© Vatican Media
Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Lời cầu nguyện đẹp nhất là lời tạ ơn, là lời ngợi khen’
Bài giảng Thánh Lễ Bế mạc Thượng Hội đồng về Amazon
27 tháng Mười, 2019 14:59
Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Lời cầu nguyện đẹp nhất là lời tạ ơn, là lời ngợi khen.”
Đức Thánh Cha phân tích điểm này trong bài giảng của ngài trong Vương cung Thánh đường Vatican ngày 27 tháng Mười, 2019, tại Thánh Lễ Bế mạc Thượng Hội đồng về Amazon, bắt đầu ngày 6 tháng Mười. Sự phân tích khởi đi từ lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu trong đền thờ ở chương 18 theo Thánh Lu-ca, dụ ngôn nói về người Pha-ri-sêu và người thu thuế trong đền thờ. Đức Thánh Cha nói, đó là lời cầu nguyện được bắt đầu tốt đẹp nhưng lại kết thúc không đạt được mục tiêu. Người Pha-ri-sêu thiếu sự khiêm nhường và quên đi điều răn “quan trọng nhất” là yêu thương anh em.
“Lời cầu nguyện của người thu thuế giúp chúng ta hiểu được những gì làm đẹp lòng Chúa,” Đức Thánh Cha giải thích. “Anh ta không bắt đầu bằng những phẩm chất xứng đáng nhưng từ những thiếu sót của mình; không bắt đầu từ sự giàu có nhưng từ sự nghèo nàn của anh ta.
“Trong Thượng Hội đồng vừa qua chúng ta được ơn lắng nghe tiếng nói của người nghèo và suy tư về tính tạm thời của cuộc sống, bị đe dọa bởi những mô hình phát triển mang tính chiếm đoạt. Tuy nhiên chính trong hoàn cảnh này, nhiều người đã làm chứng cho chúng ta rằng có thể nhìn vào thực tại theo một cách khác, chấp nhận nó với vòng tay rộng mở như một ân ban, cư xử với thế giới được tạo dựng không như một nguồn tài nguyên để bóc lột nhưng như một ngôi nhà được bảo tồn, với lòng tín thác vào Chúa.”
Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta biết cách cầu nguyện thông qua ba nhân vật: trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, cả người Pha-ri-sêu và người thu thuế đều cầu nguyện, trong khi bài đọc một nói đến việc cầu nguyện của một người nghèo.
1. Lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu bắt đầu như thế này: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa.”
Đây là một lời mở đầu tuyệt vời vì lời cầu nguyện đẹp nhất là lời tạ ơn, là lời ngợi khen. Nhưng ngay lập tức chúng ta lại nhìn thấy lý do tại sao ông ta tạ ơn: “vì con không như bao kẻ khác” (Lc 18:11). Ông ta cũng giải thích lý do: ông ta ăn chay hai lần một tuần, mặc dù lúc đó luật chỉ bắt buộc một năm một lần; ông ta trả thuế thập phân trên tất cả những gì ông ta có, dù rằng thuế thập phân chỉ quy định cho những sản phẩm quan trọng nhất (x. Đnl 14:22ff). Nói tóm lại, ông ta khoe khoang vì ông ta đã thực thi trọn vẹn những điều răn ở mức độ tốt nhất. Nhưng ông ta lại quên điều răn quan trọng nhất: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân (x. Mt 22:36-40). Miệng lưỡi ông ta đầy sự tự tin về khả năng tuân giữ những điều răn, về phẩm chất, và đức hạnh của mình, ông ta chỉ tập trung vào bản thân. Bi kịch của người đàn ông này là ông ta không có đức mến. Thánh Phaolo nói ngay cả những điều tốt đẹp nhất cũng chẳng là gì nếu không có đức mến(x. 1 Cr 13). Không có lòng yêu mến, kết quả sẽ là gì? Cuối cùng ông ta chỉ ca tụng bản thân thay vì cầu nguyện. Thật vậy, ông ta chẳng xin điều gì từ Thiên Chúa vì ông ta không cảm thấy thiếu thốn hay mắc nợ, nhưng ông ta cảm thấy Chúa nợ ông ta điều gì đó. Ông ta đứng trong đền thờ của Chúa, nhưng ông ta lại tôn thờ một vị thần khác: chính bản thân ông ta. Và nhiều nhóm người “có thanh thế,” “nhiều Ki-tô hữu Công giáo,” đi theo con đường này.
Cũng như việc quên Thiên Chúa, ông ta quên cả người anh em của mình; thật vậy, ông ta khinh miệt người kia. Với người Pha-ri-sêu, tha nhân không có giá trị gì, chẳng đáng gì. Ông ta xem mình tốt hơn những người khác là những người mà ông ta gọi theo nghĩa đen là “bao kẻ khác” (loipoi, Lc 18:11). Tức là, họ là “những người thừa,” họ là những kẻ thừa thãi mà một người phải tránh xa. Không biết bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy điều này xảy ra tái đi tái lại trong đời sống và lịch sử! Không biết bao nhiêu lần những người tinh hoa, giống như người Pha-ri-sêu đối xử với người thu thuế, đã dựng lên những bức tường để gia tăng khoảng cách, làm cho người khác càng cảm thấy bị chối bỏ nhiều hơn. Hoặc bằng cách xem họ là lạc hậu và chẳng mấy giá trị, người khinh miệt truyền thống của họ, xóa bỏ lịch sử của họ, thâu tóm đất đai và chiếm đoạt tài sản của họ. Không biết bao nhiêu thế lực ỷ sức mạnh đã biến thành áp bức và bóc lột vẫn còn tồn tại đến ngày nay! Chúng ta nhìn thấy điều này trong Thượng Hội đồng khi nói về sự bóc lột tạo vật, con người, cư dân của vùng Amazon, buôn người, buôn bán con người! Những sai lầm trong quá khứ không đủ để làm dừng lại việc bóc lột người khác và gây ra những vết thương trên những người anh chị em của chúng ta và trên người chị trái đất của chúng ta: chúng ta đã nhìn thấy điều này trên khuôn mặt bị hằn những vết sẹo của vùng Amazon. Sự tôn thờ bản ngã diễn ra một cách giả hình với những nghi thức và “những sự cầu nguyện” – nhiều người là người Công giáo, họ tuyên xưng mình là người Công giáo, nhưng họ đã quên họ là người Ki-tô hữu và là con người – quên đi việc thờ phượng Thiên Chúa luôn được thể hiện qua tình yêu dành cho tha nhân. Thậm chí cả những Ki-tô hữu cầu nguyện và đi tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật cũng vướng vào cái tôn giáo bản ngã này. Chúng ta hãy kiểm tra lại bản thân xem cả chúng ta nữa có xem người khác là người thấp kém và đáng bị quăng ra ngoài không, thậm chí chỉ bằng lời nói. Chúng ta hãy cầu xin ơn không xem bản thân mình là cao trọng hơn, không cho rằng chúng ta là tốt lành, không trở nên người hay chỉ trích và khinh miệt người khác. Chúng ta hãy xin Chúa Giê-su chữa lành chúng ta khỏi việc nói hành nói xấu và kêu ca về người khác, không khinh rẻ người này hay người kia: đây là những điều làm phật lòng Chúa. Và trong Thánh Lễ hôm nay theo ý quan phòng chúng ta được đồng hành không chỉ là những người bản địa của Amazon nhưng cả những anh chị em nghèo khổ nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta: những anh chị em khuyết tật từ Cộng đoàn L’Arche. Họ ở cùng với chúng ta, ở hàng ghế phía trước.
2. Chúng ta chuyển sang lời cầu nguyện khác. Lời cầu nguyện của người thu thuế giúp chúng ta hiểu điều gì làm đẹp lòng Chúa. Anh ta không bắt đầu bằng những phẩm chất xứng đáng nhưng từ những thiếu sót của mình; không bắt đầu từ sự giàu có nhưng từ sự nghèo nàn của anh ta. Anh ta không nghèo về kinh tế – những người thu thuế rất giàu có và thường kiếm tiền một cách bất công với cái giá phải trả là những người đồng bào của mình – nhưng anh ta cảm nhận một sự nghèo nàn về đời sống vì chúng ta không bao giờ sống tốt đẹp trong tội. Người thu thuế là người bóc lột người khác thừa nhận mình là nghèo khó trước mặt Chúa, và Chúa đã nghe thấy lời nguyện cầu của anh ta, đơn sơ chỉ có bảy chữ nhưng là một cách diễn đạt chân thành từ tâm can. Quả thật, trong khi người Pha-ri-sêu đứng thẳng (x. c. 11), thì người thu thuế chỉ đứng từ xa xa và “chẳng dám ngước mắt lên trời,” vì anh ta tin rằng Thiên Chúa quả thật vô cùng vĩ đại, và anh ta biết mình là nhỏ bé. Anh ta “đấm ngực” (x. c. 13), vì ngực là vị trí của con tim. Lời cầu nguyện của anh ta xuất phát từ con tim; nó rất rõ ràng. Anh ta dâng tâm hồn mình trước Thiên Chúa, không phải là những hình thức bên ngoài. Cầu nguyện tức là đứng trước mặt Chúa – chính Thiên Chúa đang nhìn đến tôi khi tôi cầu nguyện – không giấu giếm, bào chữa hay biện hộ. Thường thường những tiếc nuối của chúng ta được phủ đầy bằng sự tự biện hộ có thể làm chúng ta phì cười. Còn hơn cả sự tiếc nuối, nghe chúng dường như chúng ta đang tự phong thánh cho mình. Vì từ ma quỷ xuất hiện bóng tối và những dối trá – đây là những sự tự bào chữa của chúng ta. Đến từ Thiên Chúa là ánh sáng và sự thật, sự ngay thẳng của tâm hồn. Nó là một kinh nghiệm tuyệt vời, và tôi vô cùng tri ân, thưa các thành viên của Thượng Hội đồng, vì trong những tuần lễ qua chúng ta đã có thể nói với nhau từ tâm hồn, với sự chân thành và ngay thẳng, và đặt những nỗ lực và hy vọng của chúng ta trước mặt Chúa và những người anh chị em của chúng ta.
Hôm nay, nhìn vào người thu thuế, chúng ta tái khám phá đâu là điểm xuất phát: từ sự tin chắc rằng chúng ta, tất cả chúng ta, đều cần ơn cứu độ. Đây là bước đầu tiên của sự thờ phượng Chúa đích thực, Đấng giàu lòng thương xót với những người nhận biết mình cần giúp đỡ. Về mặt khác, như những đan sĩ xưa dạy rằng gốc rễ của mọi sai lầm về thiêng liêng là tin vào bản thân mình là công chính. Xem mình là công chính tức là gạt bỏ Chúa ngoài trời lạnh giá, chỉ Người là Đấng duy nhất công chính. Thái độ khởi đầu này quá quan trọng đến mức Chúa Giê-su cho chúng ta thấy nó bằng một sự so sánh khác thường, đặt song song trong dụ ngôn về người Pha-ri-sêu, nhân vật đạo đức và nhiệt thành nhất của thời đó, và người thu thuế, là người phạm tội công khai rõ ràng. Sự phán xét lại đảo ngược: một người tự cho là tốt nhưng quá tự tin lại thất bại; một người là tai họa nhưng khiêm nhường lại được Chúa nâng lên. Nếu chúng ta nhìn đến bản thân mình một cách thành thật, tất cả chúng ta đều thấy trong mình có một chút là người thu thuế và một chút là người Pha-ri-sêu. Chúng ta có một chút là người thu thuế vì chúng ta là những tội nhân, và có một chút là người Pha-ri-sêu vì chúng ta quá tự tin, có thể tự bào chữa cho mình, rất tài giỏi về nghệ thuật tự biện minh. Khả năng này thường có thể có tác dụng với bản thân chúng ta, nhưng chẳng có tác dụng gì với Thiên Chúa. Mánh khóe này không có hiệu quả với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin ơn cảm nghiệm bản thân mình cần có lòng thương xót, nghèo nàn trong tâm hồn. Vì lý do này, chúng ta hãy kết hợp với người nghèo, để nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta cũng nghèo, để nhắc chúng ta rằng ơn cứu độ của Chúa chỉ hoạt động trong không khí nghèo nàn của tâm hồn.
3. Bây giờ chúng ta chuyển sang lời cầu nguyện của người nghèo, trong bài đọc một. Sách Huấn ca nói lời cầu nguyện này “sẽ vọng tới các tầng mây” (35:21). Trong khi lời cầu nguyện của những người cho rằng mình là công chính sẽ vẫn thuộc về thế gian, bị đè bẹp bởi lực hút của sự kiêu ngạo, còn lời cầu của người nghèo vươn thẳng lên tới Chúa. Cảm thức đức tin của Dân Chúa đã nhìn thấy nơi người nghèo là “những người gác cổng thiên đàng”: cảm thức đức tin bị biến mất trong cách bày tỏ của người Pha-ri-sêu. Họ là những người sẽ hoặc sẽ không mở rộng những cánh cổng của đời sống trường sinh. Họ không được xem là những ông chủ của cuộc sống, họ không đặt mình đứng trước những người khác; họ chỉ có gia tài nơi Thiên Chúa. Những người này là những biểu tượng sống của sứ ngôn Ki-tô hữu.
Trong Thượng Hội đồng vừa qua chúng ta được ơn lắng nghe tiếng nói của người nghèo và suy tư về tính tạm thời của cuộc sống, bị đe dọa bởi những mô hình phát triển mang tính chiếm đoạt. Tuy nhiên chính trong hoàn cảnh này, nhiều người đã làm chứng cho chúng ta rằng có thể nhìn vào thực tại theo một cách khác, chấp nhận nó với vòng tay rộng mở như một ân ban, cư xử với thế giới được tạo dựng không như một nguồn tài nguyên để bóc lột nhưng như một ngôi nhà được bảo tồn, với lòng tín thác vào Chúa. Người là Cha của chúng ta, và sách Huấn ca một lần nữa nói “Người nghe lời kêu xin của người bị áp bức” (c. 16). Không biết bao nhiêu lần, thậm chí trong Giáo hội, những tiếng nói của người nghèo không được lắng nghe và có thể bị chế giễu vì chúng không phù hợp. Chúng ta hãy xin ơn có khả năng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo: đây là tiếng kêu của hy vọng của Giáo hội. Tiếng kêu của người nghèo là tiếng kêu hy vọng của Giáo hội. Khi chúng ta lấy tiếng kêu của họ làm tiếng kêu của mình, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng lời cầu nguyện của chúng ta cũng sẽ vọng lên các tầng mây.
© Libreria Editrice Vatican
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/10/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét