Đức Gioan Phaolô II chào cậu bé này và điều đó đã thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi
Gentileza don Francesco Chiarini
19 tháng Năm, 2020
Cha là một trong những ơn gọi của Đức Gioan Phaolô II, được ghi dấu bởi Thiên Chúa qua sự ảnh hưởng của vị giáo hoàng người Ba Lan.
Cha Francesco Chiarini, 39 tuổi, một linh mục của Neocatechumenal Way trong Giáo phận Fermo của Ý, tin rằng ơn gọi của cha có liên quan đến một sự gặp gỡ bất ngờ cha có được lúc còn là cậu bé 8 tuổi. Đức Gioan Phaolô II đến thăm thị trấn quê nhà của cậu Chiarini ngày 30 tháng Mười Hai năm 1988. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi đó 67 tuổi, từ trời đáp xuống — theo đúng nghĩa đen: ngài bước xuống từ một máy bay trực thăng, mặc áo choàng đỏ. Một đám đông hân hoan chào đón chuyến tông du của ngài. Ông Kiko Argüello, khi đó 48 tuổi là một trong những nhà sáng lập Neocatechumenal Way, tháp tùng Đức Thánh Cha đến cổng Trung tâm Rao truyền Phúc âm Quốc tế của Porto San Giorgio, nằm trong vùng Marche thuộc trung Ý.
Trong đám đông, một cậu bé người Ý cầm lá cờ nhỏ của Ý cùng với em trai chạy ra xem Đấng Kế vị Thánh Phêrô. Hai cậu bé bị hàng rào sắt ngăn lại. Có vẻ như không thể nào đến nhìn đức giáo hoàng thật gần, nhưng vị thánh nhân tương lai chú ý đặc biệt đến cậu anh; ngài dừng chân trước mặt cậu bé với đôi mắt sáng đang mỉm cười, cậu gần như đang đu bám vào hàng rào đó.
“Hai chúng tôi được cho qua hàng rào,” Cha Chiarini kể với Aleteia. “Đức Giáo hoàng bước đến với tôi — tôi chẳng biết tại sao ngài lại không làm như vậy với em trai tôi đang đứng bên cạnh — và ngài vỗ vỗ vào má tôi, gần giống như cái vỗ nhẹ thân mật. Tôi vẫn còn nhớ mùi hương của ngài.”
Cha Chiarini hiện giờ là một linh mục trẻ, được truyền chức năm 2010 vào Chúa nhật thứ Hai Phục sinh, Lễ Lòng Chúa Thương xót, một lễ được công bố 10 năm trước bởi Đức Gioan Phaolô II.
Cuộc gặp gỡ đó là một khoảnh khắc đặc biệt. Cậu bé cảm thấy có gì đó trong lòng không thể diễn tả được. Cha nói: “Một vài ngày sau, vị linh mục xứ của tôi là Cha Enrico, người mà anh nhìn thấy trong bức ảnh, hỏi tất cả trẻ em trong lớp chuẩn bị Rước Lễ lần đầu rằng chúng tôi muốn làm gì khi lớn lên. Tôi trả lời không chần chừ: ‘một linh mục!’”
Cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày lễ Thánh gia thất Nadarét năm 1988 khi Đức Gioan Phaolô II cử hành Thánh lễ và gửi những gia đình đầu tiên của Trung tâm Quốc tế đó đi như là những nhà thừa sai. Sau đó, họ đi đến các vùng ngoại vi khiêm tốn nhất ở Châu Á và Châu Phi, thành lập các nhóm truyền giáo nhỏ được đồng hành bởi một linh mục.
Những ơn gọi Ngày Giới trẻ Thế giới
Vào tháng Tám năm 1997, Cha Chiarini khi đó 17 tuổi, cha cùng với một nhóm bạn trẻ của Neocatechumenal Way tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ (WYD) ở Paris. Người thanh niên một lần nữa lại cân nhắc đến việc trở thành một linh mục khi anh nghe thấy những lời của Đức Gioan Phaolô II: “Hãy đi theo Chúa Giêsu! Đừng e sợ ‘đời sống mới’ mà Ngài bạn tặng cho các con.”
Cha Chiarini nói: “Đức Gioan Phaolô II vô cùng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, và ngài là một chứng nhân cầu nguyện. Điều này mang đến cho ngài sự tự do lớn lao trong mọi điều: nói những điều với người trẻ tuổi và trở thành một thanh niên với những người trẻ.”
Ngày nay, vị linh mục người Ý có bằng tiến sĩ Thần học Kinh Thánh tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Roma, và là giáo sư tại Viện Thần học Marche ở Fermo, Ý, từ năm 2009.
Yêu thương, đau khổ và thập giá
Quả thật, triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II có ảnh hưởng đối với đời sống của hàng triệu người trẻ. Vào ngày Chúa nhật Lễ Lá năm 1986, Ngày Giới trẻ Thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Roma. Nó đã góp phần làm cho Đức Karol Wojtyła nhận được biệt danh là “Giáo hoàng của giới trẻ”, và “Giáo hoàng của những ơn gọi” — ơn gọi gia đình và ơn gọi trở thành những người nam nữ tận hiến.
Cha Chiarini nhìn thấy một tín hiệu hé lộ khác về ơn gọi của mình qua việc cha viết luận án cho bằng cử nhân Thần học về các tác phẩm của một tu sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 16, Thánh Gioan Thánh Giá, được xem là đỉnh cao của thần bí thực nghiệm Kitô giáo. Các tác phẩm của thánh nhân (chủ yếu là thơ) đã truyền cảm hứng cho cha Chiarini nghiên cứu về ân sủng nhưng không của tình yêu của Đức Kitô.
Thật ra, khi đó Cha Chiarini vẫn không biết rằng Đức Gioan Phaolô II đã lấy bằng tiến sĩ Thần học (1948) với một luận án về chủ điểm đức tin theo các tác phẩm không của ai khác mà chính là Thánh Gioan Thánh Giá. Hơn nữa, nhiều năm trước, sau cái chết đau buồn của thân phụ, Đức Gioan Phaolô II nhận thấy rằng việc đọc thi ca thánh đã mang lại cho ngài sự an ủi, đồng thời nhận thức về ơn gọi của ngài phát triển qua lòng ngưỡng mộ sự hy sinh của các linh mục Công giáo trong những trại tập trung của Đức Quốc xã.
Cha Chiarini coi sự mật thiết của đời sống cầu nguyện của mình là một mối liên kết tâm linh khác với Đức Wojtyła là người đã đặt mọi quyết định trong tay Thiên Chúa. Mối ràng buộc của cha với Đức Gioan Phaolô II cũng là mối liên kết với chính thân phụ của cha, là người đã chết trước đó một thời gian và là người rất sùng kính vị thánh người Ba Lan. Thân phụ của Cha Chiarini cầu nguyện với Thánh Gioan Phaolô II, khẩn xin nhờ sự can thiệp của ngài, Chúa sẽ bảo vệ gia đình ông, giúp cho những người trẻ mà ông giảng dạy giáo lý và ban cho ông sức khỏe. Thông điệp của Đức Giáo hoàng Wojtyła đã làm vững mạnh sự hiệp nhất gia đình Cha Chiarini.
Đức Gioan Phaolô II: một nguồn cảm hứng
“Chúa giúp tôi sống ơn gọi. Càng bước đi trên con đường của người linh mục, tôi càng cảm nhận được sự từ bỏ mình (kenosis), và tôi càng tin tưởng hoàn toàn vào tình yêu của Người, từ đó tăng thêm khả năng của tôi để phục vụ và ở giữa những người trẻ. Đức Gioan Phaolô II yêu mến Chúa Kitô, vì vậy đám đông đi theo ngài. Tôi cảm nhận một ‘tình yêu nhưng không’, mà ‘tôi không xứng đáng được nhận,’ nhưng mỗi ngày, Chúa đến tìm tôi, mặc dù tôi chẳng là gì ngoài một linh mục nghèo. Trong khi tôi tự do, tôi cảm thấy được Chúa Kitô chọn và an ủi.”
Cha Chiarini nói rằng cha nhận được gấp trăm lần so với những gì cha đã cho đi. Như một ví dụ cho ân huệ của Chúa hoạt động qua cha, cha kể cho chúng tôi về việc cha đã tham gia một giải vô địch bóng đá nghiệp dư quốc tế mà cha chơi khi đang theo học tại một chủng viện ở Đài Loan. Trong trận đấu vòng loại cuối cùng, cha đã ghi bàn thắng quyết định, và ngay lập tức thủ môn của đội đối phương, trong cơn thịnh nộ mù quáng do thất bại, đã tấn công và đánh gãy chân Cha Chiarini (tibia and fibula).
Trước khi rời sân, mặc dù đau đớn, Cha Chiarini cảm thấy cần phải làm một cử chỉ mà cha nói nó không xuất phát từ cha, mà là từ Chúa. Trước khi lên cáng và được đưa đến nhà thương, nơi sau đó cha sẽ trải qua ca phẫu thuật, cha nắm lấy tay chàng thanh niên người Canada đã làm cha bị thương, nhìn thẳng vào mắt anh và nói: “Tôi tha thứ cho bạn!”
Cha Chiarini nói: “Người thanh niên kia là một người vô thần, nhưng anh ta đến thăm tôi trong nhà thương. Mặc dù anh ấy không biết tìm tôi ở đâu, nhưng anh ta đã làm mọi việc có thể để nói chuyện với tôi trước khi cuộc phẫu thuật. Có lẽ Chúa đã đặt lời tha thứ trên miệng tôi để cứu chàng trai trẻ này.”
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/5/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét