Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn

Bài dịch (tiếng Anh) chính thức bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn.

14 tháng Một 2018, 10:25


Năm nay cha muốn cử hành Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn bằng một Thánh Lễ để mời gọi và chào đón đặc biệt những anh chị em là người di cư, người tị nạn và người đi tìm nơi nương náu. Một số anh chị em vừa mới đến nước Ý này, những người khác là cư dân lâu năm và làm việc ở đây, và vẫn có những người thuộc nhóm được gọi là “thế hệ thứ hai.”

Với tất cả mọi người trong Thánh Lễ này, Lời Chúa đã vang lên và hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu tiếng gọi đặc biệt mà Thiên Chúa gửi đến mỗi người chúng ta. Như Người đã gọi Samuel (x. 1 Sm 3:3b-10,19), Người gọi tên chúng ta và yêu cầu chúng ta phải biết trân quý sự thật rằng mỗi người chúng ta đã được tạo dựng là một hữu thể duy nhất và không thể thay thế, mỗi người đều khác biệt với nhau và mỗi người với một vai trò riêng trong lịch sử của thế giới. Trong Tin mừng (x. Ga 1:35-42), hai môn đệ của Gio-an hỏi Chúa Giê-su, “Thầy ở đâu?” (c. 38), hàm ý rằng câu trả lời cho câu hỏi này sẽ xác định sự đánh giá của họ về Thầy Nadarét. Câu trả lời của Chúa Giê-su, “Đến mà xem!” (c. 39) mở ra cho một sự gặp gỡ riêng tư đòi hỏi phải có đủ thời gian phù hợp để chào đón, hiểu và đánh giá đúng người kia.

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm nay cha đã viết, “Mỗi người lạ gõ cửa nhà chúng ta là một cơ hội để gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng hóa thân nên như những người khách lạ được chào đón hoặc bị từ chối thuộc mọi thời đại (Mt 25:35,43).” Và với người khách lạ, người di cư, người tị nạn, người tìm nơi nương náu và người di tản, mọi cánh cửa trong vùng đất mới cũng là một cơ hội để gặp gỡ Chúa Giê-su. Lời mời gọi của Người “Đến mà xem!” là nói với tất cả chúng ta hôm nay, với những cộng đồng địa phương và với những người mới đến. Đó là một lời mời gọi vượt qua những sợ hãi của chúng ta để gặp gỡ người khác, để chào đón, để hiểu và để đánh giá đúng người đó. Đó là một lời mời gọi đưa ra một cơ hội để lại gần với người khác và để xem nơi chốn và cách sống của người đó. Trong thế giới hôm nay, đối với những người mới đến việc chào đón, thấu hiểu và đánh giá đúng có nghĩa là hiểu biết và tôn trọng pháp luật, văn hóa và những truyền thống của các quốc gia tiếp nhận họ. Nó thậm chí gồm cả việc phải thấu hiểu được những nỗi sợ hãi và lo âu cho tương lai của họ. Đối với các cộng đồng địa phương thì chào đón, thấu hiểu và đánh giá đúng những người mới đến có nghĩa là mở lòng ra với họ mà không mang những thành kiến đối với chiều kích đa dạng phong phú của họ, hiểu được những hy vọng và tiềm năng của người mới đến cũng như những nỗi sợ hãi và tình trạng dễ bị tổn thương của họ.

Sự gặp gỡ thật sự với người khác không chỉ kết thúc ở việc chào đón, nhưng gồm có trong ba hành động mở rộng mà cha đã nêu trong Sứ điệp của Ngày này: bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Trong sự gặp gỡ thật sự với người anh em, liệu chúng ta có thể nhận ra Chúa Giê-su Ki-tô, Người đang yêu cầu được chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập? Như dụ ngôn của Tin mừng về ngày phán xét dạy chúng ta: Chúa đói, khát, trần truồng, đau ốm, là một người khách lạ và bị tù đày - với một số người Ngài được giúp đỡ và với một số người khác Ngài không được giúp đỡ (x. Mt 25:31-46). Sự gặp gỡ thật sự với Đức Ki-tô như vậy là nguồn ơn cứu độ, một ơn cứu độ phải được công bố và mang đến cho mọi người, như Thánh Tông đồ Anrê cho chúng ta thấy. Sau khi nói cho anh trai mình là Simon biết, “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêxia” (Ga 1:41), Anrê dẫn anh mình đến với Chúa Giê-su để Simon có thể cảm nhận cùng một kinh nghiệm của sự gặp gỡ.

Thật không dễ đi vào một nền văn hóa khác, đặt mình vào hoàn cảnh của những người quá khác biệt với chúng ta, để hiểu được những suy nghĩ và kinh nghiệm của họ. Vì vậy chúng ta thường từ chối gặp gỡ người khác và dựng lên những rào chắn để bảo vệ bản thân. Những cộng đồng địa phương thì sợ rằng người mới đến sẽ quấy rầy trật tự đã được thiết lập, sẽ ‘đánh cắp’ một cái gì đó mà họ đã phải vất vả trong thời gian dài để xây dựng nên. Và những người mới đến cũng có những sự sợ hãi: họ sợ sự đối đầu, sự xét đoán, sự phân biệt đối xử, sự thất bại. Những sự sợ hãi này là có lý, được đặt trên những nghi ngờ hoàn toàn có thể hiểu được từ quan điểm của con người. Mang những nghi ngờ và sợ hãi không phải là một tội. Tội là ở chỗ để cho những sự sợ hãi này quyết định cho thái độ đáp trả của chúng ta, hạn chế những lựa chọn của chúng ta, làm giảm bớt sự tôn trọng và lòng quảng đại, nuôi dưỡng lòng oán hận và chối bỏ. Tội là sự chối từ gặp gỡ người khác, người khác biệt, người anh em, trong khi đây thật sự là một cơ hội đặc biệt để gặp gỡ Thiên Chúa.

Từ sự gặp gỡ với Chúa Giê-su hiện thân nơi những người nghèo, người bị từ chối, người tị nạn, người tìm nơi nương náu, tuôn chảy những lời cầu nguyện của ngày nay. Đó là sự cầu nguyện mang tính tương hỗ: người di cư và người tị nạn cầu nguyện cho cộng đồng địa phương, và cộng đồng địa phương cầu nguyện cho những người mới tới và cho những người di cư đã ở đây rất lâu. Qua sự chuyển cầu tình mẫu tử của Mẹ Maria Rất Thánh chúng con xin phó dâng những hy vọng của tất cả những người di cư và tị nạn trên thế giới và những nguyện vọng của các cộng đồng đón nhận họ. Đáp lại lệnh truyền tối cao về tình bác ái và tình yêu thương đối với anh em, nguyện xin cho chúng con biết học cách yêu thương tha nhân, người khách lạ, như chính bản thân chúng con.


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét