Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Đức Thánh Cha Phanxico nói về ông Trump

Đức Thánh Cha Phanxico nói về ông Trump
Timothy Clary and Luis Costa via AFP

Đức Thánh Cha Phanxico nói về ông Trump: ‘Chúng ta sẽ xem ông hành động như thế nào. Lo sợ hoặc vui mừng sớm là thiếu khôn ngoan’

21 tháng 1, 2017



Thứ Sáu, ngay khi ông Donald Trump đang tuyên thệ nhậm chức ở Washington, Đức Thánh Cha Phanxico có một cuộc phỏng vấn dài cho tờ EL PAÍS tại Vatican, trong đó ngài kêu gọi sự thận trọng trước những tiếng chuông cảnh báo đang rung lên do vị tân tổng thống Mỹ.



“Điều nguy hiểm là trong những lúc khủng hoảng chúng ta chạy đi tìm một người cứu tinh”
Về ông Donald Trump, Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Tôi không thích đoán trước những sự kiện. Chúng ta hãy cứ đợi xem ông làm gì, chúng ta không thể trở thành những nhà tiên tri của các thảm họa”

Vatican City



Pope Francis during the interview with EL PAÍS on Friday.

Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi phỏng vấn với EL PAÍS hôm thứ Sáu. L'OSSERVATORE ROMANO


Trong suốt 1 tiếng 15 phút, trong một phòng giản dị trong nhà Casa de Santa Marta, nơi ngài sống, Jorge Mario Bergoglio, người sinh ở Buenos Aires 80 năm trước và đang chuẩn bị kết thúc năm thứ tư trên ngôi giáo hoàng, giải thích rằng “trong Giáo hội có những vị thánh và những tội nhân, những người công chính và những người tội lỗi,” nhưng điều làm ngài lo lắng nhất là “một Giáo hội bị tê liệt vì tính trần gian,” một Giáo hội xa cách với những vấn đề của con người.

**********************************

Ba phần

(Phần cuối)

H. Cha không cảm thấy khó chịu ngay cả với quyền bính?
TL. Nhưng tôi không có quyền bính. Quyền bính là một điều được chia sẻ. Quyền bính tồn tại khi chúng tôi làm những quyết định đã được suy tư, được bàn luận, được cầu nguyện, việc cầu nguyện giúp tôi rất nhiều, nó là một nguồn hỗ trợ lớn cho tôi. Tôi không cảm thấy khó chịu với quyền bính. Tôi cảm thấy không thoải mái với một số nghi thức ngoại giao, nhưng đó là vì tôi là người từ đường phố đi vào.

H. Cha đã không xem TV suốt 25 năm qua, và con nghe nói là cha chưa bao giờ thích giới phóng viên. Nhưng cha lại xây dựng lại toàn bộ hệ thống truyền thông của Vatican, cha làm cho hệ thống trở nên chuyên nghiệp và lập thành một bộ. Truyền thông có quan trọng như thế đối với giáo hoàng không? Liệu có mối đe dọa chống lại sự tự do của báo chí? Truyền thông xã hội có thể bất lợi cho sự tự do của cá nhân?
TL. Tôi không xem TV. Tôi chỉ đơn giản cảm thấy đó là điều Thiên Chúa yêu cầu nơi tôi. Ngày 16 tháng Bảy 1990, tôi đã có lời hứa đó và tôi không phá vỡ lời hứa. Tôi chỉ đến trung tâm truyền hình bên cạnh tòa Tổng giám mục để xem một vài bộ phim tôi thích, và tôi nghĩ phù hợp cho thông điệp của tôi. Trước đây tôi thích xem phim, tôi có nghiên cứu nhiều về điện ảnh, hầu hết tất cả là điện ảnh của Ý của thời hậu chiến, chủ nghĩa hiện thực của Ý, và đạo diễn người Ba lan, Wajda, và Kurosawa, và vài ba đạo diễn người Pháp. Nhưng việc không xem TV đâu cấm tôi không giao tiếp. Không xem TV là một quyết định riêng, vậy thôi. Truyền thông đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa giao tiếp. Thiên Chúa đã và đang giao tiếp với chúng ta qua lịch sử. Thiên Chúa không tồn tại biệt lập. Thiên Chúa truyền thông, và đã nói chuyện, và đã và đang đồng hành với chúng ta, và đã thử thách chúng ta, và đã làm cho chúng ta thay đổi, và Người vẫn ở với chúng ta. Anh không thể hiểu được thần học Công giáo nếu không biết sự truyền thông của Thiên Chúa. Thiên Chúa không đứng im ở đó, theo dõi xem con người vui chơi và tàn phá nhau như thế nào. Thiên Chúa can dự vào, qua Lời và qua Xương Thịt. Và đó là điểm khởi đầu của tôi. Tôi chỉ cảm thấy hơi e ngại khi truyền thông đại chúng không bày tỏ bản thân bằng một nét đặc trưng riêng. Ví dụ, có nhiều cách truyền thông làm suy giảm tính hiệp nhất, thay vì đáng lẽ phải giúp làm tăng thêm. Một ví dụ đơn giản; một gia đình ăn bữa tối không chuyện trò, vì họ đang xem TV hoặc mấy đứa con sử dụng điện thoại, nhắn tin cho những người ở đâu đó nơi khác. Khi truyền thông mất đi tính tiếp xúc trực tiếp, yếu tố con người, và trở thành như nước chảy, là rất nguy hiểm. Giao tiếp trong gia đình rất quan trọng, giao tiếp con người rất quan trọng, và cũng bằng những cách khác nhau. Truyền thông ảo rất phong phú, nhưng có một sự nguy hiểm nếu nó thiếu con người, rất bình thường, truyền thông tiếp xúc. Đặc tính rõ ràng của truyền thông là phải làm cho yếu tố ảo đi theo đúng hướng. Như chúng ta thấy, tính đặc biệt là phi thương lượng trong tất cả mọi thứ. Chúng ta không phải là những thiên thần, chúng ta là những con người hữu thể. Truyền thông là chìa khóa và phải tiến tới. Cũng có những nguy cơ như trong mọi việc khác. Chúng ta phải điều chỉnh. Nhưng truyền thông đến từ Thiên Chúa. Có những khiếm khuyết. Tôi đã nói về các tội của truyền thông trong một bài thuyết trình tôi đọc tại ADEPA ở Buenos Aires, hiệp hội tập trung những nhà xuất bản của Argentina. Những vị chủ tọa mời tôi đến dùng bữa tối và trong đó tôi có bài thuyết trình này. Tôi ra tín hiệu các tội của truyền thông và nói rằng: đừng phạm phải chúng, vì quý vị có một gia tài khổng lồ trong tay. Ngày nay, truyền thông là thiên đường, và nó luôn như vậy, vì Thiên Chúa truyền thông, và trở thành người phàm, vì Thiên Chúa truyền thông theo cách của con người. Vì thế, với mục đích thiết thực, phải có một bộ để tập trung vào vấn đề này. Nhưng nó là một điều thiết thực. Không phải vì truyền thông ngày nay là quan trọng. Truyền thông là vô cùng quan trọng với con người, vì nó rất quan trọng với Thiên Chúa.

H. Bộ máy ngoại giao của Vatican làm việc hết công suất. Cả Barack Obama và Raul Castro đều công khai cảm ơn về việc này trong thời gian lập lại quan hệ hữu nghị. Tuy nhiên, có những trường hợp khác như Venezuela, Colombia hay Trung đông vẫn còn đang bị chặn đứng. Trong trường hợp của Venezuela, các bên thậm chí còn chỉ trích việc trung gian của Vatican. Cha có sợ là hình ảnh của Vatican có thể bị tổn thương vì điều đó? Hướng dẫn của cha trong những trường hợp này là như thế nào?
TL. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho tôi ân sủng không tìm các biện pháp vì hình ảnh. Trung thực, phục vụ, đó là tiêu chuẩn. Tôi không cho rằng việc dùng một tí trang điểm là ý hay. Đôi khi anh mắc lỗi, hình ảnh của anh bị tổn thương, nhưng chuyện đó cũng chẳng sao nếu có thiện ý từ lúc đầu. Lịch sử sẽ phán xét về sau. Và có một nguyên tắc, một nguyên tắc rất rõ ràng cho tôi, rằng phải dung hòa mọi điều cả trong hoạt động mục vụ và trong chính sách ngoại giao của Vatican: chúng tôi là những người trung gian, không phải là những nhà môi giới. Chúng tôi xây dựng những cầu nối, không xây những bức tường. Sự khác biệt giữa một người trung gian và một người môi giới là gì? Người môi giới là người có một doanh nghiệp bất động sản, tìm kiếm một ai đó muốn bán một căn nhà và tìm một người muốn mua nhà, tiến đến một hợp đồng, anh ta kiếm được hoa hồng, thuê một dịch vụ tốt, và anh ta luôn luôn kiếm được lợi lộc gì đó, và điều đó là đúng, vì đó là công việc của anh ta. Người trung gian là người muốn phục vụ cả hai phía và muốn cả hai phía chiến thắng cho dù anh ta có thua. Chính sách ngoại giao của Vatican phải là một nhà trung gian, không phải là một người môi giới. Nếu, trong lịch sử, nó đã có lúc vận động hoặc điều khiển một cuộc gặp gỡ để làm đầy túi của mình, đó là một trọng tội. Người trung gian xây dựng những chiếc cầu không phải cho anh ta, nhưng cho những người khác đi qua, bước lên trên những chiếc cầu đó. Và anh ta không tính phí. Anh ta xây cầu rồi anh ta ra đi. Đối với tôi đó là hình ảnh của chính sách ngoại giao của Vatican. Người trung gian, không làm người môi giới. Người xây dựng những chiếc cầu nối.

H. Liệu chính sách ngoại giao đó của Vatican sẽ nhanh chóng vươn tới Trung quốc?
TL. Quả thật, đã có một ủy ban làm việc suốt nhiều năm với Trung quốc, họ gặp gỡ ba tháng một lần, một lần ở đây và một lần ở Bắc Kinh. Có nhiều cuộc hội đàm với Trung quốc. Trung quốc luôn có một sự bí mật thú vị. Hai hay ba tháng trước họ có cuộc triển lãm ở Bắc Kinh những tác phẩm từ các Bảo tàng của Vatican, và họ rất vui vì việc đó. Và năm tới họ sẽ đến Vatican để có một buổi triển lãm khác.

H. Và cha sẽ sớm đi Trung quốc?
TL. Nếu họ mời tôi. Họ biết điều đó. Ngoài ra, ở Trung quốc, người ta thờ phụng tự do.

H. Cả ở Châu Âu và Châu Mỹ, những hậu quả của khủng hoảng không bao giờ chấm dứt, những sự bất bình đẳng đang lớn dần, sự thiếu vắng người lãnh đạo đủ mạnh mẽ đang mở con đường cho các nhóm chính trị đem lại sự bất ổn cho người dân. Một số trong đó — những nhóm được gọi là chống hệ thống hay nhóm theo chủ nghĩa dân túy — lợi dụng những sự sợ hãi phải đối mặt với một tương lai bấp bênh để thiết lập một thông điệp đầy tính bài ngoại và thù hận đối với người nước ngoài. Trường hợp của ông Trump là đáng lưu ý nhất, nhưng cũng có những trường hợp khác chẳng hạn ở Áo hoặc Thụy sĩ. Cha có lo lắng về hiện tượng này?
TL. Đó là điều mà người ta gọi là chủ nghĩa dân túy populism). Nó là một thuật ngữ mang nghĩa lập lờ, vì ở Châu Mỹ La tinh, chủ nghĩa dân túy có nghĩa khác. Ở Mỹ La tinh, nó có nghĩa là người dân — chẳng hạn những hoạt động của người dân — là những người diễn vai chính. Họ tự tổ chức, nó lại là chuyện khác. Khi tôi bắt đầu nghe nói về chủ nghĩa dân túy ở Châu Âu tôi chẳng biết phải làm sao, tôi bị lạc hướng cho đến khi tôi nhận ra nó mang những ý nghĩa khác. Những khủng hoảng gây nên sự sợ hãi, sự cảnh báo. Theo ý tôi, ví dụ rõ nét nhất của chủ nghĩa dân túy của Châu Âu là nước Đức năm 1933. Sau khi [Paul von] Hindenburg, sau cuộc khủng hoảng 1930, nước Đức bị tan vỡ, nó cần phải đứng dậy để tìm lại giá trị của nó, một vị lãnh đạo, một ai đó có khả năng phục hồi lại hình ảnh của đất nước, và có một người thanh niên tên Adolf Hitler lên tiếng: “Tôi có thể, tôi có thể.” Và thế là tất cả người Đức bỏ phiếu cho Hitler. Hitler không ăn trộm quyền lực, dân của ông ta bỏ phiếu cho ông ta, và rồi ông ta tàn phá dân tộc của ông. Đó là một nguy cơ. Trong những lúc khủng hoảng, chúng ta thiếu sự phán đoán, và đó là một điều mãi liên quan đến tôi. Chúng ta liền đi tìm một người cứu tinh để lấy lại hình ảnh của chúng ta và chúng ta tự bảo vệ mình bằng những bức tường, những hàng rào thép gai, bất kỳ thứ gì, để ngăn các dân tộc khác không cướp mất hình ảnh của chúng ta. Và đó là một vấn đề rất nghiêm trọng. Đó là điều tôi luôn luôn phải nói lên: hãy nói chuyện với nhau, hãy thảo luận voo71i nhau. Và trường hợp của nước Đức năm 1933 là một điển hình, một dân tộc đang bị chìm trong cuộc khủng hoảng, đang tìm lại hình ảnh của mình cho đến khi một người lãnh đạo có sức lôi cuốn đến và hứa lấy lại hình ảnh cho họ, và rồi ông ta lấy cho họ một hình ảnh méo mó, và tất cả chúng ta đã biết chuyện gì xảy ra. Nơi nào không có đối thoại … Liệu có thể kiểm soát các đường biên giới không? Vâng, mỗi quốc gia có quyền kiểm soát đường biên giới của họ, ai đến ai đi, và những quốc gia đang có nguy cơ — bị khủng bố hay những điều gì đó tương tự — thậm chí có nhiều quyền hơn để kiểm soát các đường biên, nhưng không quốc gia nào có quyền tước mất của người dân của họ cơ hội nói chuyện với những người hàng xóm của họ.

H. Thưa Đức Thánh Cha, người có nhìn thấy một dấu hiệu nào đó của nước Đức năm 1933 trong Châu Âu ngày nay không?
TL. Tôi không phải là chuyên gia, nhưng liên quan đến Châu Âu ngày nay, tôi liên hệ lại ba diễn văn tôi đã đọc. Hai bài ở Strasbourg và bài thứ ba nhân dịp nhận giải thưởng Charlemagne, giải thưởng duy nhất tôi đồng ý nhận vì họ thuyết phục rất nhiều do tình hình của Châu Âu, và tôi chấp nhận với tinh thần phục vụ. Cả ba bài diễn văn đó nói lên những gì tôi nghĩ về Châu Âu.

H. Tham nhũng có phải là một tội lớn của thời đại chúng ta?
TL. Nó là một tội lớn. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên cho rằng chúng ta là trường hợp ngoại lệ trong lịch sử. Luôn luôn lúc nào cũng có tham nhũng. Luôn luôn. Ngay ở đây, nếu anh đọc về lịch sử các giáo hoàng, anh sẽ tìm được vài vụ bê bối hay hay … Chỉ nói riêng đến nhà của tôi thôi chứ không nói về những nơi khác. Có nhiều ví dụ về các quốc gia lân cận có tham nhũng, nhưng tôi chỉ nói riêng về chỗ của tôi. Đã có sự tham nhũng ở đây. Nhiều. Cứ nghĩ đến Giáo hoàng Pope Alexander VI, và Lucrezia với những “tách trà” đầu độc của bà.

H. Đức Thánh Cha có nghe nói gì về Tây ban nha? Cha có nghe nói gì về sứ điệp của người, sứ mạng của người, công việc của người được đón nhận ra sao ở Tây ban nha?
TL. Những gì tôi vừa nhận được từ Tây ban nha là mấy ổ bánh mì polvorones [bánh mì ngắn] và kẹo turrón de Jijona [một loại kẹo] mà tôi sẽ chia cho mấy anh.

H. Ha ha. Ở Tây ban nha có một sự tranh luận rất sôi nổi về chủ nghĩa tục hóa và tôn giáo, chắc cha biế …
TL. Rất sôi nổi …

H. Đức Thánh Cha nghĩ sao về điều đó? Liệu có thể cuối cùng tiến trình tục hóa sẽ buộc Giáo hội Công giáo ra ngoài lề?
TL. Hãy đối thoại. Đó là lời khuyên của tôi cho mọi quốc gia. Xin làm ơn đối thoại. Một sự đối thoại huynh đệ, nếu anh cảm thấy đủ hăng hái, còn không chí ít cũng theo cách dân sự. Đừng ném sự lăng mạ vào nhau. Đừng kết án trước khi đối thoại. Nếu sau đối thoại mà anh vẫn còn muốn lăng mạ nhau, thôi được, nhưng trước hết hãy đối thoại. Ngày nay, với mức độ phát triển của con người, chính trị mà không có đối thoại là không hiểu được. Và điều đó áp dụng cho cả Tây ban nha và mọi nơi khác. Vì thế, nếu anh hỏi tôi lời khuyên cho người dân Tây ban nha, tôi nói: hãy đối thoại. Nếu gặp vấn đề gì, trước hết hãy đối thoại.

H. Không có gì ngạc nhiên khi từ Châu Mỹ La tinh những lời của Đức Thánh Cha và những quyết định của người được noi theo với sự quan tâm đặc biệt. Cha thấy lục địa này thế nào? Cha thấy đất nước của cha đất nước của cha ra sao?
TL. Vấn đề rắc rối là Châu Mỹ La tinh đang chịu đau khổ vì những hậu quả — mà tôi nhấn mạnh trong Tông huấn Chúc Tụng Chúa (Laudato Si) — của một hệ thống kinh tế lấy thần đồng tiền làm trung tâm, và điều đó có nghĩa là các chính sách đưa đến hậu quả nhiều người bị loại trừ. Điều đó dẫn đến rất nhiều đau khổ. Rõ ràng là Châu Mỹ La tinh ngày nay là mục tiêu của sự tấn công mạnh mẽ từ chủ nghĩa tự do kinh tế, chủ nghĩa mà tôi lên án trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) khi tôi nói rằng “nền kinh tế này giết chết.” Nó giết bằng sự đó nghèo, nó giết bằng sự thiếu văn hóa. Sự di cư không chỉ từ Châu Phi đến Lampedusa hay Lesbos. Di cư đổ từ Panama đến biên giới Mexico-Mỹ. Người ta di cư để tìm kiếm một điều gì đó. Vì những hệ thống tự do không tạo cho họ những cơ hội việc làm nhưng lại nuôi dưỡng sự phạm pháp. Ở Châu Mỹ La tinh có vấn đề của các liên minh ma túy, ma túy được tiêu thụ ở Mỹ và Châu Âu. Họ sản xuất cho những quốc gia giàu có ở đây, và họ mất mạng trong tiến trình này. Và có những người cố tình làm những việc này. Ở đất nước của tôi chúng tôi có một thuật ngữ để miêu tả họ: cipayos [bán nước]. Nó là một cụm từ văn học cổ điển có trong thi ca của đất nước. Cipayo là người bán quê hương đất nước cho thế lực bên ngoài trả cho anh ta nhiều tiền nhất. Ví dụ trong lịch sử của Argentina, luôn luôn có một cipayo trong số các nhà chính trị. Hoặc một vị trí chính trị nào đó rất dễ trở thành cipayos. Luôn luôn có. Vì vậy Mỹ La tinh phải tự tái vũ trang với các nhóm chính trị để lấy lại sức mạnh của dân tộc. Ví dụ lớn nhất đối với tôi là Paraguay sau chiến tranh. Đất nước này đã thua trong cuộc Chiến Đồng Minh Ba Nước và bị để lại hầu như hoàn toàn trong tay của phụ nữ. Và một phụ nữ Paraguay cảm thấy bà phải xây dựng lại đất nước, bảo vệ cho niềm tin của họ, bảo vệ văn hóa của họ và bảo vệ ngôn ngữ của họ, và bà đã làm được. Một người phụ nữ Paraguay. Bà không phải là một cipaya, bà bảo vệ những gì là của bà, với bất kỳ giá nào, nhưng bà đã bảo vệ được, và bà đã làm phục hồi đất nước. Tôi nghĩ bà là người phụ nữ vinh quang nhất ở các nước Châu Mỹ. Đó là trường hợp của một vị trí không bao giờ từ bỏ, của một vị anh hùng. Ở Buenos Aires có một khu trên bờ sông Río de la Plata, nơi có các con đường mang tên của các phụ nữ yêu nước, những phụ nữ đã chiến đầu vì độc lập cho quê hương của họ. Phụ nữ có nhiều cảm xúc hơn. Có lẽ tôi đang phóng đại. Thôi thì tôi cứ phóng đại, rồi sửa cho tôi. Nhưng họ có một khuynh hướng bảo vệ quê hương mạnh hơn vì họ là những người mẹ. Họ khó trở thành những cipayas. Họ ít có nguy cơ trở thành những cipayas.

H. Đó là lý do tại sao thật vô cùng đau đớn khi chứng kiến bạo lực chống lại phụ nữ, nó là một tai họa ở Châu Mỹ La tinh và rất nhiều nơi khác ...
TL. Khắp nơi. Ở Châu Âu … Chẳng hạn ở Ý, tôi có đến thăm các tổ chức cứu thoát được những phụ nữ bị bán làm mại dâm bị lợi dụng bởi những người Châu Âu. Một người trong đó kể với tôi rằng người ta đã đưa chị từ Slovakia đến trong cốp thùng xe. Người ta bảo chị: ngươi phải kiếm được bằng đó bằng đó hôm nay, và nếu ngươi không mang về được bằng đó, bọn tao sẽ đánh ngươi. Bọn chúng đánh chị ta. Ở Roma? Ở ngay Roma. Những hoàn cảnh của các phụ nữ này, ở Roma, thật kinh khủng. Trong căn nhà tôi đến thăm, có một phụ nữ đã bị cắt tai. Khi họ không thể kiếm đủ tiền cho bọn chúng, chúng liền hành hạ họ. Và họ bị kẹt lại vì họ quá kinh hãi, những kẻ hành hạ họ bảo họ rằng chúng sẽ giết cha mẹ của họ. Người Albania, người Nigeria, thậm chí người Ý. Một điều rất tốt lành mà tổ chức này làm được là họ ra các đường phố, tiếp cận với phụ nữ và, thay vì hỏi rằng cô đòi bao nhiêu tiền, cô đáng giá bao nhiêu tiền, thì họ hỏi: cô đau khổ tới mức nào? Và họ đưa những người phụ nữ đó về với một cộng đoàn an toàn để họ có thể phục hồi lại. Năm ngoái tôi có đến thăm một trong những cộng đoàn đó đang chăm sóc các cô gái đang phục hồi, và có hai người đàn ông, hai người thiện nguyện. Và một trong các cô gái nói với tôi: con đã tìm thấy anh ấy. Cô gái đã kết hôn với người đàn ông cứu thoát cô và họ đang nóng lòng có một đứa con. Lạm dụng một người phụ nữ là một trong những điều tồi tệ nhất đang diễn ra, ở Roma cũng vậy, lạm dụng phụ nữ như một nô lệ.

H. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng, sau nỗ lực thất bại của Thần học Giải Phóng, Giáo hội Công giáo đã đánh mất nhiều điểm tạo lợi ích cho các tông giáo và thậm chí là giáo phái khác? Lý do tại sao?
TL. Thần học Giải phóng là rất tích cực cho Châu Mỹ La tinh. Vatican lên án phần chấp nhận tính hiện thực phê phán của chủ nghĩa Mác-xít. Đức Hồng y Ratzinger đã điều hành hai cuộc thẩm vấn khi ngài còn là Tổng trưởng Bộ Giáo lý và Đức tin. Một cuộc, rất rõ ràng, về tính hiện thực phê phán của chủ nghĩa Mác-xít. Và một cuộc thứ hai để phục hồi lại một số khía cạnh tích cực. Thần học Giải phóng đã có những khía cạnh tích cực sự sai lệch, chủ yếu trong phần nói về hiện thực phê phán của chủ nghĩa Mác-xít.

H. Về quan hệ với Argentina. Trong ba năm qua, Vatican trở thành một điểm đến của các chuyến hành hương của các nhà chính trị thuộc đủ màu sắc. Đức Thánh Cha có cảm thấy hơi bị lợi dụng?
TL. À, có. Có người đến nói: Cho con chụp tấm ảnh kỷ niệm, và con hứa con dùng làm ảnh riêng, con sẽ không đăng nó lên. Và trước khi ra khỏi cửa ảnh đã được đăng lên [ngài cười]. À, nếu điều đó làm anh ta hạnh phúc, đó là vấn đề của anh ta. Giá trị con người của anh ta chẳng giảm. Người sử dụng là một người nhỏ bé. Những gì tôi có thể làm. Đó là vấn đề của anh ta, không phải của tôi. Có nhiều người Argentina trong buổi tiếp kiến chung. Ở Argentina trước đây đã có rất nhiều sự đi lại, nhưng ngày nay việc đi đến buổi tiếp kiến chung với giáo hoàng hầu như là bổn phận [cười lớn]. Cũng có những người đến là bạn của tôi — tôi đã sống 76 năm ở Argentina —, thỉnh thoảng có gia đình, với những cháu trai cháu gái. Nhưng tôi có cảm thấy bị lợi dụng, có chứ, có những người đã lợi dụng tôi, hình ảnh của tôi, lời nói của tôi, dường như là tôi nói mọi điều với họ, và nếu có ai hỏi tôi, tôi luôn trả lời: không phải là vấn đề của tôi, tôi chẳng nói gì cả. Nhưng tôi không đi vào vấn đề đó. Mọi người phải đối mặt với lương tâm của mình.

H. Một vấn đề thường gặp bây giờ là vai trò của giáo dân và, nhiều nhất là, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Ước mong của cha là họ có một ảnh hưởng lớn hơn và thậm chí là một vai trò trong việc đưa ra quyết định. Đó là những mong ước của cha. Cha nghĩ là cha sẽ đạt được điều đó tới mức độ nào?
TL. Chúng ta không được nhìn đến vai trò của người phụ nữ theo quan điểm chức năng, vì theo cách đó, cuối cùng thì người phụ nữ, hay hoạt động của phụ nữ trong Giáo hội, sẽ là một loại chủ nghĩa xô-vanh trong chiếc áo. Không, nó còn quan trọng hơn nhiều so với một đòi hỏi về chức năng. Khía cạnh chức năng thì cũng được. Phó giám đốc Văn phòng Báo chí tại Vatican là một phụ nữ. Giám đốc các bảo tàng Vatican là một phụ nữ. Khía cạnh chức năng thì được. Nhưng quan tâm của tôi là phụ nữ cho chúng ta những suy nghĩ của họ, vì Giáo hội là nữ (Nguyên văn tiếng Anh: the Church is female), là hiền thê của Đức Ki-tô, và đó là nền tảng thần học của nữ giới. Khi người ta hỏi tôi, tôi nói đúng, nhưng phụ nữ còn hơn thế. Vậy ai quan trọng hơn trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Mẹ Đồng Trinh hay các tông đồ? Chính là Mẹ. Khía cạnh chức năng có thể phản lại nó khi chúng ta đặt phụ nữ vào vị trí của họ. Chúng ta phải làm việc đó, không nghi ngờ gì. Vì vẫn còn một con đường dài phía trước, và chúng ta phải làm việc để họ có thể cho Giáo hội sự tươi mới của họ và của suy nghĩ của họ.

H. Trong một số chuyến đi, con có nghe Đức Thánh Cha chú trọng vào các tu sĩ, cả Giáo triều Roma và từ những phẩm trật địa phương hay thậm chí những linh mục và các nữ tu, yêu cầu họ có thêm cam kết, có thêm sự gần gũi, thậm chí phải hài hước hơn. Đức Thánh Cha nghĩ họ sẽ đón nhận những lời khuyên, những lời quở trách đó như thế nào?
TL. Sự tập trung của tôi luôn nhắm vào tính gần gũi, sự gần gũi. Và nói chung nó được đón nhận rất tốt. Luôn có những nhóm người theo trào lưu chính thống, ở mọi quốc gia, ở Argentina. Họ là những nhóm nhỏ và tôi tôn trọng họ, họ là những người tốt muốn sống đức tin của họ theo cách đó. Tôi giảng những điều mà tôi cảm thấy Thiên Chúa yêu cầu tôi phải giảng.

H. Ở Châu Âu đang có một con số gia tăng những linh mục và nữ tu gốc từ những nước gọi là Thế Giới Thứ Ba. Lý do này là gì?
TL. Một trăm năm mươi năm trước, ở Châu Mỹ La tinh có nhiều linh mục và nữ tu từ Châu Âu hơn, tương tự như vậy ở Châu Phi và Châu Á. Những Giáo hội trẻ phát triển mở rộng. Ở Châu Âu không còn sinh sản nữa. Nước Ý có tỷ lệ sinh dưới zero. Tôi nghĩ Pháp bây giờ đang dẫn đầu, nhờ vào tất cả những luật về sinh sản. Nhưng chẳng ai sinh con nữa. Sự thịnh vượng của nước Ý nhiều năm trước đã làm giảm tỷ lệ sinh. Chúng ta thích đi nghỉ hè hơn, chúng ta có một con chó, một con mèo, chúng ta không có trẻ con và, nếu không có sinh sản, không có ơn gọi.

H. Trong cố vấn đoàn của cha, người đã chọn các hồng y từ khắp nơi trên thế giới. Cha muốn cơ mật viện tiếp theo sẽ như thế nào, cơ mật viện sẽ chọn vị kế nhiệm người? Thưa Đức Thánh Cha, người có nghĩ là người sẽ chứng kiến cơ mật viện tiếp theo?
TL. Tôi muốn nó là Công giáo. Một cơ mật viện Công giáo chọn người kế nhiệm tôi.

H. Và người sẽ theo dõi nó?
TL. Tôi không biết. Việc đó để Thiên Chúa quyết định. Khi tôi cảm thấy tôi không thể tiếp tục nữa, người thầy vĩ đại của tôi Benedict đã dạy tôi cách làm. Và nếu Thiên Chúa cất tôi về trước lúc đó, tôi sẽ theo dõi từ nơi của cuộc sống đời sau. Tôi hy vọng nơi đó không phải là Địa ngục … Nhưng tôi muốn nó là một cố vấn đoàn Công giáo.

H. Con thấy cha rất hạnh phúc khi làm một Giáo hoàng.
TL. Thiên Chúa rất tốt lành và Người vẫn chưa lấy mất tính hài hước của tôi.
(Dịch từ tiếng Tây Ban Nha bởi María Luisa Rodríguez Tapia.)

[Nguồn: elpais]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/01/2017]




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét