Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Nước, khí hậu: Đức Thánh Cha kêu gọi sự tiếp cận toàn cầu

Nước, khí hậu: Đức Thánh Cha kêu gọi sự tiếp cận toàn cầu

Sứ điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế ở Roma
24 tháng Mười, 2017
Nước, khí hậu: Đức Thánh Cha kêu gọi sự tiếp cận toàn cầu
© Wikimedia Commons United States Government
VATICAN, 24 THÁNG MƯỜI, 2017 (Zenit.org). - Trước sự biến đổi khí hậu, Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi những câu trả lời cụ thể và hiệu quả, trong sứ điệp ngài gửi Hội nghị Thượng đỉnh ở Roma về chủ đề này, theo tường thuật bằng tiếng Ý của đài phát thanh Vatican ngày 23 tháng Mười, 2017.
Đức Hồng y Quốc vụ Khanh Phê-rô Parolin đọc sứ điệp tại sự kiện “Nước và Khí hậu: sự so sánh giữa những con sông lớn trên thế giới” (“Acqua e Clima. I grandi fiumi del mondo a confronto”).
Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng với các tham dự viên rằng “cam kết chung làm thức tỉnh lương tâm Cộng đồng Quốc tế về những vấn đề cấp thiết của những lưu vực sông quan trọng nhất trên thế giới, không chỉ nhấn mạnh đến các giải pháp thực tế, nhưng cũng phải nhấn mạnh đến nhu cầu có bước tiếp cận hội nhập ngày một mở rộng hơn, trên quan điểm thúc đẩy, phát triển và truyền bá một “văn hóa bảo vệ” (Tông huấn Laudato Si’ s. 231).”
Đặt hy vọng vào những thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh, Đức Thánh Cha khẩn cầu những phúc lành của ơn khôn ngoan và sự kiên trì cho các tham dự viên và tất cả những người gắn kết trong việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức bởi Bộ Môi trường của Ý, cùng hợp tác với Ủy ban Kinh tế Liên Hợp quốc vùng Châu Âu, cùng với các Ủy ban bảo vệ môi trường. Hội nghị tập trung những người chịu trách nhiệm đại diện cho các lưu vực sông quan trọng nhất của tất cả các Châu lục, trước Hội nghị Khí hậu Bonn (Cop 23 – 6-17 tháng Mười Một, 2017) và Diễn đàn Nước Thế giới sẽ được tổ chức ở Brasilia, Brazil, tháng Ba 2018.
Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester - ZENIT
Dưới đây là diễn văn của Đức Hồng y Quốc vụ khanh
Thưa ông Chủ tịch Hội đồng,
Thưa các vị Bộ trưởng,
Thưa quý vị.
Trước hết tôi hân hạnh đọc Sứ điệp Đức Giáo hoàng Phanxico gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh này:
Giáo hoàng Phanxico gửi lời chào đến tất cả các vị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế, “Nước và Khí hậu: Sự Gặp gỡ của những con sông lớn trên thế giới,” cùng với những lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho công cuộc của Hội nghị, nhằm mục đích tìm ra được những cách để bảo tồn món quà quý báu là nước cho tương lai của nhân loại. Tôi bày tỏ hy vọng rằng cam kết chung của quý vị làm thức tỉnh lương tâm Cộng đồng Quốc tế về những vấn đề cấp thiết của những lưu vực sông quan trọng nhất trên thế giới, không chỉ nhấn mạnh đến các giải pháp thực tế, nhưng cũng phải nhấn mạnh đến nhu cầu có bước tiếp cận hội nhập ngày một mở rộng hơn, trên quan điểm thúc đẩy, phát triển và truyền bá một “văn hóa bảo vệ”( Tông huấn Laudato si’, 231). Đặc biệt, tôi tin tưởng rằng mối đe dọa của sự biến đổi khí hậu đối với những anh chị em thuộc các quốc gia chịu ảnh hưởng nhất có thể tìm được những câu trả lời cụ thể và hiệu quả. Phó thác những thảo luận của Hội nghị cho dự dẫn dắt của Thiên Chúa Toàn Năng, tôi khẩn cầu phúc lành của ơn khôn ngoan và sự kiên trì cho quý vị tham dự Hội nghị và tất cả những người gắn kết trong việc thúc đẩy sự chăm sóc nhiều hơn nữa cho ngôi nhà chung của chúng ta.
Theo sau những lời của Đức Giáo hoàng Phanxico, cho phép tôi dừng lại một chút để nói về những khía cạnh của buổi họp hôm nay, tập trung vào một nguồn tài nguyên rất quan trọng là nước, một nguồn tài nguyên mà Thánh Phanxico trong Bài ca các Tạo vật gọi là “chị nước” và xác định đặc tính là “rất hữu ích, rất khiêm nhường, rất quý báu và tinh tuyền.”
Về một mặt, không cần phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nước, vì nó là một yếu tố không thể thiếu được cho con người trong mọi môi trường của sự sống.
Về mặt khác, tất cả chúng ta đều ý thức rằng nhu cầu về nước luôn gia tăng không ngừng, và còn bị trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu, và đó là một trong những thách đố nghiêm trọng nhất cho cộng đồng quốc tế hôm nay và trong tương lai.
Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải nỗ lực nhận lấy trách nhiệm nhiều hơn nữa để nghiên cứu chuyên sâu hơn về chủ đề nước, với nhiều ý nghĩa khác nhau của nó. Chẳng hạn, theo suy nghĩ của tôi:
– nước là một thành phần trọng yếu cho sự sống con người và cho đất đai và các hệ sinh thái nước, nó liên quan đến quyền của con người được sử dụng nước, và nó đang ngày càng được thảo luận trong nhiều diễn đàn khác nhau. Quả thật, sử dụng nước là một trong những quyền bất biến của mọi con người, vì nó là một điều kiện tiên quyết cho việc thực thi nhiều quyền khác của con người (xem Tông huấn Laudato si’, 30) chẳng hạn quyền đối với sự sống, dinh dưỡng, và sức khỏe. Từ quan điểm này, việc quản lý nước, thiện ích chung của nhân loại, phải cho mọi người được quyền sử dụng nước, đặc biệt những người sống trong cảnh nghèo đói;
– nước là một yếu tố mà một số tôn giáo chọn làm giá trị “tinh thần” và “biểu trưng”; vai trò “thanh tẩy” của nước được trình bày rất rõ trong các tôn giáo này;
– nước là yếu tố then chốt cho sự phát triển. Quả thật, sự khan hiếm nước hay quản lý yếu kém là một “yếu tố giới hạn” sự phát triển của con người: ngay cả có đầy đủ những yếu tố khác (việc làm, đất đai, khoáng sản, những tài nguyên thiên nhiên khác), việc thiếu nước hay quản lý sai có thể cản trở một đời sống xứng đáng, cản trở nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, các hoạt động sản xuất và vệ sinh phù hợp, có thể dẫn đến những sự bất bình đẳng và di cư cưỡng bức;
– nước cũng là một yếu tố hủy hoại sự sống trên trái đất, qua những hiện tượng thiên nhiên cực đoan liên quan đến mức độ quá nhiều hoặc quá khan hiếm, thật không may những hiện tượng này đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn;
– nước là một nguyên nhân tiềm ẩn của “xung đột” hoặc ngược lại, là nguyên nhân của tình đoàn kết, đặc biệt ở những nơi có các nguồn nước chung giữa hai hay nhiều quốc gia.
Và hai đặc điểm cuối là những điều mà tôi muốn phản ánh một cách ngắn gọn, vì chúng có sự liên hệ rất gần với chủ đề của Hội nghị của chúng ta: sự liên hệ giữa nước và khí hậu và việc quản lý những nguồn nước chung.
Nói đến mối liên hệ giữa nước và khí hậu, chúng ta không thể không nhìn thấy vấn đề nước như là một “yếu tố giới hạn” của sự phát triển đang bị làm xấu thêm rất nhiều do biến đổi khí hậu, nó đang tác động đến vòng tuần hoàn của nước, và nó không chỉ lệ thuộc vào những yếu tố tự nhiên, nhưng còn lệ thuộc vào những hoạt động quản lý kém cỏi của con người gây ra những thay đổi và sự mất cân bằng trong cùng một vòng tuần hoàn. Ví dụ, chúng ta thử xét đến sự ô nhiễm của những tầng ngậm nước hay những con sông, hoặc việc phá rừng. Có một sự liên hệ rất chặt giữa biến đổi khí hậu và những thảm họa do nước gây ra: ước lượng cho biết khoảng 90% biến cố cực đoan lớn xảy ra trong 30 năm qua đều có liên quan đến nước [1]. Trên quan điểm này, việc quản lý thận trọng toàn diện những nguồn nước là một trong những công cụ chính để gia tăng tính hồi phục và sự thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, nước có thể trở thành đề tài của xung đột và bất đồng (điều được gọi là “chiến tranh nước” đang ngày càng mở rộng), đặc biệt đối với các con sông, các hồ, hoặc những lưu vực thủy văn chung của nhiều quốc gia. Nhưng nếu mọi người cùng chấp nhận thay đổi quan điểm biết nhìn xa trông rộng, nước có thể được xem như một nhân tố của sự hợp tác và đối thoại, một cơ hội cho hòa bình và đoàn kết, qua những thỏa thuận minh bạch và cùng chung trách nhiệm chính trị và kỹ thuật của sự quản lý của các bên được thiết lập dựa trên giá trị quý báu là “chia sẻ.” Những nguồn nước vượt biên giới quốc gia, “được chia sẻ” bởi nhiều quốc gia, tạo ra những cơ hội cho cả sự cạnh tranh và xung đột, lẫn hợp tác và đoàn kết, vì chúng đại diện cho một nhân tố then chốt cho sự ổn định kinh tế của mỗi quốc gia. Những khái niệm như “đoàn kết nước” hay “ngoại giao nước” đang được phát triển. Trong hậu bán thế kỷ 20, hơn hai trăm Hiệp ước về Nước đã được đàm phán, cho thấy sự hợp tác về nước liên quốc gia như một ví dụ vững chắc cho việc ngăn ngừa xung đột lâu dài, cụ thể là những quốc gia với các cơ cấu hợp tác trong những khu vực như vậy thường ít khi tìm đến chiến tranh.
Vì vậy, những bước tiếp cận mới với nước là cần thiết, mang tính luật pháp, tổ chức, chính trị, kinh tế, kỹ thuật và đạo đức, và kể cả giáo dục và văn hóa (x. Tông huấn Laudato si’, 30), đặt nền tảng trên ý thức rằng vấn đề nước đòi hỏi một cái nhìn rất xa, từ quan điểm sinh thái học xã hội toàn diện đã được Đức Giáo hoàng Phanxico trình bày rất rõ trong Tông huấn Laudato si’. Điều cần thiết là phải đưa ra cam kết bao gồm vấn đề của “nước” trong những thảo luận về phát triển diễn ra trên diễn đàn toàn cầu: cần có những đầu tư mới trong những năm sắp tới để gia tăng tính phục hồi và từ đó giảm bớt được những nguy cơ của thảm họa tự nhiên, và tạo cơ hội cho sự phát triển con người toàn diện. Sử dụng nước và quản lý hiệu quả những nguồn nước phải là các yếu tố trung tâm trong những cân nhắc khi đưa ra quyết định cho các đầu tư này.
Nhu cầu cần tìm ra những bước tiếp cận mang tính đổi mới cũng đòi hỏi những hình thức hợp tác mới giữa các khu vực công và tư nhân, những mô hình kết hợp mới, trong bối cảnh có những hoạch định về nước thật sáng suốt, trong đó phải xét đến những hiện tượng chẳng hạn biến đổi khí hậu, mở rộng sự nắm bắt thông tin cho người dân, và việc thay đổi thái độ sử dụng nước. Đặt trọng tâm vào những bước tiếp cận này, cần phải đưa ra tính ưu tiên đáp ứng cho nhu cầu an toàn về nước cho người nghèo qua những chính sách về nước cho họ, cũng như làm tái sinh lại môi trường địa phương qua việc thúc đẩy nguyên tắc phân quyền, tận dụng triệt để kiến thức và kinh nghiệm của người dân và các cộng đồng địa phương.
Tôi hy vọng rằng từ Hội nghị Thượng đỉnh bắt đầu hôm nay sẽ làm nổi bật lên những yếu tố để phát triển các hình thức đoàn kết này và “ngành ngoại giao vượt biên giới” đặt nền tảng trên nước.
Cảm ơn quý vị.

[1] Cfr. Par. 5 của Thông cáo Báo chí Cấp cao Cancun High-Level, 24 tháng Năm 2017, của Diễn đàn Toàn cầu lần thứ Năm về Giảm bớt Nguy cơ Thảm họa: “Chúng tôi xác định mối quan hệ rất gần giữa biến đổi khí hậu và những thảm họa liên quan đến nước chiếm gần 90% trong số 1.000 biến cố thảm họa nặng nề nhất từ năm 1990”.
© Libreria Editrice Vatican
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/10/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét