống giáo, những vị thuộc giáo hội Coptic bị giết ở Libya … Đó là tinh thần đại kết của máu. Vì vậy: cầu nguyện cùng nhau, làm việc cùng nhau và thấu hiểu tinh thần đại kết của máu.
Một trong những nguyên nhân chính của sự bùng nổ liên tục trong thời đại của chúng ta là sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố được bọc trong những thuật ngữ tôn giáo. Cuộc gặp gỡ ở Assisi đã đặt một tiếng nói cho đối thoại liên tôn. Cha trải nghiệm việc đó như thế nào?
Tất cả những tôn giáo có liên lạc với Sant’Egidio đều có mặt ở đó. Tôi gặp tất cả những người mà Sant’Egidio đã liên hệ. Nhưng có nhiều quá, và sự gặp gỡ với tinh thần rất tôn trọng chứ không phải là sự tổng hợp các tôn giáo. Tất cả chúng tôi đều nói về hòa bình và cầu xin hòa bình. Chúng tôi cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ cho hòa bình, đó là điều các tôn giáo thực sự mong muốn. Anh không được gây chiến tranh nhân danh tôn giáo, nhân danh Thiên Chúa. Đó là sự phạm thượng, đó là quỷ satan. Hôm nay  tôi có tiếp khoảng 400 người ở Nice, và tôi chào thăm các nạn nhân, những người bị thương, những người mất vợ mất chồng hay con cái. Người đàn ông điên cuồng đó gây ra vụ thảm sát nhưng lại tin rằng anh ta làm điều đó nhân danh Thượng Đế. Con người tội nghiệp, anh ta đã bị loạn trí! Theo lòng bác ái chúng ta có thể nói rằng anh ta là con người bị loạn trí tìm cách đưa ra một biện minh nhân danh Thượng Đế. Đây là lý do tại sao buổi gặp gỡ tại Assisi rất quan trọng.

Nhưng gần đây cha có nói đến một hình thức khủng bố khác, đó là tin đồn. Trên tinh thần gì và bằng cách nào cha đánh bại được nó?
Đúng, có một chủ nghĩa khủng bố trong tâm hồn và kín đáo, nó là một thói quen xấu bộc lộ ra. Tôi môi tả thói quen xấu của những câu chuyện rỉ tai và tin đồn như là một hình thức của khủng bố. Nó là một hình thức của bạo lực tâm hồn mà tất cả chúng ta đều có mang trong người và nó cần phải có sự hoán cải thâm sâu. Vấn đề của sự khủng bố này là tất cả chúng ta đều có thể thực hiện được. Mọi con người đều có khả năng trở thành một kẻ khủng bố chỉ đơn giản bằng cái lưỡi. Ý tôi không nói đến những cuộc tranh cãi một cách cởi mở, như những cuộc chiến tranh. Tôi muốn nói đến sự khủng bố vụng trộm mà anh thực hiện bằng cách ném ra những từ ngữ như những “trái bom” và nó gây ra rất nhiều tội lỗi. Cội rễ của sự khủng bố này là tội căn nguyên và nó là một hình thức tội ác. Nó là cách giành lấy một không gian cho bản thân bằng việc phá hủy người khác. Do vậy, cần phải có một sự hoán cải thâm sâu của con tim để chiến thắng được cám dỗ này, và chúng ta phải tự rà soát lại bản thân rất nhiều về vấn đề này. Một lưỡi gươm giết được nhiều người, nhưng cái lưỡi chúng ta giết nhiều hơn, Thánh Gia-cô-bê Tông đồ có nói đến nó trong chương ba trong Thư của ngài. Cái lưỡi là một cơ quan nhỏ, nhưng nó có thể phát triển thành một ngọn lửa tội ác và đốt cháy toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Cái lưỡi có thể được phủ đầy với chất độc chết người. Loại khủng bố này khó mà đánh bại được.

Tôn giáo có thể là một phúc lành, nhưng cũng có thể là một lời nguyền. Truyền thông thường tường thuật những tin tức về các xung đột giữa các nhóm tôn giáo trên thế giới. Thậm chí có người nói rằng thế giới chắc sẽ hòa bình hơn nếu không có tôn giáo. Cha trả lời cho lời chỉ trích này như thế nào?

Sự sùng bái ngẫu thần nằm ở bệ đỡ của một tôn giáo, chứ không phải chính tôn giáo! Có những ngẫu thần liên quan đến tôn giáo: ngẫu thần đồng tiền, thù địch, không gian lớn hơn thời gian, tham vọng thôn tính những lãnh thổ. Có một ngẫu thần của sự xâm lược không gian, làm bá chủ, tấn công các tôn giáo như là một con vi-rút ác tính. Và ngẫu thần là một tôn giáo mạo danh, nó là một tín ngưỡng sai lệch. Tôi gọi tôn giáo là “một tính siêu việt nội tại,” là một sự mâu thuẫn. Nhưng những tôn giáo đích thực là sự phát triển về năng lực mà con người phải siêu nghiệm chính nó hướng đến sự tuyệt đối. Hiện tượng tôn giáo là siêu việt thể và nó phải gắn liền với chân, thiện, mỹ và sự hiệp nhất. Nếu không có sự mở rộng này, sẽ không có siêu việt tính, không có tôn giáo đích thực, mà chỉ có ngẫu thần. Sự mở rộng đến với siêu việt tính do đó hoàn toàn không thể là nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố, vì sự mở rộng này luôn gắn liền với việc đi tìm chân, thiện, mỹ và sự hiệp nhất.

Cha thường xuyên nói bằng những cụm từ rất rõ ràng về những tình hình khủng khiếp của Ki-tô hữu ở Trung Đông. Liệu vẫn có hy vọng cho sự phát triển hòa bình hơn và nhân bản hơn cho người Ki-tô hữu trong vùng này?

Tôi tin rằng Thiên Chúa không rời bỏ dân riêng của Người. Người sẽ không để họ bơ vơ. Khi chúng ta đọc những thử thách khó khăn của dân Israel trong Kinh Thánh hoặc nhớ đế những thử thách của các vị tử đạo, chúng ta nhìn thấy cách của Thiên Chúa luôn đến để trợ giúp dân Người. Chúng ta nhớ lại Cựu Ước việc giết 7 anh em cùng với  người mẹ trong sách Ma-ca-bê. Hay sự tử đạo của Eleazar. Chắc chắn tử đạo là một trong những cách sống của đời sống Ki-tô hữu. Chúng ta nhớ lại Thánh Polycarp và lá thư gửi giáo đoàn Smyrna kể cho chúng ta câu chuyện về hoàn cảnh bắt bớ ngài và cái chết của ngài. Đúng, trong thời gian này Trung Đông là mảnh đất của các vị tử đạo. Chúng ta cũng có thể nói chắc chắn về một vị tử đạo của Syria và sự tử đạo ở đó. Tôi muốn kể lại một kỷ niệm riêng vẫn còn đọng lại trong lòng. Tại đảo Lesbos tôi gặp một người bố với hai đứa con. Ông kể cho tôi rằng ông yêu vợ ông rất nhiều. Ông là người Hồi giáo và vợ là người Ki-tô giáo. Khi những kẻ khủng bố đến, họ  muốn bà bỏ thánh giá đeo trên mình xuống, nhưng bà không muốn làm việc đó và họ đã cắt cổ bà ngay trước mặt người chồng và những đứa con. Ông cứ tiếp tục nói “Con rất yêu vợ con, con rất yêu vợ con.” Vâng, bà là một người tử đạo. Nhưng người Ki-tô hữu biết rằng vẫn có hy vọng. Máu của các vị tử đạo là hạt giống của người Ki-tô hữu. Chúng ta luôn hiểu điều đó.

Đến thời điểm này cha là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Châu Âu trong suốt hơn 1.200 năm, và làm nổi bật đời sống của Giáo hội đã bị coi như là thuộc ngoại vi trên thế giới. Theo cha, Giáo Hội Công giáo sẽ có những cộng đoàn sống động hơn ở đâu trong 20 năm tới? Và Giáo hội Châu Âu có thể đóng góp như thế nào cho Giáo hội Công giáo trong tương lai?

Đây là một câu hỏi liên quan đến không gian, địa lý. Tôi bị dị ứng khi nói về không gian, nhưng tôi luôn cho rằng chúng ta sẽ nhìn thấy ở những vùng ngoại vi mọi việc tốt hơn là ở trung tâm. Tính sống động của các cộng đoàn giáo hội không lệ thuộc vào không gian, địa lý, nhưng lệ thuộc vào thần khí. Sự thật là những Giáo hội trẻ có một thần khí tươi mới hơn và, mặt khác, có những Giáo hội già nua, có những Giáo hội đang ngái ngủ dường như không còn quan tâm đến việc bảo tồn không gian của họ. Trong những trường hợp này, tôi không nói là thần khí đã bị mất. Nó vẫn còn đó, đúng, nhưng nó đã khép kín trong một cấu trúc, một khuôn khổ cứng ngắc, e sợ bị mất không gian. Trong các Giáo hội ở một số quốc gia, chúng ta thấy đúng là sự tươi mới này đang bị mất. Theo tinh thần  này, sự tươi mới của những vùng ngoại vi có nhiều không gian cho thần khí hơn. Chúng ta cần phải tránh những hậu quả của sự già nua của Giáo hội. Sẽ vô cùng bổ ích cho chúng ta nếu đọc lại chương ba của sách Giô-en, trong đó ngôn sứ nói rằng người lớn tuổi mơ những giấc mơ và người trẻ tuổi sẽ nhìn thấy những viễn cảnh. Trong những giấc mơ của người già, có thể có khả năng những người trẻ sẽ nhìn thấy những viễn cảnh mới, có một tương lai trở lại. Thay vì vậy, các Giáo hội có những lúc bị đóng khung trong các chương trình, trong cách lập trình. Tôi thừa nhận việc đó. Tôi biết những điều đó là cần thiết, nhưng tôi đã phải trải qua một thời gian rất khó khăn khi muốn đặt hy vọng vào trong một biểu đồ tổ chức. Thần khí sẵn sàng thúc đẩy chúng ta, để tiến bước. Và thần khí là ở trong khả năng ước mơ và khả năng tiên tri. Đối với tôi điều này là thách thức cho mọi Giáo hội. Và sự hiệp nhất giữa người lớn tuổi và người trẻ đối với tôi bây giờ là thách thức hiện tại cho Giáo hội, thách thức cho khả năng làm tươi mới. Đây là lý do tại sao trong suốt Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Krakow, tôi đề nghị các bạn trẻ nói chuyện với ông bà của họ. Giáo hội trẻ sẽ trẻ hóa hơn nữa khi giới trẻ biết nói chuyện với những người lớn tuổi và khi người lớn tuổi biết ước mơ những điều vĩ đại, vì điều này bảo đảm cho tính ngôn sứ của họ. Nếu giới trẻ không có tính ngôn sứ, Giáo hội sẽ thiếu thần khí.

Chuyến thăm của cha đến Thụy điển sẽ chạm đến một trong những địa hạt thế tục hóa nhất của thế giới. Một phần lớn dân số của nước này không còn tin vào Thiên Chúa, và tôn giáo chỉ đóng một vai trò khá khiêm tốn trong đời sống chung và xã hội. Theo cha, một con người sẽ mất điều gì khi không còn tin vào Thiên Chúa?

Không phải là mất điều gì, nhưng là không phát triển đúng năng lực siêu việt tính. Con đường đến siêu việt tính dành chỗ cho Thiên Chúa, và trong vấn đề này thậm chí những bước đi nhỏ là rất quan trọng, cho dù có là một người vô thần hay là một người theo thuyết bất khả tri. Theo tôi vấn đề là khi người ta đóng cửa lòng và khi người ta cho rằng đời sống tự bản chất của nó là hoàn hảo, thì người ta sẽ khép cửa co cụm vào bản thân mà không cần tính siêu việt căn bản. Nhưng để người khác mở lòng ra trước tính siêu việt không cần sử dụng quá nhiều từ ngữ và diễn giảng. Bất kỳ ai sống theo tính siêu việt đều có thể nhìn thấy rõ. Người đó là một chứng nhân sống. Trong bữa trưa tôi dùng ở Krakow với một số bạn trẻ, một bạn hỏi: “Con phải nói gì với người bạn của con không tin Thiên Chúa? Làm sao để con hoán cải anh ta?” Tôi trả lời: “Việc cuối cùng con phải làm đương nhiên là nói điều gì đó. Hãy hành động đi! Hãy sống đi! Rồi, khi nhìn thấy đời sống của con, chứng tá của con, người bạn kia có thể sẽ hỏi con tại sao con sống như vậy.” Tôi tin rằng những ai không tin hay không tìm kiếm Thiên Chúa, có lẽ chưa từng cảm nhận sự bền bỉ xuất phát từ một chứng nhân. Và điều này rất khó khăn với sự sung túc. Tính bền bỉ ít được tìm thấy trong sự sung túc. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng để chống lại được thuyết vô thần, không kháng cự lại sự gần gũi với tính siêu việt, lời cầu nguyện và làm chứng nhân là thực sự quan trọng.

Người Công giáo ở Thụy Điển là một nhóm thiểu số, và hầu hết lại gồm những người nhập cư từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Cha sẽ gặp một số người dâng Lễ ở Malmo ngày 1 tháng 11. Cha nhìn thấy vai trò gì của người Công giáo trong một nền văn hóa như vậy ở Thụy Điển?

Tôi nhìn thấy một sự chung sống lành mạnh, tại đó mỗi con người có thể sống đức tin của mình và thể hiện chứng tá sống trong một tinh thần cởi mở và đại kết. Anh không thể vừa là người Công giáo vừa là người thuộc giáo phái khác. Chúng ta phải cùng nhau phấn đấu để chung sống với người khác. “Công giáo” và “giáo phái” là hai từ đối chọi nhau. Đây là lý do tại sao ngay từ đầu tôi không định dâng một Thánh lễ cho người Công giáo trong chuyến đi này. Tôi muốn giữ tinh thần chứng nhân đại kết. Rồi tôi thể hiện tốt vai trò của mình là một linh mục của một đoàn chiên Công giáo, những người đến từ các quốc gia khác, như Na-Uy và Đan Mạch.Vì vậy, để đáp lại lời yêu cầu nồng nhiệt của cộng đoàn Công giáo, tôi quyết định dâng một Thánh Lễ, kéo dài chuyến đi thêm một ngày. Thật sự tôi không muốn Thánh Lễ được dâng trong cùng một ngày và tại cùng một nơi gặp gỡ đại kết để tránh làm chương trình lẫn lộn. Sự gặp gỡ đại kết được duy trì theo đúng tầm quan trọng sâu sắc của nó trên tinh thần hiệp nhất, đó là mong ước của tôi. Tôi biết việc này đã tạo ra các vấn đề về tổ chức, vì tôi ở Thụy Điển trong ngày lễ Các Thánh, đây là ngày lễ quan trọng ở Roma. Nhưng để tránh hiểu lầm, tôi muốn mọi việc diễn ra như vậy.

Cha là một người Dòng Tên. Từ năm 1879, Dòng Tên đã thực hiện những hoạt động ở Thụy Điển cùng với các giáo xứ, những bài Linh Thao, tập san “Signum”, và trong 15 năm qua, Học Viện “Newman”. Những cam kết và những giá trị gì là đặc trưng cho sứ vụ tông đồ của Dòng Tên ngày nay ở đất nước này?

Tôi tin rằng trách vụ đầu tiên của Dòng Tên ở Thụy Điển là có sự đối thoại trên nền tảng mỗi ngày với những người sống trong xã hội thế tục và với những tín hữu: nói chuyện, chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ. Rồi rõ ràng thúc đẩy đối thoại đại kết là cần thiết. Mẫu gương cho Dòng Tên Thụy Điển là Thánh Phê-rô Faber, ngài là vị thánh luôn trên hành trình và được hướng dẫn bởi một thần khí cởi mở, tốt lành. Dòng Tên không có cơ cấu im lặng. Chúng tôi phải có những trái tim kiên trì và cũng có cơ cấu, nhưng cơ cấu kiên trì.

Giê-su cho Jorge Mario Bergoglio là ai?
Giê-su cho tôi là chính Người, Người đã nhìn đến tôi với lòng thương xót và đã cứu tôi. Mối quan hệ của tôi với Ngài luôn có nguyên tắc và nền tảng này. Giê-su đã mang đến ý nghĩa cho cuộc đời tôi ở đây trên dương thế và hy vọng cho cuộc sống tương lai. Ngài nhìn tôi với lòng thương xót, Ngài dẫn tôi, Ngài đặt tôi trên đường … Và Ngài đã cho tôi một ân huệ lớn lao: ân huệ biết xấu hổ. Đời sống tu đức của tôi tất cả đều được viết trong Chương 16 sách Ê-zẹ-ki-en. Đặc biệt trong những câu cuối, khi Thiên Chúa tiết lộ rằng Người sẽ thiết lập một giáo ước với dân Israel nói rằng: “Ta sẽ thiết lập giao ước giữa Ta với ngươi. Bấy giờ ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, để ngươi nhớ lại mà lấy làm xấu hổ và, trong lúc phải tủi nhục, ngươi sẽ không còn mở miệng nói gì được nữa, khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả những việc ngươi đã làm”. Sự xấu hổ rất tích cực. Nó làm cho anh phải hành động, nhưng nó cũng làm cho anh hiểu vị trí của anh đang ở đâu, tránh được sự tự hào và tính kiêu ngạo.

Một câu cuối, thưa Đức Thánh Cha, về chuyến đi này đến Thụy Điển ...
Những gì tự nhiên đến với tôi để nói thêm bây giờ chỉ là: bước đi, bước đi cùng nhau! Đừng giữ mình khép kín trong những quan điểm cứng ngắc, vì trong những quan điểm như vậy sẽ không có khả năng cải cách.
***
Đức Thánh Cha, cha Spadaro và tôi dành ra khoảng 1 giờ rưỡi nói chuyện với nhau. Cuối cùng Đức Phanxico tiễn chúng tôi ra thang máy. Ngài nói chúng tôi cầu nguyện cho ngài. Cửa đóng lại khi ngài vẫy chào chúng tôi và với một nụ cười rạng ngời mà tôi không bao giờ quên được.
Bên ngoài trời đã tối hẳn, đỉnh tháp vòm cung Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô đã lên đèn rọi trang trí, thể hiện sự lộng lẫy của nó trong khi chúng tôi lên xe và quay trở về kịp giờ ăn tối trong cộng đoàn Civilta Cattolica.

[Nguồn:  radiovaticana]

[Nguồn chính:laciviltacattolica]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/10/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét