Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Đức Thánh Cha dâng Lễ thường nhật: Đến gần với những người đau khổ

Đức Thánh Cha dâng Lễ thường nhật: Đến gần với những người đau khổ

Đức Thánh Cha dâng Lễ thường nhật: Đến gần với những người đau khổ
Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ thường nhật trong nhà nguyện Thánh Marta. - REUTERS
19/09/2017 12:48
(Vatican Radio) “Thương cảm,” “đến gần,” “phục hồi.” Trong Thánh Lễ sáng tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện lên Thiên Chúa, xin Người ban cho chúng ta “ơn sủng” biết thương cảm đối với những người đang chịu đau khổ; biết đến gần những người này để “cầm lấy tay họ” để phục hồi lại cho họ “phẩm giá mà Thiên Chúa sắp đặt cho họ.” Đức Thánh Cha lấy ý trong Tin mừng theo Thánh Lu-ca, kể chuyện Chúa Giê-su đưa đứa con trai của bà góa thành Na-im trở về từ cõi chết. Ngài giải thích lý do tại sao trong Cựu Ước những người nghèo nhất giữa các nô lệ lại đúng là những bà góa và trẻ mồ côi, người xa lạ và người ngoại. Và lặp lại lời mời gọi “chăm sóc cho họ, để bảo đảm rằng họ được hòa nhập trở lại và trở thành một phần của xã hội. Chúa Giê-su có thể “nhìn thấy chi tiết,” vì Người nhìn thấu suốt tâm hồn; Người có lòng thương cảm:
“Lòng thương cảm là một tình cảm muốn can dự vào, nó là một tình cảm của con tim, của lòng người, nó làm nôn nao toàn bộ con người. Nó không giống như “sự đau đớn,” hay như cách nói “Buồn quá, tội nghiệp người ta!”: Không, nó không phải như vậy. Lòng thương cảm là muốn can dự vào. Nó là “cùng chịu chung nỗi đau.” Đây mới là lòng thương cảm. Chúa cùng can dự vào đời sống của một người góa phụ, của một trẻ mồ côi. Người ta có thể nói, “Nhưng này … ngài còn có cả một đám đông lớn ở đây, tại sao ngài lại không nói chuyện với đám đông? Cứ để họ đó đi … Cuộc sống là vậy … Đó là những bi kịch phải xảy ra …” Không. Với Người, bà góa đó và đứa con côi đó còn quan trọng hơn cả đám đông mà Ngài đang nói chuyện và họ đang đi theo Ngài. Chúa, với lòng thương cảm của Người, can dự vào trường hợp này. Người có lòng thương cảm.”
Đức Thánh Cha nói, rồi lòng thương cảm thúc đẩy chúng ta “đến gần,” đôi khi anh chị em nhìn thấy nhiều điều, nhưng không cần phải đến gần. Nhưng, ngài nói:
“Đến gần là đụng chạm vào thực tại. Đụng chạm. Chứ không phải đứng nhìn từ xa xa. Người có lòng thương cảm — cụm từ đầu tiên. Người lại gần — cụm từ thứ hai. Rồi Người thực hiện phép lạ. Chúa Giê-su không nói, ‘Thôi nhé, tôi còn đang phải tiếp tục đi.’ Không. Người đón lấy đứa trẻ, và chuyện kể tiếp là gì? ‘Người đưa nó trở về với mẹ của nó.’ Đưa trở về [phục hồi]: cụm từ thứ ba. Chúa Giê-su làm các phép lạ để phục hồi lại, để trả lại cho con người vị trí đúng của họ. Và đó là điều Ngài thực hiện bằng sự cứu rỗi của Người. Người có lòng thương cảm — Thiên Chúa có lòng thương cảm — Người đến gần chúng ta qua Con của Người, và Người phục hồi lại cho tất cả chúng ta phẩm giá làm con cái của Thiên Chúa. Người đã tái tạo lại tất cả chúng ta.”
Sự thúc đẩy đó là “làm như vậy,” theo gương của Đức Ki-tô, đến gần với người thiếu thốn, đừng giúp họ “từ đàng xa” chỉ vì họ có thể dơ bẩn, hay cần phải tắm, hoặc bốc mùi”:
“Chúng ta rất thường thấy những bản tin trên TV, hay trên trang bìa của báo chí, những thảm kịch … ‘Nhìn này, ở quốc gia đó trẻ em không có đủ thức ăn; ở quốc gia đó trẻ em bị bắt buộc đi lính; ở quốc gia đó phụ nữ bị bắt làm nô lệ; ở quốc gia đó … Ồ, thật là một tai họa! Tội nghiệp người ta …’ Rồi nhiều trang giấy được viết trong tiểu thuyết, trên các bản tin truyền hình sau đó. Và đây không phải là cách của người Ki-tô hữu. Và câu hỏi tôi hỏi bây giờ là, mọi người hãy nhìn vào mình, kể cả tôi, ‘Tôi có khả năng thương cảm hay không? Có khả năng cầu nguyện hay không? Khi tôi nhìn thấy những điều này mà người ta chuyển đến tôi tận nhà qua những phương tiện truyền thông … tôi có cảm xúc từ tận sâu thẳm tâm hồn không? Tâm hồn tôi có đau khổ cùng với những người đó không; hay tôi cảm thấy đau đớn không? Tôi có nói “Tội nghiệp người ta? và giống như vậy?’ Và nếu tôi không có lòng cảm thương, hãy cầu xin ơn sủng: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn sủng biết thương cảm.”
Với “những lời cầu nguyện chuyển cầu,” với những “công việc” của chúng ta là những Ki-tô hữu, chúng ta có thể giúp đỡ cho những ai đang đau khổ, để họ có thể “được hội nhập lại trong xã hội,” “trở lại với cuộc sống gia đình,” để làm việc, để “có cuộc sống bình thường.”

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 20/09/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét