Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxico với những cặp đính hôn ngày Valentine's 2014

Đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxico với những cặp đính hôn ngày Valentine's 2014

“Hôn nhân là một lễ mừng, một lễ mừng của Ki-tô giáo, không phải lễ mừng của trần gian”
Gồm 2 phần
(Phần 2)
14 tháng 2, 2017
Đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxico với những cặp đính hôn ngày Valentine's 2014
CTV Screenshot
Từ Văn Khố của Zenit:
Dưới đây là bản dịch lời của Đức Thánh Cha Phanxico khi ngài gặp gỡ khoảng 20.000 bạn trẻ đính hôn chuẩn bị cưới trong ngày Valentine năm 2014 tại Quảng trường Thánh Phê-rô. Ngài trả lời các câu hỏi được đưa lên của ba cặp:
* * *

Câu hỏi 2: Sống với nhau: “Phong cách” của đời sống hôn nhân
Thưa Đức Thánh Cha, sống với nhau mỗi ngày rất đẹp, nó cho nhau niềm vui và duy trì. Tuy nhiên, nó lại là một thách đố phải đối mặt. Chúng con tin rằng chúng con phải học cách yêu nhau. Có một “phong cách sống” cho đời sống vợ chồng không, một tinh thần mỗi ngày mà chúng con có thể học được? Xin cha giúp chúng con điều này, thưa Đức Thánh Cha.
Sống chung với nhau là một nghệ thuật, một hành trình nhẫn nại, đẹp và cuốn hút. Nó không chấm dứt khi chúng con đã thuộc về nhau. Nhưng, lúc đó nó mới thực sự bắt đầu! Hành trình mỗi ngày này có những nguyên tắc có thể tóm tắt trong ba cụm từ mà chúng con đã nói, những cụm từ mà cha đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần với các gia đình: xin phép – tức là nói “Cho anh/Cho em,” [Anh có thể/Em có thể], như chúng con đã nói – Cám ơn và Xin lỗi.
“Cho anh/Cho em – Xin phép?” Đó là một lời hỏi ý lịch sự có thể đi vào đời sống của người khác bằng sự tôn trọng và quan tâm. Chúng con cần thiết phải học cách hỏi ý: Anh/Em làm cái này nhé? Anh/Em làm như vầy em/anh thấy có được không? Chúng ta lấy sáng kiến này, chúng ta giáo dục con theo cách này được không? Anh/Em có muốn tối nay đi chơi không? Nói tóm lại, hỏi ý có nghĩa là có thể đi vào đời sống của người khác một cách rất nhã nhặn. Và nó không dễ đâu, nó không dễ đâu. Thay vì vậy, đôi lúc những cách nặng nề được sử dụng, giống như một số loại giầy leo núi vậy! Yêu thương chân thực không bị bắt buộc trong tính khắt khe và gây hấn. Trong quyển Những Bông Hoa Nhỏ của Thánh Phanxico, chúng ta tìm được câu này: Hãy nhớ rằng sự nhã nhặn là một trong những gia tài của Thiên Chúa … và tính nhã nhặn này là chị em của đức ái, nó dập tắt lòng hận thù và duy trì yêu thương” (Chương 37). Đúng, sự nhã nhặn duy trì yêu thương. Và ngày nay trong các gia đình của chúng ta, trong thế giới của chúng ta, thường là bạo lực và kiêu căng, cần phải có nhiều sự nhã nhặn hơn nữa. và điều này có thể bắt đầu từ trong gia đình.
“Cảm ơn.” Có vẻ như cụm từ này rất dễ nói, nhưng tất cả chúng ta biết nó không phải như vậy … Tuy nhiên, nó rất quan trọng! Chúng ta dạy điều này cho trẻ em, nhưng rồi chúng ta lại quên nó! Lòng biết ơn là một tình cảm quan trọng! Có một lần ở Buenos Aires một bà cụ nói với cha: “lòng biết ơn là một bông hoa lớn lên trong lòng đất cao quý.” Sự cao quý của tâm hồn rất cần thiết cho bông hoa này phát triển. Các con có nhớ Tin mừng Thánh Lu-ca? Chúa Giê-su đã chữa lành cho mười người bị phong hủi và rồi chỉ có một người trở lại cảm ơn Chúa Giê-su. Và Chúa nói: vậy còn chín người kia đâu? Điều này cũng đúng với chúng ta: chúng ta có thể cảm ơn không? Trong mối quan hệ của chúng con, và ngày mai là đời sống hôn nhân, điều rất quan trọng là luôn giữ ý thức sống động rằng người bạn mình là một ân ban của Thiên Chúa, và chúng ta cảm tạ vì những ân ban của Thiên Chúa! Và bằng thái độ nội tâm này chúng ta cảm ơn nhau về mọi điều. Nó không chỉ là một cụm từ để sử dụng với người ngoài, để thể hiện tính lịch sự. Chúng ta rất cần phải biết nói cảm ơn nhau, để cùng nhau tiến bước tốt đẹp trong đời sống hôn nhân.
“Xin lỗi.” Chúng ta mắc rất nhiều lỗi phạm, nhiều lỗi lầm trong đời. Tất cả chúng ta đều vậy. Có ai ở đây chưa bao giờ phạm sai lầm không? Nếu có ai ở đây, giơ tay lên xem: một người không bao giờ phạm lỗi lầm ư? Tất cả chúng ta đều mắc phải! Tất cả! Có lẽ chả có ngày nào mà chúng ta không mắc lỗi. Kinh Thánh nói rằng người công chính phạm tội bảy lần một ngày. Và thế là chúng ta đều phạm lỗi … Đúng không, vậy thì rất cần phải sử dụng cụm từ: “xin lỗi.” Nói chung mỗi người chúng ta rất nhạy bén trong việc cáo tội người khác và bào chữa mình. Điều này bắt đầu từ tổ phụ A-đam của chúng ta, khi Chúa hỏi ông: “A-đam, có phải ngươi đã ăn trái cây đó?” “Con ư? Không! Chính cô ấy đưa cho con đấy chứ!” Chúng ta tố cáo người khác để không phải nói “xin lỗi,” tạ lỗi.” Đó là một câu chuyện cổ xưa! Nó là một bản năng là nguồn gốc của nhiều tai họa. Chúng ta hãy học cách nhận biết lỗi lầm của mình và xin lỗi. “Anh/Em xin lỗi nếu hôm nay anh/em có lớn tiếng”; “Anh/Em xin lỗi anh/em đi ngang mà quên chào em/anh”; “Xin lỗi, anh/em về trễ,” “nếu tuần này anh/em có quá ít nói chuyện với em/anh,” “nếu anh/em đã nói quá nhiều mà không chịu lắng nghe”; “Anh/Em xin lỗi anh/em đã quên”; “Anh/Em xin lỗi đã nóng giận và trút nó lên em/anh” … Có rất nhiều lời “xin lỗi” chúng ta có thể nói mỗi ngày.
Một gia đình Ki-tô hữu cũng lớn lên theo cách này. Chúng ta đều biết rằng một gia đình hoàn hảo là không có, hoặc không có một người chồng, một người vợ hoàn hảo. Chúng ta sẽ không nói đến chuyện mẹ chồng/mẹ vợ hoàn hảo … Chúng ta, những tội nhân, là có. Chúa Giê-su, Ngài biết rõ chúng ta, dạy cho chúng ta một bí mật: đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không xin tha thứ lẫn nhau, mà không đem lại bình an cho căn nhà, cho gia đình. Cãi vã giữa vợ chồng là chuyện bình thường, nhưng luôn phải có điều gì đó, chúng ta cãi nhau … Có thể chúng con quá giận, có thể chén đĩa bay, nhưng hãy nhớ điều này: đừng bao giờ chấm dứt một ngày mà không tạo hòa bình! Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ! Đây là một bí mật, một bí mật để duy trì tình yêu và xây dựng bình an. Chẳng cần phải làm những bài diễn thuyết hùng hồn. Đôi lúc chỉ cần một cử chỉ như vầy thôi … và hòa bình sẽ đến. Đừng bao giờ kết thúc … vì nếu chúng con kết thúc một ngày mà không tạo hòa bình, những gì chúng con giữ lại trong lòng hôm sau sẽ đông lạnh cứng và càng khó làm hòa hơn. Hãy nhớ thật kỹ: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không tạo hòa bình! Nếu chúng ta học cách xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau, hôn nhân sẽ bền vững, nó sẽ tốt đẹp. Khi những đôi vợ chồng già, kỷ niệm 50 năm hôn phối, đến tiếp kiến hay dâng lễ ở đây tại nhà nguyện Thánh Marta, cha hỏi họ: Ai phải chịu đựng ai? Đẹp quá đi! Các cụ nhìn nhau, các cụ nhìn cha, và các cụ nói với cha: “Cả hai!” Đẹp quá. Đấy là chứng tá rất đẹp!

Câu hỏi 3: Cách tổ chức lễ mừng hôn nhân
Thưa Đức Thánh cha, trong những tháng này chúng con bận túi bụi vào những chuẩn bị cho đám cưới. Cha có thể cho chúng con ít lời khuyên để mừng lễ cưới của chúng con được tốt đẹp?
Cứ biến nó thành một lễ mừng thực sự – vì hôn nhân là một lễ mừng – một lễ mừng của Ki-tô giáo, không phải lễ mừng của trần gian. Động lực vững chắc nhất cho niềm vui trong ngày này được thể hiện trong Tin mừng Thánh Gio-an: các con có nhớ phép lạ tại tiệc cưới Ca-na không? Tới lúc người ta hết rượu và buổi tiệc có nguy cơ bị hỏng. Các con cứ hình dung kết thúc buổi lễ bằng việc uống trà! Không, không thế được! Không có rượu, không phải tiệc mừng! Trước đề nghị của Mẹ Maria, ngay lúc đó Chúa Giê-su tỏ lộ mình ra lần đầu tiên và làm một phép lạ: Ngài hóa nước thành rượu và, bằng cách làm như vậy, Ngài đã cứu cho bữa tiệc cưới. Quả thật, những gì diễn ra tại tiệc cưới Ca-na hai ngàn năm trước cũng xảy ra tại mọi tiệc mừng hôn nhân: điều sẽ làm cho hôn nhân của chúng con trở nên trọn vẹn và đích thực chính là sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài tỏ lộ và ban ân sủng. Chính sự có mặt của Ngài mới đem lại “rượu ngon,” Ngài là sự huyền diệu của niềm vui trọn vẹn, của điều thực sự làm ấm áp tâm hồn. Chính sự hiện diện của Chúa Giê-su trong bữa tiệc cưới đó, thì nó mới trở thành một buổi tiệc mừng tuyệt đẹp, nhưng phải có Chúa Giê-su! Không phải là tinh thần trần gian, không phải! Sẽ đạt được như vậy, khi Thiên Chúa hiện diện.
Nhưng đồng thời, ngày cưới cũng phải có những điểm nhấn và những điều đáng nhớ những giây phút quan trọng. Một số rất quan tâm đến những hình thức bên ngoài, tiệc mừng, chụp ảnh, quần áo và hoa bông. Chúng là những thứ quan trọng trong một tiệc mừng, nhưng chúng chỉ đạt được điều đó nếu chúng thể hiện được động lực thực sự của niềm vui của chúng con: sự chúc phúc của Thiên Chúa cho tình yêu của chúng con. Hãy chuẩn bị những hình thức bên ngoài cho lễ cưới của chúng con, như rượu tại Ca-na, thể hiện sự hiện hữu của Thiên Chúa và nhắc nhở chúng con và mọi người về nguồn cội và lý do cho niềm vui của chúng con.
Nhưng có một điều chúng con nói mà cha muốn nắm lấy, vì cha không muốn để nó trôi qua. Hôn nhân cũng là một công việc của mỗi ngày; cha có thể nói nó như công việc thủ công, một công việc của thợ kim hoàn, vì người chồng có trách nhiệm phải làm cho người vợ trở nên nữ tính hơn và người vợ có trách nhiệm phải làm cho chồng trở nên đàn ông hơn. Cùng phát triển nhân văn hơn, với cương vị một người đàn ông và một người phụ nữ. Và đây là việc được thực hiện giữa các con với nhau. Nó được gọi là cùng nhau phát triển. Điều này không từ không khí mà đến! Thiên Chúa chúc phúc cho nó, nhưng nó đến từ đôi tay của chúng con, từ thái độ của chúng con, từ lối sống của chúng con, từ cách chúng con yêu nhau. Hãy làm cho bản thân mình trưởng thành nên! Luôn luôn làm việc để người kia phát triển. Hãy làm như vậy. Và vì thế, cha không biết nữa, cha nghĩ đến chúng con một ngày nào đó đi trên đường trong đất nước của chúng con và người ta nói: “Nhìn cô ta kìa, thật là một phụ nữ đẹp, và cô tay thật mạnh mẽ! …” “Với một người chồng như vậy chúng ta có thể dễ dàng hiểu được điều đó!” Và rồi với con: “Nhìn anh ta kìa! Với người vợ như của anh ta, chúng ta có thể hiểu được. Nó là như vậy đấy, hãy tiến đến điểm này: hãy làm cho nhau cùng phát triển. Và các con cái sẽ có gia tài là một người cha và một người mẹ cùng nhau phát triển, mỗi người làm cho người kia trở nên một người đàn ông và một người phụ nữ đúng nghĩa hơn!
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/04/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét