Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Đức Hồng y Tauran nhấn mạnh ‘Tôn giáo thuộc về bản chất vốn có của con người’

Đức Hồng y Tauran nhấn mạnh ‘Tôn giáo thuộc về bản chất vốn có của con người’

L’Osservatore Romano đăng tải một phản ánh của Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn
11 tháng Tám, 2017
Đức Hồng y Tauran nhấn mạnh ‘Tôn giáo thuộc về bản chất vốn có của con người’
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
“Tôn giáo thuộc về bản chất vốn có của con người,” là tiêu đề của một bài đăng trên phiên bản tiếng Ý của L’Osservatore Romano ngày 9 tháng Tám, 2017, trong đó đăng nhận định của Đức Hồng y người Pháp Jean-Louis Tauran, Chủ tịch của Hội  đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.
Theo Hồng y, “loại trừ tôn giáo ra khỏi lý trí là tương tự như cắt bỏ con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa,” và ngài nói rằng “không thể có sự bất đồng giữa đức tin và lý trí,” làm vang lên những suy tư trong bài huấn từ của Đức Benedict XVI tại Regensburg tháng Chín, 2006.
“Chúng ta phải tự hào về niềm tin của chúng ta, vì nó cho chúng ta một tương lai cho nhân loại,” Đức Hồng y Tauran giải thích, từ đó dẫn đưa vào sự đối thoại liên tôn, nó “luôn bắt đầu bằng việc tuyên xưng niềm tin riêng của mỗi người, tránh chủ nghĩa hổ lốn.” “Ki-tô giáo không phải là một tư tưởng nhưng là một sự thật: Thiên Chúa đã trở thành người phàm.” Sự đối thoại “trong sự thật” là để “thăng tiến một thế giới nơi có công bằng và hòa bình.”
Một thế giới bất ổn và bạo lực
Vị Hồng y người Bordeaux bắt đầu bằng câu “chúng ta đang sống trong một thế giới bạo lực làm chia rẽ và sát sinh. Một thế giới rất bất ổn: bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, chỉ cần nghĩ đến mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố đang hiện hữu. Thật khó mà nhìn thấy trước được sự phát triển của thế kỷ 21 sẽ là như thế nào. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị đang tìm những ý tưởng và nhiều người trong gia đình nhân loại của chúng ta tự hỏi không biết có một phòng điều khiển hay không. Người ta đặt câu hỏi liệu các chính phủ sẽ thực hiện những biện pháp bảo đảm cho sự an ninh của xã hội và bảo vệ cho Tạo vật hay không.”
Vì thế, Hồng y Tauran đặt câu hỏi: “Trong thế giới này, người ta có thể tin vào Thiên Chúa không? Người ta có thể tin vào con người không?” Và ngài trả lời: “Chúng ta đang ở trong một sự mâu thuẫn hoàn toàn.”
Và Hồng y giải thích: “Thế giới công nghệ này, một thế giới chỉ nhìn thấy sức mạnh của những gì hữu dụng, cũng là thế giới trong đó những tính đa nguyên thuộc văn hóa và tôn giáo, tính tư hữu của tôn giáo, sự thiếu sót trong chuyển giao các giá trị và những mẫu gương đã làm cho ‘sự thánh thiêng’ và tính siêu việt vững chắc bị soi mói bởi tất cả mọi người.”
Ngài cũng lưu ý rằng “nếu việc thực hành tôn giáo, ít nhất là ở các xã hội Tây phương, đang bị giảm sút, rõ ràng là người ta ngày càng hiểu rõ hơn rằng người ta không thể hiểu được thế giới hôm nay nếu họ xem thường tôn giáo.”
Một tầm nhìn mở ra cho đối thoại
Đức Hồng y Tauran mô tả luận điểm của các Ki-tô hữu trong ngữ cảnh sau. “Người Ki-tô hữu thuộc về thế giới này, thế giới mà Thiên Chúa yêu thương, thế giới trong đó Thiên Chúa đã đặt họ vào và trong đó họ phải phát triển trọn vẹn. Trước hết họ nhận ra mình là những tạo vật và vì thế phải lệ thuộc vào một Đấng khác, một tạo vật được kêu gọi để nhìn thấy Thiên Chúa, nhìn thấy những tầm nhìn của con người và của thế giới để nó có thể dẫn đến sự gặp gỡ và đối thoại.”
Tuy nhiên, thế kỷ này cũng tạo ra những chú ý vào các câu hỏi về sự tồn tại thực sự. “Do sự bấp bênh gây những rắc rối cho cuộc sống của chúng ta – hãy nghĩ tới những cuộc chiến tranh hiện tại, lớn và nhỏ, hãy nghĩ đến sự ô nhiễm, đến sự khủng hoảng tài chính, sau sự sụp đổ của những hệ thống kinh tế lớn của thế kỷ trước –, con người của thế hệ này đang lại tự hỏi họ những câu hỏi về ý nghĩa của sự sống và cái chết. Nhiều người trẻ thấy quá lúng túng trước những sự vĩ đại mà sự chinh phục của khoa học kỳ diệu có thể tạo ra, nếu họ không được rèn luyện và định hướng tốt. Chúng ta nhận biết rằng nhân vị là loài thụ tạo duy nhất chất vấn và đặt câu hỏi về bản thân. Đó là phần siêu ngã — theo năng lực của trí óc suy tư về vận mệnh của riêng mình, về ý nghĩ của sự sống và cái chết — nó phân biệt giữa con người và những loài thực vật và thú vật.
Đó là lý do tại sao Đức Hồng y Tauran nói rằng “tôn giáo không mang tính quan trọng riêng tư của lịch sử”; “nó thuộc về bản chất vốn có của con người, một con người mà ba câu hỏi nền tảng của Emmanuel Kant luôn luôn có giá trị. “Tôi có thể biết được điều gì? Tôi có thể làm được gì? Tôi có thể đặt hy vọng vào điều gì?” Thật thú vị khi nhắc lại rằng Tuyên ngôn “Nostra Aetate” của Công đồng Vatican II về đối thoại liên tôn đã nhấn mạnh đến vấn đề này trong Lời Tựa: “Con người mong chờ câu trả lời từ các tôn giáo cho những điều bí ẩn được ẩn chứa trong tình trạng của con người, mà ngày hôm qua cũng như hôm nay, làm rối bời tâm hồn con người. Con người là gì? Ý nghĩa và sự kết thúc của cuộc sống là gì? Đâu là cái tốt và đâu là cái xấu? Nguồn gốc và sự kết thúc của đau khổ là gì? Con đường đến với sự hạnh phúc thật sự là gì? Với cái Chết? [. . .].”
Đức tin và lý trí
Quả thật, theo Hồng y Tauran, “loại trừ tôn giáo ra khỏi lý trí là tương tự như cắt bỏ con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa.” Đức tin là một thực tế đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, đặt niềm tin tuyệt đối vào một tín điều với sự kết nối chặt chẽ đến tâm linh và tâm hồn, điều đó tạo ra sự xác quyết. Ngược lại, lý trí là khả năng của trí óc suy nghĩ và xét đoán thực tại. Để đưa hai cụm từ này vào sự tương quan – lý trí và đức tin – có thể được hiểu như một thỏa thuận giữa chúng hoặc như một sự đối nghịch.”
Đức Hồng y nhắc chúng ta nhớ rằng kiến thức của con người có “hai nguồn gốc hợp lý”: lý trí và đức tin, nhưng chúng là “hai thực tại riêng biệt.” Bằng khả năng hiểu biết của mình, con người có thể hiểu về Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng (Hiến chế Dei Filius), trong khi đức tin cung cấp một cách hiểu biết khác, cụ thể là nó đón nhận một mặc khải. Chính Thiên Chúa Đấng tỏ lộ mình ra, và không phải là con người đi tìm Thiên Chúa. Điều đó cho thấy tại sao Ki-tô giáo không chỉ là một tôn giáo, nhưng là một sự mặc khải. Vì vậy đức tin là một nguồn tri thức, nhưng theo một cách khác. Dù nó phải được đặt lên trên lý trí, nhưng vẫn không thể có sự bất đồng giữa đức tin và lý trí vì chính cùng một Thiên Chúa mặc khải những mầu nhiệm của Người và ban cho đức tin, và Người cũng truyền bá ánh sáng của lý trí trong tâm linh con người.”
Đức Hồng y Tauran bác bỏ khẳng định đặt đức tin và lý trí vào sự đối nghịch. “Chúng ta nói rằng đức tin, đồng thời là một sự gặp gỡ và một thông điệp, gặp gỡ con người mà theo tính tự nhiên “hướng về Thiên Chúa.” Tuy nhiên, cần phải tránh hai thái cực: đầu tiên là tín ngưỡng luận, thể hiện tính đặc trưng của một tôn giáo được đặt trên những cảm xúc; thứ hai là chủ nghĩa duy lý, khẳng định rằng chỉ những thực tại có lý và có thể chứng minh bằng khoa học là đáng tin.”
Sự tự do của con người
“Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa không phải là kết quả của một phương trình, vì nếu như vậy chúng ta bị ép buộc phải tin, và Người không phải là sự phi lý trí: Người là siêu lý trí và, tôi thậm chí có thể nói thêm nữa, là sự mạch lạc. Newman viết: “Một ngàn cách phản đối cũng không tạo nên sự hồ nghi.” Và Pascal nhấn mạnh: “Thiên Chúa cho con người đủ ánh sáng để đặt niềm tin vào Ngài và đủ bóng tối để không bị ép buộc phải tin. Nhìn thấy vấn đề thuộc sự tự do của con người trước Thiên Chúa,” Đức Hồng y Tauran tóm kết.
Từ đó ngài phân tích về sự thờ ơ do một thế giới bị thống trị bởi công nghệ. “Thế giới công nghệ mà chúng ta đang sống đã làm con người thờ ơ với chiều kích tâm linh. Con người cảm thấy có quyền lực, và họ thậm chí tìm cách để tự tạo bản thân. Tính hiệu quả và lợi nhuận đã thay thế sự tìm kiếm chân lý. Bị tách rời ra khỏi Ki-tô giáo, khoa học trở nên một món quà chết người vì nó có thể bị tận dụng cho những việc không đúng với sự phục vụ chính đáng cho nhân loại.”
Một tương lai cho nhân loại
“Chúng ta phải tự hào về niềm tin của mình, vì nó trao tặng một tương lai cho nhân loại. Chúng ta, người Ki-tô hữu, chúng ta đã được yêu và được tha thứ và chúng ta không cất giữ riêng cho mình ánh sáng đã soi rọi cho chúng ta. Chúng ta có bổn phận phải đem nó ra cho tất cả mọi người, và đặc biệt, cho những người sống không có niềm hy vọng. Vì vậy, chúng ta phải được chuẩn bị về tinh thần và đó là một vấn đề cấp bách thứ hai mà tôi nhìn thấy; có thể đưa ra một lý lẽ cho niềm tin của chúng ta. Sau điều cấp bách thứ nhất, đó là: tìm thấy niềm tự hào được làm người Ki-tô hữu, để đón nhận tính cao cả của sự huyền nhiệm,” Hồng y nhấn mạnh.
Chính trên khuôn khổ này mà Đức Hồng y Tauran xây dựng sự đối thoại liên tôn, đó là sứ vụ trọng tâm của Giáo hội. “Trong các xã hội đa nguyên mà chúng ta đang sống, sự đối thoại liên tôn chính nó trở nên vô cùng cần thiết. Nó luôn bắt đầu bằng việc tuyên xưng niềm tin riêng của một người, tránh tất cả thuyết hổ lốn. Nó hàm ý rằng chúng ta đang có trong tay một văn hóa tôn giáo cho phép chúng ta đối thoại trong sự thật. Chúng ta phải vượt qua bài giáo lý của thời trẻ thơ. Khi chúng ta nói chuyện với những nhà lãnh đạo có sự chuẩn bị rất kỹ và học thức cao của các xã hội, thật ngạc nhiên khi tìm thấy rằng ở một mức độ nào đó họ chẳng biết gì về quan điểm của tôn giáo và thường có một cái nhìn về đức tin còn rất ấu trĩ.”
Nền tảng của văn hóa
Đức Hồng y Tauran phân tích một nhu cầu cấp bách thứ ba: “Sống tinh thần hiệp nhất Giáo hội,” và ngài giải thích: “Những vụ bê bối, sự bội tín của các Ki-tô hữu không bao giờ có thể che giấu được sức mạnh của đức ái. Chỉ cần nghĩ đến công cuộc đáng thán phục được thực hiện bởi các nữ tu trong các quốc gia ở Thế giới thứ ba. Bây giờ không phải là thời gian để than van, nhưng để dấn thân vào sứ vụ. Chúng ta không được áp đặt nhưng là dâng lên Thiên Chúa là Đấng chúng ta đặt trọn niềm tin, Đấng thưởng công bội hậu cho chúng ta với hai món quà tuyệt vời: trí khôn để hiểu và một trái tim để yêu. Chúng ta không được nghĩ rằng Thiên Chúa không còn quan tâm đến con người hôm nay. Người ta không thể né tránh Đức Giê-su Ki-tô. Người ta gặp gỡ Đức Ki-ô nhờ Giáo hội. Việc đi tìm Thiên Chúa và sự sẵn sàng lắng nghe Người hôm nay vẫn là nền tảng của một nền văn hóa thực sự và vững chắc.”
Cuối cùng, Hồng y Tauran quay lại nói về tương lai của nhân loại, ngài đặt câu hỏi: “Sự đóng góp của chúng ta sẽ như thế nào cho thế giới ngày mai? Liệu chúng ta sẽ trở thành những người khơi nguồn cảm hứng hay chỉ đơn thuần là những người phụ thêm vào?” “Thật khó có câu trả lời,” ngài nói, trước khi bảy tỏ sự vững tin của ngài rằng: “Ki-tô giáo, chưa bao giờ mang tính phổ quát như hôm nay, sẽ có thể giúp cho sự toàn cầu hóa có ích lợi – mà tự bản thân nó là một điều rất lạc quan — qua những từ ngữ và những sáng kiến ban đầu về tính mới lạ và sự phi thường. Ki-tô giáo không phải là một tư tưởng nhưng là một sự thật. Thiên Chúa đã thành người phàm. Giáo hội sẽ tiếp tục làm cho con người “bị xao lãng” của thế kỷ này phải suy tư về bản thân họ, về sứ mạng của họ, về tính cần thiết để thăng tiến một thế giới là nơi cư ngụ của công bằng và hòa bình. Chúng ta có một vai trò để góp phần. Đặc biệt tôi đang nghĩ đến những bạn trẻ, những người rất thường khi là “người thừa kế nhưng lại không có quyền thừa hưởng” và là “những người xây dựng nhưng không có mẫu hình.” Chúng tôi, những người Ki-tô hữu, sẽ làm điều đó, cùng với Giáo hội và trong Giáo hội.”

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/08/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét