(YouTube)
16 tháng 1, 2017
Đức Thánh Cha Phanxico Giải Quyết Các Vấn Đề Thế Giới Thế Nào
Trong lần phỏng vấn của Register, ‘vị bộ trưởng ngoại giao’ của Vatican, Đức Tổng Giám Mục Phaolo Gallagher, nói về cách tiếp cận rất riêng biệt của Đức Thánh Cha đối với các vấn đề quốc tế.
Edward Pentin
Trong “cái nhìn tổng quát” thường niên của ngài trước ngoại giao đoàn thường trú tại Tòa Thánh hôm thứ Hai trước, Đức Thánh Cha Phanxico tái khẳng định một cách dứt khoát rằng người ta không thể “giết người nhân danh Chúa,” ngài nói thêm rằng thế giới đang “đối mặt với sự sát nhân điên rồ lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc cái chết, trong một cuộc chơi giành sự thống trị và quyền lực. Trong diễn từ trước đại diện của 182 quốc gia có mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Tòa Thánh, ngài Phanxico nói “chủ nghĩa khủng bố theo trào lưu chính thống là hậu quả của một vực sâu nghèo nàn tinh thần, và thường cũng có mối quan hệ rất lớn đến sự nghèo nàn trong xã hội,” và nó “chỉ có thể bị đánh bại bằng sự đóng góp chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần.”
Trong bài diễn từ dài, dành riêng năm nay để nói về hòa bình và an ninh, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến tất cả những điểm rắc rối của thế giới và nhắc lại nhiều Ki-tô hữu bị bách hại trên toàn thế giới. Ngài nhấn mạnh rằng hòa bình phải dựa trên sự công bình, ngài nói rằng “hòa bình là một ân ban, một thách thức và một cam kết,” nó chỉ có thể “có được dựa trên nền tảng của tầm nhìn của con người đủ khả năng thúc đẩy một sự phát triển toàn diện tôn trọng phẩm giá siêu việt của họ.” Ngồi bên trái của Đức Thánh Cha trong đại sảnh Sala Regia của Vatican là đức Tổng Giám mục Phaolo Gallagher, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh. Trong phần phỏng vấn qua email ngày 12 tháng Một với Register, Đức Tổng Giám mục Gallagher phản ánh về những điểm nổi bật trong bài diễn từ, con đường mà Đức Thánh Cha nghĩ có thể loại trừ được sự cấp tiến quá khích, và “tính rõ ràng” trong con đường ngoại giao của ngài đã giúp cho Tòa Thánh ở nước ngoài như thế nào. Vị Tổng Giám mục người Anh cũng nói đến những điểm quan ngại của một số người trước sự tiếp cận của Đức Thánh Cha trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt với Nga và Trung Quốc, có thể chỉ mang tính thực dụng để trả giá cho sự tôn trọng những ích lợi của người Công giáo.
Đức Thánh Cha phân tích nhiều vấn đề trong bài diễn từ của ngài, nhưng đâu là những lĩnh vực quan trọng nhất đáng quan tâm đối với ngài trong thế giới ngày nay?
Tôi nghĩ điều quan tâm lớn nhất của Đức Thánh Cha là sự cần thiết của hòa bình. Chúng ta sống trong một thế giới mà bên ngoài có vẻ là hòa bình, nhưng người ta thường rất sợ hãi và sống trong lo sợ, lo lắng về tương lai của họ. Ngoài ra có rất nhiều những cuộc “xung đột vô nghĩa” tất cả cộng chung lại thành điều mà Đức Thánh Cha gọi là “một cuộc chiến thế giới chia nhỏ từng vùng.” Quả thật, Syria là thảm kịch lớn nhất. Nhưng còn rất nhiều vùng xung đột khác nằm trong mối quan tâm lớn của Đức Thánh Cha. Một trong những hậu quả của những xung đột này là con số người tị nạn khổng lồ trốn khỏi chiến tranh và tìm sự bảo vệ trong những quốc gia an toàn hơn. Đức Thánh Cha khuyến khích các giới chức dân sự không quên rằng người di cư cũng là những con người. Vì vậy, họ cần phải dùng sự khôn ngoan và có cái nhìn về lâu về dài, để không loại trừ những người đang đi tìm sự trợ giúp, đặc biệt những người đang thực sự cần sự bảo vệ, và không có những thành kiến trước thiện ích chung của công dân của đất nước họ.
Đương nhiên, một vấn đề đáng quan tâm khác là chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ trào lưu chính thống, chủ nghĩa mà Đức Thánh Cha định nghĩa là một “sự sát nhân điên rồ lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc cái chết, trong một cuộc chơi giành sự thống trị và quyền lực.” Nguồn gốc của tất cả những tình hình thảm kịch ở đó là do điều mà Đức Thánh Cha Phanxico gọi là “cái nhìn thiển cận” về nhân vị mở đường cho sự lan rộng những bất công, bất bình đẳng xã hội và tham nhũng.
Bằng cách nào Tòa Thánh giúp giải quyết những cuộc xung đột và chấm dứt chủ nghĩa khủng bố do trào lưu chính thống ở một số nơi trên thế giới?
Bằng một từ, tôi nói đó là “đối thoại.” Đức Thánh Cha đã nói rất rõ trong bài diễn từ của ngài, khi ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại ở mọi cấp độ: ngoại giao, liên tôn và đa văn hóa. Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha, qua nhiều cử chỉ can đảm của ngài, đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng đối thoại không những là sự cần thiết nhất và hiệu quả nhất, nhưng còn phải là điều đầu tiên và trên hết, nó là khả thi! Trong quan điểm này, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội, và sự đóng góp của những hoạt động được khơi nguồn từ tôn giáo để theo đuổi những thiện ích chung qua giáo dục và hỗ trợ xã hội, đặc biệt trong các vấn đề nghèo đói cùng khổ và những vùng xung đột. Giáo dục là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa cấp tiến cực đoan.
Trong thông điệp của ngài, Đức Thánh Cha nói đến một số các thỏa thuận đã được ký hoặc thông qua. Quan hệ của Tòa Thánh với các chính phủ khác đang thể hiện ở mức độ nào qua những dấu hiệu cải thiện cụ thể, đặc biệt với những chính phủ có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh?
Con số những quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, hoặc đã ký thỏa thuận với Toà Thánh, tiếp tục tăng, như được thấy qua con số của các đại sứ thường trực tại Roma. Đây là một tín hiệu quan tâm đầy khích lệ rằng Tòa Thánh được công nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài những quan hệ ngoại giao đã được thiết lập, có một “đại diện không thường trực” của Việt nam, và luôn có những liên lạc, thường là không chính thức, với nhiều quốc gia khác, qua đó chúng tôi thảo luận nhiều chủ đề, chủ yếu là liên quan đến sự hiện diện của Giáo hội Công giáo trong những địa hạt đó. Nó là một cuộc đối thoại liên tục và hầu như rất tích cực, điều đó rất hữu ích để gia tăng tìm hiểu, hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.
Đâu là điểm mạnh của Đức Thánh Cha trong chính sách ngoại giao, vừa theo quan điểm của ngài và từ những phản ứng mà ngài nghe được trên khắp thế giới?
Trước hết, tôi nghĩ đó là sự mạch lạc trong cách đánh giá của ngài, khi ngài nói về những vấn đề của thế giới, và sự mạch lạc này có được từ đức tin của ngài vào Thiên Chúa. Đức Thánh Cha gọi tên đúng của sự việc. Ngài không lo lắng về hậu quả chính trị. Ngài quan tâm đến con người và nỗi khổ của họ. Rồi có chứng tá của riêng ngài. Ví dụ, trong vài năm qua, ngài không chỉ nói về việc thực hiện lòng hiếu khách đối với người tị nạn. Ngài khuyến khích người Công giáo trên khắp thế giới cùng làm như vậy, và khi ngài đến thăm đảo Lesbos, ngài đã đem về Vatican một số người tị nạn. Người ta rõ ràng nhận ra rằng lời nói và hành động của Đức Thánh Cha là thật và chân thành. Đó là điểm mạnh của ngài.
Một số người đã chỉ trích triều đại này về chính sách “bình thường hóa quan hệ” — quá thực dụng với cái giá của những người cảm thấy họ là nạn nhân của những chính thể độc tài và hung hãn (ví dụ người Ukraina và Công giáo Trung Quốc). Điều này có đúng không?
Tôi nghĩ nó không đúng một tí nào. Đây không phải là vấn đề của chủ nghĩa thực dụng liên quan đến việc bảo vệ cho một lý tưởng. Như tôi đã nói trước, Đức Thánh Cha tìm kiếm đối thoại ở mọi cấp độ, nhưng điều đó không có nghĩa là vì đối thoại ngài sẵn sàng từ bỏ sự thật, từ bỏ thiện ích cho người dân, hay cho Giáo hội. Trong ngoại giao, đối thoại là tất cả cùng tìm ra một con đường đi tới để những người đang chịu đau khổ không còn chịu khổ nữa. Và điều đó là có thể nếu không có sự thiên kiến giữa những người đối thoại và nếu chúng ta không quên rằng đối thoại cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn, trong khi chúng ta thường mất kiên nhẫn và muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức.
Edward Pentin là phóng viên tại Roma của Register.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/01/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét