Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Toàn văn: họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha Phanxico từ Azerbaijan

Toàn văn: họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha Phanxico từ Azerbaijan


(Phần 2)

Pope Francis speaks to journalists aboard the papal plane during the flight from Baku to Rome, Oct. 2, 2016. Credit: Alan Holdren/CNA.

Đức Thánh Cha Phanxico nói chuyện với các nhà báo trên máy bay giáo hoàng trong suốt chuyến bay từ Baku về Roma, 2 tháng 10, 2016. Credit: Alan Holdren/CNA.




Trên máy bay giáo hoàng, 2 tháng 10, 2016 / 06:08 pm (CNA/EWTN News).- Trong suốt chuyến bay từ Baki, Azerbaijan về Roma hôm Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxico đã có cuộc họp báo với các ký giả có mặt trên máy bay giáo hoàng. Ngài phản ánh về chuyến đi đến Georgia và Azerbaijan, hôn nhân và ly dị, và đồng tính và xác định giới tính.

______________________________________________________


Gianni Cardinale, Avvenire, phóng viên Ý: Có hai câu hỏi, một là chung và một là riêng. Câu hỏi riêng, gắn liền với cái tên của con (ND: Cardinal: hồng y): Khi nào Đức Thánh Cha sẽ chọn các hồng y mới và cha mong muốn những tiêu chuẩn nào trong việc lựa chọn? Và câu hỏi thứ hai, câu hỏi chung, với tư cách một người Ý: khi nào cha sẽ đến gặp các nạn nhân động đất và những nét đặc trưng của chuyến đi này sẽ là gì?
ĐTC Phanxico: Đối với câu thứ hai, có ba ngày có thể đã được đề nghị. Hai ngày có thể tính toán được và tôi không nhớ rõ nhưng ngày thứ ba thì tôi nhớ, đó là Chúa nhật thứ nhất mùa vọng. Tôi có nói là khi trở về tôi sẽ chọn ngày. Có ba ngày. Tôi cần phải chọn. Và tôi sẽ làm việc đó một mình, một mình tôi, với tư cách một linh mục, một giám mục, một giáo hoàng, nhưng chỉ một mình, đó là cách thức tôi muốn làm. Tôi muốn được cảm thấy gần gũi với mọi người. Nhưng tôi vẫn chưa biết bằng cách nào.
Còn về các hồng y. Tiêu chuẩn cũng sẽ giống như hai mật nghị hồng y kia, một chút lấy từ khắp nơi vì Giáo hội là mọi nơi trên thế giới. Vâng, có lẽ tôi vẫn còn đang nghiên cứu các tên … có lẽ sẽ có ba vị từ một châu lục và hai vị từ một châu lục khác … hay một vị từ một vùng khác, và một vị khác nữa từ một vùng. Một vị từ một quốc gia. Nhưng vẫn chưa biết. Danh sách thì dài nhưng chỉ có 13 vị trí. Chúng tôi cần phải suy nghĩ làm sao để cân bằng. Nhưng tôi muốn cho thấy tính toàn cầu của Giáo hội trong Hồng y đoàn, chứ không chỉ là, gọi là, tập trung vào Châu Âu. Một chút của khắp mọi nơi. Năm châu lục, nếu chúng tôi có thể.
Cardinale: Đã có lịch cụ thể chưa ạ?
ĐTC Phanxico: Chưa, chúng tôi không biết. Tôi còn phải nghiên cứu danh sách và ngày ấn định. Có thể là cuối năm nay, hay đầu năm tới. Nếu vào cuối năm nay lại gặp trục trặc là Năm Thánh, nhưng cũng có thể giải quyết được. Hoặc, cũng có thể là đầu năm tới. Nhưng, nó sẽ tới sớm thôi.
Aura Vistas Miguel, Radio Renascenca, phóng viên Bồ đào nha: Thưa Đức Thánh Cha, xin chào cha. Câu hỏi của con là về lịch trình những chuyến đi của cha ra ngoài nước Ý, trong ba phần. Trong những ngày gần đây cha có nói với người Argentina rằng lịch của cha kín rồi, và cha thậm chí có nói đến Châu Phi và Châu Á. Con muốn biết là những nước nào. Cũng có một đồng nghiệp ở đây từ Colombia tới đang chờ đợi cha, và con thì từ Bồ đào nha và chúng con cũng đang chờ cha đến. Về Bồ đào nha, sẽ là khi nào, ngày 12 và ngày 13, Lisbon và Fatima?
ĐTC Phanxico: Cho đến ngày hôm nay  thì chắc chắn là tôi sẽ đi Bồ đào nha và tôi sẽ chỉ đến Fatima. Cho đến hôm nay thôi, vì có vấn đề. Năm Thánh này, các chuyến viếng ad limina (ND: các giám mục về Roma viếng mồ hai thánh Phê-rô và Phaolo và gặp gỡ Đức Giáo hoàng) đã bị hoãn lại. Năm tới tôi phải làm các chuyến viếng ad limina bù cho năm nay và cho cả năm tới. Còn ít thời gian để đi lại.
Nhưng tôi sẽ đi Bồ đào nha. Và Ấn độ và Bangladesh, hầu như chắc chắn. Ở Châu Phi, địa điểm vẫn chưa chắc chắn. Mọi việc vẫn còn tùy thuộc vào cả thời tiết, vào tháng nào vì nếu ở Tây Bắc Phi nó là một chuyện, nhưng nếu ở Đông Nam nó lại là chuyện khác. Và nó cũng còn tùy tình hình chính trị, chiến tranh ở đó. Nhưng vẫn có những khả năng. Hãy  nghĩ về Châu Phi.
Ở Châu Mỹ, tôi nói rằng khi nào tiến trình hòa bình xuất hiện, tôi sẽ đi. Khi mọi điều vẫn còn bị khóa kín. Khi trưng cầu dân ý thắng. Khi mọi việc đã chắc chắn, khi nào họ không thể quay lại. Nghĩa là, khi tất cả đều đi đến một thỏa thuận rằng họ sẽ không đưa ra cầu viện. Nếu mọi việc như vậy thì tôi có thể đi. Nhưng nếu mọi việc không ổn định, không. Mọi việc tùy vào những gì người ta  nói. Người dân có quyền tối thượng. Chúng ta đã quen khi nhìn đến những hình thức dân chủ hơn là quyền tối thượng của người dân và cả hai cần phải đi chung với nhau. Ví dụ, một thói quen đã có ở một số châu lục khi một người kết thúc  nhiệm kỳ thứ hai, bất cứ người nào đi vào chính quyền cố gắng thay đổi hiến pháp để có được nhiệm kỳ thứ ba. Điều này nó đánh giá quá cao cái được gọi là “dân chủ” chống lại quyền tối thượng của người dân nằm trong hiến pháp. Mọi việc tùy thuộc vào đó. Tiến trình hòa bình sẽ được giải quyết ngay hôm nay một phần với tiếng nói của người dân. Bất cứ người dân nói điều gì, tôi nghĩ điều đó phải được thực hiện.
Vistas Miguel: Và Fatima sẽ là ngày 12?
ĐTC Phanxico: Cho đến bây giờ sẽ là 13. Nhưng nó có thể thôi, tôi không biết ...
Jean-Marie Guenois, Le Figaro, phóng viên Pháp: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Một câu hỏi về các chuyến đi, tại sao trong câu trả lời cha không nói đến Trung quốc? Có những lý do gì mà tại sao, cha, một Giáo hoàng, lại không có một vé đi Bắc Kinh? Nó có phải là lý do bên trong của Giáo hội ở Trung quốc? Nó có phải là vấn đề giữa Giáo hội ở Trung quốc và chính phủ Trung quốc? Hay lý do là vấn đề giữa Vatican và chính quyền Trung quốc? Và nếu cha cho phép, con muốn đặt ra câu hỏi gần đây, vì vài giờ trước đây Đức ông Lebrun, tổng giám mục Rouen, thông báo rằng cha đã chấp thuận khởi đầu tiến trình phong chân phước cho cha Hamel, bỏ qua thời gian chờ đợi 5 năm thông thường. Tại sao có quyết định này? Xin cảm ơn cha.
ĐTC Phanxico: Về câu hỏi thứ hai, tôi đã nói với Đức Hồng y Amato và chúng tôi sẽ thực hiện các điều tra và ngài sẽ cho thông tin cuối cùng. Nhưng ý định là sẽ đi theo con đường này, làm những nghiên cứu cần thiết để xem liệu có những động cơ để làm việc đó không.
Guenois: Đức ông thông báo là tiến trình đã bắt đầu.
ĐTC Phanxico: Không, phải tìm được chứng nhân rồi mới mở được tiến trình. Chứng nhân là vô cùng quan trọng, vì những chứng nhân tại chỗ là những người đã chứng kiến. Sau một thời gian, một số qua đời, một số mất trí nhớ … Ở tiếng La-tinh, người ta nói "ne perdeat provationem."
Về Trung quốc, mọi người cũng đã biết truyện của Trung quốc và Giáo hội. Giáo hội yêu nước, Giáo hội dưới lòng đất, nhưng chúng tôi đang làm việc và chúng tôi có những mối quan hệ tốt. Chúng tôi đang nghiên cứu và đang nói chuyện. Có những ủy ban đang hoạt động. Tôi là người lạc quan. Hiện nay, tôi tin rằng các Bảo tàng Vatican đã làm một triển lãm ở Trung quốc. Trung quốc cũng sẽ có một buổi triển lãm ở Vatican. Có rất nhiều giáo sư đến tham dự các lớp học tại các trường Đại học Trung quốc. Nhiều nữ tu, nhiều linh mục có thể hoạt động rất tốt ở đó. Nhưng những quan hệ giữa Vatican và Trung quốc phải chắc chắn đã và chúng tôi đang nói về việc này một cách từ từ, các điều diễn ra chậm chậm luôn hoạt động tốt. Những việc đi quá nhanh thì không tốt. Dân tộc Trung quốc có giá trị rất cao. Ví dụ, ngày hôm kia có một đại hội - hai ngày - trong học viện khoa học bàn về Tông huấn Laudato Si (Chúc tụng Chúa). Và cũng có một phái đoàn của Trung quốc từ chủ tịch gửi đến. Và ông Chủ tịch Trung quốc gửi cho tôi một món quà. Họ đang có quan hệ tốt.
Guenois: Nhưng vẫn chưa có chuyến đi nào?
ĐTC Phanxico: Tôi rất muốn nhưng tôi chưa nghĩ đến.
Juan Vicente Boo, ABC, phóng viên Tây ban nha: Xin cảm ơn, Đức Thánh Cha. Trong nhóm tiếng Tây ban nha chúng con thấy rằng người được giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào ngày 7 tháng 10. Có trên 300 người được đề cử. Ví dụ: người dân đảo Lesbos vì những gì họ đã làm cho người tị nạn, hay nhóm mũ trắng ở Syria, những tình nguyện viên này đã cứu những người trong các đống đổ nát vì bom đạn ở Syria - họ đã cứu ra được 60.000 người với cái giá của 130 mạng sống của nhóm … hay thậm chí Tổng thống Santos của Colombia và người chỉ huy của FARC, Timochenko, người đã ký hiệp ước hòa bình … và rất nhiều người khác. Câu hỏi bây giờ là: ứng cử viên cha quan tâm nhất là ai và người nào hay tổ chức nào xứng đáng nhận giải do công việc của họ?
ĐTC Phanxico: Có rất nhiều người sống để tạo ra chiến tranh, để bán vũ khí, để giết chóc … có rất nhiều người … nhưng cũng có rất nhiều người hoạt động cho hòa bình … nhiều, nhiều, rất nhiều. Tôi chẳng biết hết. Để lựa chọn giữa quá nhiều người hoạt động cho hòa bình hôm nay là rất khó. Anh mới đề cập đến một  vài nhóm và còn nhiều người khác nữa. Nhưng dường như việc trao giải thưởng hòa bình cứ liên tục diễn ra không mệt mỏi. Tôi mong ước rằng cũng sẽ có một tầm mức quốc tế, bỏ Giải Nobel Hòa bình sang một bên, nên có một sự tưởng nhớ, một sự công nhận, một sự công bố về trẻ em, về người khuyết tật, về những nhóm thiểu số đã bị chết dưới bom đạn. Tôi tin rằng đó là một tội, nó là một tội chống lại Đức Giê-su Ki-tô, nhưng con người cần phải nói một điều gì đó về những nạn nhân của chiến tranh. Với những người kiến tạo hòa bình, Chúa Giê-su đã nói rằng họ được chúc phúc trong tám mối phúc, là những người xây dựng hòa bình. Nhưng còn những nạn nhân của chiến tranh: chúng ta phải lên tiếng và phải ý thức. Rằng họ đưa các trẻ em vào trong một bệnh viện và rồi một trái bom giết chết các em, 30 - 40 bé trong một trường học … và đây là thảm kịch của thời đại của chúng ta. Xin cảm ơn.
John Jeremiah Sullivan, Tạp chí New York Times: Thưa Đức Thánh Cha, như cha biết Hoa kỳ đang đến gần giai đoạn cuối của chiến dịch bầu cử tổng thống rất dài và trông rất xấu, và thu hút được sự chú ý rất nhiều của thế giới. Nhiều người Công giáo Hoa kỳ và những người công chính đang tranh cãi về cách chọn giữa hai ứng cử viên, một trong hai người chuyển hướng từ một số khía cạnh của giáo huấn Giáo hội và người kia đưa ra một số tuyên bố lăng mạ người nhập cư và các nhóm tôn giáo thiểu số. Cha có lời khuyên gì cho các tín hữu ở Hoa kỳ và cha bảo họ nên giữ thái độ khôn ngoan như thế nào trong tháng tới khi cuộc bầu cử diễn ra?
ĐTC Phanxico: Anh đặt cho tôi một câu hỏi mà anh mô tả là một lựa chọn rất khó khăn, vì theo anh, anh gặp khó khăn với người này về vấn đề này và người khác lại có khó khăn khác. Về chiến dịch tranh cử, tôi không bao giờ có ý kiến. Người dân có quyền tối cao. Tôi chỉ nói một lời: hãy nghiên cứu kỹ những kế hoạch, cầu nguyện và chọn lựa bằng lương tâm. Rồi tôi xin bỏ qua vấn đề và tôi nói đến một giả sử, vì tôi không muốn nói đến vấn đề cụ thể này. Khi sự việc xảy ra trong một quốc gia nào đó có 2, 3, 4 ứng cử viên mà chẳng ai thích cả, điều đó có nghĩa đời sống chính trị của quốc gia đó có lẽ bị chính trị hóa nặng nề, nhưng cũng có thể nó chẳng có mấy tính chính trị. Và một trong những công việc của Giáo hội, cũng nằm trong bài giảng dạy của các trường đại học, là dạy một văn hóa chính trị. Có những dân tộc, và tôi đang nghĩ đến Châu Mỹ La-tinh, quá chính trị hóa. Nhưng họ lại không có văn hóa chính trị. Họ từ đảng này, hay đảng này hay đảng kia. Về hiệu quả, họ không có tư tưởng rõ ràng về các nền tảng.
Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.  Và bây giờ là Caroline Pigozzi. Chị đây rồi ...
Caroline Pigozzi, Paris Match: Thưa Đức Thánh Cha, xin chào ngài. Trước đây con không thể hỏi câu này. Theo cha, chứng tá của câu chuyện thì quan trọng hơn di chúc của một vị Giáo hoàng. Cho con giải thích: Đức Giáo hoàng Wojtyla đã để lại trong di chúc của ngài tất cả những tài liệu quan trọng nhất và rất nhiều lá thư đã bị đốt, nhưng sau đó lại được đưa vào một quyển sách. Điều đó có nghĩa là di chúc của một Giáo hoàng có lẽ không được tôn trọng. Con muốn biết cha nghĩ thế nào. Rồi câu hỏi thứ hai dễ hơn, con muốn biết bằng phép lạ như thế nào mà mỗi tuần cha đưa tay ra đến với quá nhiều người, bây giờ vẫn chưa bị đau gân: làm sao cha làm được? Tổng thống Chirac mới chỉ bắt tay thôi, sau đó ông đã phải dùng băng vết thương cá nhân ...
ĐTC Phanxico: À vậy hả? Tôi vẫn chưa có gì, tôi không thấy bị đau gân … và đầu tiên chị nói rằng Đức Thánh Cha đưa tài liệu đi đốt, những lá thư … nhưng đây là quyền của mỗi con người, họ có quyền làm việc đó trước khi qua đời ...
Pigozzi: Nhưng Đức Giáo hoàng Wojtyla không được tôn trọng ...
ĐTC Phanxico: Ai không tôn trọng, ai có tội tôi không biết. Tôi không biết rõ trường hợp này. Nhưng mỗi con người, khi có ai đó nói, ‘cái này phải đem đi hủy,’ là vì nó đã rõ ràng … và có lẽ đã có một bản sao trong nơi khác và người đó không biết điều đó và … nhưng đó là quyền của mỗi người đưa ra di chúc như họ muốn.
Pigozzi: Và ngay cả Đức giáo hoàng, ngài cũng không được tôn trọng ...
ĐTC Phanxico: Nhưng có rất nhiều người được tôn trọng trong di chúc của họ ...
Pigozzi: Vâng, nhưng Đức Giáo hoàng quan trọng hơn ...
ĐTC Phanxico: Không, Đức Giáo hoàng cũng là một tội nhân như những người khác ...
Burke: Đức Thánh Cha nói rằng vẫn còn một chỗ cho một câu hỏi nữa, nhưng trên danh sách của con không còn ai nữa và con muốn nói rằng hôm nay cha đã trả lời cho một câu hỏi: tại sao lại làm các chuyến đi đến những nơi có rất ít người Công giáo? Chúng con rất thích câu trả lời, và chúng con nghĩ nó không làm mất thời gian của cha. Chúng ta làm những chuyến đi ngắn và dày đặc công việc như vầy, nhưng nếu cha muốn làm một chuyến đi dài thư giãn chúng ta vẫn có thể làm được ...
ĐTC Phanxico: Tôi đã được hỏi câu này sau chuyến đi đầu tiên của tôi đến Albania: “Tại sao cha chọn đến Albania cho chuyến đi Châu Âu đầu tiên của cha, một dân tộc không ở trong Liên Minh Châu Âu?” Rồi, tôi đến Sarajevo, Bosnia và Herzegovina, cũng không ở trong Liên Minh Châu Âu. Quốc gia đầu tiên thuộc Liên Minh Châu Âu mà tôi đến thăm là Hy lạp, đến đảo Lesbos. Đó là chuyến đầu tiên. Tại sao lại đến những quốc gia này. Nhưng ba quốc gia này nằm trong vùng Caucasus, ba quốc gia này, cả ba tổng thống đã đến Vatican mời tôi, và rất tha thiết. Cả ba quốc gia có quan điểm tôn giáo khác nhau: người Armenia rất tự hào - nhưng không mang tính xúc phạm - rất tự hào về chủ nghĩa Armenia. Và, họ có một lịch sử và họ là những người Ki-tô hữu với đại đa số, nhưng hầu hết đều là Ki-tô hữu Tông tòa, Ki-tô hữu Công giáo, và một ít Ki-tô hữu Tin lành … ít! Georgia là một dân tộc Ki-tô giáo, Ki-tô giáo toàn tòng, nhưng là Chính thống giáo. Người Công giáo rất ít. Một ít, còn lại là Chính Thống giáo. Mặt khác Azerbaijan là một dân tộc tôi tin là 96 đến 97 phần trăm là Hồi giáo. Tôi không biết rõ nó có bao nhiêu cư dân vì tôi nói 2 triệu nhưng tôi nghĩ là tới 20 triệu, đúng không? Khoảng 10, cỡ 10, cỡ 10 triệu. Người Công giáo có tối đa khoảng 600, rất ít. Và tại sao lại đến đó? Vì người Công giáo, đến với những vùng ngoại vi của cộng đoàn Công giáo, mà đây chính xác là vùng ngoại vi, nó rất nhỏ và hôm nay trong Thánh lễ tôi nói với họ rằng họ nhắc tôi nhớ đến cộng đoàn ngoại vi của thành Giê-ru-sa-lem nhốt mình trong phòng tiệc ly chờ đợi Chúa Thánh Thần, chờ đợi để được lớn lên, để bước ra bên ngoài … nó nhỏ … nó không bị bách hại, không! Vì ở Azerbaijan có sự tôn trọng tôn giáo rất lớn, một sự tự do tôn giáo rất tốt … Điều này là thật. Hôm nay tôi có nói trong bài diễn từ. Và hơn nữa ba quốc gia này là những nước vùng ngoại vi, giống như Albania, Bosnia và Herzegovina và tôi đã có nói với tất cả: thực tại được hiểu rõ hơn và được nhìn thấy tốt hơn từ những vùng ngoại vi hơn là vùng trung tâm. Và đó là lý do tại sao tôi chọn nơi đó. Nhưng nó cũng không đánh mất đi khả năng đến những quốc gia vĩ đại như Bồ đào nha, Pháp, tôi không biết nữa. Chúng ta sẽ thấy ...
Xin cảm ơn rất nhiều vì công việc của quý vị và bây giờ nghỉ một chút và chúc bữa tối ngon miệng … và cầu nguyện cho tôi!
Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.

[Nguồn:  catholicnewsagency]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/10/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét