Lời cầu nguyện đáng kinh ngạc của một bạn trẻ Iraq: 'Xin thương xót ISIS'
Christina Shebo cầm một cỗ tràng hạt và một khăn quàng quốc kỳ Iraq. Ảnh: Elise Harris/CNA.
Krakow, Ba lan, 7 tháng 8, 2016 / 04:02 chiều (CNA/EWTN News).- (Ghi chú của BTV: Bài này có những miêu tả bạo lực. Độc giả cần cẩn trọng.)
Christina Shebo sinh dưới một gốc cây trong một trại tị nạn sau khi gia đình phải di tản tránh bom ở thành phố quê nhà của họ ở Iraq năm 1991.
Nhiều người họ hàng thân thuộc của cô đã bị Nhà nước Hồi giáo giết – có một người bị chặt ra từng miếng rồi được giao từng mảng cho gia đình – và một số phải tiếp tục chiến đấu cho sự sống sau những cuộc tấn công man rợ.
Tuy nhiên, thay vì chất chứa một lòng căm thù vì sự bách hại gia đình và dân tộc của cô, cô đã quyết định cầu nguyện cho ISIS và sự sám hối của họ.
“Tôi đã xin Chúa Giê-su ban ơn tha thứ mỗi khi tôi đọc kinh Lòng Chúa Thương xót. Nhưng thay vì cầu nguyện ‘Cậy nhờ vào Cuộc Thương khó của Người, xin thương xót chúng con và toàn thế giới,’ tôi cầu ‘xin thương xót ISIS và toàn thế giới.’”
Đây là những gì Shebo nói, cô 25 tuổi và đã quyết định cầu nguyện như là một phương tiện giúp học cách tha thứ những người khủng bố đang tàn sát dân tộc cô.
Cô đã đưa ra chứng tá của cô cho các bạn trẻ đồng trang lứa hôm 29 tháng 7 trong một phần của phiên giảng giáo lý cho Ngày giới trẻ Thế giới ở Krakow, kể chi tiết những biến cố đau thương đã làm gia đình của cô phải di tản khỏi Iraq ngay lần đầu tiên, cũng như những sự kinh hoàng đã diễn ra sau sự nổi dậy của ISIS năm 2014.
Trong một phỏng vấn với CNA sau câu chuyện chứng tá, Shebo giải thích rằng quyết định để cô nói chuyện tại WYD diễn ra vào phút cuối, và cô được yêu cầu nói về sự tha thứ vào trong bài nói chuyện của cô.
Tuy nhiên, khi nghe lời yêu cầu này, ý nghĩ đầu tiên của Sabo là “tôi không tha thứ cho ISIS.”
“Tôi đã phải chiến đấu với nó, vì tôi vẫn chưa đạt đến điều đó. Nó là sự nhắc nhớ hàng ngày,” cô giải thích rằng cô vẫn nuôi lòng phẫn nộ và căm thù, vì thế con đường tha thứ là một công việc khó khăn mỗi ngày.
Phải thừa nhận, sau khi nghe câu chuyện của Shebo, rất dễ hiểu được những cảm xúc này có từ đâu.
“Tôi là một đứa trẻ do phép lạ mà có. Tôi thực sự là vậy,” cô giải thích rằng mẹ của cô có thai 8 tháng khi gia đình cô đưa ra quyết định khó khăn là rời bỏ Iraq năm 1991 do đe dọa ném bom vào thành phố quê nhà của cô trong cuộc chiến Vùng Vịnh.
Họ nằm trong số hàng ngàn người quyết định làm chuyến đi bộ đầy nguy hiểm vượt qua những ngọn núi dốc thẳng đứng để đi vào Thổ nhĩ kỳ, với bom đạn bao quanh.
Cô nói đã có bao nhiêu người chết trên đường đi, trong đó có người em họ 8 tuổi của cô tên Rita. Shebo nói rằng khi Rita chết, chú của cô “không có lòng dạ” nào chôn bé ở trên các ngọn núi, nên ông vác xác của bé suốt con đường qua Thổ nhĩ kỳ.
Khi gia đình vừa vượt qua biên giới, họ chôn bé Rita dưới 1 gốc cây trong trại. Rồi, “chuyện thậm chí còn điên hơn nữa,” Shebo giải thích rằng chỉ một tháng sau mẹ cô vỡ ối gần ngay gốc cây đó, “và mẹ tôi đã sinh tôi ngay tại đó.”
Shebo và gia đình cô tìm được nơi ở của tôn giáo ở Detroit 2 năm sau, nhưng nhiều người bà con của họ vẫn đang sống ở Iraq nơi bạo lực vẫn chưa kết thúc, mà lại còn đạt đến mức khủng khiếp hơn nhiều với sự lan rộng của Nhà nước Hồi giáo.
Thế giới bạo lực nơi Shebo sinh ra “bị cho đầu thai trở lại” vào ngày 20 tháng 6, 2014, khi chiến binh ISIS dội bão vào Mosul, hoặc tàn sát người Ki-tô hữu hoặc hành hạ người Hồi giáo không chịu theo hệ tư tưởng cực đoan của họ, bắt họ phải trả thuế cao, hoặc di tản khỏi thành phố.
Shebo nói rằng trong suốt cuộc tấn công đó, một trong những người bà con của cô bị “giết một cách dã man … Anh ấy bị chặt ra thành 12 khúc” và được giao lại cho gia đình trong một cái bao tải.
“Hãy tưởng tượng người bạn yêu dấu được giao lại cho bạn bị chặt thành từng khúc đựng trong một cái bao như vậy. Thật là quỷ dữ. Vì thế khi tôi nghe thấy những câu chuyện như vậy, làm sao tôi không tức giận được?” cô nói.
Một trong những người họ hàng của cô cũng bị giết trong một loạt đánh bom ở Baghdad, nó đã cướp đi mạng sống của khoảng 400 người chỉ trong tháng 7. Mẹ của cô vẫn còn đang ở trong bệnh viện “chống chọi với sự sống.”
Tuy nhiên, cho dù khó khăn bao nhiêu khi nghĩ về sự tha thứ, Shebo nói rằng trong đời cô bất cứ khi nào cô cảm thấy đau đớn, tức giận, sụp đổ tinh thần hay bế tắc, “Tôi đến nơi sùng kính. Tôi mang nó đến cho Người.”
Qua những lần tôn kính như vậy mà ý nghĩ cầu nguyện cho ISIS đã đến trong đầu cô, cô nói, và giải thích rằng một ngày kia cô đọc đi đọc lại kinh Lòng Chúa thương xót, “nó là một điều gì đó chợt đi vào tâm trí tôi: hãy cầu nguyện cho họ. Áp dụng nó như một cách để nghĩ về họ, nhưng là nghĩ về họ theo một cách tích cực hơn.”
Mặc dù ban đầu cô không có ý đó, Shebo nói rằng câu tục ngữ “cứ ép mình làm cho đến khi mình làm được” cuối cùng cũng có hiệu quả, và dần dần cô đã có thể mở tâm hồn để cho nỗi căm phẫn thoát ra.
“Lòng căm hận chỉ làm cho bạn tức tối và cay đắng, và chẳng có điều gì tốt đẹp xuất phát từ đó cả. Nhưng khi bạn lấy nó và chuyển thành lòng thương xót và tha thứ, và bạn sẽ thấy kết quả của nó thật tuyệt vời, ngay cả cho chính bạn, cùng cho nhiều người khác nữa, bạn không thể bỏ không làm chuyện đó.”
Shebo nói cha của cô đang là phó tế tại một giáo xứ theo nghi thức Can-đê ở Detroit, và khi gia đình cô leo qua các ngọn núi, chính cha cô là người giữ cho đức tin của mọi người mạnh mẽ.
“Khi họ đi họ cầu nguyện. Đó là tất cả những gì họ có. Họ ra đi không mang theo được thứ gì,” cô nói, và giải thích rằng cha của cô đã liên tục nhắc mọi người rằng “không sao đâu. Ngay cả với tất cả những chuyện này, chúng ta vẫn có Người ở cùng chúng ta. Và chúng ta cần phải bám chặt vào điều đó.”
Điều này, cô nói, “đã giúp họ vượt qua được nó, và đó cũng là cách chúng tôi sẽ tiếp tục vượt qua.”
Tuy nhiên, không phải luôn luôn lúc nào cũng dễ dàng. Shebo nói trong khi cô “được phúc lành” sống với gia đình, sống ở Detroit và đi học như “một người bình thường,” cô cũng cảm thấy một thật có lỗi.
“Không còn ai trong họ hàng của tôi sống sót. Có một cảm giác có lỗi khi tôi sống sót mà họ thì không,” cô giải thích rằng cô cũng cảm thấy một mối liên hệ rất chặt với người Ki-tô hữu ở Iraq, và rất muốn quay trở về, nhưng không thể vì những cảnh báo về tình hình hiện tại.
Khi được hỏi tại sao cô cảm thấy xấu hổ vì không thể quay trở lại, Shebo nói rằng vì những câu chuyện của tất cả những người tị nạn gần đây chạy thoát khỏi Iraq và Syria “đều giống như chuyện của tôi.”
Cô chỉ vào tấm ảnh của Aylan Al-Kurdi, 3 tuổi, vào tháng 9 năm 2015 đã mô tả hiện thực của nhiều người tị nạn. Tấm ảnh đã lấy được trái tim và lương tâm của nhiều người trên toàn thế giới, cho thấy thân thể bé xíu của bé Al-Kurdi dạt vào bờ biển Thổ nhĩ kỳ sau khi bị chết đuối cùng với mẹ và anh trai trong khi từ Bodrum cố gắng tiến đến một hòn đảo Kos ở gần đó của Hy lạp, con đường ngắn nhất của họ đi vào Liên minh Châu âu.
“Khi tôi nhìn thấy tấm ảnh đó, tôi hoàn toàn gục ngã … tôi không nhìn thấy đứa bé đó, tôi nhìn thấy chính tôi,” cô giải thích rằng sau khi cô đã trải qua mọi thứ, cô liên hệ “một cách sống động” với những gì gia đình cô đã trải qua.
“Có hàng ngàn người Ki-tô hữu Iraq ở miền bắc Erbil đang sống trong hoàn cảnh giống như của tôi trước đây. Thật khó mà bỏ qua được cảm giác có mối dây liên kết đó, cảm giác đó chính là tôi,” cô nói thêm rằng cũng có một chút cảm giác “tôi được sống sót, còn em bé kia đã chết.”
Shebo nói cô muốn đưa “tất cả những điều tốt lành” cô nhận được từ Thiên Chúa và đức tin của cô” và chuyển chúng về cho dân tộc của cô” đang trong khó khăn, cũng như những người vẫn đang sống ở Iraq.
Thực ra, cô đã bắt tay vào làm việc, và đã khởi sự hoạt động trong việc can thiệp vào cuộc khủng hoảng và những tình nguyện viên trên một hệ thống trợ giúp ngăn cản tự tử. Cô cũng đã bắt đầu một tổ chức có tên “Quỹ Shlama” cùng với một nhóm người khác tìm ra những nhu cầu cụ thể của những người ở Iraq và quyên góp tiền giúp vốn cho những dự án đặc biệt trên mặt đất.
Cô giải thích rằng trong một thời gian dài cô cảm thấy “xấu hổ” vì câu chuyện của cô, và không muốn kể cho ai nghe về hoàn cảnh ra đời của cô, nhưng chính ba mẹ cô đã kiên quyết “đây mới chính là con người của con, và con sẽ phải giữ nó sống mãi.”
“Thật khó làm được điều đó trong thế giới vật chất của Mỹ hoặc rất nhiều những quốc gia khác,” Shebo nói và lưu ý rằng ở Iraq “điều đó rất dễ” vì nhiều người có hoàn cảnh tương tự, nhưng nhiều người cô quen biết ở Mỹ, trong đó có cháu trai và cháu gái của cô, đang phải vất vả chiến đấu giữ lấy di sản của họ.
Ngay cả việc giữ ngôn ngữ A-ram theo nghi thức Can-đê – một ngôn ngữ cổ có niên đại quay ngược lài thời Chúa Ki-tô – là cả một thử thách.
Tiếng A-ram “là ngôn ngữ chính Chúa Giê-su Ki-tô nói,” cô giải thích rằng viễn cảnh về một Trung Đông không có Ki-tô hữu là “một thảm kịch, vì đó là quê hương của Chúa Giê-su.”
“Điều đó không được xảy ra. Tôi không muốn nhìn thấy điều đó xảy ra. Tôi muốn sống trong thế giới đó,” cô nói và cảnh báo rằng “nếu chúng ta không làm điều gì đó về nó, thì thật bất hạnh vì đó sẽ là hiện thực của chúng ta.”
Dù cô muốn Ki-tô giáo ở Iraq và Trung đông vẫn tiếp tục tồn tại, Shebo thừa nhận rằng sự bất ổn của tình hình hiện nay rất khó có thể nói được, và thậm chí cô và gia đình cô đã phải rất khó khăn khi chấp nhận quyết định của những người họ hàng của họ quyết định ở lại.
Cô nói rằng sau vụ đánh bom Baghdad cướp đi mạng sống của người anh em họ của cô, gia đình cô đã gọi điện thoại “và hét lên với họ: ‘Tại sao ở lại? Sao không đi qua Erbil? Tại sao vẫn còn ở đó? Bỏ đi đi! Con trai của cô đã chết và cô thì đang ở trong bệnh viện.’”
“Tôi không biết tôi sẽ có thể trở về trong một thế giới như trước đây hay không,” cô nói, nhưng cô cũng cho biết rằng cho dù lịch sử bạo lực và bách hại đẫm máu của Iraq “dân tộc của chúng tôi vẫn vững vàng.”
“Điều đó cho tôi hy vọng, và tôi có cảm giác rằng nếu chúng tôi cứ bám vào niềm hy vọng đó và bám vào niềm tin đó, rồi sẽ có một thế giới để tôi có thể trở về và nó sẽ vẫn tiếp tục.”
Shebo giải thích rằng những sự kiện như Ngày Giới trẻ Thế giới có thể như chất xúc tác cho những người muốn làm điều gì đó để giúp đỡ, nhờ sự có mặt của giới trẻ toàn cầu cũng như những sự kết nối người ta có thể xây dựng.
“Là cá nhân bạn sẽ cảm thấy vô cùng bất lực, nhưng khi bạn liên kết với nhiều người khác có cùng chí hướng và đam mê, Thiên Chúa sẽ tạo ra những điều kỳ diệu,” cô nói, và giải thích rằng qua WYD cô có thể gặp được những người cô đã giao lưu bằng thư từ ở Iraq, nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
Cô cũng đã gặp được nhóm 300 bạn trẻ thuộc nghi thức Can-đê đi từ Iraq đến Krakow trong dịp sự kiện 26-31 tháng 7, có một người từ thành phố quê nhà của cô.
Khi Shebo hỏi xin nhóm cho một cái gì đó là của Iraq, họ đưa cho cô một khăng quàng có quốc kỳ Iraq ở trên. Đáp lại, khi nhóm xin cô một cái gì đó của Mỹ, Shebo cho họ vòng đeo cổ và vòng đeo tay.
“Nó giống như một phúc lành” được đến WYD, cô nói, và giải thích rằng một người anh em họ cô chưa bao giờ được gặp cũng đã đến đó, và cô đã cố tìm thời gian để gặp anh.
“Thật tuyệt vời khi biết rằng những người khác đang lắng nghe và liên kết với câu chuyện,” cô nói. “Không có từ ngữ nào để diễn tả được, khi bạn cảm nhận được điều đó, vì nó từ Thiên Chúa mà đến. Chúng tôi thực sự là một thân thể trong Đức Ki-tô. Nó thật kỳ diệu, và tôi không thể nào diễn tả bằng lời.”
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/08/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét