Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Sự cậy trông nghịch lại những hy vọng

TIẾP KIẾN CHUNG: Sự cậy trông nghịch lại những hy vọng

‘Khi Thiên Chúa đã hứa, Người sẽ thực hiện trọn vẹn lời hứa của Người. Người không bao giờ quên Lời của Người’
29 tháng Ba, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Sự cậy trông nghịch lại những hy vọng
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9.30 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư của ngài vào chủ đề: “Sự cậy trông nghịch lại những hy vọng” (x. Rm 4:16-25).
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó, sau lời chào phái đoàn giám sát Iraq gồm đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau có mặt trong Buổi Tiếp Kiến Chung, ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho sự hòa giải của Iraq.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trích đoạn Thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Roma mà chúng ta vừa nghe, cho chúng ta một món quà rất lớn, chúng ta biết thừa nhận A-bra-ham như là Tổ phụ của đức tin của chúng ta. Hôm nay Thánh Tông đồ cho chúng ta hiểu rằng A-bra-ham đối với chúng ta cũng là Tổ phụ của sự cậy trông; không chỉ là Tổ phụ của đức tin nhưng còn là Tổ phụ của sự cậy trong. Vì trong câu chuyện của ông chúng ta đã nhận được một sự loan báo về sự Sống lại, của một đời sống mới vượt qua được tội lỗi và chính cái chết.
Văn bản trình bày rằng ông A-bra-ham tin tưởng Thiên Chúa “Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có” (Rm 4:17), và sau đó mô tả rõ: “Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết” (Rm 4:19). Như vậy đó, đây là kinh nghiệm mà chúng ta cũng được kêu gọi để sống theo. Thiên Chúa Đấng tỏ mình ra cho ông A-bra-ham là Thiên Chúa cứu thoát, là Thiên Chúa đưa chúng ta ra khỏi sự tuyệt vọng và cái chết, là Thiên Chúa trao ban sự sống. Trong câu chuyện của ông A-bra-ham, mọi sự trở nên một bài ca tán dương Thiên Chúa Đấng giải thoát và tái sinh, mọi sự trở nên dự ngôn. Và mọi việc cũng trở nên như vậy cho chúng ta, cho chúng ta bây giờ nhận ra và mừng vui sự trọn vẹn của tất cả những điều này trong mầu nhiệm Phục Sinh. Quả thật, Thiên Chúa “đã làm cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết” (Rm 4:24), để trong Người, bây giờ chúng ta cũng có thể đi từ cái chết sang sự sống. Và quả thật bây giờ ông A-bra-ham có thể nói về chính ông “là Cha của nhiều dân tộc,” như Người đã nói cho ông qua công bố về một dân tộc mới – chúng ta! –, được cứu thoát khỏi tội lỗi và cái chết bởi Đức Ki-tô và một lần nữa và cho tất cả mọi người được đưa vào vòng tay ôm ấp của tình yêu của Thiên Chúa.
Đến đây, Thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu rõ mối ràng buộc rất gần giữa đức tin và cậy trông. Quả thật, ngài khẳng định rằng ông A-bra-ham đã “cậy trông chống lại những hy vọng” (Rm 4:18). Sự cậy trông của chúng ta không bị điều khiển bởi những lý lẽ, những mong đợi và những sự tái bảo đảm; nó được biểu lộ ở những nơi không còn gì hy vọng, những nơi chẳng còn một tí gì để hy vọng, đúng như chuyện xảy ra với ông A-bra-ham, trước cái chết đang dần tới và sự vô sinh của vợ ông là bà Sa-ra. Kết cục đang đến với họ, họ không thể có đứa con nào, và trong tình huống đó, ông A-bra-ham đã tin và có lòng cậy trông nghịch lại với những hy vọng. Và điều này thật vĩ đại! Lòng cậy trông vững mạnh được bắt nguồn từ niềm tin, và quả thật là nó có thể vượt ra ngoài tất cả những hy vọng. Đúng, vì nó không được thiết lập dựa trên lý lẽ của chúng ta, nhưng dựa trên Lời của Thiên Chúa. Vì vậy, cũng trong ý thức này, chúng ta được kêu gọi để noi gương A-bra-ham, ông mặc dù đứng trước sự thật dường như tuyên bố công khai cái chết, vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa, “điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4:21). Tôi muốn đặt cho anh chị em một câu hỏi: chúng ta, tất cả chúng ta, có tin điều này không? Chúng ta có tin rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta không, và tin rằng Người sẽ thực hiện trọn vẹn tất cả những gì Người đã hứa với chúng ta không? Nhưng thưa cha, điều này phải trả giá mất bao nhiêu? Chỉ có một cái giá duy nhất: “hãy mở lòng mình ra.” Hãy mở lòng mình ra và sức mạnh của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa anh chị em tiến bước, Người sẽ làm những điều kỳ diệu và dạy cho anh chị em biết sự cậy trông là gì. Đây là cái giá duy nhất: hãy mở lòng mình ra cho đức tin và Người sẽ làm tất cả mọi việc còn lại.
Đây là một sự đối nghịch, và đồng thời, là yếu tố mạnh mẽ nhất và cao cả nhất của sự cậy trông của chúng ta! Một sự cậy trông được thiết lập dựa trên một lới hứa, mà theo quan điểm của con người dường như không chắc chắn và không thể đoán trước, nhưng nó vẫn không từ bỏ thậm chí trước cả cái chết, khi mà Đấng đã hứa là Thiên Chúa của sự Sống lại và của sự sống. Điều này không được hứa bởi bất kỳ một ai! Chính Đấng hứa ban là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và của sự sống.
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho ơn sủng không cậy dựa quá nhiều và những sự an toàn của chúng ta, vào những khả năng của chúng ta, nhưng cậy dựa vào niềm cậy trông vào lời hứa của Thiên Chúa, như là những đứa con thật sự của tổ phụ A-bra-ham. Khi Thiên Chúa đã hứa, Người sẽ thực hiện trọn vẹn lời hứa của Người. Người không bao giờ quên Lời của Người. Và rồi đời sống của chúng ta sẽ mang lấy một ánh sáng mới, trong sự ý thức rằng Người là Đấng đã cho Con của Người sống lại cũng sẽ cho chúng ta sống lại và lấy lại cho chúng ta thực sự là người con của Người, cùng với tất cả những anh em trong đức tin của chúng ta. Tất cả chúng ta đều tin. Hôm nay chúng ta ở trong quảng trường, chúng ta ca khen Thiên Chúa, chúng ta sẽ hát bài Kinh Lạy Cha, và chúng ta sẽ nhận Phép Lành … nhưng rồi cũng qua đi. Nhưng đây cũng là một sự cậy trông. Nếu hôm nay tâm hồn chúng ta rộng mở, tôi chắc chắn với anh chị em rằng tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Quảng trường Thiên đàng, nơi sẽ không bao giờ qua đi. Đây là lời hứa của Thiên Chúa và đây là sự cậy trông của chúng ta, nếu chúng ta mở tâm hồn mình ra. Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Tiếng Ý
Xin gửi lời chào nồng hậu đến những anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Tôi xin chào các linh mục thuộc Phong trào Focolare, Hiệp hội “Provida Italia”. Tôi xin chào các tín hữu của Cassino, anh chị em đang kỷ niệm 70 năm thánh hiến nhà thời Thánh An-tôn thành Padua; Nhóm “Unasca Italia” và đội Basket for Ever của Gaeta. Nguyện xin cho Kinh Thành Muôn Thuở gia tăng sự hiệp nhất của mỗi người với Giáo hội hoàn vũ và Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô.
Cuối cùng, cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Các bạn trẻ thân yêu, Mùa Chay là thời điểm quý giá để tái khám phá tầm quan trọng của đức tin trong đời sống hàng ngày; anh chị em bệnh nhân thân mến, hãy kết hiệp sự đau khổ của anh chị em với thập giá của Đức Ki-tô để xây dựng nền văn minh tình thương; và các con, những đôi uyên ương thân yêu, hãy giữ lấy sự hiện diện của Chúa trong gia đình mới của chúng con.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Thỉnh cầu của Đức Thánh Cha
Tôi rất hân hạnh được đón tiếp phái đoàn quan sát Iraq, gồm đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau, cùng đi có Đức Hồng Y Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn. Sự phong phú của dân tộc Iraq thân yêu quả thật nằm trong trong bức tranh ghép thể hiện sự thống nhất của tính đa dạng, sức mạnh trong sự hiệp nhất, thịnh vượng trong sự hòa hợp. Anh em thân mến, tôi khuyến khích anh em tiếp tục trên hành trình này và tôi mời gọi anh em cầu nguyện để đất nước Iraq có thể tìm được hòa bình, thống nhất và thịnh vượng trong sự hòa giải và hòa hợp giữa các thành phần đa sắc tộc và đa văn hóa của nó. Tôi suy nghĩ về những người dân bị kẹt ở những quận miền Tây của Mosul và phải di tản vì chiến tranh, tôi cảm thấy hiệp nhất với họ trong lời cầu nguyện và sự gần gũi tinh thần. Bày tỏ nỗi đau thống khổ cho những nạn nhân của cuộc xung đột đẫm máu, tôi nhắc lại với tất lời thỉnh cầu cam kết bằng tất cả sức mạnh để bảo vệ những người dân như là một mệnh lệnh và một nghĩa vụ cấp bách.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/03/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét