Đức Tổng Giám mục Jurkovič: quyền tiếp cận với y tế phải được bảo đảm
Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc ở Geneva - RV
10/11/2016 15:49
(Vatican Radio) Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc và Các Tổ chức Quốc tế khác tại Geneva phát biểu hôm thứ Tư tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong một phiên thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ.
Nhà ngoại giao Vatican nói rằng quyền tiếp cận với chăm sóc sức khỏe phải luôn luôn được bảo đảm khi bàn về sở hữu trí tuệ.
“Như tất cả chúng ta đều hiểu, sức khỏe là một quyền căn bản của con người, rất quan trọng trong cách thực thi cùng với những quyền khác, và nó cần có để sống một cuộc đời có phẩm giá,” – Đức Tổng Giám mục Jurkovič nói – “Nhận thức rõ về quyền có sức khỏe phải là một mục tiêu nền tảng của các chính sách và chương trình quốc gia, bất kể những bối cảnh riêng về kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo hay chính trị. Tuy nhiên, với hàng triệu người trên thế giới, quyền được hưởng sự chăm sóc sức khỏe trọn vẹn vẫn còn là một mục tiêu xa vời, do những rào cản trong việc tiếp cận với y tế chất lượng cao, mức giá hợp lý và chấp nhận được với mọi người.
Dưới đây là toàn văn phát biểu
Phát biểu của Đức Tổng Giám mục H.E. Ivan Jurkovič, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hợp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác ở Geneva tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Hội đồng Quyền sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại (TRIPs), Geneva, 9 tháng 11, 2016
Thưa ông Chủ tịch,
Vì đây là lần đầu tiên phái đoàn của tôi đóng góp tham luận trong phiên họp của Hội đồng TRIPs hiện tại, cho phép tôi chúc mừng ông với vai trò đảm nhận chức Chủ tịch và xin cam kết với ông sự ủng hộ trọn vẹn của Phái đoàn Tòa Thánh. Sáng kiến của ông Tổng Thư Ký Liên Hợp quốc đã làm vang lên những quan tâm của Tòa Thánh liên quan đến những thỏa ước về quyền sở hữu trí tuệ, và sự tiếp cận với y khoa và chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Thành tựu của một sự cân bằng tốt hơn giữa việc bảo vệ quyền của người sáng chế, luật quyền con người quốc tế và những mục tiêu sức khỏe cộng đồng được dự liệu rất rõ ràng trong Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững 3: Đạt được Độ Bao Phủ Y tế Toàn cầu (UHC). Đây là một thời khắc độc nhất trong lịch sử. Bảo đảm sự thành công của SDGs, trong đó bao gồm việc chấm dứt sự lây lan của AIDS, bệnh lao, sốt rét và những căn bệnh của vùng nhiệt đới không được chú trọng và chống lại bệnh viêm gan, bệnh lây lan qua nguồn nước và những chứng bệnh có thể bị lây lan khác sẽ đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu, đặc biệt trong những thời gian hội nhập và những thách thức toàn cầu rất khắt khe.
Như ông Tổng Thư Ký Liên Hợp quốc đã trình bày, cho dù đã có những nỗ lực và những kết quả đáng khích lệ từ những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ, hàng triệu người đã bị bỏ rơi lại phía sau; dẫn đến việc các Chính Phủ Thành viên đã đã thỏa thuận về Những Mục Tiêu Phát triển Bền vững nhắm đến năm 2030. Trong Tông huấn Laudato sii Đức Thánh Cha nói đến mức độ lan rộng của sự loại trừ rất phức tạp trong thế giới chúng ta "(...) có rất ít sự ý thức rõ ràng về những vấn đề đặc biệt ảnh hưởng đến những người bị loại trừ. Nhưng họ lại chiếm đại đa số trong dân số thế giới, hàng tỷ người (...)". [49, 51]
2. Vì thế sự chú ý của chúng ta luôn phải được giữ vững và chúng ta phải duy trì kiên vững cam kết của chúng ta là không để ai bị rơi lại đàng sau và xây dựng một thế giới bền vững hơn vào năm 2030. Tiếp cận được với dịch vụ y tế hợp lý không còn là một thách thức cho những quốc gia kém phát triển nhất và những quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, các Chính phủ cảm thấy bất lực trong việc chống lại sự kháng thuốc. Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với việc thiếu trầm trọng những loại thuốc mới, thậm chí những ngân sách cho sức khỏe cộng đồng bị kiềm chế trên toàn thế giới.
Như tất cả chúng ta đều hiểu, sức khỏe là một quyền căn bản của con người, rất quan trọng trong cách thực thi cùng với những quyền khác, và nó cần có để sống một cuộc đời có phẩm giá. Nhận thức rõ về quyền có sức khỏe phải là một mục tiêu nền tảng của các chính sách và chương trình quốc gia, bất kể những bối cảnh riêng về kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo hay chính trị. Tuy nhiên, với hàng triệu người trên thế giới, quyền được hưởng sự chăm sóc sức khỏe trọn vẹn vẫn còn là một mục tiêu xa vời, do nhiều những rào cản trong việc tiếp cận với y tế chất lượng cao, mức giá hợp lý và chấp nhận được với mọi người. Điều này tạo nên một thách thức trong việc làm phát triển phong phú nhân phẩm, nó đại diện cho nền tảng của tất cả các quyền của con người, trong đó gồm quyền đối với sự sống, sức khỏe và sự phát triển toàn diện của nhân vị.
Tiếp cận với những dịch vụ y tế căn bản, thỏa mãn nhu cầu được ưu tiên chăm sóc sức khỏe của người dân, là một phần then chốt của quyền về sức khỏe (định nghĩa của WHO tại địa chỉ: http://www.who.int/medicines/services/essmedicines_def/en/). Vì những loại thuốc quan trọng phải được chọn lọc tùy theo sự lan rộng của các căn bệnh, bằng chứng hiệu quả lâm sàng và tính an toàn, giá cạnh tranh và tính hiệu quả, tầm giá của chúng nên phù hợp khả năng kinh tế của cá nhân cũng như những cộng đồng địa phương. Vì thế, nếu chúng ta đưa ra được những chính sách phản ánh được nhân phẩm và việc thực thi nhân quyền là chúng ta phải tháo bỏ được mọi rào cản, giải quyết được những vấn nạn về khả năng tài chính, và đặc biệt, làm giảm bớt tính mất cân đối và những đòi hỏi quá mức về lợi nhuận. Qua đối thoại, đây là một con đường tốt nhất để đương đầu với những vấn đề trong thế giới của chúng ta và tìm ra được những giải pháp thực sự có hiệu quả, chúng ta có thể góp phần vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và một tương lai tươi sáng hơn cho những thế hệ tiếp nối. Ba nguyên tắc rất hữu ích cho một sự đối thoại đạt kết quả như vậy là: sự đoàn kết, tính bổ trợ (subsidiarity), và quan tâm đến thiện ích chung. Sự đoàn kết có nghĩa là chúng ta phải quan tâm đến những điều đang là mối bận tâm của người khác cũng như của mình. Tính bổ trợ có nghĩa là chúng ta chấp nhận người khác ngang bằng với chúng ta, để cho họ có tiếng nói của riêng họ, chúng ta lắng nghe, và chúng ta giúp họ tham gia vào nếu họ cần sự giúp đỡ đó.
3. Báo cáo của Ban Hội thẩm Cấp cao trình bày một điểm khởi đầu từ đó chúng ta có thể bắt đầu thảo luận những biện pháp cứu vãn và sửa lại những hướng đi chưa trùng khớp nhau và sự rời rạc trong chính sách giữa những quyền của cá nhân và tập thể của người sáng chế, nhà cải cách và nhà sản xuất và những quyền con người mở rộng hơn. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho sự thảo luận về thương mại và sức khỏe trong bối cảnh của thiện ích chung và nhấn mạnh đến sự tiếp cận với những công nghệ như là một quyền liên quan đến sức khỏe và đời sống. Quả thật, “làm nền tảng cho nguyên tắc của thiện ích chung là sự tôn trọng nhân vị, được làm phong phú thêm với những quyền căn bản và không thể chuyển nhượng được sắp đặt cho sự phát triển trọn vẹn của người đó" (Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Laudato si par. 157).
Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói: “Tính tương thuộc và hội nhập của các nền kinh tế không được đem phương hại dù là nhỏ nhất đến cho những hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội hiện tại; thay vì vậy, chúng phải thúc đẩy tính sáng tạo và trách nhiệm tốt đẹp của họ. Một số vấn đề sức khỏe đặc biệt nào đó … cần có sự chú ý chính trị cấp bách, vượt lên trên và vượt ra ngoài những lợi ích tài chính và chính trị.” (Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Nairobi, 26 tháng 11, 2015.)
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/11/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét