Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

Toàn văn bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha Phanxico

Toàn văn bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha Phanxico
© Vatican Media

Toàn văn bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha Phanxico

14 tháng Tư, 2019 15:42

Ngày 14 tháng Tư năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh Lễ Chúa nhật Lễ Lá trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Ước tính có khoảng 40.000 tín hữu tham dự Thánh Lễ, trong thánh Lễ có nghi thức làm phép lá và bài đọc Thương Khó theo Tin mừng Thánh Luca.

Dưới đây là văn bản bài giảng (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:

*****

Những sự hân hoan tung hô khi Chúa Giê-su tiến vào thành Giêrusalem, sau đó là sự hạ nhục. Những tiếng reo hò như trong lễ hội được tiếp nối bằng sự tra tấn tàn bạo. Mầu nhiệm mang hai chiều kích này đồng hành trên con đường bước vào Tuần Thánh hàng năm của chúng ta, như được phản ánh trong hai thời điểm đặc biệt của nghi thức cử hành hôm nay: cuộc rước lá đầu Lễ và bài đọc Thương Khó.

Chúng ta cùng đi vào hành trình này, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, và từ đó đạt được ơn sủng mà chúng ta tìm kiếm trong lời cầu nguyện của chúng ta: để noi theo mẫu gương khiêm nhường của Đấng Cứu Chuộc chúng ta trong đức tin, để lưu tâm đến bài học của Người về sự nhẫn nại chịu đựng đau khổ, và từ đó xứng đáng được thông phần trong chiến thắng trên tà thần của Người.

Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta thấy cách để đối mặt với những thời khắc khó khăn và sự xảo quyệt nhất của các cám dỗ bằng cách duy trì trong tâm hồn chúng ta một không gian không phải là sự hờ hững cũng không dửng dưng theo kiểu siêu nhân, nhưng tin tưởng phó thác cho Chúa Cha và chương trình cứu rỗi của Người, một chương trình trao ban sự sống và lòng thương xót. Người chỉ cho chúng ta thấy sự phó thác này qua cách gạt bỏ cám dỗ muốn thực hiện mọi việc theo cách của mình mà không hoàn toàn vâng phục theo Chúa Cha trong mọi sứ mạng nơi trần gian của Người. Từ trải nghiệm bốn mươi ngày trong hoang mạc đến đỉnh điểm là cuộc Thương Khó của Người, Chúa Giê-su luôn gạt bỏ cám dỗ này với lòng tin tưởng vâng phục nơi Chúa Cha.

Ngày hôm nay cũng vậy, qua con đường Người tiến vào Giêrusalem, Người vạch ra cho chúng ta con đường. Vì trong biến cố đó, tà thần, hoàng tử của thế gian này có một quân bài ẩn giấu: quân bài đó là thái độ đắc thắng. Tuy nhiên Thiên Chúa trả lời bằng việc trung thành theo con đường của riêng Ngài, con đường của sự khiêm nhường.

Thái độ đắc thắng cố gắng đạt được mục tiêu bằng những con đường tắt và những thỏa hiệp giả tạo. Nó muốn nhảy lên chiếc xe của kẻ chiến thắng. Nó sống dựa vào những hành động và lời nói không được trui rèn trong thử thách gắt gao của thập giá; nó phát triển bằng cách luôn nghi ngờ người khác và phán xét về địa vị thua kém của họ, những mong muốn, những thất bại … Một hình thức tinh vi của thái độ đắc thắng là tinh thần trần tục, nó thể hiện mối nguy hiểm lớn nhất, cám dỗ xảo quyệt nhất đe dọa Giáo hội (De Lubac). Chúa Giê-su phá hủy tính đắc thắng này bằng cuộc Thương Khó của Người.

Chúa thật sự hân hoan mừng vui với mọi người, với những người trẻ kia đang hô vang tên của Ngài và tôn Ngài là Vua và là Đấng Mêxia. Trái tim Người nhảy múa reo vui khi nhìn thấy sự nhiệt thành và hân hoan của những người dân nghèo Israel. Đến mức độ những người Pharisêu kia yêu cầu Người phải khiển trách các môn đệ Người vì có những hoan hô đó, Người trả lời: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19:40). Sự khiêm nhường không có nghĩa là phủ nhận thực tại: Chúa Giê-su thật sự là Đấng Mêxia, là Đức Vua.

Nhưng đồng thời trái tim của Chúa Giê-su rung động trên một con đường khác, trên con đường thiêng liêng mà chỉ mình Người và Chúa Cha biết: con đường đi từ “địa vị của Thiên Chúa” trở thành “địa vị của một người phục vụ,” con đường tự hạ mình do sự vâng phục “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phl 2:6-8). Người biết rằng sự chiến thắng đích thực phải gồm có trong việc dành không gian cho Chúa và con đường duy nhất để làm được điều đó là trút bỏ mình, hoàn toàn cởi bỏ mình. Giữ thinh lặng, cầu nguyện, chấp nhận sự nhục nhã. Không có sự thỏa thuận với thập giá: người ta hoặc là ôm lấy nó hoặc chối bỏ nó. Bằng cách tự hạ mình, Chúa Giê-su muốn mở ra cho chúng ta con đường đức tin và đi trước chúng ta trên con đường đó.

Người đầu tiên đi theo Ngài trên con đường đó là thân mẫu của Ngài, Mẹ Maria, người môn đệ đầu tiên. Đức Nữ Đồng Trinh và các thánh đã phải chịu đau khổ trong hành trình trên con đường đức tin và vâng phục thánh ý của Chúa. Trả lời cho những biến cố nghiệt ngã và đau đớn của cuộc sống bằng đức tin dẫn đến “một sự đè nặng rất lớn cho tâm hồn” (x. Thông điệp Redemptoris Mater, 17). Đêm tối của đức tin. Nhưng chỉ từ đêm tối đó thì chúng ta mới nhìn được ánh bình minh của sự phục sinh bừng dậy. Dưới chân thập giá, Mẹ Maria một lần nữa nhớ đến những lời của sứ thần đã nói về Con của Mẹ: “Người sẽ nên cao cả … Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:32-33). Trên đồi Gôn-gô-tha, Mẹ Maria đối mặt với sự phủ nhận hoàn toàn của lời hứa đó: Con của Mẹ đang hấp hối trên thập giá như một kẻ tội phạm. Bằng cách này, thái độ đắc thắng đã bị bẻ gãy bởi sự nhẫn nhục của Chúa Giê-su, cũng tương tự như vậy nó đã bị phá hủy trong lòng của Mẹ Người. Cả hai đều giữ im lặng.

Theo những bước chân của Mẹ Maria, không biết bao nhiêu người nam và nữ thánh thiện đã bước theo Chúa Giê-su trên con đường khiêm nhường và vâng phục. Hôm nay, Ngày Giới trẻ Thế giới, cha muốn nói đến tất cả những vị thánh trẻ đó, đặc biệt là những vị thánh “hàng xóm sát vách” với chúng ta, chỉ có Chúa mới biết; đôi khi Người thích làm chúng ta ngạc nhiên với họ. Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ khi thể hiện lòng nhiệt huyết cho Chúa Giê-su, để hô to lên rằng Ngài đang sống và rằng Ngài là sự sống của chúng con. Nhưng đồng thời, đừng e sợ khi bước theo Ngài trên con đường thập giá. Khi chúng con nghe thấy tiếng Người đang yêu cầu chúng con từ bỏ bản thân, để mình thoát ra ngoài vùng an toàn, và phó thác hoàn toàn cho Chúa Cha trên trời, và cùng hoan hỉ mừng vui! Chúng con đang trên con đường của nước Thiên Chúa.

Những tiếng reo hò như lễ hội và sự tra tấn tàn bạo; sự im lặng của Chúa Giê-su trong suốt Cuộc Thương Khó của Người thật vô cùng xúc động. Người cũng vượt qua cám dỗ muốn trả lời, để hành động như một “siêu sao.” Trong những thời khắc đen tối và sầu khổ lớn lao, chúng ta cần phải giữ thinh lặng, để tìm thấy lòng can đảm không lên tiếng, nhưng sự im lặng của chúng ta phải trong lòng nhân từ chứ không phải mang đầy sự căm giận. Sự im lặng của lòng nhân từ sẽ làm chúng ta thậm chí có vẻ còn yếu hơn, khiêm nhường hơn. Và rồi ma quỷ sẽ có can đảm và xuất hiện. Chúng ta cần phải chống lại hắn trong sự im lặng, “giữ vững vị trí,” nhưng với cùng thái độ như Chúa Giê-su. Người biết rằng cuộc chiến là giữa Thiên Chúa và hoàng tử của thế gian này, và hiểu rằng điều quan trọng là không tra tay vào gươm nhưng là giữ vững đức tin. Đó là giờ của Chúa. Vào giờ Chúa đến và chiến đấu, chúng ta hãy để cho Người điều khiển. Vị trí an toàn của chúng ta sẽ là dưới áo choàng của Mẹ Chúa Rất Thánh. Khi chúng ta chờ đợi Chúa đến và làm câm lặng trận cuồng phong (x. Mt 4:37-41), bằng chứng tá thầm lặng của chúng ta trong sự cầu nguyện chúng ta cho bản thân mình và những người khác “một câu trả lời về niềm hy vọng trong chúng ta” (1 Pr 3:15). Việc này sẽ giúp chúng ta sống trong sự căng thẳng thiêng liêng giữa ký ức về những lời hứa đã có, sự đau khổ hiện hữu trong thập giá, và niềm hy vọng của sự phục sinh.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét