Vatican Media
Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi lặp đi lặp lại: ‘Hòa bình là điều có thể’, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tại buổi Tĩnh tâm Nam Sudan ở Vatican
‘Lúc nào tôi cũng nghĩ đến những linh hồn đau khổ và tôi cầu xin rằng những ngọn lửa chiến tranh cuối cùng sẽ lụi tắt … Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi lặp đi lặp lại rằng: ‘Hòa bình là điều có thể’ (TOÀN VĂN)
11 tháng Tư, 2019 17:31
Ngày 11 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxico nói chuyện với các giới chức hàng đầu về dân sự và giáo hội của Nam Sudan, thúc giục họ vượt qua những điều gây chia rẽ giữa họ, nhắc nhở rằng hòa bình là điều có thể và bày tỏ mong muốn đến thăm đất nước này.
Bài nói chuyện của ngài vào buổi cuối của đợt tĩnh tâm hai ngày của họ tại Vatican, được lên kế hoạch và tổ chức bởi Đức Tổng Giám mục Justin Welby của Canterbury, buổi tĩnh tâm mang đến những người sẽ dẫn dắt đất nước với vai trò là tổng thống và phó tổng thống theo sau một hiệp ước hòa bình được ký vào Tháng Chín năm trước, và các đại diện của Giáo hội, gồm cả các nhà lãnh đạo Công giáo và Tin lành.
Trong diễn từ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôi xin thúc giục quý vị hãy tìm kiếm những gì hiệp nhất quý vị, bắt đầu từ sự thật rằng quý vị thuộc về một và cùng là một dân tộc, và vượt qua tất cả những gì gây chia rẽ quý vị.”
“Người dân đã rất mệt mỏi, kiệt sức bởi những xung đột trong quá khứ: hãy nhớ rằng chiến tranh sẽ lấy đi tất cả! Dân tộc của quý vị ngày nay đang khao khát một tương lai tươi sáng hơn, mà điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực qua sự hòa giải và hòa bình.”
Đức Thánh Cha đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đến viếng thăm dân tộc bị cuộc nội chiến xâu xé, cùng với Đức Tổng Giám mục của Canterbury, Justin Welby, ngài đã trình bày đề nghị tổ chức buổi tĩnh tâm này và đã dẫn dắt buổi tĩnh tâm.
Trong diễn từ, Đức Thánh Cha lặp lại hy vọng được đến thăm đất nước này, và sau lời cầu nguyện kết thúc, ngài đã nói những lời đầy tâm huyết, xin họ hãy theo đuổi hòa bình thay vì những bất đồng sẽ nổi lên.
Sau đó ngài bước đến các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước, và quỳ xuống hôn chân từng người.
Theo một thông cáo do Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Alessandro Gisotti, vào đầu tuần này: “Sự kiện này, vừa mang tính đại kết đồng thời là ngoại giao, được tổ chức bởi sự đồng thuận giữa Phủ Quốc Vụ Khanh và Văn phòng của Đức Tổng Giám mục Canterbury, với mục đích đưa ra một cơ hội tốt về phần Giáo hội để suy tư và cầu nguyện.”
Mục tiêu của nó, thông cáo nói, “là một cơ hội để gặp gỡ và hòa giải, trong tinh thần tôn trọng và tin tưởng, cho những người có sứ mạng và trách nhiệm làm việc cho một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho người dân Nam Sudan trong thời gian này.”
Đức Hồng y Parolin cho Thông tín viên cấp cao Vatican của ZENIT biết rằng các ngài có “sự dè dặt lạc quan” về một chuyến viếng thăm của giáo hoàng đến Nam Sudan, một chuyến đi đã không thể thực hiện trong quá khứ như mong đợi, vì không có những điều kiện an ninh cần thiết.
Đại diện các nhà cầm quyền dân sự trong sự kiện là các thành viên của Nhiệm kỳ Nội các của nước Cộng hòa Nam Sudan, những người mà theo Thỏa thuận Giải quyết Xung đột ở Nam Sudan, sẽ đảm nhận những vị trí trách nhiệm lớn của dân tộc vào ngày 12 tháng Năm. Họ bao gồm ông Salva Kiir Mayardit, Tổng thống nước Cộng hòa, cùng với bốn trong số năm Phó Tổng thống được bổ nhiệm: ông Riek Machar Teny Dhurgon, ông James Wani Igga, ông Taban Deng Gai và bà Rebecca Nyandeng De Mabior. Đại diện cho các giới chức hội thánh của Nam Sudan là tám thành viên của Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan.
Những vị chịu trách nhiệm giảng trong buổi tĩnh tâm gồm Đức Tổng Giám mục Gioan Tẩy Giả Odama, từ Gulu, Uganda, và Cha Agbonkhianmeghe Orobator, S.J., Chủ tịch Hội đồng các Bề trên của Châu Phi và Madagascar.
Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha kết thúc buổi tĩnh tâm:
***
Lời chào
1. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến từng anh chị em hiện diện ở đây: ngài Tổng thống của nước Cộng hòa và các ngài Phó Tổng thống trong Nội các tương lai của nước Cộng hòa, là những người theo các điều khoản trong Thỏa thuận Giải quyết Xung đột ở Nam Sudan sẽ đảm nhiệm những trách nhiệm lớn của dân tộc từ ngày 12 tháng Năm sắp tới. Tôi cũng xin gửi lời chào huynh đệ đến quý vị thành viên của Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan, là những người đồng hành với đoàn chiên được trao phó cho mình trong các cộng đoàn; tôi xin cảm ơn quý vị vì thiện chí và tâm hồn cởi mở mà quý vì đã chấp nhận lời mời của tôi đến tham dự trong buổi tĩnh tâm này ở Vatican. Tôi xin gửi lời chào đặc biệt đến Đức Tổng Giám mục của Canterbury, Đức Justin Welby, ngài đã thai nghén sáng kiến này, và ngài cựu Điều phối của Đại Hội đồng Giáo hội Scotland, ngài Mục sư John Chalmers. Tôi cùng tham dự với tất cả quý vị để dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa vì đã cho chúng ta cơ hội để chia sẻ hai ngày ơn phúc trong sự hiện diện của Người, để khẩn xin và đón nhận bình an của Người.”
“Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Tôi xin gửi đến quý vị lời động viên và an ủi mà Thiên Chúa Phục sinh đã gửi đến cho các môn đệ run sợ và chán nản của Ngài lúc Ngài hiện ra với họ sau phục sinh trong Phòng Tiệc Ly. Điều vô cùng quan trọng cho chúng ta là phải nhận biết rằng “bình an” là từ ngữ đầu tiên Chúa nói. Bình an là ơn sủng đầu tiên cho các Tông đồ sau cuộc khổ nạn đầy đau thương của Người và chiến thắng sự chết của Người. Tôi xin gửi đến anh chị em cùng một lời đó, anh chị em là những người đến từ hoàn cảnh đau khổ rất lớn đối với bản thân và đối với dân tộc của mình, một dân tộc chịu thử thách rất lớn bởi những hậu quả của các cuộc xung đột. Ước mong rằng nó sẽ âm vang lên trong “phòng tiệc ly” của ngôi nhà này, giống như lời của Thầy, và làm cho anh chị em có thể tìm được sức mạnh mới để làm việc vì sự tiến bộ được khao khát cho dân tộc mới thành lập của anh chị em. Giống như ngọn lửa của ngày Lễ Ngũ Tuần ngự xuống trên cộng đoàn Ki-tô hữu non trẻ, ước mong rằng nó sẽ thắp lên một ánh lửa hy vọng mới cho toàn thể người dân Nam Sudan. Với tất cả những tâm tư này mang trong lòng, tôi xin lặp lại lời chào gửi đến quý vị: “Bình an cho anh em!”
Bình an là ơn sủng đầu tiên Thiên Chúa mang đến cho chúng ta, và là sự cam kết đầu tiên mà các nhà lãnh đạo của các dân tộc phải theo đuổi. Bình an là điều kiện căn bản để bảo đảm quyền cho mỗi cá nhân và cho sự phát triển toàn diện của toàn thể một dân tộc. Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng mà Thiên Chúa Cha đã sai xuống trần gian là một Hoàng tử của Hòa bình, đã cho chúng ta một mẫu gương để noi theo. Qua sự hy sinh và vâng lời của mình, Người đã ban sự bình an của Người cho trần gian. Đó là lý do tại sao ngay tại thời điểm Người hạ sinh, ca đoàn các thiên thần đã hát bài thánh ca thiên quốc: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Thật là một niềm vui lớn lao nếu tất cả mọi người dân Nam Sudan đều cùng chung lời hát bài ca âm vang lại bài ca của các thiên thần: “Ôi lạy Chúa, chúng con ca khen và tôn vinh Người vì ơn sủng người ban cho Nam Sudan, mảnh đất trù phú; gìn giữ chúng con trong bình an và hòa hợp” (lời thứ nhất của quốc ca Nam Sudan). Tôi vô cùng mong ước rằng mọi giọng nói của toàn gia đình nhân loại cùng hòa chung với ca đoàn thiên quốc ngợi khen vinh quang Thiên Chúa và cùng làm việc vì sự hòa bình giữa mọi người nam và nữ!
Cái nhìn của Thiên Chúa
2. Tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc họp này là một điều vô cùng đặc biệt và về một ý nghĩa nào đó là duy nhất, vì nó không phải là một cuộc họp song phương hay là cuộc họp ngoại giao giữa Giáo hoàng và các Nguyên thủ Quốc gia, mà cũng chẳng phải là một sáng kiến đại kết bao gồm đại diện của các cộng đồng Ki-tô giáo khác nhau. Thay vào đó, nó là một cuộc tĩnh tâm. Bản thân từ ngữ “tĩnh” cho thấy mong muốn tạm dừng lại môi trường bình thường hoặc những hoạt động và tạm lánh vào một nơi yên tĩnh. Tính từ “tâm (hồn)” thể hiện rằng không gian và trải nghiệm mới này được đánh dấu bằng sự phản ánh trong lòng, cầu nguyện tín thác, suy tư sâu sắc và những sự gặp gỡ hòa giải, để đem đến những hoa trái tốt lành cho chính chúng ta, và từ đó, đem đến cho các cộng đồng của chúng ta.
Mục đích của cuộc tĩnh tâm này đối với chúng ta là để cùng nhau đứng trước mặt Chúa và phân định ý muốn của Người. Đó chính là suy tư về đời sống của chúng ta và sứ mạng chung mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, để nhận biết được trách nhiệm chung to lớn cho hiện tại và tương lai của người dân Nam Sudan, và cam kết xây dựng cho đất nước khi bản thân đã được phục hồi và hòa giải. Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên rằng Chúa đã trao phó cho chúng ta những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo trách vụ là những người dẫn dắt cho dân của Người. Người đã trao phó cho chúng ta rất nhiều, và vì lý do này sẽ đòi hỏi từ chúng ta còn nhiều hơn nữa! Người sẽ đòi hỏi một sự giải trình về việc phục vụ và quản lý của chúng ta, những nỗ lực của chúng ta đối với nền hòa bình và sự hạnh phúc cho các thành viên của cộng đồng chúng ta, đặc biệt đối với những người bị gạt ra bên lề và những người thiếu thốn nhất. Nói một cách khác, Người sẽ đòi hỏi chúng ta gánh vác trách nhiệm không chỉ riêng với đời sống của chúng ta, nhưng cả đời sống của những người khác (x. Lc 12:48).
Tiếng kêu của người nghèo là những người đang đói và khát công bằng trói buộc lương tâm chúng ta và ràng buộc chúng ta trong trách vụ. Họ là những người bé mọn nhất trong con mắt của thế gian, nhưng lại vô cùng quý giá trong mắt Thiên Chúa. Khi sử dụng cụm từ “đôi mắt của Thiên Chúa,” tôi nghĩ đến ánh mắt nhìn của Chúa Giê-su. Mọi cuộc tĩnh tâm, cũng giống như việc kiểm tra lương tâm hàng ngày của chúng ta, phải làm cho chúng ta cảm nhận rằng, bằng toàn bộ hữu thể của chúng ta, toàn bộ lịch sử của chúng ta, mọi đức tính và thậm chí cả thói xấu của chúng ta, chúng ta đứng trước ánh mắt nhìn của Chúa, Đấng có thể thấu suốt sự thật trong chúng ta và dẫn đưa chúng ta bước trọn vẹn đến sự thật đó. Lời Chúa cho chúng ta một ví dụ về sự đánh động và cách thức mà sự gặp gỡ với ánh mắt nhìn của Chúa Giê-su có thể ghi dấu ấn cho những giây phút quan trọng nhất trong đời sống của một người môn đệ. Tôi đang nói đến ba lần Chúa nhìn Thánh Tông đồ Phê-rô, mà bây giờ tôi muốn nhắc lại.
Lần đầu tiên Chúa Giê-su nhìn Phê-rô là lúc người anh An-rê của ông đưa ông đến với Chúa Giê-su và giới thiệu người là Đấng Mê-xi-a. Và Chúa Giê-su nhìn vào Si-mon và nói với ông rằng từ nay về sau ông sẽ được gọi là Phê-rô (x. Ga 1:41-42). Sau đó, Chúa nói với ông rằng trên “đá” này Người sẽ xây dựng Hội Thánh của Người, cho thấy Người đã trao phó cho Phê-rô thực hiện chương trình cứu độ của Người dành cho dân Người. Như vậy, cái nhìn đầu tiên của Chúa Giê-su là một cái nhìn “tuyển chọn,” chọn lọc, là cái nhìn đánh thức lòng nhiệt huyết cho một sứ mạng đặc biệt.
Lần thứ hai Chúa Giê-su nhìn Phê-rô là đêm khuya của Thứ Năm Tuần Thánh. Phê-rô chối Chúa lần thứ ba. Khi Chúa Giê-su bị những người lính lôi đi, đã hướng cái nhìn về ông một lần nữa, lần này là cái nhìn đánh thức nơi ông sự ăn năn đau đớn nhưng tốt lành. Vị Tông đồ ra ngoài và “khóc lóc thảm thiết” (Mt 26:75) vì đã phản bội tiếng gọi của Thầy, lòng tin của Thầy và tình bạn hữu của Thầy. Như vậy, cái nhìn lần thứ hai của Chúa Giê-su đã chạm đến tâm hồn Phê-rô và làm cho ông hoán cải.
Cuối cùng, sau phục sinh, trên bờ biển hồ Tibêria, Chúa Giê-su một lần nữa lại nhìn vào Phê-rô và hỏi ông ba lần tuyên xưng tình yêu của mình. Rồi Người một lần nữa trao phó cho ông sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Người, và tỏ ý cho biết sứ mạng này sẽ lên đến cực điểm là hy sinh mạng sống của ông (x. Ga 21:15-19).
Nói một cách cụ thể, tất cả chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã được kêu gọi đến với đời sống đức tin và được chọn bởi Thiên Chúa, nhưng cũng được chọn bởi dân của chúng ta, để trung thành phục vụ họ. Trong sự phục vụ này, chúng ta đều có thể có những sai lầm, một số sai lầm có thể nhỏ, những sai lầm khác lớn hơn. Tuy nhiên Chúa Giê-su luôn luôn tha thứ cho những lỗi lầm của người ăn năn. Người luôn làm mới lại lòng tin tưởng của Người, trong khi đòi hỏi – một cách đặc biệt đối với chúng ta – một sự tận hiến hoàn toàn cho sự nghiệp của dân Người.
Anh chị em thân mến, cái nhìn của Chúa Giê-su, ở đây và ngay lúc này, dừng lại trên từng người chúng ta. Điều vô cùng quan trọng là phải đón được cái nhìn này bằng con mắt trong tâm hồn của chúng ta và tự hỏi mình: Hôm nay Chúa Giê-su nhìn tôi như thế nào? Người đang gọi tôi điều gì? Chúa muốn tôi tha thứ điều gì và Người muốn tôi thay đổi những thái độ nào? Sứ mạng của tôi là gì và Chúa trao phó cho tôi trách vụ gì vì ích lợi cho dân Người? Rằng dân chúng là thuộc về Người, không phải thuộc về chúng ta; thật vậy, chính bản thân chúng ta cũng là những thành viên trong dân. Chỉ đơn giản là chúng ta có một trách vụ và một sứ mạng đặc biệt: đó là phục vụ họ.
Anh chị em thân mến, Chúa Giê-su cũng đang nhìn mỗi người chúng ta, ở đây và ngay lúc này. Người nhìn vào chúng ta với tình yêu thương, Người hỏi một điều gì đó, Người tha thứ và Người trao cho chúng ta một sứ mạng. Người đặt một niềm tin tưởng rất lớn nơi chúng ta bằng cách chọn chúng ta làm những người cộng tác với Người trong công cuộc xây dựng một thế giới công bằng hơn. Chúng ta chắc chắn rằng cái nhìn của Người thâm nhập vào tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta; cái nhìn đó yêu thương, biến đổi, hòa giải và hiệp nhất chúng ta. Cái nhìn nhân hậu và thương xót của Người động viên chúng ta từ bỏ những con đường dẫn đưa chúng ta đến với tội và cái chết, và nó giữ vững chúng ta khi chúng ta theo đuổi những con đường hòa bình và thiện hảo. Đây là một việc làm sinh hoa lợi, một việc làm mà chúng ta luôn luôn có thể thực hiện, thậm chí trong gia đình: hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đang nhìn chúng ta và cũng chính ánh mắt nhìn này, đầy tràn yêu thương, sẽ chào đón chúng ta vào ngày sau hết của đời sống trần thế của chúng ta.
Cái nhìn của người dân
3. Cái nhìn của Thiên Chúa đặc biệt hướng vào anh chị em; đó là một cái nhìn ban cho anh chị em sự bình an. Tuy nhiên, có một cái nhìn khác cũng hướng thẳng vào anh chị em, và nó bày tỏ khát khao cháy bỏng đối với công lý, hòa giải và hòa bình. Trong giây phút này, tôi muốn gửi đến tất cả mọi công dân trong đất nước của anh chị em tình hiệp thông gần gũi trong tinh thần của tôi, đặc biệt là những người tị nạn và bệnh nhân, là những người vẫn còn ở lại trong nước hồi hộp mong chờ, chờ đợi kết quả của ngày lịch sử này. Tôi chắc chắn rằng họ đồng hành với cuộc họp này trong niềm hy vọng lớn lao và lời cầu nguyện liên lỷ. Ông Nô-ê chờ đợi con chim bồ câu mang về cho một một nhành ô-liu để báo hiệu chấm dứt cơn hồng thủy và bắt đầu một kỷ nguyên mới của hòa bình giữa Thiên Chúa và con người (x. St 8:11). Cũng như vậy, người dân đang chờ đợi sự trở về của anh chị em, sự hòa giải của tất cả các thành viên, và một kỷ nguyên mới của hòa bình và thịnh vượng cho tất cả.
Tâm tư đầu tiên của tôi hướng đến tất cả những người đã bị mất người thân yêu và nhà cửa của họ, đến những gia đình đã bị ly tán và không bao giờ được đoàn tụ, đến tất cả các thiếu nhi và người già, và những phụ nữ và đàn ông là những người đã chịu đau khổ quá lớn do những cuộc xung đột và bạo lực đã gây ra quá nhiều cái chết, đói khổ, đau đớn và nước mắt. Chúng ta đã nghe thấy rất rõ tiếng khóc của người nghèo và người thiếu thốn; nó đã thấu lên đến trời, thấu đến trái tim của Thiên Chúa là Cha, Đấng khát khao ban cho họ công bằng và bình an. Tôi không ngừng nghĩ đến những linh hồn đau khổ này, và tôi cầu xin rằng những ngọn lửa chiến tranh cuối cùng sẽ lụi tắt, để họ có thể trở về gia đình và sống trong bình an. Tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng rằng hòa bình sẽ về với quê hương của anh chị em, và tôi cầu xin rằng tất cả mọi người nam và nữ thiện chí sẽ làm việc cho nền hòa bình giữa dân tộc của anh chị em.
Anh chị em thân mến, hòa bình là có thể. Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi lặp lại điều này: hòa bình là có thể! Tuy nhiên, ân ban lớn lao này của Thiên Chúa đồng thời cũng là trách nhiệm cao cả về phía những người gánh vác trách nhiệm với dân tộc. Người Ki-tô hữu chúng ta tin và biết rằng hòa bình là có thể, vì Đức Ki-tô đã sống lại. Người đã chiến thắng sự dữ bằng sự thiện. Người bảo đảm với các môn đệ của Người sự chiến thắng của hòa bình vượt trên tất cả mọi điều làm dấy lên ngọn lửa chiến tranh: đó là sự kiêu ngạo, tham lam, thèm khát quyền lực, tính tư lợi, những dối trá và đạo đức giả (x. Bài giảng trong buổi Cầu nguyện cho Hòa bình ở Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo, 23 Tháng Mười Một, 2017).
Niềm hy vọng của tôi là tất cả chúng ta sẽ đón nhận tiếng gọi cao quý để trở thành những người xây dựng hòa bình, phấn đấu trong tinh thần huynh đệ và đoàn kết với mọi thành viên của dân tộc chúng ta, một tinh thần cao thượng, chính trực, mạnh mẽ và can đảm, để xây dựng hòa bình qua đối thoại, đàm phán và tha thứ. Vì vậy tôi xin thúc giục anh chị em hãy tìm kiếm những gì hiệp nhất quý vị, bắt đầu từ sự thật rằng anh chị em thuộc về một và cùng một dân tộc, và vượt qua tất cả những gì gây chia rẽ anh chị em. Người dân đã rất mệt mỏi, kiệt sức bởi những xung đột trong quá khứ: hãy nhớ rằng chiến tranh sẽ lấy đi tất cả! Dân tộc của quý vị ngày nay đang khao khát một tương lai tươi sáng hơn, mà điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực qua sự hòa giải và hòa bình.
Với lòng hy vọng và tin tưởng lớn, tôi đã biết vào Tháng Chín vừa qua rằng các đại diện chính trị cao nhất của Nam Sudan đã ký một hiệp ước hòa bình. Vì thế, hôm nay tôi xin chúc mừng việc ký kết tài liệu đó, với cả những người hiện diện cũng như vắng mặt, không loại trừ ai, bắt đầu từ ngài Tổng thống của nước Cộng hòa và các người đứng đầu của các đảng chính trị, vì đã chọn con đường đối thoại, vì sẵn sàng thỏa hiệp, quyết tâm đạt được hòa bình, sẵn sàng hòa giải và ý chí sẽ áp dụng những gì đã được ký kết. Tôi bày tỏ niềm hy vọng chân thành rằng những thù hận cuối cùng sẽ dừng lại, rằng cuộc hưu chiến sẽ được tôn trọng, rằng những chia rẽ về chính trị và sắc tộc sẽ được vượt qua, và rằng sẽ có một nền hòa bình dài lâu cho ích chung của tất cả mọi công dân những người mơ ước bắt đầu xây dựng đất nước.
Các nỗ lực chung của anh em Ki-tô hữu chúng ta và các sáng kiến đại kết của Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan đại diện cho sự hòa giải và hòa bình, và chăm sóc người nghèo và người bị gạt ra bên lề, đã góp vào một phần đóng góp lớn cho sự phát triển của toàn thể dân tộc Nam Sudan. Tôi nhắc lại niềm vui mừng và sự cảm ơn cuộc gặp gỡ mới đây với Hội đồng Giám mục Sudan và Nam Sudan ở Vatican trong cuộc hành hương ad limina Apostolorum của các ngài.
Tôi thật sửng sốt trước tính lạc quan của các ngài đặt trên nền tảng một đức tin sống động và và được thể hiện trong sự vươn xa không hề mệt mỏi, nhưng nhìn thấy cả sự lo lắng của các ngài về những khó khăn chính trị và xã hội. Tôi khẩn xin ơn phúc dồi dào của Chúa đổ xuống trên tất cả mọi người Ki-tô hữu của Nam Sudan là những người băng bó các vết thương cho thân thể của Chúa Giê-su qua việc giúp đỡ những người thiếu thốn nhất, và tôi luôn nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Nguyện xin để họ trở thành những người xây dựng hòa bình ở giữa người dân Nam Sudan, bằng sự cầu nguyện của họ và bằng chứng tá của họ, và với sự hướng dẫn tinh thần và sự trợ giúp về phần con người của mọi thành viên trong dân tộc, bao gồm cả những người lãnh đạo của đất nước.
Để kết luận, một lần nữa tôi xin tỏ lòng tri ân và cảm kích với tất cả anh chị em, những vị chức trách dân sự và hội thánh của Nam Sudan, vì đã tham dự trong cuộc tĩnh tâm này. Tôi xin gửi tới tất cả người dân Nam Sudan thân yêu những lời chúc tốt đẹp nhất cho hòa bình và thịnh vượng. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng Thương xót chạm đến tâm hồn của mọi người nam và nữ của Nam Sudan, đổ đầy ơn sủng và phúc lành trên họ, và đem đến những hoa trái dồi dào cho nền hòa bình dài lâu, như dòng nước của sông Nile chảy qua đất nước của anh chị em, mang đến sự sống và phát triển dồi dào. Cuối cùng, tôi khẳng định lại mong muốn và hy vọng của tôi rằng, nhờ ơn Chúa, tôi có thể đến thăm đất nước thân yêu của anh chị em, cùng với những người anh em thân yêu hiện diện tại đây: Đức Tổng Giám mục Canterbury và vị cựu Điều phối của Đại Hội đồng Giáo hội Scotland.
Lời nguyện cuối
4. Tôi xin kết thúc buổi suy niệm hôm nay với một lời cầu nguyện, theo lời mời gọi của Thánh Phaolô. Thánh Tông đồ viết: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1 Tm 2:1-2).
Lạy Cha rất Thánh, Thiên Chúa của sự trọn hảo, Người kêu gọi chúng con để được canh tân trong Thần Khí của Người, và Người thể hiện sức mạnh của Người trên mọi sự trong ơn tha thứ. Chúng con nhận ra được tình phụ tử của Người khi Người chạm đến tâm hồn con người và mở rộng nó để tiến tới sự hòa giải, trong một thế giới đã bị xé tan bởi những xích mích và bất đồng. Không biết bao nhiêu lần con người đã phá vỡ giao ước với Người! Nhưng thay vì loại bỏ họ, Người đã đổi mới mối quan hệ của Người với họ qua Chúa Giê-su, Con của Người và là Đấng Cứu Chuộc chúng con: một mối quan hệ quá vững chắc đến mức không thể bị phá vỡ.
Vì vậy, chúng con xin Người hãy chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn của mỗi người bằng sức mạnh của Thần Khí, để những người là thù địch của nhau mở lòng đối thoại, những đối thủ sẽ cùng bắt tay và các dân tộc sẽ gặp gỡ trong sự hòa hợp. Lạy Cha, nhờ ơn sủng của Người, xin cho sự toàn tâm toàn ý tìm kiếm nền hòa bình sẽ giải quyết được những tranh chấp, xin cho tình yêu chế ngự lòng hận thù và sự báo thù được hóa giải bởi sự tha thứ, để nhờ vào việc quay trở lại với lòng thương xót của Người, chúng con có thể tìm lại được con đường đến với Người. Xin giúp chúng con mở lòng trước những sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để chúng con có thể sống một đời sống mới trong Đức Ki-tô, trong sự ca khen muôn đời danh Cha và trong sự phục vụ những anh chị em của chúng con (x. Prefaces of Eucharistic Prayers for Reconciliation I and II). Amen.
Anh chị em thân mến, bình an ở cùng anh chị em, và ước mong nó sẽ ngụ cư trong tâm hồn anh chị em mãi mãi!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét