Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Tòa Thánh kêu gọi ‘sự thống nhất liên thế hệ’ trong những nỗ lực trước sự biến đổi khí hậu

Tòa Thánh kêu gọi ‘sự thống nhất liên thế hệ’ trong những nỗ lực trước sự biến đổi khí hậu

Tòa Thánh kêu gọi ‘sự thống nhất liên thế hệ’ trong những nỗ lực biến đổi khí hậu
Một con tàu trôi vào vùng tảo xanh rộng lớn trong Vịnh Oman. Các nhà khoa học nghiên cứu tảo nói rằng những tiểu sinh vật đang phát triển trong những điều kiện mới do sự biến đổi khí hậu đem lại, và sự di chuyển loài động vật phù du, đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái biển. - AP
25/03/2017 10:20
(Vatican Radio)  Tòa Thánh đã kêu gọi Liên Hợp quốc thúc đẩy “tính trách nhiệm cho những thế hệ đến sau chúng ta”, trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và công bằng cho người nghèo.
Diễn văn của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza trong một thảo luận cấp cao tại LHQ về chủ đề “Biến đổi Khí hậu và Chương trình Hành động Phát triển Bền vững.”
Đức Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ trích dẫn Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa) của Đức Thánh Cha Phanxico: “phải quan tâm đến những mối ràng buộc không thể tách rời giữa thiên nhiên, công bằng cho người nghèo, cam kết với xã hội, và sự bình an nội tâm của chúng ta.”
Ngài cũng lặp lại lời huấn dụ của Đức Thánh Cha không chia tách sự tồn tại của con người khỏi tự nhiên.
“Vì vậy Đức Giáo hoàng thúc giục chúng ta phải suy xét thật kỹ rằng không thể xem thiên nhiên như một điều tách rời khỏi bản thân chúng ta hay chỉ là một sự bố trí đơn thuần trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, bao gồm trong nó và vì thế liên tục tương tác với nó.”
Đức Tổng Giám mục Auza kết luận bằng một lời kêu gọi “sự thống nhất liên thế hệ”:
“Phái đoàn của tôi thúc giục lòng quảng đại, sự thống nhất và lòng vị tha khi chúng ta áp dụng Chương trình Hành Động 2030 và Hiệp định Paris, để chúng ta không bắt các thế hệ tương lai phải trả giá rất đắt cho sự hủy hoại môi trường.”

Dưới đây là toàn văn diễn thuyết của Đức Tổng Giám mục:

Sự kiện Cấp cao: Biến đổi Khí hậu và Chương trình Hành động Phát triển Bền vững New York, 23 tháng Ba 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh xin cảm ơn ông vì đã triệu tập nhiều bên liên quan khác nhau để tìm ra những mối liên hệ giữa sự biến đổi khí hậu và Chương trình Hành động 2030 cho Sự Phát triển Bền vững, trên quan điểm tiếp sức mạnh cho đà tiến và ý chí để thúc đẩy và áp dụng những giải pháp cụ thể cho ích lợi của tất cả mọi người trên thế giới và “ngôi nhà chung” mà chúng ta cùng chia sẻ. Đức Giáo hoàng Phanxico nhắc chúng ta nhớ rằng “thách đố cấp bách để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta phải có sự quan tâm đem toàn gia đình nhân loại lại với nhau để tìm ra một sự phát triển bền vững và toàn diện.” [1] Cũng trên tinh thần như vậy, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Chương trình Hành động 2030 thể hiện chương trình hành động phát triển toàn diện đầy tham vọng nhất từ trước đến nay. Hiệp ước Paris về Biến đổi Khí hậu cũng đầy tham vọng như vậy. Chúng phản ánh thực tại rằng sự đồng lòng toàn cầu là vô cùng cần thiết để đương đầu với những vấn đề hóc búa hơn, không thể giải quyết bằng những hành động đơn phương trên phạm vi của từng quốc gia riêng lẻ. Vì cuộc họp này tìm kiếm sự theo đuổi hai chương trình đầy tham vọng, chúng ta phải nhớ rằng nếu không có một sự cam kết cho những bước tiến tới rõ ràng, được phối hợp tốt, có thể xác định con số cụ thể và đầy ý nghĩa, những chương trình này sẽ thất bại không thể đạt đến được tiềm năng của nó và vẫn chỉ đơn thuần là văn bản khoa trương. Khi những giải pháp cụ thể đã được tìm ra, chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng “phải quan tâm tới những mối ràng buộc không thể tách rời giữa thiên nhiên, công bằng cho người nghèo, cam kết với xã hội, và sự bình an nội tâm của chúng ta.” [2] Sự quan tâm của chúng ta nhằm chăm sóc cho thiên nhiên phải khơi dậy trong chúng ta một sự cảm thông với những người bị bỏ rơi lại phía sau, những người bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm môi trường, và những người bị loại trừ khỏi những quy trình kinh tế và chính trị. Đức Giáo hoàng Phanxico cảnh báo rằng “chỉ tìm kiếm một biện pháp khắc phục thuần kỹ thuật cho mỗi vấn đề về môi trường xảy ra là chia cách những gì trong thực tại được liên kết và là cách che giấu những vấn đề thật sự và sâu xa nhất của hệ thống toàn cầu.” [3]
Vì vậy Đức Giáo hoàng thúc giục chúng ta phải suy xét thật kỹ rằng không thể xem thiên nhiên như một điều tách rời khỏi bản thân chúng ta hay chỉ là một sự bố trí đơn thuần trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, bao gồm trong nó và vì thế liên tục tương tác với nó. Sự cộng sinh này hàm ý rằng một sự khủng hoảng về môi trường chắc chắn là một sự khủng hoảng cho chúng ta. Chúng ta không đối mặt với hai sự khủng hoảng tách biệt, một về môi trường và một về xã hội, nhưng là một sự khủng hoảng phức tạp bao gồm vừa xã hội vừa môi trường. Vì thế, “những sách lược cho một giải pháp đòi hỏi một bước tiếp cận chung nhằm chống lại sự nghèo đói, phục hồi lại phẩm giá cho những người bị loại bỏ và bảo vệ thiên nhiên.” [4] Cùng một nguyên tắc của tính liên kết ràng buộc ba tiến trình lớn nhất của Liên Hợp quốc trong năm 2015, cụ thể là Chương trình Hành động Addis Ababa về tài chính và phát triển, Chương trình Nghị sự 2030 cho sự Phát triển Bền vững, và Hiệp ước Paris về Biến đổi Khí hậu. Không phải có ba thách đố riêng biệt về nhu cầu phát triển tài chính, sự đồng thuận về những mục tiêu phát triển mới và giải quyết sự biến đổi khí hậu, nhưng là một thách đố tổng thể để định hướng cho chính trị, kinh tế, kỹ thuật, kinh doanh và thái độ cá nhân — quả thật, tất cả mọi nỗ lực của chúng ta — hướng đến một sự phát triển bền vững, toàn diện và đích thực trong sự hòa hợp với thiên nhiên. “Không thể nào nhấn mạnh đủ về mối tương quan lẫn nhau của mọi vật.” [5]
Thưa ông Chủ tịch,
Phái đoàn của tôi chào đón cách thức Chương trình Hành động 2030 và Hiệp ước Paris thừa nhận trọng tâm quan trọng của nhân vị. Chương trình Hành động 2030 bắt đầu bằng lưu ý hoàn toàn đúng rằng “phẩm giá của nhân vị là nền tảng.” Theo cùng mạch cảm hứng đó, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh rằng mọi sáng kiến về môi trường và phát triển phải tập trung vào phẩm giá tự có mà tất cả chúng ta cùng có một cách bình đẳng. Phẩm giá này phải nằm ở trọng tâm của những buổi thảo luận của chúng ta. Đặc biệt, đối với những người yếu đuối và bị gạt ra bên lề, những người nghèo và đau bệnh, thai nhi và người già, người tị nạn và nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, và những người bị ảnh hưởng bởi sự tham lam và thờ ơ phải có một vị trí đặc biệt trong các sáng kiến mà chúng ta theo đuổi. Những đau khổ và những lo lắng, sự sợ hãi và hy vọng của họ phải làm gióng lên âm vang trong con tim của chúng ta. “Sự xác quyết chấm dứt nghèo khổ và đói … và bảo đảm rằng mọi con người được sống đúng phẩm giá và trong một môi trường bình đẳng” [6] của Chương trình Hành động 2030 phải nằm ở trung tâm của mọi nỗ lực của chúng ta.
Phái đoàn của chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của chúng ta đối với những người đến sau chúng ta. Như Đức Giáo hoàng Phanxico khẳng định, “Sự thống nhất liên thế hệ không phải là một tùy chọn, nhưng là một vấn đề căn bản của công bằng, vì thế giới chúng ta đã đón nhận cũng thuộc về những người sẽ theo sau chúng ta.” [7] Chúng ta không thể nói đến sự phát triển bền vững nếu gạt sự thống nhất liên thế hệ ra ngoài. Phái đoàn của tôi thúc giục lòng quảng đại, sự thống nhất và lòng vị tha khi chúng ta áp dụng Chương trình Hành Động 2030 và Hiệp định Paris, để chúng ta không bắt các thế hệ tương lai phải trả giá rất đắt cho sự hủy hoại môi trường.
Thưa ông Chủ tịch, việc áp dụng Chương trình Hành động 2030 và Hiệp ước Paris một cách riêng lẻ và trong sự hòa hợp với nhau bao gồm những khía cạnh đa ngành về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, chính trị, và luật pháp. Những mục tiêu và đích đến sẽ được đánh giá kỹ lưỡng qua những chỉ số và tất cả những biện pháp để đo sự thành công hay thất bại. Cuối cùng, ảnh hưởng tích cực của chúng trên nhân vị, đặc biệt đối với những người bị bỏ lại đàng sau, sẽ là thước đo thực sự cho sự thành công của chúng ta.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

1 Đức Giáo hoàng Phanxico, tông huấn Laudato Si’: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, n.13 [các chữ viết tắt về sau “LS”].
2 LS, n.10.
3 LS, n.111.
4 LS, n.139.
5 LS, n.138.
6 Chương trình Nghị sự 2030 cho Sự Phát triển Bền vững, Lời nói đầu.
7 LS, n.159

(Devin Sean Watkins)

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/03/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét