Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Đức Thánh Cha thăm FAO, kêu gọi chấm dứt nạn đói

Đức Thánh Cha thăm FAO, kêu gọi chấm dứt nạn đói

Phải vượt qua được những trở ngại: những cuộc xung đột và biến đổi khí hậu.
16 tháng Mười, 2017
FAO Headquarters © L'Osservatore Romano
Trụ sở FAO © L'Osservatore Romano
“Phản ánh về những hậu quả của an ninh lương thực đối với sự dịch chuyển của con người có nghĩa quay trở lại với cam kết đã xây dựng nên FAO, để có thể đổi mới nó,” Đức Thánh Cha Phanxico nói ngày 16 tháng Mười, 2017. Nhận định của ngài đưa ra trong một chuyến viếng thăm đến trụ sở của Tổ chức Lương Nông (FAO) ở Roma, đánh dấu Ngày Lương thực Thế giới.
“Tình hình hiện tại đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của mọi cấp độ, không chỉ bảo đảm cho sản lượng cần thiết hay sự phân phối phù hợp hoa trái của trái đất … nhưng trên hết là bảo đảm quyền của mọi con người được nuôi dưỡng theo đúng nhu cầu của họ,” Đức Thánh Cha giải thích. Ngài lưu ý rằng tất cả mọi người đều được quyền tham gia vào những quyết định có ảnh hưởng đến họ và được quyền thực hành khát vọng của họ mà không bị chia cách với những người thân của họ.
FAO Headquarters © L'Osservatore Romano
“Đứng trước một mục tiêu quan trọng như vậy, sự tín nhiệm của toàn bộ hệ thống quốc tế đang lung lay,” Đức Thánh Cha Phanxico cảnh báo. Ngài tiếp tục nói rằng mối quan hệ giữa tình trạng đói kém và di cư “chỉ có thể giải quyết được nếu chúng ta đi đến tận gốc rễ của vấn đề.” Và ngài đưa ra hai trở ngại chính: những cuộc xung đột và biến đổi khí hậu.
Liên quan đến những cuộc xung đột, Đức Phanxico nói rằng luật pháp quốc tế đã cung cấp phương tiện để giải quyết vấn đề này. Ngài thúc giục đối thoại và giảm trừ quân bị.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, ngài cảnh báo sự gia tăng “tính thờ ơ đối với những sự cân bằng tinh tế của các hệ sinh thái.” Ngài kêu gọi “một sự thay đổi lối sống, thay đổi cách sử dụng những nguồn tài nguyên, những tiêu chuẩn sản xuất, trong đó có sự tiêu thụ liên quan đến lương thực, gồm cả sự gia tăng những thiệt hại và lãng phí.”
Đức Thánh Cha nhắc lại tính quan trọng của Công ước Toàn cầu về Di cư An toàn, Hợp thức và có Trật tự, hiện đang được thực hiện ở Liên Hợp quốc. Và ngài nhắc các thính giả nhớ đến tiếng kêu của “những người anh em bị gạt ra bên lề và bị loại trừ: “Tôi đang đói, tôi là một khách lạ, tôi trần truồng, đau bệnh, bị giam hãm trong một trại tị nạn.”
Đức Thánh Cha thăm FAO, kêu gọi chấm dứt nạn đói

Diễn từ của Đức Thánh Cha
Thưa ông Tổng Giám đốc,
Thưa các vị lãnh đạo,
Thưa quý vị:
Tôi xin cảm ơn ông Tổng Giám đốc, Giáo sư José Graziano da Silva, về lời mời của ông và những lời chào mừng tốt lành của ông, tôi xin chào thân ái các vị lãnh đạo đang đồng hành với chúng ta, cũng như các vị đại diện của các Chính phủ Thành viên và những vị có trách nhiệm quản lý các văn phòng của FAO trên toàn thế giới.
Tôi xin gửi lời chào đặc biệt đến các vị Bộ trưởng Nông nghiệp của G7 hiện diện ở đây, theo sau hội nghị thượng đỉnh trong đó quý vị thảo luận về những vấn đề đòi hỏi tính trách nhiệm không chỉ liên quan đến sự phát triển và sản lượng, nhưng còn đòi hỏi sự tôn trọng cộng đồng quốc tế nói chung.
1. Kỷ niệm Ngày Lương Thực Thế giới này liên kết chúng ta trong việc tưởng nhớ lại ngày 16 tháng Mười năm 1945, khi các chính phủ, với mục tiêu loại trừ nạn đói trên thế giới qua sự phát triển khu vực nông nghiệp, đã thành lập FAO. Nó là thời gian xảy ra tình trạng an ninh lương thực rất xấu và những cuộc di tản dân cư lớn, với hàng triệu người phải bỏ đi tìm một nơi để thoát qua được những thống khổ và nghịch cảnh do chiến tranh gây ra.
Trước thực tế này, phản ánh về những hậu quả của an ninh lương thực đối với sự dịch chuyển của con người có nghĩa phải quay trở lại với cam kết đã xây dựng nên FAO, để có thể đổi mới nó. Tình hình hiện tại đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của mọi cấp độ, không chỉ bảo đảm cho sản lượng cần thiết hay sự phân phối phù hợp hoa trái của trái đất – trách nhiệm này là điều mặc nhiên – nhưng trên hết là bảo đảm quyền của mọi con người được nuôi dưỡng theo đúng nhu cầu của họ, đồng thời tham gia vào những quyết định có ảnh hưởng đến họ và được quyền thực hành khát vọng của họ mà không bị chia cách với những người thân của họ.
Đứng trước một mục tiêu quan trọng như vậy, sự tín nhiệm của toàn bộ hệ thống quốc tế đang lung lay. Chúng ta biết rằng sự hợp tác ngày càng bị đặt ra những điều kiện bởi những cam kết từng phần, mà hiện nay nó vẫn đang giới hạn những cứu trợ khẩn cấp. Thậm chí tình trạng chết đói và bỏ rơi ngay trong mảnh đất của một người vẫn luôn hiện hữu trên các bản tin, nó có nguy cơ rơi vào sự thờ ơ. Vì vậy điều cấp thiết bây giờ là tìm ra được những con đường mới, để biến những cơ hội hiện đang có của chúng ta thành một sự bảo đảm cho phép mọi người nhìn về tương lai với sự tin tưởng vững chắc chứ không chỉ với khát khao.
Viễn cảnh của những mối quan hệ quốc tế cho thấy khả năng ngày một nhiều hơn để đưa ra các câu trả lời cho những mong chờ của gia đình nhân loại, cùng với sự đóng góp của khoa học và kỹ thuật khi nghiên cứu các vấn đề có thể đưa ra được những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên khi những sự phát triển mới này chưa thành công trong việc chấm dứt tình trạng loại trừ của nhiều phần dân số thế giới: có bao nhiêu người là nạn nhân của sự suy dinh dưỡng, của chiến tranh, của biến đổi khí hậu? Bao nhiêu người thiếu việc làm và những nhu cầu căn bản, và bị buộc phải rời bỏ quê hương, đưa mình vào những môi trường bị bóc lột kinh hoàng? Ổn định công nghệ để phục vụ cho phát triển chắc chắn là một con đường phải đi theo, miễn là nó dẫn đến những hành động cụ thể để giảm bớt con số những người chịu đựng đói kém hoặc kiểm soát được hiện tượng di cư cưỡng bức.
2. Mối tương quan giữa nạn đói kém và di cư chỉ có thể giải quyết nếu chúng ta đi đến tận gốc rễ của vấn đề. Liên quan đến vấn đề này, nhiều nghiên cứu của Liên Hợp quốc cũng như của nhiều tổ chức xã hội dân sự khác, đều thống nhất rằng có hai trở ngại chính phải vượt qua: những cuộc xung đột và biến đổi khí hậu.
Làm sao có thể vượt qua được những xung đột? Luật pháp quốc tế cho chúng ta những phương tiện để ngăn chặn hoặc giải quyết gấp rút, tránh tình trạng kéo dài và gây ra những nạn đói kém và tàn phá cơ cấu xã hội. Chúng ta hãy nghĩ đến những người bị đau khổ vì chiến tranh kéo dài trong nhiều thập niên, điều mà đáng lẽ đã có thể tránh được hay ít nhất dừng lại, nhưng thay vì vậy chúng lại gây ra những hậu quả thảm khốc như an ninh lương thực và sự di tản cưỡng bức của người dân. Cần phải có thiện chí và đối thoại để hạn chế những cuộc xung đột này, và cần phải đưa ra một cam kết chắc chắn để từng bước từng bước giảm trừ quân bị có hệ thống, như Hiến Chương Liên Hợp quốc đã đưa ra, và để khắc phục tai họa của việc buôn lậu vũ khí. Dựa trên giá trị gì để vạch trần con số hàng triệu người là nạn nhân của nạn đói và suy dinh dưỡng do hậu quả của những cuộc xung đột khi chúng ta không hoạt động hiệu quả cho hòa bình và giải trừ quân bị?
Còn vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta nhìn thấy hậu quả từng ngày. Nhờ kiến thức khoa học, chúng ta biết được cách phải đối phó với các vấn đề như thế nào; và cộng đồng quốc tế đã đưa ra những công cụ pháp lý cần thiết, chẳng hạn Hiệp định Paris, tuy nhiên một vài quốc gia rút lui. Hiện đang tái hiện trở lại sự thờ ơ đối với những sự cân bằng tinh tế của các hệ sinh thái, và sự kiêu căng cho rằng có thể điều khiển và kiểm soát được những nguồn tài nguyên có giới hạn của hành tinh, và tham lam tìm lợi nhuận. Vì thế, cần phải có một nỗ lực để đạt được sự đồng thuận rõ ràng và tích cực nếu chúng ta muốn tránh không lãnh thêm những hậu quả thảm kịch, mà chúng sẽ tiếp tục ảnh hưởng trên những người nghèo nhất và cô thế nhất. Chúng ta được kêu gọi phải có một sự thay đổi về lối sống, thay đổi về cách sử dụng những nguồn tài nguyên, những tiêu chuẩn sản xuất, trong đó có sự tiêu thụ liên quan đến lương thực, gồm cả sự gia tăng những thiệt hại và lãng phí. Chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm và nói rằng “sẽ có người khác chăm sóc nó.”
Tôi nghĩ đây là những điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về an ninh lương thực liên quan đến hiện tượng di cư. Chắc chắn chiến tranh và sự biến đổi khí hậu gây ra nạn đói, vì vậy chúng ta tránh đừng trình bày nó như là một căn bệnh không có thuốc chữa. Những đánh giá mới đây từ các chuyên gia của quý vị cho thấy trước một sự gia tăng về sản lượng ngũ cốc toàn cầu đạt tới những mức độ tạo sự vững chắc hơn cho những nguồn dự trữ toàn cầu. Điều này tạo sự hy vọng, và cho thấy rằng nếu chúng ta hoạt động chăm lo đến các nhu cầu và chống lại sự đầu cơ thì những kết quả sẽ không thể thiếu. Quả thật, các nguồn lương thực không phải hiếm khi bị phó mặc cho nạn đầu cơ, nó xem những nguồn lương thực này thuần túy là sự thịnh vượng kinh tế của những nhà sản xuất lớn hoặc liên quan đến tiềm năng tiêu dùng chứ không phải là nhu cầu thật sự của con người. Việc này dẫn đến những sự đối nghịch và lãng phí, và làm gia tăng con số những người nghèo nhất trên thế giới phải đi tìm một tương lai bên ngoài quốc gia quê hương của họ.
3. Đứng trước toàn bộ những vấn đề này, chúng ta có thể và phải thay đổi định hướng (x. Tông huấn Laudato si’, 53; 61; 163; 202). Đứng trước nhu cầu tăng mạnh về lương thực thì điều tuyệt đối không thể thiếu được là hoa trái của mặt đất phải được chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả mọi người. Đối với suy nghĩ của một số người thì chỉ cần giảm bớt số miệng người ăn là đủ và đây là cách giải quyết vấn đề; nhưng nó là một giải pháp sai lầm nếu chúng ta nghĩ đến những mức độ lãng phí thực phẩm và những kiểu tiêu thụ đang làm kiệt quệ nhiều nguồn tài nguyên. Giảm bớt thì dễ; ngược lại chia sẻ đòi buộc sự hoán cải, và đây là một mệnh lệnh.
FAO Headquarters © L'Osservatore Romano
Vì vậy tôi đưa ra – và tôi đặt ra cho quý vị – câu hỏi này: nó có quá lớn lao không khi chúng ta nghĩ đến việc giới thiệu vào ngôn ngữ của sự hợp tác quốc tế phạm trù yêu thương, được hiểu như sự cho không, sự bình đẳng trong đàm phán, sự đoàn kết, văn hóa cho đi, tình huynh đệ, lòng nhân hậu? Thật ra, những cụm từ này miêu tả ý nghĩa thiết thực của thuật ngữ “nhân đạo”, được sử dụng rộng rãi ở cộng đồng quốc tế. Yêu thương người anh em của mình và phải thực hành ngay, không cần phải chờ đợi được đền đáp; đây là nguyên tắc của Tin mừng và được tìm thấy trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo, và trở thành nguyên tắc đạo đức của nhân loại trong ngôn ngữ quan hệ quốc tế. Điều được hy vọng rằng đường lối ngoại giao và những tổ chức đa phương nuôi dưỡng và xây dựng nền tảng yêu thương, để nó có thể trở thành con đường chính yếu bảo đảm không chỉ cho an ninh lương thực, nhưng bảo đảm cho cả an ninh của con người trên ý thức toàn cầu. Chúng ta đừng chỉ đợi người khác làm rồi mới làm theo, và cũng đừng dừng lại ở lòng thương cảm, vì lòng thương cảm chỉ dừng lại ở sự cứu trợ khẩn cấp, trong khi yêu thương thôi thúc thực hiện sự công bằng và là nền tảng để hiện thực hóa một trật tự xã hội công bằng giữa những hiện thực đa dạng đang mong muốn phiêu lưu vào cuộc gặp gỡ lẫn nhau. Yêu thương có nghĩa là đóng góp để mọi quốc gia tăng cao được sản lượng của họ và đạt được mức độ đủ tự cung cấp. Yêu thương phải dẫn đến những ý tưởng về các mô hình phát triển và tiêu dùng mới, và thông qua những chính sách không làm xấu thêm tình hình của những dân tộc kém phát triển, hoặc sự lệ thuộc của họ. Yêu thương là không tiếp tục phân chia gia đình nhân loại thành những nhóm người có nhiều hơn mức độ họ cần và những người thiếu cả những nhu cầu căn bản nhất.
Các nỗ lực ngoại giao đã cho chúng ta thấy, cả trong những sự kiện gần đây, rằng có thể chặn đứng được những cái cớ cho việc sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tất cả chúng ta đều ý thức được khả năng phá hủy của những loại vũ khí này. Nhưng liệu chúng ta đã có sự ý thức tương đồng với những hậu quả của sự nghèo đói và loại trừ chưa? Làm sao chúng ta có thể chặn lại những người sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, tất cả các thế hệ có thể biến mất chỉ vì họ thiếu lương thực mỗi ngày, hoặc họ là những nạn nhân của bạo lực hoặc những biến đổi khí hậu? Họ lao tới bất cứ nơi đâu họ nhìn thấy một tia sáng hay nhận thấy được tia hy vọng của sự sống. Không thể chặn đứng họ với những rào chắn bằng tường thành, bằng kinh tế, bằng luật pháp hay bằng hệ tư tưởng: chỉ có thể thực hiện điều đó bằng sự áp dụng triệt để nguyên tắc nhân đạo. Về mặt khác, chúng ta thấy rằng sự trợ cấp nhằm phát triển công cộng bị giảm bớt và hoạt động đa phương bị giới hạn, trong khi những thỏa thuận song phương được sử dụng chỉ nhằm đưa sự hợp tác đến bước hoàn thiện cho những chương trình nghị sự hay khối liên minh riêng nào đó, hoặc đơn thuần chỉ là sự lắng dịu tạm thời. Ngược lại, việc quản lý sự di chuyển của con người đòi hỏi phải có hoạt động liên chính phủ có hệ thống và có tổ chức phù hợp với những quy phạm quốc tế hiện hành, và được thi hành bằng sự yêu thương và khôn ngoan. Mục tiêu của nó là sự gặp gỡ của các dân tộc nhằm làm phong phú cho tất cả và xây dựng sự hợp nhất và đối thoại, không phải là sự loại trừ hay sự hèn kém.
Đến đây, cho phép tôi tập trung sự tranh luận vào tính hèn kém, nó gây ra sự chia rẽ ở mức độ quốc tế khi nó xảy ra cho người nhập cư. Một người  hèn kém là người ở trong tình trạng rất bấp bênh và không thể tự bảo vệ cho mình, người không có một phương tiện gì để bảo vệ, hay đúng hơn là phải chịu sự loại trừ. Người đó bị buộc lâm vào tình trạng như vậy vì bạo lực, vì những hoàn cảnh tự nhiên, hay thậm chí tệ hơn nữa vì sự thờ ơ, sự bất bao dung và hận thù. Trong tình trạng như vậy, đúng là phải phân định các nguyên nhân để có hành động khôn ngoan cần thiết. Nhưng không thể chấp nhận được rằng, với mục đích tránh các cam kết, chúng ta tìm cách bảo vệ cho mình bằng những ngôn ngữ ngụy biện không nhắm tôn trọng đường lối ngoại giao, nhưng biến nó từ “nghệ thuật của sự khả thi” thành cách áp dụng khô khan để biện minh cho sự ích kỷ và bỏ mặc không thực hiện.
Hy vọng rằng tất cả những điều này sẽ đưa đến sự phát triển cho Công ước Toàn cầu về Di cư An toàn, Hợp thức và có Trật tự, hiện đang được thực hiện ở Liên Hợp Quốc.
4. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu của quá nhiều người trong số những anh em bị gạt ra bên lề và bị loại trừ của chúng ta: “Tôi đang đói, tôi là một khách lạ, tôi trần truồng, đau bệnh, bị giam hãm trong một trại tị nạn.” Đó là một sự đòi hỏi tính công bằng, không phải cầu xin hay tiếng kêu khẩn cấp. Cần phải có sự đối thoại mở rộng và chân thành ở mọi cấp độ, để có thể tìm ra được những giải pháp tối ưu nhất và mối quan hệ mới được nuôi dưỡng giữa các vai chính trên trường quốc tế, thể hiện sự đặc trưng qua tính trách nhiệm, đoàn kết và hợp nhất với nhau.
Có thể loại trừ cái ách của sự cùng khổ được tạo ra bởi việc di tản bi thương của những di dân bằng biện pháp phòng ngừa dưới hình thức của những dự án phát triển tạo ra việc làm và khả năng giải quyết được những khủng hoảng về môi trường, những tai họa lây lan đến các khu vực chính trên hành tinh, nơi mà luật duy nhất đó là sự cùng khổ, các căn bệnh đang trên đà gia tăng và tuổi thọ đang giảm xuống.
Có nhiều sáng kiến đang được áp dụng, và rất đáng khen. Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ: đòi hỏi cấp thiết là phải tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực mới và trợ cấp tài chính cho những chương trình để chống lại nạn đói và sự cùng khổ bằng một con đường hiệu quả hơn và nhiều hy vọng hơn. Nhưng trong khi mục tiêu nhằm thúc đẩy một nền nông nghiệp đa dạng hơn và sản lượng tăng hơn, chúng ta phải xét đến nhu cầu thật sự của một quốc gia, không có luật lấy đất canh tác của người dân, làm cho đất bị lấy (acaparamiento de tierras) không tiếp tục sinh hoa lợi, đôi khi với sự đồng lõa của những người đáng lẽ phải bảo vệ quyền lợi của người dân. Sự cám dỗ cho những hoạt động nhắm đến lợi ích của các nhóm ít dân số, cũng như sử dụng sự trợ cấp bên ngoài không phù hợp, ưu ái cho sự nhũng lạm, hoặc theo cách bất hợp pháp, đều phải bị loại trừ.
Giáo hội Công giáo, với những hiến pháp của riêng mình, và có kinh nghiệm trực tiếp và cụ thể về những tình hình phải đối mặt hoặc những nhu cầu cần phải đáp ứng, mong muốn tham gia tích cực vào nỗ lực này theo giá trị của sứ mạng của Giáo hội là yêu thương mọi người và bắt buộc mình phải nhắc nhở những người mang trên vai trách nhiệm của quốc gia hoặc quốc tế phải thi hành nhiệm vụ của họ để đáp ứng những nhu cầu của người nghèo nhất.
Tôi hy vọng rằng mỗi quý vị có thể khám phá ra những động lực, những nguyên tắc và những đóng góp, trong niềm tin tôn giáo hoặc sự vững tin của riêng mình, cho FAO và cho những tổ chức liên chính phủ khác sự can đảm để cải thiện và hoạt động không ngừng cho thiện ích của gia đình nhân loại.
Cảm ơn quý vị.
© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét