Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Temuco, Chile (toàn văn)

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Temuco, Chile (toàn văn)

‘Chúng ta dâng Thánh Lễ này cho tất cả những người đã chịu đau khổ và chết, và cho những người mang gánh nặng mỗi ngày của rất nhiều sự bất công’

17 tháng Một, 2018
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Temuco, Chile (toàn văn)
© Vatican Media
Dưới đây là văn bản do Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ dâng trong Phi trường Maquehue thành phố Temuco của Chile, ngày 17 tháng Một, 2018, trong chuyến Thăm Mục Vụ của ngài đến Chile và Peru, 15-22 tháng Một:


***


“Mari, Mari” [Chào (buổi sáng) anh chi em!!]

“Küme tünngün ta niemün” [“Bình an cho anh em!” (Lc 24:36)]

Cha tạ ơn Chúa đã cho phép cha đến thăm miền đất tuyệt đẹp này của châu lục, Araucanía. Nó là một miền đất được ban phúc bởi Đấng Tạo hóa với những cánh đồng bao la xanh tươi trù phú, với những cánh rừng bạt ngàn của loài cây bách tán (araucarias) – là “lời tán dương” thứ năm của nhà thơ Gabriela Mistral về miền đất Chile này [1] – cùng với những núi lửa đỉnh phủ tuyết, những hồ nước và những dòng sông tràn đầy sự sống. Phong cảnh như vậy nâng tâm hồn chúng ta lên với Chúa, và rất dễ nhận ra bàn tay của Người trong mọi tạo vật. Rất nhiều thế hệ đàn ông và phụ nữ đã yêu miền đất này với lòng tri ân mãnh liệt. Đến đây cha muốn tạm dừng lại và gửi lời chào một cách đặc biệt đến những thành viên của dân tộc Mapuche, cũng như những dân tộc bản địa khác cư ngụ trong những vùng đất miền nam này: dân tộc Rapanui (từ Đảo Phục sinh), dân tộc Aymara, dân tộc Quechua và dân tộc Atacameños, và nhiều dân tộc khác.

Dưới con mắt của những du khách, miền đất này sẽ làm chúng ta rùng mình khi chúng ta đi qua nó, nhưng nếu chúng ta đặt tai xuống đất, chúng ta sẽ nghe thấy nó hát lên: “Arauco có một sự đau buồn không thể giữ im lặng, những bất công của nhiều thế kỷ mà mọi người nhìn thấy vẫn đang diễn ra”.[2]


Chúng ta dâng Thánh Lễ hôm nay trong bối cảnh tạ ơn vùng đất này và dân tộc của nó, nhưng cũng là sự buồn phiền và đau đớn. Chúng ta dâng Lễ trong sân bay Maquehue đây, trước nó là địa điểm xảy ra những vi phạm nhân quyền kinh hoàng. Chúng ta dâng Thánh Lễ này cho tất cả những người đã chịu đau khổ và chết, và cho những người mang gánh nặng mỗi ngày của rất nhiều sự bất công. Sự hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá gánh lấy tất cả tội lỗi và đau khổ của các dân tộc, để cứu chuộc.

Trong Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Ngay giây phút quyết định sự sống của Người, Người dừng lại để khẩn cầu cho sự hiệp nhất. Trong thâm tâm, Người biết rằng một trong những mối đe dọa lớn nhất cho các môn đệ của Người và cho toàn nhân loại sẽ là sự chia rẽ và đối đầu, sự áp bức của người này trên người khác. Không biết bao nhiêu giọt lệ đã rơi xuống! Hôm nay chúng ta muốn bấu víu vào lời cầu xin này của Chúa Giê-su, để cùng Người đi vào vườn thương khó với những đau khổ của riêng chúng ta, và khẩn xin Chúa Cha, cùng với Chúa Giê-su, để chúng ta trở nên một. Mong sao sự đối đầu và chia rẽ không bao giờ nắm quyền chi phối chúng ta.

Sự hiệp nhất mà Chúa Giê-su khẩn xin là một ân ban mà chúng ta phải kiên trì tìm kiếm, vì sự tốt lành cho đất nước và những đứa con của đất nước chúng ta. Chúng ta cần phải cảnh giác chống lại những cám dỗ có thể trỗi dậy “đầu độc những gốc rễ” của ân ban mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta, và với ân ban đó Người mời gọi chúng ta đóng một vai trò đích thực trong lịch sử.


1. Những từ đồng nghĩa sai lạc

Một trong những cám dỗ lớn nhất mà chúng ta cần phải chống lại là sự lẫn lộn giữa hiệp nhất và đồng nhất. Chúa Giê-su không xin Chúa Cha rằng tất cả trở nên như nhau, giống hệt nhau, vì sự hiệp nhất không có nghĩa là vô hiệu hóa hoặc buộc những khác biệt phải câm lặng. Sự hiệp nhất không phải là một ngẫu tượng hay là kết quả của sự hòa nhập cưỡng bức; nó không phải là sự hài hòa được mang đến với cái giá phải loại bỏ một số người ra bên lề. Sự giàu có của một đất nước thật sự sinh ra từ khát khao của từng thành phần trong nó muốn chia sẻ sự khôn ngoan với người khác. Sự hiệp nhất không thể là một sự đồng nhất ngột ngạt bị giới quyền lực áp đặt, hay là một sự chia tách không đánh giá đúng sự tốt lành của người khác. Sự hiệp nhất được Chúa Giê-su tìm và tặng ban là sự chân nhận rằng mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa đều được kêu gọi đóng góp cho miền đất ơn phúc này. Hiệp nhất là hòa hợp trong sự đa dạng, vì nó không cho phép những cá nhân hay cộng đồng phạm những sai lầm nhân danh nó. Chúng ta cần có sự phong phú mà mỗi cá nhân góp phần vào, và chúng ta phải bỏ đi khái niệm mơ hồ rằng có những văn hóa cao hơn và thấp hơn. Một tấm “chamal” (khăn choàng) đẹp đòi hỏi những thợ dệt phải biết nghệ thuật hòa trộn những chất liệu và màu sắc khác nhau, họ phải dành thời gian cho mỗi thành phần và mỗi công đoạn của tác phẩm. Quy trình đó có thể tái lập trong công nghiệp, nhưng mọi người sẽ nhận ra một tấm khăn do máy dệt. Nghệ thuật hiệp nhất đòi hỏi những người thợ thủ công thật sự biết cách phối những sự khác biệt trong “mẫu thiết kế” của những thành phố, những con đường, những quảng trường và những phong cảnh. Nó không phải là “nghệ thuật trên bàn giấy,” hay là công việc giấy tờ; nó là một công việc thủ công đòi hỏi sự tập trung và hiểu biết. Đó là nguồn cội của vẻ đẹp của nó, nhưng cũng là sự bền bỉ của nó theo dòng thời gian và cả những cơn bão tố bất kỳ có thể xảy đến với nó.

Sự hiệp nhất mà dân tộc chúng ta cần có đòi hỏi chúng ta biết lắng nghe nhau, nhưng còn quan trọng hơn thế là chúng ta phải biết quý trọng nhau. “Đây không những là việc hiểu rõ về người khác, nhưng hơn thế, đó là sự gặt hái những gì Thần Khí đã gieo trong họ”.[3] Việc này đặt chúng ta trên con đường của tình liên đới như là một phương tiện để dệt nên sự hiệp nhất, như một phương tiện để xây dựng lịch sử. Tình liên đới làm cho chúng ta phải nói lên: Chúng ta cần nhau, và những sự khác biệt để miền đất này có thể vẫn mãi xinh đẹp! Đó là vũ khí duy nhất chúng ta có để chống lại “sự khai quang” những hy vọng. Đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm chúng con trở thành những người thợ thủ công của tình hiệp nhất.


2. Những vũ khí của sự hiệp nhất

Nếu sự hiệp nhất được xây dựng trên sự quý trọng và tình liên đới, thì chúng ta không thể chấp nhận bất cứ phương tiện nào khác để đạt được nó. Có hai hình thức bạo động, thay vì khuyến khích sự phát triển tình hiệp nhất và hòa giải thì chúng lại đe dọa những giá trị đó. Trước hết, chúng ta phải tỉnh táo chống lại sự thuận theo những hợp đồng “nghe rất đẹp” nhưng không bao giờ được đem ra thực hành. Những lời lẽ rất đẹp, những kế hoạch chi tiết – chúng cần phải có như vậy – nhưng, khi không được áp dụng, dẫn đến kết quả là “dùng ‘cùi chỏ’ để xóa tất cả những gì đã được viết bằng bàn tay.” Đây là một hình thức bạo lực, vì nó phá tan những hy vọng.

Đứng ở vị trí thứ hai, chúng ta phải khẳng định cương quyết rằng một văn hóa quý trọng lẫn nhau không bao giờ được đặt nền tảng trên những hành động bạo lực và tàn phá và dẫn đến kết cục lấy đi mạng sống con người. Anh không thể khẳng định bản thân bằng việc giết hại người khác, vì việc này chỉ dẫn đến thêm bạo lực và thêm chia rẽ. Bạo lực sinh bạo lực, phá hủy gia tăng sự phân mảnh và chia rẽ. Bạo lực cuối cùng biến một nguyên tắc công bình nhất thành một sự dối trá. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nói “không với bạo lực phá hủy” dưới cả hai hình thức của nó.

Hai con đường đó giống như dung nham của một núi lửa tràn ra và đốt sạch mọi thứ trên đường đi của nó, để lại sau nó chỉ là sự trơ trụi và hoang tàn. Thay vì vậy chúng ta hãy tìm đến với con đường phi bạo lực tích cực, “như một phong cách chính trị vì hòa bình”.[4] Chúng ta hãy tìm kiếm, và đừng bao giờ chán nản đi tìm sự đối thoại vì tình hiệp nhất. Vì đó là lý do chúng ta kêu lên: Lạy Chúa, hãy biến chúng con trở thành những người thợ thủ công cho sự hiệp nhất của Người.


Tất cả chúng ta, ở một mức độ nào đó, đều là dân tộc của trái đất (x. Gen 2:7). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến với “đời sống tốt đẹp” (Küme Mongen), như sự khôn ngoan của tiền nhân của dân tộc Mapuche nhắc nhở chúng ta. Chúng ta phải đi không biết bao xa, và chúng ta vẫn phải học không biết bao nhiều điều! Küme Mongen, một sự mong mỏi sâu thẳm không chỉ trổi lên từ con tim của chúng ta, nhưng vang vọng lên như một tiếng kêu lớn, như một bài ca, trong tất cả tạo vật. Vì thế, thưa anh chị em, vì những người con của trái đất này, vì những đứa con của những người con trái đất này, chúng ta cùng với Chúa Giê-su kêu lên với Chúa Cha: Ước chi cả chúng con cũng nên một; hãy biến chúng con thành những người thợ thủ công của sự hiệp nhất.

_________________________

[1] GABRIELA MISTRAL, Elogios de la tierra de Chile.

[2] VIOLETA PARRA, Arauco tiena una pena.

[3] Tông huấn Evangelii Gaudium, 246.

[4] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2017

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]

© Libreria Editrice Vaticana



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét