Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Tòa Thánh lên tiếng về nạn đói của thế giới

Tòa Thánh lên tiếng về nạn đói của thế giới

Holy See's Permanent Observer speaks on world hunger.  - RV
Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh lên tiếng về nạn đói của thế giới. - RV
25/10/2016 12:18
(Vatican Radio) Vị đại diện của Vatican tại Liên Hợp quốc đã lên tiếng chỉ trích trước sự thật hàng trăm triệu người vẫn đang đối mặt với nạn đói và thiếu dinh dưỡng, trong một diễn văn hôm thứ Hai tại Đại Hội đồng Liên Hợp quốc.
“Cho dù đã có những tiến bộ từ năm 1990 trong việc giảm bớt nạn đói, gần 800 triệu người vẫn đang bị thiếu ăn, ngay lúc này những thách thức toàn cầu về việc giảm bớt tình trạng suy dinh dưỡng đang ngày càng trở nên phức tạp,” – Đức Tổng Giám mục Bernadito Auza nói, ngài là Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc ở New York – “Một con số đáng lo ngại nữa là trên 2 tỷ người chịu suy dinh dưỡng vi lượng, họ nằm trong số những người dễ bị tổn thương nhất của dân số thế giới, trong đó có hơn 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, là những trẻ còi cọc hoặc kiệt sức.”
Đức Tổng Giám mục tiếp tục tái khẳng định sự cam kết của Tòa Thánh bằng hành động “nhất quán, mang tính chính trị và xã hội” để có thể chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới.
Dưới đây là văn bản diễn văn của Đức Tổng Giám mục Auza:
_________________________

Thưa ông Chủ tịch,
Báo cáo của ngài Tổng Thư ký (A/71/283) về sự phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực và dinh dưỡng cung cấp những hình ảnh rất kịp thời và rất thẳng thắn về tiến trình đang được thực hiện đối với hai điều căn bản cần quan tâm trên toàn cầu là kết thúc nạn đói và đẩy lùi tình trạng suy dinh dưỡng cho mọi người. Báo cáo của ngài Tổng Thư ký xem như một lời nhắc nhở thẳng thắn về tính chất quan trọng của những thách thức vẫn còn  nằm ở phía trước nếu chúng ta quyết tâm loại trừ nạn đói, cải thiện dinh dưỡng, và đạt được sự an ninh lương thực vào năm 2030. Cho dù đã có những tiến bộ từ năm 1990 trong việc loại trừ nạn đói, gần 800 triệu người vẫn đang bị thiếu ăn, ngay lúc này những thách thức toàn cầu về việc giảm bớt tình trạng suy dinh dưỡng đang ngày càng trở nên phức tạp. Một con số đáng lo ngại nữa là trên 2 tỷ người chịu suy dinh dưỡng vi lượng, họ nằm trong số những người dễ bị tổn thương nhất của dân số thế giới, trong đó có hơn 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, là những trẻ còi cọc hoặc kiệt sức.
Những thách thức gia tăng sản lượng nông nghiệp, giải quyết những hậu quả của biến đổi khí hậu, và giảm bớt sự tổn thất lương thực bị pha trộn bởi những đợt di cư khổng lồ của các dân tộc, cả ở trong phạm vi các quốc gia và giữa các quốc gia, và bởi chiến tranh và bạo lực đã đánh bật những số lượng lớn dân số ra khỏi những khu vực sản xuất. Do đó, như những nhận định của báo cáo của ngài Tổng Thư Ký, vấn đề đã quá rõ ràng là nếu không có “một sự cam kết chính trị và xã hội ổn định, những phân khúc lớn của dân số thế giới sẽ vẫn bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng vào năm 2030.”
“Cam kết chính trị và xã hội” này là nền tảng nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu thứ hai của phát triển bền vững là “kết thúc nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững” vào năm 2030. Trong Diễn văn tháng 6, 2016 trước Chương trình Lương thực Thế giới tại Roma, Đức Thánh Cha đã cảnh báo những mối nguy hiểm của việc chỉ nhìn thấy nạn đói và nghèo khổ đơn thuần là những con số thống kê và dần dần trở nên vô cảm trước những thảm kịch của con người, nhìn thấy những thảm kịch đó như là “chuyện bình thường” và đó là điều đương nhiên trong thế giới chúng ta đang sống. Do đó chúng ta phải “làm mất tính bình thường” của nạn nghèo đói cùng cực bằng cách nhìn đến nó như là một thực tại nhức nhối chứ không phải là một số thống kê đương nhiên, “vì” – như Đức Thánh Cha đã khẳng định – “nạn nghèo đói có một khuôn mặt: nó có khuôn mặt một đứa trẻ; nó có khuôn mặt của một gia đình; nó có khuôn mặt của một con người, trẻ và già; nó có khuôn mặt của tình trạng thất nghiệp rộng khắp; nó có khuôn mặt của những đợt di cư cưỡng bức, và của những căn nhà bị tàn phá và trống không.”
Đức Giáo hoàng cũng yêu cầu phải “phá tính quan liêu hóa” nạn đói. Trong Diễn văn trước Hội nghị Quốc tế Lần thứ Hai về Dinh Dưỡng của Lương thực và Quản trị Nông nghiệp tháng 11 năm 2015, Đức Giáo hoàng nói đến nghịch lý rằng, trong khi có dư dật lương thực cho tất cả mọi người, nhưng không phải tất cả mọi người đều được ăn, thậm chí như chúng ta đã chứng kiến “sự lãng phí, sự tiêu thụ thừa mứa và sử dụng thực phẩm cho những mục đích khác.” “Tính quan liêu hóa” của nạn đói cũng có trong cách diễn đạt của nghịch lý rằng trong khi rất nhiều hình thức cứu trợ và những dự án phát triển bị cản trở bởi những quyết định chính trị và các chính sách, bởi những hệ tư tưởng thiên lệch và bởi những rào cản của các truyền thống bảo thủ, thì việc buôn bán vũ khí lại không bị như vậy. Đức Giáo hoàng phải kêu lên trước thực trạng rằng “chẳng có gì khác biệt về nguồn gốc vũ khí từ đâu đến; chúng lưu hành một cách trâng tráo và hoàn toàn tự do ở nhiều nơi trên thế giới. Như vậy chiến tranh được nuôi dưỡng, con người thì không. Trong một số trường hợp, chính nạn đói được sử dụng như là một vũ khí của chiến tranh.”
Để kết luận, phái đoàn của tôi lặp lại cam kết với mục tiêu chấm dứt nạn đói và loại trừ tình trạng suy dinh dưỡng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Tuy nhiên, để nó trở thành hiện thực, chúng ta không những phải tăng sản lượng thực phẩm và sự phân chia lương thực tốt hơn: chúng ta cũng phải dồn tập trung vào những giá trị tốt đẹp nhất cho con người là hòa bình, công bằng xã hội, sự thống nhất, tình thương yêu và cảm thông, để chúng ta có thể ý thức được sự hiện diện của những người đói khát ở chung quanh chúng ta và trên toàn thế giới.

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

[Nguồn:  radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/10/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét