Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Đức Thánh Cha thúc giục các nhà lãnh đạo Colombia tiến đến hòa bình và hòa giải: Toàn văn

Đức Thánh Cha thúc giục các nhà lãnh đạo Colombia tiến đến hòa bình và hòa giải: Toàn văn

Đức Thánh Cha thúc giục các nhà lãnh đạo Colombia tiến đến hòa bình và hòa giải: Toàn văn
Đức Thánh Cha Phanxico và Tổng thống Columbia Juan Manuel Santos (phải) trước dinh tổng thống ở Bogota - AFP
07/09/2017 16:30
(Vatican Radio) Hôm thứ Năm Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục các nhà lãnh đạo Columbia hãy gạt sang một bên “sự thù hận và báo thù” và “lắng nghe người nghèo, những người đau khổ,” để tạo ra văn hóa gặp gỡ, cho hòa bình và hòa giải trong một dân tộc đang trong cuộc xung đột kéo dài nhất của Châu Mỹ La-tinh.
Đức Thánh Cha, đang thực hiện chuyến Tông du đến Columbia, 6-11 tháng Chín, cổ vũ cho hòa bình và tiến trình hòa giải trong đất nước, ngài đọc bài diễn từ đầu tiên tại dinh tổng thống và trụ sở làm việc của chính phủ ở thủ đô Bogota.
Trong số thính giả gồm có những thành viên của chính phủ và ngoại giao đoàn, các giới chức tôn giáo, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện của xã hội dân sự và văn hóa.
Đức Thánh Cha thúc giục họ giải quyết “những nguyên nhân thuộc cấu trúc của sự nghèo đói dẫn đến sự loại trừ và bạo lực,” và nhắc họ rằng “bất bình đẳng là cội nguồn của những căn bệnh xã hội.”
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh chính thức bài diễn từ của Đức Thánh Cha:
Diễn từ: Gặp gỡ các Giới chức, Ngoại giao đoàn và các Đại diện của Xã hội Dân sự
Bogotá
Thứ Năm, 7 tháng Chín 2017
Tôi xin gửi lời chào nồng hậu đến ngài Juan Manuel Santos, Tổng thống nước Columbia, và tôi xin cảm ơn về lời mời thiện ý của ngài đến thăm đất nước trong một thời điểm đặc biệt quan trọng trong lịch sử của mình; tôi xin chào các thành viên của Chính phủ nước Cộng hòa và Ngoại giao đoàn. Và thông qua quý vị Đại diện của xã hội dân sự, tôi xin gửi những lời chúc nồng hậu đến toàn thể dân tộc Columbia, khi tôi bắt đầu chuyến Tông Du.
Tôi đến Columbia theo bước chân của các Đấng Tiền nhiệm của tôi, Chân phước Phao-lô VI và Thánh Gio-an Phao-lô II. Cũng như các ngài, tôi vô cùng khát khao muốn được chia sẻ món quà đức tin với anh chị em Columbia của tôi, một niềm tin đã được đâm rễ sâu trong vùng đất này, và niềm hy vọng làm rung nhịp đập con tim của mọi người. Chỉ bằng con đường này, bằng con đường đức tin và hy vọng thì chúng ta mới có thể vượt qua muôn vàn khó khăn trên đường, để xây dựng một đất nước là quê mẹ và là ngôi nhà của toàn thể người dân Columbia.
Columbia là một dân tộc được chúc lành theo nhiều cách; thiên nhiên dồi dào không chỉ gợi sự ngưỡng mộ vẻ đẹp, mà còn đòi hỏi một sự tôn trọng đối với hệ sinh thái của nó. Columbia đứng hàng thứ hai trên thế giới về hệ sinh thái; du lịch qua vùng đất này chúng ta có thể nếm trải và nhìn thấy được Thiên Chúa tốt lành biết dường nào (x. TV 33:9) khi tặng ban một sự đa dạng quá lớn như vậy về quần thể thực vật và động vật trong những khu rừng ẩm nhiệt đới, Páramos, vùng Chocó, những hòn đảo Cali và những rặng núi như Macarena, và ở rất nhiều nơi khác. Nền văn hóa của đất nước này cũng mang tính đa dạng phong phú như vậy. Nhưng trên hết, Columbia rất giàu có về giá trị nhân văn của dân tộc, những con người với tấm lòng luôn chào đón và quảng đại, dũng cảm và quả quyết khi đứng trước những trở ngại.
Buổi gặp gỡ này cho phép tôi bày tỏ lòng tri ân đối với mọi nỗ lực đã được thực hiện trong những thập niên qua nhằm chấm dứt bạo lực vũ trang và tìm ra những con đường hòa giải. Trong năm qua đã có tiến bộ đáng kể được thực hiện; những bước đi đã tăng lên niềm hy vọng, với sự vững tin rằng tìm kiếm hòa bình là một nỗ lực vượt thời gian, một trách nhiệm luôn thôi thúc, nó đòi hỏi sự cam kết của mọi người. Nó là một nỗ lực thách đố đối với chúng ta để chúng ta không làm nguội lạnh đi những nỗ lực của mình nhằm xây dựng sự hiệp nhất của dân tộc. Gạt qua mọi trở ngại, mọi sự khác biệt và những viễn cảnh gập ghềnh trên con đường đạt đến sự chung sống hòa bình, trách nhiệm này hiệu triệu chúng ta bền chí trong cuộc đấu tranh thúc đẩy một “văn hóa gặp gỡ.” Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết đặt nhân vị vào trung tâm của tất cả các hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế, nhân vị phải được hưởng phẩm giá cao quý nhất, và sự tôn trọng vì thiện ích chung. Xin cho sự quyết tâm này giúp chúng ta thoát khỏi cám dỗ muốn báo thù và thỏa mãn với những lợi ích phe nhóm ngắn hạn. Những đòi hỏi trên con đường dẫn đến hòa bình và sự hiểu biết càng lớn, thì nỗ lực chúng ta càng phải nhiều hơn để biết tôn trọng nhau, để chữa lành những viết thương, để xây dựng những cầu nối, để làm vững mạnh hơn những mối quan hệ và hỗ trợ lẫn nhau (x. Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng, 67).
Phương châm của đất nước này là: “Tự do và Trật tự.” Hai cụm từ này hàm chứa một bài học trọn vẹn. Người dân phải được tôn trọng giá trị theo sự tự do của họ và được bảo vệ bởi một trật tự vững vàng. Nó không phải là luật của những người quyền lực nhất, nhưng là sức mạnh của luật, được tất cả mọi người đồng thuận, để kiểm soát sự chung sống hòa bình. Rất cần phải có luật pháp công bằng, nó bảo đảm sự hòa hợp và có thể giúp vượt qua được những xung đột đã xé nát dân tộc này trong nhiều thập niên qua; luật pháp cần có ở đây không thể sinh ra từ nhu cầu võ đoán, nhưng phải được sinh ra từ khát khao phá bỏ được những nguyên nhân nghèo khổ theo cấu trúc dẫn đến sự loại trừ và bạo lực. Chỉ bằng cách này mới có thể chữa lành được căn bệnh gây ra sự mong manh và thiếu phẩm giá cho xã hội, để nó luôn trong nguy cơ rơi vào những cuộc khủng hoảng mới. Chúng ta đừng quên rằng sự bất bình đẳng là cội nguồn của những căn bệnh xã hội (x. nt. 202).
Trong viễn cảnh này, tôi động viên quý vị hãy nhìn đến tất cả những người hôm nay đang bị xã hội loại trừ và bị gạt ra bên lề, những người không có giá trị trong con mắt của đa số, những người bị bỏ rơi đàng sau, những người bị gạt sang một bên. Mọi con người đều cần thiết trong công cuộc xây dựng và định hình xã hội. Không thể đạt được điều này chỉ đơn thuần bởi “dòng máu thuần chủng,” nhưng bởi tất cả mọi người. Và việc này tạo dựng nên sự vĩ đại và nét đẹp của một quốc gia, nơi tất cả mọi người đều có vị trí và tất cả mọi người đều quan trọng. Gia tài đích thực là sự đa dạng. Tôi nghĩ đến hành trình đầu tiên của Thánh Phê-rô Claver từ Cartagena đến Bogotá, đi ngược lên dòng sông Magdalena: sự kinh ngạc của ngài cũng là của chúng ta. Thỉnh thoảng chúng ta quan sát thấy nhiều nhóm sắc tộc và cư dân của những vùng xa xôi nhất, những người nông dân bản địa. Cái nhìn của chúng ta hãy gắn chặt vào những con người thấp kém nhất, những người bị áp bức và bị ngược đãi, đó là những người không có tiếng nói, hoặc là vì họ đã bị tước mất, hoặc họ chưa bao giờ được cho quyền, hoặc họ bị làm ngơ. Chúng ta hãy dừng lại để chân nhận những người phụ nữ, sự đóng góp của họ, tài năng của họ, “thiên chức làm mẹ” của họ trong rất nhiều những bổn phận của họ. Columbia cần sự góp sức của tất cả mọi người để nhìn đến tương lai với niềm hy vọng.
Giáo hội, trung thành với sứ mạng của mình, cam kết hòa bình, công bằng và thiện ích cho tất cả mọi người. Giáo hội ý thức rằng những giáo huấn của Tin mừng là một chiều kích trọng yếu cho cấu trúc xã hội Columbia, và từ đó có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước; đặc biệt, sự tôn trọng thánh thiêng đối với sự sống con người, trên hết là những sự sống mong manh nhất và yếu đuối nhất, là một tảng đá gốc trong cấu trúc của một xã hội thoát khỏi bạo lực. Ngoài ra, chúng ta không thể không nhấn mạnh đến tầm quan trọng xã hội của gia đình, được Thiên Chúa ban cho như là hoa trái của tình yêu vợ chồng, nơi đó “nơi chúng ta học cách sống với nhau bỏ qua mọi sự khác biệt và thuộc về nhau” (nt. 66). Tôi xin quý vị, xin quý vị, hãy lắng nghe người nghèo, những người đau khổ. Hãy nhìn vào mắt họ và hãy để cho bản thân quý vị liên tục được chất vấn bởi những khuôn mặt hằn lên vết đau thương và bởi những bàn tay van xin của họ. Từ nơi họ chúng ta học được những bài học thực sự về sự sống, về nhân loại và về phẩm giá. Vì họ, những người kêu gào từ những gông cùm trói buộc họ, thực sự hiểu được những câu nói của Đấng đã chết trên cây thập tự, như được diễn tả trong những lời hát của bài quốc ca của dân tộc.
Kính thưa quý vị, trước mặt quý vị là một sứ mạng tươi đẹp và cao quý, nhưng nó cũng là một trách nhiệm khó khăn. Cầu xin lòng khát khao của nhà ái quốc vĩ đại của Columbia, Gabriel García Márquez, làm vang lên trong tim của mỗi người dân: “Bất chấp mọi điều, trước sự áp bức, trước sự cướp bóc và loại bỏ, chúng ta hãy trả lời bằng sự sống. Không phải những cơn lũ hay những cơn đại dịch, không phải nạn đói cũng không phải những cơn đại hồng thủy, cũng chẳng phải những cuộc chiến liên miên xuyên suốt các thế kỷ, đã đánh bại được sự sức mạnh bền bỉ của sự sống vượt trên cái chết. Một sức mạnh đang vươn lên và tăng mạnh.” Tác giả viết tiếp rằng, điều có thể có là “một xã hội của sự sống mới, nơi không ai có thể quyết định bắt người khác phải chết cách nào, nơi mà tình yêu sẽ chứng minh rằng hạnh phúc là thật và có thể đạt được, và nơi mà những sắc tộc đã bị loại bỏ hàng trăm năm trong tình trạng cách ly cuối cùng và mãi mãi sẽ có được một cơ hội thứ hai trên mặt đất này” (Gabriel García Márquez, Diễn văn Nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình, 1982).    
Đã có quá nhiều hận thù và báo thù … Sự loại trừ luôn nằm trong đầu của những người thiển cận đã trở nên quen thuộc trong nhiều thập niên, và mùi vị của nó đã tồn tại cả hàng trăm năm; chúng ta không muốn bất kỳ một hình thức bạo lực nào nhắm hạn chế hay phá hủy thêm một mạng sống. Tôi từ lâu đã muốn đến đây để nói với quý vị rằng quý vị không cô đơn, rằng có rất nhiều người trong chúng tôi cùng đồng hành với quý vị trong bước đi này; chuyến thăm viếng này nhằm mục đích cho quý vị một sự động viên, một sự đóng góp mà bằng một cách nào đó vạch ra con đường tiến đến hòa giải và hòa bình.
Quý vị luôn ở trong lời cầu nguyện của tôi. Tôi cầu nguyện cho quý vị, cho hiện tại và tương lai của Columbia.

[Nguồn:  radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 08/09/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét