Đức Thánh Cha nói chuyện với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh: toàn văn
Đức Thánh Cha Phanxico chào các đám đông ở Colombia trong chuyến Tông du của ngài - ANSA
09/09/2017 23:30
(Vatican Radio) Hôm thứ Bảy, trong chuyến Tông du đến Columbia, Đức Thánh Cha Phanxico nói chuyện với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các gia đình ở Medellin, cách thủ đô Bogota khoảng 200 cây số về phía tây bắc, ngài ở lại đây một ngày.
Sự kiện cuối cùng trong ngày của Đức Thánh Cha tại Trung tâm Giải trí Macarena của Medellin, trong đó có giờ lắng nghe những chứng ngôn của một linh mục, một nữ tu dòng kín và một gia đình, những người suy ngẫm và thực hành ơn gọi của họ.
Đức Thánh Cha nói về một “lòng nhiệt thành tông đồ lan tỏa” là kết quả từ việc hiểu và gặp gỡ Chúa Giê-su, ngài nói rằng “làm cho mọi người biết đến Người bằng lời nói và bằng việc làm của chúng ta là niềm vui của chúng ta.”
So sánh Giáo hội Columbia với “cây nho của Chúa Giê-su.” Đức Thánh Cha giải thích rằng sức sống của cây nho được đánh giá bằng sự thu hoạch những ơn gọi đích thực cho dù có những khủng hoảng về văn hóa ngày nay.”
Cây nho này, ngài nói, cần được tỉa tót những sự chưa hoàn thiện của nó qua một “sự kết hiệp mật thiết và trổ sinh hoa trái với Chúa Giê-su.” Đức Thánh Cha đưa ra ba cách để sự cư ngụ của họ trong Đức Ki-tô trở nên hiệu quả.
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh chính thức bài huấn từ của Đức Thánh Cha:
Gặp gỡ các linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và gia đình của họ.
Medellín
Thứ Bảy, 9 tháng Chín 2017
Anh em Giám mục thân mến,
Thân chào anh em linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh,
Thân chào các gia đình, chào các “Paisas”!
Dụ ngôn về cây nho mà chúng ta vừa nghe trong Tin mừng của Gio-an được đưa ra trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly của Chúa Giê-su. Trong thời khắc đầy cảm xúc yêu dấu đó, được đánh dấu bởi không khí căng thẳng nhưng ngập tràn yêu thương, Chúa rửa chân cho các tông đồ của Người, và Người muốn biến cố được tưởng nhớ mãi về sau trong hình bánh và rượu, khi Người nói lên với những người Ngài yêu thương nhất từ tận sâu thẳm tâm hồn của Người.
Trong đêm “Tiệc Thánh” đầu tiên này, trong buổi chiều hoàng hôn sau tấm gương phục vụ của Người, Chúa Giê-su mở tâm hồn Người ra; Người trao phó cho họ những lời dặn dò. Cũng như các tông đồ, một số người phụ nữ và Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giê-su (x. Cv 1: 13-14) tiếp tục gặp gỡ trong Phòng Tiệc Ly đó, và cả chúng ta nữa cũng tập trung nơi đây để lắng nghe Người, để lắng nghe nhau. Nữ tu María Isabel thuộc dòng Leidy Thánh Giu-se và Cha Juan Felipe đã cho chúng ta nghe chứng ngôn của họ … Vì thế mỗi chúng ta ở đây cũng có thể chia sẻ câu chuyện ơn gọi của riêng mình. Tất cả những câu chuyện này đều tập trung vào trải nghiệm của chúng ta với Chúa Giê-su Đấng đến gặp gỡ chúng ta, Đấng đã chọn chúng ta trước, từ đó nắm trọn lấy con tim của chúng ta. Aparecida nói: “Biết Chúa Giê-su là một quà tặng tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể nhận được; việc chúng ta đã gặp gỡ Ngài là điều tốt đẹp nhất xảy ra trong cuộc đời của chúng ta, và làm cho mọi người biết đến Ngài bằng lời nói và hành động của chúng ta là niềm vui cho chúng ta” (Tài liệu Aparecida, 29).
Các bạn trẻ, rất nhiều người trong chúng con đã khám phá ra Đức Giê-su đang sống trong các cộng đoàn của chúng ta; những cộng đoàn với một lòng nhiệt thành tông đồ lan tỏa, nó khơi gợi và thu hút những người khác. Nơi đâu có sự sống, có lòng nhiệt thành, có khao khát mang Đức Ki-tô đến với người khác, những ơn gọi đích thực trổi lên; đời sống huynh đệ và nhiệt thành của cộng đoàn đánh thức lòng ao ước được hiến dâng mình cho Chúa và cho việc rao giảng phúc âm (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 107). Giới trẻ theo lẽ tự nhiên là luôn thao thức, cho dù đang có sự khủng hoảng về cam kết và những mối quan hệ cộng đoàn, rất nhiều bạn trẻ đã cùng đứng bên nhau để chống lại những cái ác của trần gian và tham dự vào nhiều hình thức khác nhau của hoạt động chính trị và công việc thiện nguyện. Khi họ làm điều đó cho Chúa Giê-su, cảm nhận rằng mình là một phần của cộng đoàn, họ trở thành “những nhà thuyết giảng đường phố (callejeros de la fe)”, để đem Chúa Giê-su Ki-tô đến với mọi con đường, mọi quảng trường và mọi miền của thế giới (x. nt. 106).
Đây là cây nho mà Chúa Giê-su đề cập đến trong văn bản mà chúng ta vừa tuyên xưng: cây nho đó là “dân của giao ước.” Những ngôn sứ, như Giê-rê-mi-a, I-sai-a và Ê-dê-ki-en, đều nói đến dân tộc như một cây nho, cũng như Thánh vịnh 80 nói: “Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng, Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi” (cc. 9-10). Có những lúc họ diễn tả niềm vui mừng của Thiên Chúa ngắm nhìn cây nho, có những lúc khác cho thấy sự tức giận của Người, sự hoang mang và sự thất vọng của Người; tuy nhiên Người không bao giờ quên dân Người, Người luôn mãi cảm thấy sự xa cách của họ và Người bước ra với họ, nhưng họ lại quay mặt đi khỏi Người, trở nên khô cằn, héo hon và bị tàn phá.
Đất đai, dưỡng chất, sự chăm sóc nơi cây nho này đang lớn lên ở Columbia như thế nào? Những hoa trái của ơn gọi thánh hiến đặc biệt được sinh ra trong những điều kiện nào? Rõ ràng trong những hoàn cảnh đầy những nghịch cảnh, đầy ánh sáng và bóng tối, đầy những thực tại tương quan phức tạp. Tất cả chúng ta đều muốn lệ thuộc vào một thế giới với những gia đình và những mối quan hệ rõ ràng, nhưng chúng ta lại là một phần của cuộc khủng hoảng văn hóa này, và giữa cuộc khủng hoảng đó, để có thái độ đáp lại, Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi. Gần như là phi hiện thực khi nghĩ rằng tất cả anh chị em nghe thấy tiếng Chúa gọi trong những gia đình duy trì vững vàng một tình yêu mạnh mẽ và đầy những nhân đức như quảng đại, vâng nghe, trung thực và nhẫn nại (x. Tông huấn Amoris Laetitia, 5); một số trường hợp là như vậy, và tôi cầu nguyện với Thiên Chúa ban cho nhiều người như vậy. Nhưng giữ đôi chân chúng ta vững vàng trên mặt đất có nghĩa là nhận ra rằng những kinh nghiệm ơn gọi của chúng ta, sự thức tỉnh trước tiếng gọi của Thiên Chúa, đem chúng ta lại gần hơn với Lời của Chúa đã được mặc khải và đến gần với những gì đất nước Columbia biết rất rõ: “Dòng mạch này của sự đau khổ và máu đào rơi chạy xuyên suốt nhiều trang Kinh Thánh, bắt đầu từ việc A-ben giết người em Ca-in của mình. Chúng ta đã đọc được những cãi vã giữa những người con trai và những người vợ của các Tổ phụ A-bra-ham, I-sa-ac và Gia-cóp, những thảm kịch và bạo lực đánh dấu gia đình của vua Đa-vít, những vấn đề về gia đình được phản ánh trong câu truyện của Tô-bi-a và những lời than trách cay đắng của Gióp” (nt., 20). Ngay từ đầu đã như vậy: Thiên Chúa tỏ lộ sự gần gũi của Người và sự chọn lựa của Người; Người thay đổi dòng sự kiện để kêu gọi những người nam nữ với sự mong manh yếu đuối của lịch sử cá nhân và lịch sử chung của họ. Chúng ta đừng sợ hãi, trong vùng đất phức tạp đó, vì Thiên Chúa luôn đem đến sự kỳ diệu khi tạo ra những nhánh tốt trên cây nho, giống như món bánh arepa cho bữa sáng. Cầu xin để có những ơn gọi trong mọi cộng đoàn và mọi gia đình ở Medellín!
Cây nho này – đó là cây nho của Chúa Giê-su – mang đặc tính thật. Ngài đã sử dụng thuật ngữ này trong nhiều trường hợp trước đó trong Tin mừng của Gio-an: ánh sáng thật, bánh thật từ trời, và chứng ngôn thật. Bây giờ, sự thật không phải là điều gì đó chúng ta đón nhận được – như bánh và ánh sáng – nhưng phải là điều tuôn tràn từ bên trong. Chúng ta là một dân tộc được chọn cho sự thật, và tiếng gọi của chúng ta phải trong sự thật. Không thể có chỗ cho sự lừa gạt, đạo đức giả hay hay đầu óc nhỏ nhen nếu chúng ta là những cành của cây nho này, nếu ơn gọi của chúng ta được gắn liền vào Chúa Giê-su. Tất cả chúng ta phải hết sức chú ý rằng mọi cành cây phải chu toàn bổn phận của nó: trổ sinh hoa trái. Ngay từ ban đầu, những ai có trách vụ đồng hành với tiến trình ơn gọi cần phải khơi gợi một ý hướng đúng, một khát khao thật sự muốn hiến dâng cho Chúa Giê-su, là vị mục tử, là người bạn, là đức lang quân. Khi những tiến trình này không được nuôi dưỡng bằng nhựa sống thực sự là Thần khí của Chúa Giê-su thì chúng ta sẽ cảm nhận sự khô khan và Chúa rất buồn vì biết rằng những cành này đã chết. Ơn gọi cùng với những sự thánh hiến đặc biệt sẽ chết khi chúng gắn liền vào những danh vọng, khi chúng được thúc đẩy bởi việc tìm kiếm sự an toàn cá nhân và những thăng tiến xã hội, khi động lực thúc đẩy là “leo lên thang danh vọng,” là bấu víu lấy những ích lợi vật chất và nỗ lực một cách đáng xấu hổ để đạt được ích lợi tài chính. Cũng như tôi đã nói trong nhiều dịp trước đây, ma quỷ len lỏi qua ví tiền. Điều này không chỉ áp dụng trong những giai đoạn đầu của ơn gọi; tất cả chúng ta phải hết sức cẩn trọng vì sự không trong sạch của những con người trong Giáo hội cũng bắt đầu theo cách này, từng tí từng tí, và rồi – như chính Chúa Giê-su nói – nó cắm rễ vào trong tâm hồn và cuối cùng trục xuất Thiên Chúa ra khỏi đời sống của chúng ta. “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:21, 24), chúng ta không được lợi dụng tình trạng tu trì của chúng ta và sự tốt lành của tín hữu để được phục vụ và tìm kiếm những nguồn lợi vật chất.
Có một số trường hợp, một số thói quen và sự lựa chọn cho thấy dấu hiệu của sự khô cằn và chết: chúng không thể tiếp tục cản trở dòng chảy của nhựa sống nuôi dưỡng và cung cấp nguồn sống! Sự độc hại của những dối trá, những cách gây hoang mang, những mánh khóe và lạm dụng Dân Chúa, những người yếu đuối và đặc biệt người cao tuổi và trẻ tuổi, không thể có chỗ đứng trong các cộng đoàn của chúng ta; chúng là những cành cây chắc chắn làm cho chúng ta khô héo và những cành mà Thiên Chúa bảo chúng ta phải cắt bỏ.
Và Thiên Chúa không chỉ cắt bỏ; câu chuyện ngụ ngôn tiếp tục nói rằng Thiên Chúa thanh tẩy cây nho và những khiếm khuyết của nó. Lời hứa rằng chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái, và vô vàn, cũng giống như hạt lúa mì, nếu chúng ta có thể cho đi chính bản thân, có thể dâng hiến đời sống chúng ta một cách tự do. Ở Columbia, có những tấm gương như vậy. Chúng ta kính nhớ Thánh nữ Laura Montoya, một tu sĩ nổi bật mà thánh tích của ngài ở với chúng ta, và là người khởi đi từ thành phố này, đã hoàn toàn trao hiến bản thân cho nỗ lực thừa sai vĩ đại thay mặt cho những người dân bản địa trên khắp đất nước. Chúng ta có thể học được biết bao điều từ người phụ nữ sống đời thánh hiến hoàn toàn từ bỏ trong âm thầm và vị tha, một người không có niềm khát khao nào khác ngoài sự chuyển tải dung nhan từ mẫu của Thiên Chúa. Chúng ta cũng kính nhớ Chân phước Mariano de Jesús Euse Hoyos, một trong những sinh viên đầu tiên của Chủng việc Medellín, và những linh mục và nữ tu khác người Columbia, là những vị có tiến trình phong thánh đã được bắt đầu; cũng như rất nhiều người khác, hàng ngàn người Columbia vô danh là những người với sự đơn sơ giản dị trong cuộc sống hàng ngày biết cách dành bản thân cho Tin mừng, và những người mà anh chị em giữ những kỷ niệm thân thương và những người khuyến khích anh chị em trong cam kết của mình. Tất cả họ cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể đáp lời một cách trung thành theo tiếng Chúa gọi, chúng ta có thể trổ sinh nhiều hoa trái.
Tin vui đó là Thiên Chúa sẽ làm chúng ta nên thanh sạch, rằng chúng ta sẽ không bị hư mất, để luôn có những người tông đồ tốt lành sẵn sàng trên bước đường. Bằng cách nào Chúa Giê-su tẩy uế được những điều dẫn đưa tới cái chết mà nó cầm giữ cuộc sống của chúng ta và bóp méo tiếng gọi của Ngài? Bằng cách mời gọi chúng ta cư ngụ trong Ngài. Cư ngụ không chỉ là lời tuyên bố, nhưng hơn thế là duy trì một mối quan hệ sống động, liên tục và tuyệt đối cần thiết; có nghĩa là sống và phát triển trong sự kết hiệp thân tình và đầy hoa trái với Đức Giê-su, “nguồn sống vĩnh hằng.” Cư ngụ trong Chúa Giê-su không phải là một hành động thụ động hay là một sự từ bỏ đơn giản không đem lại kết quả tốt đẹp nào trong đời sống hàng ngày và cụ thể. Cho phép tôi đưa ra ba cách làm cho “sự cư ngụ” này trở nên hiệu quả:
Cư ngụ bằng cách đụng chạm vào nhân tính của Đức Ki-tô:
Bằng cái nhìn vào thái độ của Chúa Giê-su, Đấng chiêm ngắm thực tại không dưới con mắt của một quan tòa, nhưng là của một người Sa-ma-ri nhân lành; người nhận ra giá trị của những người cùng đi với Người, cũng như những vết thương và tội của họ; Người khám phá ra những sự đau khổ thầm lặng của họ và là Đấng xúc động trước những thiếu thốn của con người, trên hết những thiếu thốn đó bị chôn vùi bởi bất công, bởi sự bần cùng tàn tệ, sự thờ ơ hay bởi những hành động ác độc của tham nhũng và bạo lực.
Bằng hành động và lời nói của Chúa Giê-su thể hiện sự yêu thương cho những người xung quanh và tìm kiếm đến với những người ở xa; tế nhị và kiên quyết trong việc tố cáo tội lỗi và loan báo Tin mừng, vui mừng và quảng đại trong việc từ bỏ mình và trong việc phục vụ, đặc biệt đối với những người nhỏ bé nhất giữa chúng ta, kiên quyết chối bỏ cám dỗ cho rằng tất cả đã bị đánh mất, tự thỏa mãn tiện nghi cho mình hoặc trở nên những người quản trị của sự bất hạnh.
Cư ngụ bằng sự chiêm ngắm thiên tính của Ngài:
Thức tỉnh và duy trì một lòng tri ân để học hỏi làm tăng thêm sự hiểu biết về Đức Ki-tô vì, như Thánh Augustine nhắc chúng ta, chúng ta không thể yêu một người chúng ta không biết (x. Thánh Augustine, Chúa Ba Ngôi, Quyển X, ch. I, 3).
Theo cách học hỏi này, hãy dành sự ưu tiên cho việc gặp gỡ với Văn bản Kinh Thánh, đặc biệt với Tin mừng là chính Đức Ki-tô nói chuyện với chúng ta, tỏ lộ tình yêu vô điều kiện của Ngài dành cho Chúa Cha, và truyền dẫn niềm vui đến từ sự vâng lời trước thánh ý của Người và từ việc phục vụ anh chị em chúng ta. Ai không biết Kinh thánh thì không biết Chúa Giê-su. Ai không yêu Kinh Thánh thì không yêu Chúa Giê-su (x. Thánh Giê-rô-ni-mô, Lời nói đầu cho Phần chú giải Ngôn sứ I-sai-a, PL 24, 17). Chúng ta hãy dành thời gian đọc Lời của Chúa, lắng nghe những gì Thiên Chúa mong muốn cho chúng ta và cho dân tộc Người.
Cầu xin cho sự học hỏi của chúng ta giúp chúng ta biết làm sáng tỏ thực tại bằng đôi mắt của Chúa, để nó không trở thành cách né tránh những gì đang xảy ra cho dân tộc của chúng ta, hoặc nó cũng không trở thành ý tưởng đột xuất hào nhoáng hoặc những hệ tư tưởng. Cầu xin để sự học hỏi của chúng ta không bị chiến thắng bởi sự hoài niệm hay khuynh hướng giam hãm những huyền nhiệm, và cầu xin để không bị miễn cưỡng phải trả lời những câu hỏi mà người ta chẳng còn tự đặt ra cho mình nữa, và cầu xin để nó không bỏ rơi những người phải sống trong sự trống rỗng của cuộc sống và những người chất vấn chúng ta từ những thế giới và những nền văn hóa của họ.
Cư ngụ và chiêm ngắm thiên tính của Người bằng cách biến việc cầu nguyện thành một phần nền tảng trong cuộc sống chúng ta và việc phục vụ tông đồ của chúng ta. Cầu nguyện giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng của tính trần tục, và dạy cho chúng ta biết sống trong niềm vui, biết tránh xa những sự thiển cận, trong cách thực hành sự tự do thật sự. Cầu nguyện kéo chúng ta thoát khỏi tính cách xem mình là trung tâm, thoát khỏi sự lẩn tránh trong một đời sống tu trì trống rỗng; với đức vâng lời, cầu nguyện dẫn đưa chúng ta biết đặt bản thân trong bàn tay Thiên Chúa để hoàn tất thánh ý của Người và để nhận ra chương trình cứu độ của Người. Và cầu nguyện dạy chúng ta biết tôn thờ. Học cách tôn thờ trong thinh lặng.
Chúng ta hãy trở nên những người đã được hòa giải để từ đó đi đến hòa giải. Được ơn gọi không có nghĩa là chúng ta được tặng một chứng chỉ hạnh kiểm tốt và vô tội; chúng ta không được bọc trong ánh hào quang của sự thánh thiện. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân và chúng ta cần sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa để đứng dậy mỗi ngày. Người nhổ rễ những gì không tốt trong con người của chúng ta, cũng như những điều sai trái chúng ta đã phạm, ném nó ra khỏi vườn nho để đốt đi. Người thanh tẩy chúng ta để chúng ta có thể trổ sinh hoa trái. Đây là sự trung tín thương xót mà Thiên Chúa thể hiện ra cho dân Người, mà chúng ta là một phần trong đó. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta bên vệ đường. Chúa làm mọi việc để ngăn cản tội lỗi không hạ gục chúng ta và đóng những cánh cửa cuộc đời mở ra cho một tương lai hy vọng và mừng vui của chúng ta.
Cuối cùng, cư ngụ trong Đức Ki-tô để sống vui mừng:
Nếu chúng ta ở trong Người, niềm vui của Người sẽ ở trong chúng ta. Chúng ta sẽ không trở thành những môn đệ buồn bã và những tông đồ cay đắng. Ngược lại, chúng ta sẽ phản ánh và trở thành những sứ giả của niềm hạnh phúc thật sự, một niềm vui trọn vẹn không ai có thể lấy mất. Chúng ta sẽ làm lan tỏa niềm hy vọng về một sự sống mới mà Đức Ki-tô đã ban tặng cho chúng ta. Tiếng gọi của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng lấy mất niềm vui của chúng ta. Người không muốn chúng ta bị chìm ngập trong nỗi buồn và sự chán nản xuất phát từ những hoạt động được thực hành một cách nghèo nàn, nhưng hơn thế Người muốn một tinh thần mang đến niềm vui cho cuộc sống của chúng ta và thậm chí cho sự chán nản của chúng ta. Niềm vui lan tỏa của chúng ta phải trở thành chứng tá đầu tiên cho sự gần gũi và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta là những người phân phát ơn sủng của Chúa khi chúng ta phản ánh niềm vui xuất phát từ việc gặp gỡ Ngài.
Trong Sách Sáng Thế, sau đại hồng thủy, ông Nô-ê trồng một cây nho như là một dấu hiệu cho sự khởi đầu mới; cuối sách Xuất Hành, Môi-sê cho những người do thám đi kiểm tra miền đất hứa, họ trở về với một chùm nho, một dấu hiệu cho thấy vùng đất chảy sữa và mật. Chúa chăm sóc chúng ta, cộng đoàn của chúng ta và gia đình của chúng ta. Thiên Chúa đã ghé mắt nhìn đến đất nước Columbia: anh chị em là dấu chỉ của sự yêu thương đặc biệt này. Bây giờ tùy thuộc vào chúng ta biết dâng hiến trọn tình yêu và sự phục vụ của mình khi được kết hiệp với Chúa Giê-su, thân cây nho của chúng ta. Để trở thành lời hứa của một sự khởi đầu mới cho Columbia, bỏ lại sau lưng mọi cơn lũ của những bất hòa và bạo lực, một đất nước Columbia muốn trổ sinh thật nhiều hoa trái của công bằng và hòa bình, của sự gặp gỡ và đoàn kết. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em; nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho đời sống thánh hiến ở Columbia. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/09/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét