Đức Thánh Cha nói chuyện thân mật với Thiếu Nhi tại Giáo xứ Thánh Maria của Roma ở Setteville
‘Cha cho chúng con lời khuyên nhé: hãy nói chuyện với ông bà, hỏi ông bà nhiều câu hỏi. Ông bà là ký ức của cuộc sống, ông bà là sự khôn ngoan của cuộc sống. Hãy nói chuyện với ông bà. Chúng con hiểu chứ?’
16 tháng 1, 2017
Dưới đây là bản dịch cuộc nói chuyện thân mật với thiếu nhi trong chuyến thăm mục vụ chiều hôm qua đến giáo xứ Thánh Maria của Roma ở Setteville:
***
NHỮNG LỜI NÓI CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG SUỐT BUỔI GẶP GỠ THIẾU NHI
Đức Thánh Cha:
Cảm ơn các con. Cảm ơn vì niềm vui của chúng con, vì những chương trình của chúng con … đẹp tuyệt vời những gì chúng con tặng cho cha. Hãy sống ngoan, và cha cám ơn những lời của chúng con nhé. [Sau Thêm Sức], Thêm sức … Ở Roma đây cha có nghe nói rằng Thêm sức là “Bí tích tạm biệt”: sau Thêm sức, chẳng còn thấy chúng con nữa … Điều này đúng không? Và các bạn khác, các bạn không trở lại nhà thờ sau Thêm sức nữa? … Sau Thêm sức là một vấn đề. Và với việc chúng con có mặt ở đây là một hồng ân của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho chúng con hồng ân này, không biến Bí tích Thêm sức thành Bí tích “tạm biệt” cho đến ngày lập gia đình. Quá nhiều năm không sống trong cộng đoàn … Và chúng con được Chúa chọn để tạo thành một cộng đoàn. Và đây là điều tuyệt vời. Cha đang nghĩ đến Maria [một thiếu nhi trong giáo xứ] nói: “Chúng con ở đây vì Chúa yêu chúng con.” Nhưng, cho cha biết xem, còn các bạn khác, các bạn không có mặt ở đây, Chúa có yêu các bạn ấy không? … Chúng con biết Chúa có yêu các bạn ấy hay không? … Ngài có yêu các bạn ấy không? Và tại sao các bạn ấy lại không có mặt ở đây? Nếu chúng con cảm nhận được Chúa yêu, và vì điều này, Thiên Chúa đã đem chúng con lại đây, vậy tại sao các bạn khác lại không có ở đây? Có chuyện gì đang xảy ra? … Có bạn nào thông minh nói cho cha nghe xem … Cứ nói, cứ nói, cha muốn nghe chúng con nói.
[Một thiếu nhi nói nhưng không ai hiểu rõ]
Đức Thánh Cha:
Con giỏi quá! Con mấy tuổi?
[Một thiếu nhi khác]: Bạn ấy 8 tuổi.
Đức Thánh Cha:
Các anh chị kia hơn 18 tuổi rồi mà chẳng ai có thể nói, và con lại nói được … Tốt, cứ như vậy đi! Làm rất tốt, làm rất tốt. Thấy bạn ấy can đảm không! Không hề lúng túng — cứ mạnh dạn lên, tiếp tục nói đi! Đến đây, đến đây … Nghe này, có một số bạn không nghe thấy con. Con có thể lặp lại điều con đã nói không? Cứ nói đi …
[Thiếu nhi] Thực ra, có những bạn không đi cùng lớp, không cùng chơi, và các bạn không đến đây với chúng con để chung vui […]
Đức Thánh Cha:
Thật là người dũng cảm! Bạn ấy nói đến hai điểm: lắng nghe Lời của Chúa và tìm được niềm vui. Hai điểm cha lấy từ những gì bạn ấy nói. Những bạn đó lắng nghe Lời Chúa, nhưng chúng ta nói về Lời Chúa như thế nào? Khi cha nghe một bạn trẻ, một anh chị giáo lý viên nói về Thiên Chúa, cha không biết nữa, có thể là một người nào đó thôi, cha thấy chán lắm. Chúng ta nói về Thiên Chúa với một nỗi buồn nào đó. Ngài nói mừng vui lên: đây là một mầu nhiệm. Nói về Thiên Chúa trong sự vui mừng và điều này được gọi là chứng nhân Ki-tô. Chúng con hiểu không? Chứng nhân Ki-tô là nói về Thiên Chúa trong niềm vui, nhưng cũng bằng chính niềm vui của đời sống của con người, cụ thể là thực hiện trong đời sống của tôi những gì tôi nói về Thiên Chúa. Và chúng con, những anh chị lớn hơn, có anh chị nào nói cho cha biết chứng nhân Ki-tô là gì không? Chúng con có hiểu chứng nhân nghĩa là gì không? Chúng con hiểu hay không hiểu? Có … Con hiểu? Hãy giải thích cho cha biết chứng nhân Ki-tô là gì, thực hành như thế nào … Con cứ nói, cứ nói đi ...
[Thiếu nhi nam] Bằng cách đưa ra tấm gương trong cuộc sống.
Đức Thánh Cha:
Đưa ra tấm gương trong cuộc sống. Đây là điểm chính. Vì vậy, nếu cha nói: tôi là một người Công giáo gốc, Chúa nhật nào tôi cũng đi Lễ,” nhưng mà rồi tôi chẳng nói chuyện với cha mẹ, người lớn tuổi không thích tôi, tôi không giúp đỡ người nghèo, tôi không đi thăm người bệnh … đây có phải là chứng nhân của cuộc sống không? Không! Cha có thể nói về Thiên Chúa, nhưng nếu cha không đưa ra chứng tá bằng cuộc sống của cha, như con nói, bằng cuộc sống riêng của cha, thì chả có gì tốt cả! “Nhưng, thưa cha, con là một người Ki-tô hữu, và con nói về Thiên Chúa!” Đúng, nhưng bạn chỉ là một Ki-tô hữu như con vẹt! Chỉ phát ra từ đây [ngài chỉ vào miệng]: nói, nói, và nói thôi … Chúng con có nhớ bài hát đó không? Không, không phải con, con còn nhỏ. Đúng không? “Nói, nói, và nói …” và chẳng có gì hơn. Chứng tá Ki-tô phải được thực hiện bằng lời, bằng trái tim và bằng đôi tay. Chúng ta hãy cùng lặp lại nhé: bằng lời nói, bằng trái tim, và bằng đôi tay — rất tuyệt vời. Bây giờ, cha hỏi chúng con – xem ai trả lời được nhé, vì cha đang nói – phải thực hiện chứng nhân Ki-tô bằng lời nói như thế nào? Một trong chúng con … Con nói rồi, một bạn khác đi … [có thiếu nhi xen vào]. Con kể lại chuyện của con đi, giữa con với Chúa như thế nào, bằng lời nói. Tốt! Chứng tá Ki-tô phải được thực hiện bằng con tim như thế nào?
[Một thiếu nhi nữ] Bằng cách hy sinh.
Đức Thánh Cha:
Hy sinh — con giải thích thêm một chút được không, con đúng rồi, nhưng giải thích thêm một tí, con muốn nói gì trong câu: hy sinh?
[Thiếu nhi nữ] Mở lòng với người khác ...
Đức Thánh Cha:
Mở lòng ra với người khác, tốt ...
[thiếu nhi nữ] Chấp nhận con người của người khác ...
Đức Thánh Cha:
Chấp nhận con người của người khác, chứ không phải theo ý tôi muốn, tốt! Nói đi, nói lại lần nữa …
[thiếu nhi nữ] Lắng nghe người khác
Đức Thánh Cha:
Lắng nghe người khác – điều này rất thú vị. Ki-tô hữu là một người đàn ông, một người phụ nữ, một thanh niên, một thiếu nhi nam, một thiếu nhi nữ có khả năng lắng nghe, người biết lắng nghe. Có phải khả năng lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe người khác chỉ bằng đôi tai không? … Phải bằng con tim nữa; phải là một người có khả năng cảm xúc. Tốt, tốt! Và chứng tá Ki-tô được thể hiện bằng đôi tay như thế nào?
[thiếu nhi nữ] Bằng cách phải khiêm nhường
Đức Thánh Cha:
Khiêm nhường … Vậy khiêm nhường là gì?
[thiếu nhi nữ] Đi gặp gỡ mọi người.
Đức Thánh Cha:
Đi gặp gỡ mọi người … Và nếu có ai đó giận con, và nói xấu về con, vậy chứng nhân Ki-tô có nói rằng: “Không, đừng đi với người đó” không?
[thiếu nhi nữ] Không. Khó mà bỏ được tính tự hào, nhưng Lời Chúa dạy chúng ta phải khiêm nhường và xin tha thứ, trước hết là xin tha thứ từ người mà con đã cãi nhau.
Đức Thánh Cha:
Xin tha thứ, tha thứ … Tốt quá! Bằng con tim, bằng đôi tay … Chứng nhân Ki-tô cũng phải bằng đôi tay ...
[thiếu nhi nữ] hành động ...
Đức Thánh Cha:
Hành động, ví dụ như thế nào?
[thiếu nhi nữ] Sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Đức Thánh Cha:
Hãy nhớ những hành động của lòng thương xót: thăm người bệnh, người tù đày, giúp bạn bè hoàn tất công việc … tất cả mọi việc này. Luôn luôn giúp đỡ! Chứng nhân: bằng lưỡi, bằng miệng, tuyên xưng Thiên Chúa; bằng con tim, luôn mở rộng cho sự yêu thương; và bằng đôi tay: những hành động của lòng thương xót. Đây là chứng nhân Ki-tô. Giờ các con hiểu chưa? Nhưng giữa chúng con phải thường xuyên nói về những điều này! Được rồi. Con có câu hỏi hả? Nói đi, nói lớn vào!
[thiếu nhi nữ] Làm sao để con giải thích cho người không tin, rằng đức tin là quan trọng?
Đức Thánh Cha:
Làm sao để giải thích cho người không tin lý do và tầm quan trọng của đức tin? Chúng ta không phải giải thích. Chúng con hãy lắng nghe kỹ điều này: nếu chúng con có một người bạn không tin, chúng con không cần phải nói: “Bạn phải tin điều này, điều kia, hay điều đó đó …” và giải thích tất tần tật cho bạn đó. Làm vậy chẳng ích gì! Cái này được gọi là sự thuyết phục cải đạo, và chúng ta là những Ki-tô hữu không được bám vào sự thuyết phục cải đạo. Vậy chúng ta làm sao đây? Nếu cha không thể giải thích, vậy cha phải làm sao? Hãy sống theo một cách để người bạn đó phải hỏi con: “Tại sao bạn lại sống theo cách này? Tại sao bạn làm như vậy?” Và rồi, đúng, bây giờ mới giải thích. Chúng con hiểu chưa? Nhưng đừng bao giờ giải thích trước, để thuyết phục ai đó. Đức tin là một ân sủng của Thiên Chúa ban và chúng ta cần phải bền bỉ xin Thánh Thần để có đức tin, và sự bền bỉ của Chúa Thánh Thần cũng đến từ chứng tá của chúng ta. “Nhưng này, thật điên rồ! Thay vì đi chơi thoải mái với bọn mình, bạn đó lại đi thăm người bệnh, giúp đỡ một người bệnh. Đúng là điên! Để mai tớ hỏi bạn ấy …” “Ê bạn, sao bạn lại làm vậy?” Thế đấy. Đó là sự thôi thúc trong tim khiến chúng con phải hỏi. Trước hết, hãy hành động, sau đó giải thích. Các con hiểu chưa? Và rồi Thánh Thần đi vào tâm hồn chúng ta, làm cho tâm hồn chúng ta bền bỉ thực hiện chứng tá của người Ki-tô hữu. Vì vậy, liên quan đến các Luật sĩ lúc đó, Chúa Giê-su nói với mọi người: “hãy làm tất cả những gì họ nói, nhưng đừng theo những gì họ làm.” Họ không làm chứng nhân. Mà người Ki-tô hữu phải làm chứng nhân — những gì chúng con nói về cách sống, cách trở thành một chứng nhân – là những gì khơi gợi lên sự tò mò nơi người khác, và họ sẽ hỏi chúng con những câu hỏi, rồi khi đó chúng con mới giải thích. Chúng con hiểu câu trả lời của cha không? Nhưng đừng bao giờ bắt đầu bằng sự giải thích. Hãy để cho người đó đặt câu hỏi, và khơi dậy câu hỏi bằng chứng tá của các con. Các con hiểu không? Vậy đấy. Còn gì nữa không, còn câu hỏi nào không các con?
[thiếu nhi nữ] Tha thứ là rất quan trọng trong Ki-tô giáo … Nhưng cha có thể luôn luôn tha thứ được không?
Đức Thánh Cha:
Khó đấy. Cha biết một bà cụ người nhỏ bé rất tốt bụng! Cha nghĩ bà thậm chí đánh cả chồng … [ngài cười, các em cười], nhưng bà tốt bụng. Bà là một bà cụ tốt bụng, khỏe mạnh. Và bà cụ này nói: “Luôn tha thứ. Quên thì khó lắm.” Khi chúng con gặp “chiến tranh,” thôi cứ nói là con đang thù hằn với ai đó, trái tim của con và tim của bạn kia đang bị tổn thương … đúng không? Vết thương vì tức tối, thù hận, ghen tức …, nhiều vết thương lắm. Và nếu một người làm điều xấu cho người khác, vết thương trở nên lớn hơn. Khó tha thứ, nhưng vẫn có thể được. Chúng ta cứ nghĩ đến Chúa Giê-su, nghĩ đến gương Ngài cho chúng ta, khi Chúa nói với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (xem Lc 23:34). Người ta vẫn có thể tha thứ. Vết thương có thể chữa lành, có thể được chữa lành, vết thương khép miệng lại. Nhưng vết sẹo nhiều lúc vẫn tồn tại. Và điều này nghĩa là: “Tôi không thể quên, nhưng tôi vẫn tha thứ” — luôn luôn tha thứ. Nhưng đừng đến với người đó để tha thứ cho họ giống như con đưa của bố thí, đừng. Sự tha thứ sinh ra từ trong tim và chúng ta bắt đầu đối xử với người đó dường như không có chuyện gì xảy ra … Một nụ cười, và rồi dần dần sự tha thứ đến. Không thể tha thứ theo mệnh lệnh: phải có một hành trình trong tâm hồn cho sự thay thứ. Nó không dễ đâu … nhưng vẫn có thể làm được. Được không chúng con? Chúng con đồng ý không?
Một câu hỏi nữa, từ mé kia … Các bạn đó bắt đầu khá hơn tụi con rồi đó! [ngài cười, các em cười]
[thiếu nhi nam] Theo Đức Thánh Cha, món quà lớn nhất của Chúa cho chúng ta là gì?
Đức Thánh Cha:
Cảm ơn con, nhưng cha chẳng biết nói với con thế nào … Vì theo lý thuyết thì cha có thể nói: món quà lớn nhất là đức tin. Đúng, đúng như vậy – cái này là theo lý thuyết. Nhưng điều cha cảm nhận là món quà lớn nhất của Thiên Chúa là gia đình: cha, mẹ, năm anh chị em, cả gia đình … Với cha, đây là món quà lớn nhất, được sống trong gia đình. Đây là lý do tại sao gia đình là quan trọng … Và gia đình là cha, là mẹ, là anh chị em … và thế là hết sao? Không …, ông bà nữa! Chúng con nghĩ sao về ông bà? … Ai trả lời nào?
[thiếu nhi nữ] Ông bà là cha mẹ thứ hai.
Đức Thánh Cha:
Ông bà là cha mẹ thứ hai – tuyệt vời. Ông bà là những người canh chừng cho gia đình “đứng sau” cha mẹ. Hay quá, thêm chút nữa, thêm một điều gì đó nữa, phải còn gì đó nữa …
[thiếu nhi nam] Thường thường, còn hơn là cha mẹ thứ hai, ông bà cũng có thể là bạn bè …
Đức Thánh Cha:
Thấy chưa, ông bà cũng có thể là bạn bè. Cha biết ngay là thiếu nhi chúng con có thể nói chuyện với ông bà dễ hơn với cha mẹ. Vì chúng con cảm thấy ông bà giống bạn bè hơn, ông bà dễ hiểu chúng con hơn … Thế mà cha nghe có bạn bảo: nói chuyện với ông bà chán lắm! Ông bà là lớp già rồi, họ chả còn có ích gì nữa.” Cái này đúng không chúng con?
[thiếu nhi] Không đúng!
Đức Thánh Cha:
Không đúng! Để cha cho chúng con lời khuyên nhé: cứ nói chuyện với ông bà đi, hỏi ông bà nhiều câu hỏi vào. Ông bà là ký ức của cuộc sống, ông bà là sự khôn ngoan của cuộc sống. Hãy nói chuyện với ông bà. Chúng con hiểu chưa? Tốt lắm. Cha không biết nữa … chúng ta có thể tiếp tục nữa không? Một câu hỏi nữa. Cha đang muốn nhìn sang đây, nhưng ai cũng im lặng …
[thiếu nhi nữ] Làm sao Đức Thánh Cha có thể bị mất đức tin giữa những lúc vui và buồn của cuộc sống?
Đức Thánh Cha:
Đức tin có thể bị đánh mất đấy …, Bây giờ thỉnh thoảng cha vẫn nghĩ đến có những lúc trong đời của cha, … đức tin quá yếu đến mức cha khó mà tìm được nó và cha đã sống giống như cha không có đức tin … Thế rồi cha lại tìm lại được. Những lúc thăng trầm của cuộc sống cũng có một điểm khởi đầu, một cú sốc làm con thay đổi và làm cho người ta mất đức tin đến một mức độ nào đó, nhưng rồi với thời gian người ta lại tìm lại được nó. Có một câu trong Kinh Thánh Chúa Giê-su nói rằng: Mọi việc đều có thể đối với một người có đức tin,” mọi việc. Và người bố của em bé bị ốm kia, người bố đã mang em bé đến để Chúa Giê-su chữa lành. Ông đã nói gì với Chúa Giê-su? “Thưa thầy, tôi tin, nhưng xin giúp lòng tin yếu kém của tôi” (xem Mc 9:23-24). Đức tin không phải lúc nào cũng [vĩ đại] … Có những ngày rất u ám, mọi sự đều u ám … Cha cũng đã từng bước đi trên cuộc đời trong những ngày như vậy. Nhưng chúng ta đừng sợ: chúng ta phải cầu nguyện và gan lì, và rồi Thiên Chúa sẽ đến với chúng ta, làm chúng ta lớn lên trong đức tin và giúp chúng ta tiến bước. Cha trả lời cho câu hỏi của con rõ chưa?
[thiếu nhi nữ] Vâng, vâng, con cảm ơn Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha:
Cha trả lời rõ rồi chứ?
[thiếu nhi nữ] Vâng, vì có lúc con bị mất đức tin, nhưng … con cố tìm lại được …
Đức Thánh Cha:
Đúng, con đúng đấy, vì có nhiều ngày chả thấy đức tin ở đâu: mọi việc đều u ám … Và khi chúng ta chứng kiến những tai ương … Ví dụ, hôm qua, khi cha rửa tội cho 13 bé bị ảnh hưởng bởi động đất, người cha của một trong các bé bị mất vợ. Ông nói với cha, “Con đã bị mất tình yêu của con.” Chúng ta nghĩ xem, liệu người đàn ông này có thể còn đức tin sau thảm họa này không? Và chúng ta hiểu rằng có bóng đêm đen ở đó … “Và nếu con không tin …” Im lặng. Hãy đồng hành cùng ông, tôn trọng bóng tối đó của tâm hồn. Rồi Thiên Chúa sẽ đánh thức dậy đức tin. Đức tin là một ân sủng của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ nó. Chúng ta không đi học mới có được đức tin; đức tin được đón nhận như một ân sủng. Cảm ơn con.
Cha được nói là phải ban phép lành, và Chúa Giê-su luôn luôn ban phép lành. Và cha sẽ ban phép lành cho tất cả chúng con, nhưng đặc biệt là cho những bạn in lặng, những bạn không thể nói được … Nhưng hãy cẩn thận, thấy những người trẻ mà không nói được … là một thảm kịch.
Bây giờ chúng ta đọc kinh Kính Đức Mẹ: Kính mừng Maria …
[Phép lành]
Trước khi cha về, một câu hỏi nữa: phải làm gì với ông bà đây chúng con?
[thiếu nhi] Nói chuyện với ông bà!
Đức Thánh Cha:
Và lắng nghe ông bà! Nói chuyện và lắng nghe ông bà. Cầu nguyện cho cha nữa nhé! Cảm ơn các con.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/01/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét