Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ban điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP)
13-06-2016 Vatican Radio
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha hôm thứ Hai lần đầu tiên đến thăm Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc chống lại nạn đói kém. Đây là chuyến thăm đầu tiên của 1 vị Giáo hoàng đến Chương trình Lương thực Thế giới, và diễn ra trong suốt năm hành động để tạo ra bước ngoặt cho Những mục tiêu Phát triển Bền vững. 17 mục tiêu này đã được tất cả các Chính phủ Thành viên Liên hiệp quốc đồng ý và nhắm mục tiêu sử lý những nguyên nhân gốc rễ của nạn nghèo khổ đói kém. Trọng tâm của công việc của WFP là cố gắng đạt mục tiêu Không có Đói kém (Zero Hunger) vào năm 2030. Trong những đánh giá được chuẩn bị cho sự kiện này và được đọc hôm sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha nói rằng “chủ nghĩa xã hội tiêu dùng mà các xã hội chúng ta đang ngụp lặn vào đã làm cho chúng ta quen với sự thừa mứa và sự lãng phí thực phẩm hàng ngày.” Ngài cũng lưu ý rằng dần dần chúng ta “đang trở nên miễn dịch trước những thảm cảnh của con người, xem những thảm cảnh đó như là cái gì đó là “tự nhiên”, và ngài thêm, “chúng ta cần phải “phá vỡ cái tự nhiên” của sự nghèo đói cùng cực.”
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh của bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ban điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới
Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico
Trình bày trước Ban Điều Hành của Chương trình Lương thực Thế giới
Roma, 13 tháng 6, 2016
Tôi xin cảm ơn bà Giám đốc điều hành Ertharin Cousin về lời mời của bà đến khai mạc buổi họp thường niên năm 2016 của Ban điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới, và lời chào đón thân tình của bà. Tôi xin chào mừng ngài Đại sứ Stephanie Hochstetter Skinner-Klée, Chủ tịch của buổi họp quan trọng này giữa những chính phủ khác nhau được kêu gọi để đưa ra những sáng kiến cụ thể trong cuộc chiến chống lại sự đói kém. Trong lời chào nồng hậu nhất của tôi gửi tới quý vị, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn trước rất nhiều nỗ lực và những cam kết của quý vị để phục vụ cho một nguyên nhân đang thách thức tất cả chúng ta: chống lại sự đói nghèo mà có quá nhiều anh chị em chúng ta đang gánh chịu.
Một vài tháng trước, tôi đã cầu nguyện trước Bức tường Tưởng niệm, một chứng thực cho sự hy sinh của các thành viên của tổ chức này đã cho đi sự sống của mình để, trong những hoàn cảnh khó khăn và phức tạp, nhiều người khác không còn bị đói. Cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ về họ là tiếp tục chiến đấu cho mục tiêu vĩ đại “không có đói kém”. Những cái tên đó, đã được lưu giữ tại cổng vào của tòa nhà này, là một dấu chỉ hùng hồn cho thấy WFP, vượt ra ngoài phạm vi của một tổ chức ẩn danh và ít người biết đến, trở thành một phương tiện hữu hiệu cho cộng đồng quốc tế thực hiện được những hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Uy tín của một tổ chức không dựa trên những tuyên bố của nó, nhưng dựa trên những công việc được hoàn thành của mọi thành viên trong tổ chức.
Chúng ta sống trong một thế giới có tương giao với nhau thể hiện qua những truyền thông giao tiếp ngay lập tức. Những khoảng cách địa lý bị co rút lại. Chúng ta có thể ngay lập tức biết được chuyện gì đang xảy ra ở phía bên kia hành tinh. Công nghệ truyền thông, qua việc mang đến cho chúng ta sự đối diện với quá nhiều những hoàn cảnh bi đát, có thể giúp, và đã giúp, để vận động cho những hành động hồi đáp thể hiện lòng trắc ẩn và tình hiệp nhất. Thật là nghịch lý, sự gần gũi rõ ràng như vậy do đường truyền thông tin tốc độ cao dường như hàng ngày đang bị phá vỡ. Việc cung cấp quá nhiều thông tin đang dần dần dẫn đến tình trạng “tự nhiên hóa” sự đói khổ. Nói một cách khác, dần dần chúng ta đang tor73 nên miễn dịch trước những thảm kịch của con người, xem những thảm kịch đó như cái gì đó là “tự nhiên.” Chúng ta bị oanh tạc bởi quá nhiều hình ảnh mà chúng ta thấy đau đớn, nhưng lại không đụng chạm đến nó; chúng ta nghe thấy tiếng khóc, nhưng lại không ủi an được; chúng ta nhìn thấy đói khát, nhưng không làm dịu cơn khát đó. Tất cả cuộc sống của những con người đó chỉ biến thành một câu chuyện cho bản tin. Trong khi các tiêu đề có thể thay đổi, nhưng nỗi đau, sự đói và khát vẫn còn đó; chúng không biến mất.
Khuynh hướng này – hay sự cám dỗ – đòi hỏi nhiều hơn nữa đối với chúng ta. Nó cũng làm cho chúng ta nhận ra rằng vai trò nòng cốt mà những tổ chức như của quý vị đây đóng góp cho bức tranh toàn cầu. Ngày nay chúng ta không thể đơn giản cảm thấy thỏa mãn với việc ý thức được những vấn đề của rất nhiều anh chị em chúng ta đang phải gánh chịu. Thực là không đủ nếu chỉ đưa ra được những suy tư rộng khắp hay góp phần vào những thảo luận vô tận, cứ lặp đi lặp lại những điều mà mọi người đều biết. Chúng ta cần phải “phá vỡ cái tự nhiên” của sự đói nghèo cùng cực, đừng nhìn thấy nó như là một con số thống kê nhưng nhìn nó là một sự thật. Tại sao? Vì nghèo khổ có một khuôn mặt của nó! Nó có khuôn mặt của một đứa trẻ; nó có khuôn mặt của một gia đình; nó có khuôn mặt của con người, trẻ và già. Nó có khuôn mặt của nạn thất nghiệp rộng khắp và thiếu những cơ hội. Nó có khuôn mặt của những tình trạng di cư bắt buộc, và của những ngôi nhà bị tàn phá, trống trơ.
Chúng ta không thể nào “tự nhiên hóa” sự thật rằng có quá nhiều người đang đói. Chúng ta không thể đơn giản nói rằng hoàn cảnh của họ là kết quả của số phận đen tối hay cho rằng chẳng có thể làm gì để thay đổi. Khi sự đói nghèo không còn khuôn mặt của nó, chúng ta có thể đầu hàng sự cám dỗ qua việc cứ thảo luận “nạn đói”, “lương thực” và “bạo lực” như là những khái niệm, mà không quan tâm đến những con người thật đang gõ cửa nhà chúng ta hôm nay. Không có những khuôn mặt và những câu chuyện, thì đời sống của con người trở thành những con số thống kê và chúng ta điều hành trong nguy cơ của tình trạng quan liêu hóa những nỗi đau của người khác. Bộ máy hành chính quan liêu lệ khệ với đống giấy tờ; lòng trắc ẩn quan tâm đến con người.
Ở đây tôi tin rằng chúng ta có nhiều việc phải làm. Ngoài những điều đã được thực hiện, chúng ta cần phải xử lý vấn đề “phá vỡ tính tự nhiên” và “phá vỡ sự quan liêu hóa” nạn đói nghèo của những anh chị em của chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải can thiệp vào trên nhiều mức độ và thang bậc khác nhau, tập trung vào con người thật là những người đang đói và đau khổ, đồng thời thu hút thêm thật nhiều sự nhiệt tình và triển vọng mà chúng ta cần có để giúp hoạt động.
1. “Phá vỡ tính tự nhiên” của nghèo đói
Trong chuyến viếng thăm của tôi đến FAO nhân dịp Hội nghị Quốc tế về Dinh Dưỡng Lần thứ Hai, tôi có nói đến một nghịc lý rằng, trong khi vẫn có đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng “không phải mọi người đều có thức ăn”, thậm chí chúng ta chứng kiến tận mắt “sự tiêu thụ thừa mứa, quá mức và việc sử dụng thực phẩm cho những mục tiêu khác” (Diễn văn trước Đại hội khoáng đại 20 tháng 11, 2014 [3])
Chúng ta cứ thẳng thắn với nhau. Tình trạng thiếu lương thực không phải là điều gì đó tự nhiên, nó là điều gì đó hiển nhiên hay hoặc đã rõ như ban ngày. Sự thật là ngày nay, bước vào thế kỷ XXI, có quá nhiều người gánh chịu nỗi khổ này chỉ vì tính ích kỷ và sự phân chia sai lệch những nguồn tài nguyên, chuyển sang hình thức “buôn bán” lương thực. Trái đất, dù bị tận dụng và bóc lột, vẫn tiếp tục sinh hoa lợi, cung cấp cho chúng ta nguồn lợi tốt nhất. Khuôn mặt của những người đang bị đói nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta đã phá hoại mục đích của trái đất. Chúng ta đã biến một quà tặng cho toàn thể nhân loại thành đặc quyền hưởng thụ của một nhóm thiểu số được chọn lựa. Chúng ta đã làm cho hoa lợi của trái đất – một quà tặng cho toàn thể nhân loại – biến thành những tiện nghi cho một nhóm ít người, từ đó sinh ra tình trạng loại trừ. Chủ nghĩa xã hội tiêu dùng mà các xã hội chúng ta đang ngụp lặn vào đã làm cho chúng ta quen với sự thừa mứa và sự lãng phí thực phẩm hàng ngày. Nhiều lúc chúng ta không còn có khả năng nhìn thấy được giá trị công bằng của lương thực, giá trị đó vượt xa khỏi ranh giới của những con số thuộc kinh tế đơn thuần. Chúng ta cần phải được nhắc nhở rằng thực phẩm đang bị vứt bỏ, theo một ý nghĩa khác thì nó đang bị đánh cắp, khỏi bàn ăn của những người nghèo và người đói. Sự thật này mời gọi chúng ta suy tư về vấn đề của lương thực thừa và lãng phí, và tìm ra được những cách để có thể phục vụ như là một phương tiện chuyên chở tình liên đới, bằng cách đánh giá vấn đề một cách thật nghiêm túc, và chia sẻ với những ai đang thiếu thốn nhất (Catechesis, 5 tháng 6, 2013).
2. “Phá vỡ tính quan liêu” đói khổ
Chúng ta cần phải thẳng thắn với nhau: một số vấn đề đã bị quan liêu hóa. Một số hoạt động đã bị “xếp xó.” Mọi người đều ý thức được sự bất ổn hiện tại của tình hình thế giới. Những cuộc chiến gần đây và những đe dọa chiến tranh đã chiếm vị trí cao trong đầu óc và trong những cuộc thảo luận của chúng ta. Do đó, với hàng loạt những cuộc xung đột hiện tại, sự vũ trang dường như đã đạt được tầm quan trọng chưa từng có của nó, hoàn toàn gạt bỏ những phương cách giải quyết các vấn đề trong tầm tay. Sự tiếp cận này đã cắm rễ quá sâu và đương nhiên là ngăn cản những nguồn cung cấp thực phẩm không thể phân phát được ở những vùng chiến sự, vi phạm vào những nguyên tắc căn bản nhất và lâu đời nhất và những điều lệ trong luật quốc tế.
Từ đó chúng ta lại thấy mình đang phải đối mặt với một nghịch lý vô cùng kỳ lạ. Trong khi những hình thức cứu trợ và những dự án phát triển bị gây trở ngại bởi những quyết định chính trị vô cùng khó hiểu can thiệp vào, bị bóp méo bởi những cái nhìn của hệ tư tưởng và những rào cản về phong tục không thể phá bỏ được, nhưng việc sản xuất vũ khí lại không hề gặp khó khăn gì. Nguồn gốc vũ khí từ đâu có chẳng có gì khác biệt; chúng được lưu hành một cách trâng tráo và hoàn toàn tự do ở nhiều nơi trên thế giới. Như vậy rõ ràng là, chiến tranh thì được cung cấp nguồn nuôi dưỡng, con người thì không. Trong một số trường hợp, sự đói kém được sử dụng như một vũ khí của chiến tranh. Những cái chết cứ được nhân cấp số lên vì số lượng người chết do đói và khát được cộng vào con số người thương vong trên chiến trường và nạn nhân dân sự của những cuộc xung đột và tấn công.
Chúng ta hoàn toàn ý thức được điều này, tuy nhiên chúng ta lại để cho lương tâm của mình bị tê dại đi. Chúng ta trở nên tê cứng. Cưỡng bức trở thành con đường hành động duy nhất của chúng ta, và quyền lực trở thành mục tiêu duy nhất của chúng ta. Những người nhỏ bé thấp kém nhất đang phải gánh chịu không chỉ những hậu quả của chiến tranh mà còn phải chứng kiến những chướng ngại vật được đặt trong cách thức trợ giúp. Vì lý do đó, việc vô cùng bức thiết là phải phá bỏ được tính quan liêu hóa mọi việc nó làm cho những dự án trợ giúp nhân đạo không được thực hiện. Trên quan điểm này, quý vị đóng một vai trò trọng yếu, vì chúng ta cần có những anh hùng thực sự đủ khả năng phá bỏ những vết mòn, xây dựng những cầu nối, mở ra những kênh hoạt động chính cho những khuôn mặt của người gánh chịu đau khổ. Những sáng kiến của cộng đồng quốc tế phải được hướng theo mục đích cuối cùng này.
Đây không phải là vấn đề làm hòa hợp những lợi ích nhắm duy trì mối liên kết với các ích lợi quốc gia thu hẹp hay những hình thức ích kỷ đáng xấu hổ. Quả thật, nó là vấn đề của các chính phủ thành viên biết tăng cường sự cam kết của họ hợp tác với Chương trình Lương thực Thế giới. Bằng cách này WFP không những sẽ có thể đáp ứng được những nhu cầu bức thiết, nhưng còn có thể thực hiện được những dự án quan trọng và thúc đẩy những chương trình phát triển lâu dài, theo những đòi hỏi của các chính quyền và phù hợp với những nhu cầu của các dân tộc.
Thông qua những hoạt động và sứ mạng của mình, Chương trình Lương thực Thế giới cho thấy khả năng có thể liên kết những kiến thức khoa học, những quyết định kỹ thuật và những hành động cụ thể với những nỗ lực nhắm tới việc quản lý những nguồn tài nguyên và phân phối chúng một cách công bằng, nghĩa là, trong sự tôn trọng nhu cầu của những người đón nhận và ý nguyện của những người cho tặng. Biện pháp này, ở những vùng nghèo và suy yếu nhất, có thể và phải bảo đảm một sự phát triển phù hợp những năng lực địa phương và dần dần loại bỏ sự lệ thuộc bên ngoài, đồng thời tìm cách giảm bớt sự mất mát thực phẩm và bảo đảm rằng không có điều gì bị lãng phí. Tóm lại, WFP là một ví dụ tuyệt vời về con đường mà một người có thể làm việc trên khắp thế giới để tiêu diệt nạn đói qua một cách phân phối tốt hơn những nguồn tài nguyên vật chất và con người, tăng cường sức mạnh của cộng đồng địa phương. Với ý nghĩa này, tôi xin thúc giục quý vị hãy tiếp bước. Đừng để mình bị mệt mỏi hay để các vấn đề cản bước quý vị. Hãy vững tin vào những điều quý vị đang làm và theo đuổi nó một cách hăng say. Đó là cách để cho những hạt giống của lòng tốt được phát triển và trổ sinh nhiều hoa trái.
Giáo hội Công giáo, trung tín với sứ vụ của mình, mong ước được cộng tác với mọi sáng kiến bênh vực và bảo vệ chân giá trị của con người, đặc biệt những người đang bị vi phạm quyền của họ. Trong việc thực hiện ưu tiên cấp thiết của chương trình “không có sự đói kém,” tôi xin cam đoan với quý vị sự hỗ trợ và động viên toàn diện của chúng tôi trong những nỗ lực thực hiện.
“Tôi đang đói và bạn cho tôi thức ăn; tôi đang khát và bạn cho tôi thức uống.” Những lời này thể hiện một trong những chân lý của Ki-tô giáo. Những lời này có thể đóng vai trò là nguyên tắc vàng cho các dân tộc của chúng ta thoát khỏi những giáo điều và quy phạm. Một dân tộc thể hiện được tương lai của mình bằng khả năng biết hồi đáp trước sự đói khát của anh chị em của mình. Trong khả năng vươn tới để trợ giúp những người đói khát, chúng ta có thể đo được nhịp đập của lòng nhân đạo của chúng ta.Vì lý do này, tôi mong ước rằng cuộc chiến tiêu diệt nạn đói khát của anh chị em của chúng ta, và cùng với anh chị em của chúng ta, sẽ tiếp tục thử thách chúng ta tìm ra được những giải pháp sáng tạo để thay đổi và chuyển đổi. Nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc lành cho công việc đã trao phó trên đôi tay quý vị. Xin cảm ơn.
[Nguồn: news.va]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/06/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét