Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các Giới chức Chính quyền Ma-rốc, Ngoại giao đoàn

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các Giới chức Chính quyền Ma-rốc, Ngoại giao đoàn
Copyright: Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các Giới chức Chính quyền Ma-rốc, Ngoại giao đoàn

‘… Sự can đảm gặp gỡ nhau và đưa ra một bàn tay huynh đệ là một lối đi của hòa bình và hòa hợp cho nhân loại, trong khi tính cực đoan và thù hận gây ra chia rẽ và tàn phá …’

30 tháng Ba, 2019 16:40

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước các giới chức Ma-rốc và ngoại giao đoàn sáng nay ở Rabat:


***

Kính thưa Quốc vương,

Thưa quý Giới chức đáng kính của Vương quốc Ma-rốc,

Thưa các thành viên của Ngoại giao đoàn,

Thưa các bạn,

As-Salam Alaikum!

Tôi rất vui được đặt chân lên đất nước này đầy những nét đẹp của tự nhiên, đồng thời bảo tồn được những dấu tích của các nền văn minh cổ xưa và mang dấu chứng của một lịch sử lâu đời và thú vị. Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Quốc vương Mohammed VI về nhã ý mời của ngài, về sự chào đón nồng hậu ngài dành cho tôi nhân danh toàn thể dân tộc Ma-rốc, và đặc biệt là lời giới thiệu trịnh trọng của ngài.

Chuyến viếng thăm này cho tôi một cơ hội của niềm vui và lòng tri ân, vì nó cho phép tôi trước hết được nhìn thấy sự phong phú của đất nước quý vị, của dân tộc và các truyền thống của quý vị. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn vì chuyến viếng thăm cho tôi một cơ hội đặc biệt để thúc đẩy sự đối thoại liên tôn và hiểu biết lẫn nhau giữa các tín đồ của hai tôn giáo, như chúng ta kỷ niệm – với khoảng cách 8 thế kỷ – cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Thánh Phanxico Assisi và Quốc vương al-Malik al-Kamil. Biến cố tiên tri đó cho thấy rằng sự can đảm gặp gỡ nhau và đưa ra một bàn tay huynh đệ là một lối đi của hòa bình và hòa hợp cho nhân loại, trong khi tính cực đoan và thù hận gây ra chia rẽ và tàn phá. Tôi hy vọng rằng sự quý trọng, tôn trọng và hợp tác của chúng ta sẽ giúp làm vững mạnh những mối dây của tình bạn chân thành, và giúp cho các cộng đồng của chúng ta chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho các thế hệ sắp tới.

Trong miền đất này, một cầu nối tự nhiên giữa Châu Phi và Châu Âu, một lần nữa tôi muốn khẳng định tính cần thiết của sự hợp tác của chúng ta trong việc đưa ra động lực mới để xây dựng một thế giới với tình đoàn kết lớn hơn, được đánh dấu bằng những nỗ lực trung thực, can đảm và tuyệt đối cần thiết có thể thúc đẩy một cuộc đối thoại tôn trọng sự phong phú và đặc tính riêng biệt của mỗi dân tộc và mỗi cá nhân. Tất cả chúng ta được kêu gọi để vượt lên trên thách đố này, đặc biệt trong thời gian hiện tại, khi những khác biệt của chúng ta và việc thiếu những hiểu biết song phương có nguy cơ bị khai thác như là nguyên nhân cho xung đột và chia rẽ.

Nếu chúng ta mong muốn cùng chung tay xây dựng một xã hội cởi mở, huynh đệ và tôn trọng những khác biệt, thì điều vô cùng quan trọng là phải thúc đẩy văn hóa đối thoại và luôn trung thành với nó, chấp nhận sự hợp tác chung như là quy tắc ứng xử của chúng ta và sự hiểu biết lẫn nhau như là phương thức và tiêu chuẩn của chúng ta (x. Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại, Abu Dhabi, 4 tháng Hai 2019). Chúng ta được kêu gọi kiên trì theo đuổi con đường này, với nỗ lực trợ giúp lẫn nhau vượt qua những căng thẳng và sự hiểu lầm, những câu nói sáo rỗng và rập khuôn tạo ra sự sợ hãi và đối kháng. Bằng cách này, chúng ta sẽ kích thích sự phát triển một tinh thần hợp tác đầy hiệu quả và tôn trọng. Điều quan trọng tiếp theo đối với tất cả các tín đồ là phải chống lại chủ nghĩa cuồng tín và cực đoan bằng tình đoàn kết, có nền tảng từ những giá trị cao thượng chung truyền cảm hứng cho các hành động của chúng ta. Vì lý do này, tôi rất hạnh phúc vì lát nữa đây tôi sẽ đến viếng thăm Học viện Mohammed VI đào tạo Imams, Morchidines và Morchidates. Được thành lập bởi chính Quốc vương, học viện cung cấp sự đào tạo hiệu quả và sâu sắc để chống lại tất cả các hình thức cực đoan, là những hình thức thường dẫn đến bạo lực và khủng bố, và trong bất cứ trường hợp nào nó góp phần tạo ra sự tấn công chống lại tôn giáo và chống lại chính Thiên Chúa. Chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng vô cùng phải cung cấp một sự chuẩn bị thích hợp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo tương lai, nếu chúng ta mong muốn thức tỉnh tinh thần tôn giáo đích thực trong tâm hồn của các thế hệ tương lai.

Do vậy, sự đối thoại chân thực khiến chúng ta biết trân quý trọn vẹn hơn tầm quan trọng của tôn giáo trong việc xây dựng những cầu nối giữa con người và đáp ứng thành công cho những thách đố mà tôi vừa đề cập ở trên. Khi tôn trọng những khác biệt của chúng ta, niềm tin và Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta biết chân nhận phẩm giá cao quý của mỗi con người, cũng như những quyền bất biến của họ. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa tạo dựng nên con người bình đẳng về các quyền, các trách nhiệm và phẩm giá, và Người kêu gọi họ sống như anh chị em, và làm lan tỏa những giá trị tốt lành, yêu thương và hòa bình. Đó là lý do tại sao tự do lương tâm và tự do tôn giáo – và không chỉ giới hạn duy nhất cho sự tự do thờ phụng, nhưng cho phép mọi người sống phù hợp theo những niềm tin tôn giáo của họ – được kết nối chặt chẽ với nhân phẩm. Liên quan đến vấn đề này, cần phải liên tục phát triển sự tôn trọng và kính trọng người khác vượt xa hơn sự khoan dung đơn thuần. Điều này đòi hỏi phải gặp gỡ và chấp nhận người khác với niềm tin tôn giáo đặc thù của họ và làm phong phú lẫn nhau qua sự đa dạng của chúng ta, trong mối quan hệ được đánh dấu bởi thiện chí và bởi sự theo đuổi những con đường mà chúng ta có thể cùng chung tay làm việc. Hiểu theo cách này, xây dựng những cầu nối giữa mọi người – từ quan điểm đối thoại liên tôn – đòi hỏi một tinh thần quan tâm lẫn nhau, tình bạn, và nhất là tình huynh đệ.

Hội nghị Quốc tế về quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số trong các quốc gia Hồi giáo, được tổ chức tại Marrakech vào tháng Một năm 2016, đã giải quyết vấn đề này, và tôi rất vui mừng lưu ý rằng về căn bản nó lên án mọi sự khai thác tôn giáo như là phương tiện để phân biệt đối xử hoặc tấn công người khác. Nó cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tháo bỏ khái niệm nhóm tôn giáo thiểu số liên quan đến quyền công dân và việc công nhận giá trị của con người, đây là điều phải đặt vào trung tâm điểm của các hệ thống luật pháp.

Tôi cũng nhìn thấy một dấu chỉ tiên tri trong việc xây dựng Học viện Đại kết Al Mowafaqa ở Rabat năm 2012. Học viện, là một sáng kiến của người Công giáo và các giáo phái Ki-tô khác ở Ma-rốc, tìm cách giúp thúc đẩy tính đại kết, cũng như sự đối thoại với văn hóa và với Hồi giáo. Sự quyết tâm đáng khen ngợi này cho thấy sự quan tâm và khao khát của người Ki-tô hữu sống trong đất nước này muốn xây dựng những cầu nối như là một phương tiện để bày tỏ và phục vụ cho tình huynh đệ của con người.

Tất cả đây là những con đường để chặn lại sự lạm dụng tôn giáo để kích động thù hận, bạo lực, chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín mù quáng, và sự viện dẫn danh Chúa để biện minh cho những hành động sát hại, lưu đày, khủng bố và áp bức (Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại, Abu Dhabi, 4 tháng Hai 2019).

Sự đối thoại chân thực mà chúng ta muốn cổ vũ cũng dẫn đến việc phải suy xét đến thế giới nơi chúng ta đang sống, ngôi nhà chung của chúng ta. Hội nghị Quốc tế về Biến đổi Khí hậu, COP 22, cũng đã được tổ chức tại đây ở Ma-rốc, một lần nữa cho thấy rằng nhiều quốc gia đã ý thức về sự cần thiết phải bảo vệ hành tinh này, nơi Thiên Chúa đã đưa chúng ta vào sống và đóng góp cho một sự hoán cải môi sinh thật sự vì lợi ích của sự phát triển con người toàn diện. Tôi xin bày tỏ đánh giá rất cao cho sự tiến bộ đang được thực hiện trong lĩnh vực này và tôi vô cùng hài lòng trước sự phát triển tình đoàn kết đích thực giữa các dân tộc và quốc gia trong nỗ lực tìm ra các giải pháp công bằng và dài lâu cho những thảm họa đang đe dọa ngôi nhà chung của chúng ta và sự tồn tại của gia đình nhân loại. Chỉ bằng cách chung sức, trong cuộc đối thoại kiên trì, sáng suốt, ngay thẳng và chân thành, thì chúng ta có hy vọng tìm ra được những giải pháp thỏa đáng để đảo nghịch lại xu hướng nóng lên toàn cầu và đạt được mục tiêu loại trừ nạn nghèo đói (x. Tông huấn Laudato Si’, 175).

Tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng ngày nay đại diện cho một lời hiệu triệu khẩn cấp đối với những hành động cụ thể nhằm loại bỏ các nguyên nhân buộc nhiều người phải rời bỏ đất nước và gia đình, thường bị gạt ra bên lề và bị từ chối. Tháng 12 năm ngoái, một lần nữa ở Ma-rốc, Hội nghị Liên Chính phủ Công ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và có định kỳ đã thông qua một tài liệu nhằm phục vụ như một điểm tham chiếu cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Đồng thời, vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là việc chuyển từ các cam kết đã thực hiện ở đó, ít nhất là trên nguyên tắc, thành các hành động cụ thể, và đặc biệt hơn là chuyển sang một sự thay đổi thái độ đối với người di cư, thái độ xem họ là con người, không phải là những con số, và chân nhận quyền và phẩm giá của họ trong đời sống hàng ngày và trong các quyết định chính trị. Quý vị hiểu được sự quan tâm rất lớn của tôi đối với số phận thường xuyên nghiệt ngã của những con người như vậy, những con người mà phần lớn sẽ không chịu rời bỏ đất nước của họ nếu họ không bị buộc phải làm như vậy. Tôi tin rằng Ma-rốc, nơi tổ chức Hội nghị đó với sự cởi mở và lòng hiếu khách đặc biệt, sẽ tiếp tục là một điển hình về tình nhân loại dành cho người di cư và người tị nạn trong cộng đồng quốc tế, để ở đây cũng như ở các nơi khác, họ có thể tìm thấy sự chào đón quảng đại và sự bảo vệ, một cuộc sống tốt hơn và một sự hội nhập đủ phẩm giá vào xã hội. Và khi điều kiện cho phép, họ có thể quyết định trở về nhà trong những điều kiện an toàn và tôn trọng phẩm giá và những quyền của họ. Vấn đề di cư sẽ không bao giờ được giải quyết bằng cách dựng lên những tường rào, gây ra sự sợ hãi nơi người khác hoặc từ chối hỗ trợ cho những người khát khao tìm được một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình của họ một cách hợp pháp. Chúng ta cũng biết rằng việc củng cố nền hòa bình thực sự thông qua việc theo đuổi công bằng xã hội, là điều tuyệt đối cần thiết để sửa chữa những sự mất cân bằng về kinh tế và sự bất ổn chính trị vì nó đóng vai trò chính yếu trong việc tạo ra những xung đột và đe dọa toàn thể nhân loại.

Kính thưa Quốc vương, thưa các Giới chức cao quý, thưa các bạn! Người Ki-tô hữu rất biết ơn nơi đã dành cho họ sự hòa nhập trong xã hội Ma-rốc. Họ muốn thực hiện phần đóng góp của mình trong việc xây dựng một quốc gia huynh đệ và thịnh vượng, luôn quan tâm đến ích chung của người dân. Về vấn đề này, tôi liên tưởng đến công cuộc quan trọng của Giáo hội Công giáo ở Ma-rốc trong việc cung cấp các sự phục vụ xã hội và trong lĩnh vực giáo dục, thông qua các trường học của mình, là nơi mở cửa cho các sinh viên thuộc mọi niềm tin, tôn giáo và nền tảng. Để tạ ơn Chúa vì tất cả những gì đã làm được, cho phép tôi gửi lời động viên người Công giáo và tất cả những Ki-tô hữu trở thành người phục vụ, người thúc đẩy và người bảo vệ cho tình huynh đệ của con người trong đất nước Ma-rốc này.

Kính thưa Quốc vương, thưa các Giới chức cao quý, thưa các bạn! Một lần nữa tôi xin cảm ơn quý vị và tất cả người dân Ma-rốc vì sự chào đón nồng hậu và sự quan tâm đặc biệt của quý vị. Shukran bi-saf! Nguyện xin Đấng Toàn năng, Nhân từ và giàu Lòng thương xót, bảo vệ quý vị và chúc phúc cho Ma-rốc! Xin cảm ơn.

[Văn bản diễn từ (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp]

© Libreria Editrice Vaticana



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/4/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét