Một người tị nạn Syria ẵm đứa con của bà trong một tấm chăn giữ nhiệt khi những người tị nạn và di cư trên một chiếc thuyền quá đông cập bến đảo Lesbos, Hy lạp năm 2015. CNEWA đã đóng góp $150 triệu cho Iraq và Syria trong năm 2015 và đứng thứ 2 về trợ giúp sau Liên Hiệp quốc.CNS photo/Courtesy of Alkis Konstantinidis, Reuters
Các đoàn thể Công giáo đứng thứ hai chỉ sau Liên Hiệp Quốc trong việc cung cấp cứu trợ cho Iraq và Syria
27 tháng 6, 2016
OTTAWA – Hiệp hội Công tác Xã hội Công giáo vùng Cận đông (CNEWA), Carl Hetu, giám đốc quốc gia Canada, báo cáo rằng các đoàn thể cứu trợ Công giáo đã đóng góp $150 triệu trong năm 2015 để giúp những người ở Iraq và Syria.
Ông Hetu nói, “Điều này thật đáng kinh ngạc.” Ông đại diện cho CNEWA đến tham dự Buổi họp mặt Những Cơ quan Cứu trợ Các Giáo hội Đông phương ở Vatican ngày 14-16 tháng 6.
Đây là một mức độ cứu trợ cao nhất trong số tất cả các nhóm cứu trợ chuyển đến Trung Đông và chỉ đứng sau Liên Hiệp Quốc, ông Hetu nói. Sự hồi đáp của Công giáo có tổ chức, có kế hoạch và hoạt động hợp tác và thông qua các nhà thờ trong vùng để giúp đỡ “tất cả mọi người ở Trung Đông,” không riêng người Ki-tô hữu.
Cũng có mặt tại buổi họp mặt là các tổ chức thuộc Hiệp hội Caritas Quốc tế, hội Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn và các đại sứ đại diện của Jordan và Iraq, Lebanon và Ukraine. Buổi họp mặt gặp gỡ với Phái đoàn các Giáo hội Đông phương và tiếp theo sau là gặp gỡ trong buổi triều yết với Đức Thánh Cha Phanxico.
Ông Hetu nói, một trong những quan tâm lớn cho Trung Đông là làm sao duy trì sự hiện diện Ki-tô giáo ở Iraq và Syria
“Từ một góc nhỏ của thế giới, thật khó có thể nhìn được toàn cảnh,” ông Hetu nói. Buổi họp mặt là một cơ hội để lắng nghe những người khác cũng đang hoạt động trong công tác cứu trợ. “Nó làm cho bạn có cảm giác giống như bạn là một phần trong một cái gì đó lớn hơn, một phần trong tiếng hồi đáp quan trọng cho cuộc khủng hoảng này.”
Các buổi họp cũng được nghe báo cáo về những gì Đức Thánh Cha đang làm trên tầm mức quốc tế, thông qua Liên Hiệp Quốc và ở Geneva, để cổ vũ cho hòa bình. Tổng Giám mục Richard Gallagher, Quốc vụ khanh Vatican “ngồi ở những bàn hội nghị khác để thúc đẩy hòa bình,” và tìm hiểu xem người dân ở những vùng bị chiến tranh xé nát có được cung cấp thực phẩm không, và việc ngừng bắn ở Syria có cho phép người dân nhận được cứu trợ không, ông Hetu nói.
“Thay mặt Đức Thánh Cha ngài kêu gọi chúng ta tiếp tục hỗ trợ tất cả những người dân là nạn nhân của chiến tranh ở Syria, Iraq, Li-băng và Jordan,” ông nói. “Nó vẫn còn rất thảm khốc. Không có ai trong buổi nói chuyện có thể nói với chúng tôi rằng hòa bình sẽ diễn ra vào ngày mai. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên hoạt động vì hòa bình nữa. Rất khó tiến đến được hòa bình, vì thế chúng ta phải nhân đôi nỗ lực.”
Ông Hetu nói, “Tin tốt lành là cuộc ngừng bắn ở Syria. Ngừng bắn có nghĩa là người dân bắt đầu nếm được một chút hương vị của hòa bình. Họ sẽ được cung cấp lương thực; họ sẽ không phải nghe thấy những tiếng nã pháo và bom, và điều đó có thể là khởi đầu cho một đường xoắn ốc tiến đến hòa bình, nhưng một hành động ngừng bắn vẫn chưa đủ.”
Những người đang hoạt động vì hòa bình trong vùng đang chuẩn bị làm việc với chính phủ Assad, ông Hetu nói.
“Năm năm vừa qua đã cho chúng tôi và cho thế giới thấy việc các bạn có thực sự muốn hòa bình hay không, bạn phải làm việc với những người ở đó,” ông Hetu nói. Việc thay thế cho lỗ hổng chính trị như ở Lybia là “rất, rất đáng sợ.”
“Làm việc với Assad không có nghĩa là bạn thừa nhận Assad và chính quyền Syria,” ông nói. “Nó chỉ có nghĩa là bạn đang làm việc vì hòa bình và một giải pháp với Assad. Đó chỉ là điểm khởi đầu chứ không phải kết thúc.”
Buổi họp mặt cũng được nghe báo cáo về xung đột ở Ukraina và Ấn độ.
“Mặc dù không ai nói về những cái chết hàng ngày ở đó trong đất nước Ukraina,” ông Hetu nói. “Cuộc xung đột cũng chưa có thể giải quyết được. Nền kinh tế của Ukraina về căn bản đang bị xuống dốc trầm trọng và những người không là nạn nhân trực tiếp của xung đột bây giờ đang chịu thiệt hại do hậu quả của nó.”
Có những người bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc xung đột, đang phải di tản và tị nạn, và thậm chí một nhóm người nhiều hơn nữa đang chịu đựng sự sụp đổ kinh tế, ông Hetu nói. “Các gia đình bây giờ đang phải chống chọi để tìm thực phẩm, trợ giúp y tế và nhà ở.”
Buổi họp cũng nghe báo cáo của một giám mục giáo hội Công giáo đông phương Malabar Syria và một giám mục giáo hội Công giáo đông phương Syro-Malankar về sự bách hại người Ki-tô hữu do những người cuồng tín Hindu ở những vùng trung tâm và miền bắc Ấn độ, ông Hetu nói. Những nhà thờ Công giáo này đã đưa tay vươn đến với những người ở các vùng trong Ấn độ chưa được rao giảng tin mừng, đến những nhóm bộ lạc và những tầng lớp thấp hèn nhất trong hệ thống đẳng cấp của đạo Hindu.
“Nhưng những người và các nhóm Hindu cuồng tín đang cố gắng ngăn cản sự vươn tới đó.”
[Nguồn: catholicregister]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/07/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét