Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ các quốc gia vùng Baltic

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ các quốc gia vùng Baltic

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ các quốc gia vùng Baltic

Đối thoại với các phóng viên trên chuyến bay từ Estonia về Roma

27 tháng Chín, 2018 14:31
Trong chuyến bay ngày 25 tháng Chín, 2018, từ Tallinn, Estonia, trở về Roma, kết thúc chuyến Tông du đến Lithuania, Latvia và Estonia (22-25 tháng Chín, 2018), Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các ký giả trên máy bay trong một cuộc họp báo, được ghi chép và dịch lại dưới đây. Ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, điều phối cuộc trao đổi.

(Phần II)

* * *

Văn bản chính


Ông Greg Burke:

Chúng ta nói về chuyến đi … 

Một phóng viên từ đài Phát thanh Truyền hình Lithuania.

Edvardas Spokas:

Con sẽ nói bằng tiếng Anh. Trong cả ba quốc gia, cha đều trình bày đến vấn đề mở lòng: mở lòng đối với người di cư, mở lòng với người khác. Nhưng ví dụ ở Lithuania đã có một sự mâu thuẫn trong vụ một cô gái chào Đức Thánh Cha khi người hạ cánh, ngay trước máy bay; quả thật, cô gái này không có diện mạo người Lithuania. Cô ấy một phần giống người Ý, với làn da hơi sậm … Câu hỏi của con là: trong những quốc gia Baltic, có phải người ta chỉ muốn nghe những điều người ta thích nghe mà cha nói, hay họ lắng nghe những gì cha muốn nói với họ? Họ có lắng nghe thông điệp của cha về sự mở lòng không?

ĐTC Phanxico:

Thông điệp về sự mở lòng đối với người nhập cư là rất phù hợp cho dân tộc của anh; không có những ngọn lửa theo chủ nghĩa dân túy mạnh ở đó, không có. Estonia và Latvia cũng có những người với tâm hồn rộng mở muốn hội nhập những người nhập cư, nhưng không nhiều, vì như vậy thì không thực hiện được, hội nhập họ với sự khôn ngoan thận trọng của chính phủ. Chúng tôi đã nói về vấn đề này với hai vị nguyên thủ nhà nước, và họ đụng chạm đến vấn đề, chứ không phải tôi. Và trong các bài diễn văn của các Tổng thống, anh thường nghe thấy các từ “lòng hiếu khách,” “mở lòng.” Điều này cho thấy với ý chí chung về biện pháp thì có thể thực hiện được, vì không gian, công việc, v.v... ; — điều này rất quan trọng — với biện pháp không là mối đe dọa chống lại bản sắc của một người. Đó là ba điều mà tôi hiểu về việc di cư của ở đây. Và điều này làm tôi xúc động: thận trọng và suy nghĩ kỹ về sự mở lòng. Tôi không biết anh có nghĩ khác không.

Edvardas Spokas:

Câu hỏi của con là sự đón nhận thông điệp của đức thánh cha như thế nào?

ĐTC Phanxico:

Tôi tin là tốt, theo ý nghĩa tôi đã nói đến. Vì ngày nay vấn đề người di cư trên khắp thế giới là một vấn đề nghiêm trọng — và không phải chỉ là di cư ra nước ngoài, mà cả trong nước, trong các Châu lục; không dễ nghiên cứu được nó. Trong mỗi quốc gia, trong mỗi vị trí, trong mỗi nơi, nó có những ý nghĩa bao hàm khác.

Ông Greg Burke:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Chúng ta kết thúc những câu hỏi về chuyến đi.

ĐTC Phanxico:

Rất tốt. Tôi muốn nói đôi điều về một số điểm của chuyến đi mà tôi đã sống những cảm xúc đặc biệt.

Sự thật về lịch sử của các bạn, về lịch sử của các quốc gia vùng Baltic: một lịch sử của những cuộc chiếm đóng, của những chế độ độc tài, của tội phạm, của những cuộc lưu đày … Khi tôi đến thăm Viện Bảo tàng ở Vilnius: “viện bảo tàng” là một cụm từ làm chúng ta nghĩ đến Louvre … Không phải. Nhà Bảo tàng đó trước đây là một nhà tù; nó là một nhà tù trong đó những người bị giam cầm, vì lý do chính trị hoặc tôn giáo, bị lấy đi mạng sống. Và tôi đã nhìn thấy những ô ngục giam giữ kích cỡ vừa bằng cái ghế ngồi này, trong đó tù nhân chỉ có thể đứng, những phòng tra tấn. Tôi đã nhìn thấy những phòng tra tấn, nơi mà trong thời tiết giá rét ở Lithuania, người ta bắt những tù nhân cởi hết quần áo và xối nước vào họ, và họ phải đứng ở đó giờ này sang giờ khác, nhằm bẻ gãy sức chịu đựng của họ. Rồi tôi vào trong phòng lớn, căn phòng hành hình rộng lớn. Các tù nhân bị đưa đến đó bằng vũ lực và bị giết chết, bằng một phát súng bắn vào sau gáy. Rồi xác của họ được một băng chuyền đưa ra một xe tải và quăng xác họ vào rừng. Người ta giết trên dưới 40 người một ngày. Cuối cùng, có đến gần 15.000 người bị giết. Đây là một phần lịch sử của Lithuania, nhưng cũng là của những quốc gia khác. Những gì tôi nhìn thấy ở Lithuania. Rồi tôi đến một chỗ gọi là Great Ghetto, nơi hàng ngàn người Do thái bị giết. Và cũng cùng buổi chiều hôm đó, tôi đến Đài Tưởng Niệm những người bị kết án, bị giết, bị tra tấn và bị trục xuất. Ngày hôm đó — tôi nói sự thật với anh chị em — người tôi nặng trĩu; nó khiến tôi phải suy nghĩ về sự tàn ác. Nhưng tôi nói với anh chị em rằng, dựa trên thông tin mà chúng ta có, thì sự tàn ác đó chưa kết thúc. Ngày nay cũng có những sự tàn ác tương tự ở rất nhiều nơi giam giữ, nó được tìm thấy ở rất nhiều nhà tù; sự quá tải của một nhà tù cũng là một hệ thống tra tấn, một cách sống mất hết phẩm giá. Một nhà tù ngày nay không cho người bị giam giữ một viễn cảnh hy vọng, thì đã là một sự tra tấn. Rồi chúng ta nhìn thấy trên truyền hình sự tàn ác của ISIS; những kẻ khủng bố: viên phi công người Gio-đan đó bị thiêu sống, những người Ki-tô hữu Cốp-tíc kia bị chặt đầu trên bãi biển Lybia, và rất nhiều người khác. Ngày nay sự tàn ác vẫn chưa kết thúc. Nó tồn tại khắp nơi trên thế giới. Và tôi muốn gửi thông điệp này đến anh chị em là những ký giả: đây là một sự ô nhục, một sự ô nhục nặng nề của văn hóa và xã hội chúng ta.

Một điều nữa mà tôi nhìn thấy ở ba quốc gia này là lòng thù hận [của chế độ cũ] đối với tôn giáo, bất kể đó là tôn giáo nào. Lòng thù hận. Tôi gặp một Đức Giám mục Dòng Tên của Lithuania hay Latvia, tôi cũng không nhớ rõ nữa, ngài đã bị đày đến Siberia suốt 10 năm, sau đó sang một trại tập trung khác … Bây giờ ngài đã già, ngài vẫn cười … Như vậy rất nhiều người nam nữ đã bị tra tấn và bị đày đến Siberia, vì bảo vệ đức tin của họ, đó là bản sắc của họ, và họ đã không trở về hoặc đã bị giết. Đức tin của ba quốc gia này rất mạnh; quả thật đó là một đức tin được sinh ra từ sự tử đạo, và đây nó là điều mà có thể anh chị em đã nhìn thấy khi nói chuyện với mọi người, với tư cách là những phóng viên để lấy tin tức của đất nước.

Ngoài ra, kinh nghiệm đức tin rất quan trọng này đã sản sinh ra một hiện tượng riêng biệt trong những quốc gia này: một đời sống đại kết, mà không nơi nào có được, nó quá phổ biến. Có một tinh thần đại kết thật sự: tinh thần đại kết giữa người Tin lành, người Baptist, người Anh giáo và cả người Chính thống giáo. Chúng ta đã nhìn thấy trong Nhà thờ Chính tòa ngày hôm qua, trong buổi gặp gỡ đại kết tại Riga, ở Latvia: một điều tuyệt vời; những người anh em, thân mật, cùng nhau trong một nhà thờ … gần gũi. Tinh thần đại kết đã đâm rễ ở đó.

Và có một hiện tượng khác nữa trong những quốc gia này, hiện tượng quan trọng cần phải nghiên cứu, và anh chị em có thể sẽ có thể có nhiều điều thú vị để làm trong công việc, nghiên cứu điều này: hiện tượng truyền đạt văn hóa, bản sắc, đức tin. Thông thường ông bà là người làm công việc truyền đạt này. Tại sao? Vì cha mẹ phải đi làm, cha và mẹ đều phải làm việc, và phải đăng ký gia nhập đảng — hoặc trong chính quyền Xô-viết hoặc trong Đức Quốc xã – và cũng được nhồi nhét chủ nghĩa vô thần. Tuy nhiên, ông bà đã có thể truyền đạt đức tin và văn hóa. Suốt thời gian khi việc sử dụng ngôn ngữ của người Lithuania bị cấm, khi nó bị loại ra khỏi các trường học, khi họ đến tham dự những nghi thức tôn giáo — bất kể đó là người Công giáo hay người Tin lành — họ cầm lên những quyển sách kinh để xem chúng có được viết bằng tiếng Lithuania hay bằng tiếng Nga hay tiếng Đức. Và rất nhiều người — cả một thế hệ khi đó — đã học tiếng mẹ đẻ từ ông bà: chính những người ông người bà đã dạy viết và đọc bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ và cần phải có những mục viết, những loạt truyền hình nói về sự truyền đạt văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật, và đức tin trong những thời gian dưới chế độ độc tài và bắt bớ. Chúng ta không thể nghĩ cách khác, vì tất cả mọi phương tiện truyền thông khi đó còn rất ít – chỉ có radio – nhưng do nhà nước nắm giữ. Khi một chính phủ trở nên — hoặc muốn trở nên độc tài, thì điều đầu tiên họ làm là nắm giữ toàn bộ mọi phương tiện thông tin truyền thông.

Tôi muốn nhấn mạnh đến những điều này.

Và bây giờ, tôi muốn nói về buổi gặp gỡ với giới trẻ hôm nay. Giới trẻ đã trở nên bất mãn: ở đây tôi giới thiệu về câu hỏi đầu tiên đi ra ngoài chủ đề của chuyến đi. Giới trẻ bất mãn vì thói đạo đức giả của người lớn. Giới trẻ bất mãn vì chiến tranh; họ bất mãn vì sự mâu thuẫn; họ bất mãn vì sự bê bối. Và về vấn đề bê bối, có vấn đề mà anh đã nhấn mạnh, đó là những vụ lạm dụng tình dục. Đúng là có sự lên án về phía Giáo hội, và tất cả chúng ta đều biết, chúng ta biết những con số thống kê, tôi không nhắc lại ở đây. Tuy nhiên, cho dù giả sử chỉ có một linh mục lạm dụng một thiếu nhi, thì điều này cũng đã là gớm ghiếc, vì con người đó được chọn bởi Chúa để giúp dẫn đưa đứa trẻ về nước Trời. Tôi hiểu rằng giới trẻ rất bất mãn vì sự bê bối rất lớn này. Họ biết rằng nó có ở khắp nơi, nhưng ở trong Giáo hội thì nó đáng hổ thẹn hơn, vì trẻ em phải được dẫn đưa lên tới Chúa, chứ không phải tàn phá. Giới trẻ tìm cách để tạo ra con đường bằng kinh nghiệm. Buổi gặp gỡ hôm nay với giới trẻ rất rõ ràng: họ muốn được lắng nghe; họ muốn được lắng nghe. Họ không muốn những công thức cứng nhắc. Họ không muốn một sự đồng hành mang tính chỉ huy. Và phần thứ hai của câu hỏi này, đó là câu hỏi đầu tiên ra ngoài chủ đề chuyến đi, nó là “Giáo hội không làm những gì đáng lẽ mình phải làm, đó là làm trong sạch sự bê bối này.

Chẳng hạn, tôi lấy trường hợp Bản Báo cáo của Pennsylvania, và chúng ta thấy rằng trong những năm đầu của thập niên 70 đã có nhiều linh mục rơi vào tình trạng bê bối này. Rồi trong những thời gian gần đây hơn, họ đã giảm bớt vì Giáo hội nhận ra rằng Giáo hội phải chống lại theo một con đường khác. Trong quá khứ, những vụ bê bối này bị bao che. Chúng được bao che ngay trong gia đình khi mà một người chú xâm hại một đứa cháu gái hay khi người cha xâm hại con. Chúng được bao che vì đó là một điều vô cùng xấu hổ. Đó là cách nghĩ của những thế kỷ trước, và của thế kỷ vừa qua. Có một nguyên tắc trong vấn đề này giúp tôi rất nhiều trong cách giải thích lịch sử: một biến cố lịch sử phải được giải thích bằng phương pháp thông diễn theo thời điểm của biến cố xảy ra, không phải phép thông diễn của ngày nay. Chẳng hạn, vấn đề người thổ dân: trước đây có quá nhiều bất công, quá nhiều sự tàn bạo. Tuy nhiên, không thể giải thích theo lối thông diễn của ngày nay, khi mà chúng ta đã có nhận thức khác. Một ví dụ cuối cùng: án tử hình. Vatican cũng là một Nhà nước, khi nó còn là một Nhà nước của Giáo hoàng, lúc đó vẫn có án tử hình: người cuối cùng bị chém đầu vào khoảng năm 1870, một tội phạm, một thanh niên. Nhưng rồi ý thức luân lý phát triển, ý thức luân lý phát triển. Sự thật là luôn luôn có những con dê tế thần, luôn luôn có những bản án tử hình bí mật: ông già rồi, chỉ thêm phiền toái, tôi không cho ông thuốc uống …, rồi sau đó họ báo: “ông ta đi rồi.” Đó là sự kết án tử của xã hội ngày nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng với những điều này thì tôi đã trả lời được câu hỏi. [...]

Ông Greg Burke:

Antonio Pelayo thuộc “Vida Nueva” (Tây Ban nha)”

Antonio Peayo:

Thưa Đức Thánh Cha, vài ngày trước một Thỏa thuận đã được ký giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con thêm thông tin về vấn đề này, về nội dung của nó? Vì một số người Công giáo Trung quốc, đặc biệt là Đức Hồng y Zen, đã cáo buộc người bán Giáo hội cho Chính quyền Cộng sản Trung quốc, sau quá nhiều năm đau khổ. Câu trả lời của Đức Thánh Cha như thế nào trước cáo buộc này?

ĐTC Phanxico:

Đây là một tiến trình của nhiều năm, một sự đối thoại giữa Ủy ban Vatican và Ủy ban Trung hoa, để giải quyết vấn đề bổ nhiệm Giám mục. Nhóm Vatican đã làm việc rất nhiều. Tôi muốn nêu lên một số vị: Đức ông Celli, ngài đã đầy lòng kiên nhẫn đi lại, đối thoại, trở lại … năm này sang năm khác! Rồi Đức ông Rota Graziosi, một Đức ông thuộc Giáo triều 72 tuổi vô cùng khiêm nhường, ngài muốn làm một linh mục xứ nhưng đã ở lại Giáo triều để trợ giúp trong tiến trình này. Rồi trong đó có ngài Quốc Vụ khanh, Đức Hồng y Parolin, một người rất nhiệt thành, ngài tận tâm nghiên cứu: ngài nghiên cứu tất cả mọi tài liệu: từng dấu chấm, dấu phẩy, từng dấu nhấn … Và điều này giúp tôi rất an tâm. Và nhóm làm việc này, với những khả năng như vậy, tiến bước. Anh biết rằng khi một hiệp định hòa bình được ký hoặc một cuộc đàm phán, cả hai bên đều phải nhượng bộ một điều gì đó; đây là quy luật; cả hai phía. Tiến trình này đi theo cách như vậy: tiến tới hai bước, lui một bước, tiến tới hai bước, lui một bước ... ; nhiều tháng trôi qua không có cuộc nói chuyện nào với nhau, và rồi … Thời gian là của Chúa, cũng tương tự như thời gian của người Trung quốc: chậm chậm … Đây là sự khôn ngoan, sự khôn ngoan của người Trung quốc. Hoàn cảnh của các Giám mục trong tình trạng khó khăn được nghiên cứu từng trường hợp một, và cuối cùng, các tài liệu được chuyển lên bàn của tôi và chính tôi là người chịu trách nhiệm ký, về trường hợp của các giám mục. Liên quan đến Thỏa thuận, các bản nháp được chuyển đến tôi, chúng tôi thảo luận, tôi đưa ra ý kiến, những người khác tranh luận và rồi tiến tới. Tôi nghĩ đến sự chống đối, đến những người Công giáo đã chịu đau khổ: thật vậy; họ sẽ phải đau khổ. Luôn luôn có sự đau khổ trong một thỏa thuận. Nhưng họ có đức tin rất mạnh và họ viết, học gửi thông điệp, khẳng định rằng những gì Tòa Thánh, những gì Phê-rô nói, là những điều Chúa Giê-su nói: đức tin “tử đạo” của những con người này ngày nay đã vững mạnh. Họ là những con người tuyệt vời. Tôi đã ký Thỏa thuận, những Thư Ủy quyền (Plenipotentiary Letters) để ký Thỏa thuận. Tôi là người chịu trách nhiệm. Những vị khác mà tôi bổ nhiệm, đã làm việc trong suốt thời gian hơn mười năm. Nó không phải là một việc làm không có chuẩn bị; nó là một hành trình, một hành trình thật sự.

Và bây giờ là một giai thoại nho nhỏ và một sự thật lịch sử, hai câu chuyện trước khi kết thúc. Trước đây lúc có một bài báo nổi tiếng đăng về một vị cựu Sứ thần Tòa Thánh, hàng giám mục trên toàn thế giới viết gửi cho tôi nói rằng các ngài chia sẻ tình hiệp thông, rằng các ngài cầu nguyện cho tôi; người tín hữu Trung quốc cũng viết, và chữ ký trên lá thư này là của Đức Giám mục – chúng ta hiểu là vậy – của Giáo hội Công giáo truyền thống và của vị Giám mục của Giáo hội Yêu nước: cùng chung, cả hai, và tín hữu của cả hai giáo hội. Việc này cho tôi một tín hiệu từ Thiên Chúa. Và điều thứ hai: chúng ta không quên rằng ở Châu Mỹ La tinh — tạ ơn Chúa là điều này đã qua! — chúng ta quên rằng trong 350 năm chính các vua của Bồ Đào nha và Tây Ban nha bổ nhiệm giám mục. Và Giáo hoàng chỉ trao quyền cai quản. Chúng ta quên rằng trường hợp của Đế quốc Áo-Hung: Marie Therese thấy mệt mỏi với việc ký những bổ nhiệm Giám mục và trao quyền lại cho Vatican. Những thời gian khác, tạ ơn Chúa là những điều này ngày nay không còn lặp lại! Tuy nhiên, trường hợp hiện nay không phải là việc bổ nhiệm Giám mục: đó là cuộc đối thoại về các ứng viên sau cùng. Nó được thực hiện qua sự đối thoại, nhưng việc bổ nhiệm là của Roma; sự bổ nhiệm là của Giáo hoàng, điều này rất rõ ràng. Và chúng ta cầu nguyện cho những sự đau khổ của một số người không hiểu hoặc những người mà sau lưng họ là nhiều năm phải sống trong bí mật.

Cảm ơn anh chị em rất nhiều! Họ nói là bữa tối đã sẵn sàng và chuyến bay không dài lắm. Cảm ơn anh chị em rất nhiều! Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Và xin cầu nguyện cho tôi.

Ông Greg Burke: 

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Chúc Cha ngon miệng và thời gian nghỉ ngơi dễ chịu.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét