Toàn văn họp báo của Đức Thánh Cha Phanxico trên chuyến bay trở về từ Bangladesh
Đức Thánh Cha trả lời họp báo trên chuyến bay giáo hoàng, 2 tháng 12, 2017. Credit: Ed Pentin, CNA/EWTN News
Thành Vatican, 2 tháng Mười Hai, 2017 / 06:15 chiều (CNA/EWTN News). - Trong cuộc nói chuyện dài 58 phút với các nhà báo trên chuyến bay về Roma từ Bangladesh hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói về người Rohingya của Miến điện, việc rao giảng phúc âm, vũ khí nguyên tử, và những chương trình tông du trong tương lai, và nhiều đề tài khác.
Dưới đây là văn bản ghi chép đầy đủ của CNA về cuộc họp báo trên phi cơ của Đức Thánh Cha:
PHẦN 1
******************************************
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Trước hết cảm ơn người. Cha đã chọn hai đất nước rất thú vị để đến thăm. Hai quốc gia khác nhau nhưng có một số điểm tương đồng, nghĩa là, trong mỗi quốc gia này có một Giáo hội nhỏ nhưng rất năng động, đầy tràn niềm vui, rất nhiều người trẻ và đầy tinh thần sẵn sàng phục vụ cho toàn xã hội. Chúng con thực sự đã nhìn thấy được rất nhiều, chúng con học được rất nhiều, nhưng chúng con cũng rất quan tâm đến những gì cha đã nhìn thấy và những gì cha đã học được.
ĐTC Phanxico: Chào (buổi tối) anh chị em, nếu chúng ta nghĩ đến chỗ này, và Chào (buổi chiều) anh chị em nếu chúng ta nghĩ đến Roma. Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc … như anh Greg nói, hai quốc gia rất thú vị, với những văn hóa rất truyền thống, sâu sắc, phong phú. Vì vậy, tôi nghĩ là công việc của anh chị em rất căng. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.
Greg Burke: Câu hỏi đầu tiên là của Sagrario Ruiz de Apodarca, từ Đài Phát thanh Quốc gia Tây Ban nha.
Sagrario Ruiz (Radio Nacional Espanola): Con chào (buổi tối) Đức Thánh Cha. Cảm ơn cha. Con xin đặt câu hỏi bằng tiếng Tây Ban nha với sự cho phép của các đồng nghiệp người Ý của con vì con vẫn chưa tự tin tiếng Ý của con, nhưng nếu cha trả lời bằng tiếng Ý cũng rất tuyệt. Sự khủng hoảng của người Rohingya đã làm nóng một phần của chuyến đi này. Hôm qua, cuối cùng họ đã được gọi bằng chính tên của họ ở Bangladesh. Cha có nghĩ là cha nên làm tương tự như vậy ở Miến điện không, gọi họ bằng cái tên này: Rohingya? Và, hôm qua cha cảm thấy thế nào khi cha xin sự tha thứ?
ĐTC Phanxico: Đó không phải là lần đầu. Tôi đã công khai gọi tên đó trong Quảng trường Thánh Phê-rô, trong một buổi Tiếp Kiến Chung, trong một lần đọc Kinh Truyền Tin … Người ta đã biết tôi nghĩ gì về vấn đề này và những gì tôi đã nói. Câu hỏi của anh rất thú vị vì nó gợi lại cho tôi để phản ánh về cách tôi tìm sự giao tiếp. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là thông điệp phải đến được và vì vậy tôi tìm cách nói ra các vấn đề, từng bước từng bước, và lắng nghe các câu trả lời để thông điệp có thể đến. Lấy một ví dụ trong cuộc sống hàng ngày: một thiếu niên nam, nữ trong thời kỳ khủng hoảng tuổi dậy thì có thể nói ra những gì chúng nghĩ nhưng lại đóng sập cửa vào trước mặt người khác … và thông điệp không đến được. Nó bị đóng lại. Tôi rất quan tâm đến việc làm sao để thông điệp đến được, vì thế tôi tìm ra rằng nếu trong bài diễn từ chính thức tôi nói ra từ ngữ đó là tôi đã đóng sầm cửa trước mặt người khác. Nhưng tôi mô tả nó, những tình hình, các quyền, không ai bị loại trừ, quyền công dân, trong những cuộc nói chuyện riêng tôi cho phép mình vượt xa hơn. Tôi rất, rất hài lòng với những buổi nói chuyện mà tôi đã có, vì sự thật là tôi chưa, chúng ta cứ nói theo cách này vậy, tôi chưa có cái thú đóng sầm cửa trước mặt người khác, tố cáo công khai, nhưng tôi quả thật rất hài lòng vì sự đối thoại và để cho người khác nói ra và nói thay cho phần tôi nói và bằng cách đó thông điệp đã đến, và tới lúc nó đến thì nó phải đến và nó tiếp tục và tiếp tục và kết thúc như ngày hôm qua với từ ngữ đó, như vậy đó. Và đây là điều rất quan trọng trong giao tiếp, vấn đề quan tâm là thông điệp phải đến được. Thường thường, là những sự tố cáo, cả trên truyền thông, nhưng tôi không muốn làm người khác khó chịu bằng một số thủ đoạn công kích khóa chặt cánh cửa đối thoại, khóa chặt cửa và thông điệp không đến được. Và anh chị em là những chuyên gia trong việc làm cho thông điệp đến được với mọi người, tôi cũng vậy, hiểu điều này rất rõ.
Rồi, hôm qua tôi có nghe được một vài điều … Việc này đã không có kế hoạch trước. Tôi có biết là tôi sẽ gặp người Rohingya. Tôi chỉ không biết là ở đâu và như thế nào, nhưng đây là điều kiện của chuyến đi và họ chuẩn bị nhiều cách, và sau rất nhiều sự sắp xếp kể cả từ phía chính phủ, cùng với Caritas … thì chính phủ đã cho phép chuyến đi này diễn ra, cho phép những người đến ngày hôm qua. Vì vấn đề về phía chính phủ là người phải bảo vệ cho họ và thể hiện sự hiếu khách đối với họ - và vấn đề này là rất lớn. Những gì Bangladesh làm cho họ là rất lớn, ví dụ về sự chào đón. Một đất nước nhỏ, nghèo đã đón nhận 700.000 người. Tôi lại nghĩ đến những quốc gia đóng cửa đất nước của họ. Chúng ta phải tri ân tấm gương họ đã cho chúng ta thấy. Chính phủ phải chuyển qua những mối quan hệ quốc tế với Miến điện, với sự cho phép, đối thoại, vì họ ở trong một trại tị nạn với một tình trạng hết sức đặc biệt. Nhưng cuối cùng họ đến rất sợ hãi, họ không biết. Có người ở đó nói trước với họ, “Các bạn chỉ chào Đức Thánh Cha thôi, đừng nói gì cả,” một ai đó không phải từ chính phủ Bangladesh, những người đang hoạt động về vấn đề đó. Đến một thời điểm sau buổi đối thoại liên tôn, cầu nguyện liên tôn, việc này chuẩn bị tâm hồn cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi trở nên rất cởi mở về mặt tôn giáo. Ít nhất tôi cảm thấy như vậy. Thời điểm đến là lúc họ đến chào tôi, theo hàng dọc thẳng, và tôi không thích điều đó. Một người, rồi người khác … nhưng rồi ngay lập tức người ta muốn đưa những người này ra khỏi tầm mắt, và đến lúc đó là tôi hơi bực và có la họ tí chút. Tôi là người có tội. Tôi nói với họ rất, rất nhiều lần từ “tôn trọng, tôn trọng. Hãy ở lại đây.” Và họ đã ở lại. Rồi, nghe từng người từng người họ nói với một người thông dịch nói ngôn ngữ của họ, tôi bắt đầu cảm thấy nhiều điều ẩn chứa bên trong, nhưng (tôi tự nhủ) “Mình không thể để họ về mà không nói một lời.” Tôi yêu cầu lấy mi-crô. Và tôi bắt đầu nói. Tôi chẳng nhớ tôi nói gì nữa. Tôi chỉ biết là có một lúc tôi đã xin tha thứ, hai lần. Tôi không nhớ nữa. Câu hỏi của anh là cảm giác của tôi thế nào. Lúc đó tôi khóc. Tôi đã cố giữ để không ai nhìn thấy. Họ cũng khóc. Và rồi tôi nghĩ đến buổi họp mặt liên tôn và các nhà lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo khác cũng có mặt ở đó. “Xin mời quý vị cùng đến.” Tất cả đây là những người Rohingya của chúng ta. Họ đến chào người Rohingya và tôi chẳng biết phải nói thêm gì nữa. Tôi quan sát họ. Tôi chào họ. Và tôi nghĩ, tất cả chúng tôi các nhà lãnh đạo tôn giáo đã lên tiếng, nhưng một trong quý vị phải cầu nguyện và có một vị mà tôi tin là một Thầy tế Hồi giáo hay chúng ta gọi là một “tu sĩ” của tôn giáo của họ dâng lời cầu nguyện. Họ cũng cầu nguyện với chúng tôi ở đó, và nhìn thấy tất cả những gì diễn ra ở đó và toàn bộ con đường, tôi cảm thấy rằng thông điệp đã đến. Tôi không biết là tôi đã làm hài lòng câu hỏi của anh chưa, nhưng một phần đã được lên chương trình, và đa phần diễn ra đồng thời lúc đó. Rồi tôi được cho biết rằng một chương trình hôm nay được xây dựng bởi một người trong anh chị em đây, và tôi không biết họ có ở đây hay … từ TG1, một chương trình thực sự dài, người đã thực hiện nó …
Greg Burke: TG1 vẫn còn ở đó ở Bangladesh.
ĐTC Phanxico: Vì nó được TG4 chiếu lại và - tôi chẳng biết. Tôi chưa xem, nhưng có mấy anh chị em ở đây đã xem - nó là một phản ánh rằng thông điệp đã đến không chỉ ở đây. Anh chị em đã xem các trang đầu của báo chí hôm nay. Tất cả đã đón nhận được thông điệp và tôi chưa nghe bất kỳ chỉ trích nào. Có lẽ có ở đâu đó nhưng tôi chưa nghe thấy.
Ruiz: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.
Greg Burke: Câu hỏi tiếp theo là của anh George Kallivayalil, một phóng viên Ấn độ đến đưa tin cho tờ Deepika Daily.
George Kallivayalil (Deepika Daily): Thưa Đức Thánh Cha, chuyến đi của cha đến Nam Á là một thành công lớn, chúng con biết là cha cũng rất muốn đến Ấn độ trong chuyến đi này. Lý do chính xác tại sao Đức Thánh Cha lại không đến Ấn độ trong chuyến đi này? Người Ấn ở Ấn độ, hàng triệu tín hữu vẫn hy vọng rằng Đức Thánh Cha sẽ thăm Ấn độ vào năm tới. Chúng con có thể mong chờ được đón cha đến Ấn độ năm 2018 không?
ĐTC Phanxico: Chương trình ban đầu là đến Ấn độ và Bangladesh, nhưng rồi tiến trình sang Ấn độ bị hoãn lại và thời gian quá gấp rút nên tôi chọn hai quốc gia này: Bangladesh và nước láng giềng sát bên là Miến điện. Và đó là ý Chúa vì nếu thăm Ấn độ, anh phải làm một chuyến đi một quốc gia, vì anh phải đi từ miền nam, đến vùng trung, sang miền đông, đông bắc, rồi sang miền bắc với nhiều văn hóa khác nhau của Ấn độ. Tôi hy vọng có thể thực hiện chuyến đi đó vào năm 2018 nếu tôi vẫn còn sống! Nhưng ý tưởng là Ấn độ và Bangladesh, rồi thời gian bắt buộc chúng tôi phải lựa chọn. Cảm ơn anh.
Greg Burke: Và bây giờ câu hỏi của nhóm Pháp, Etienne Loraillere của KTO, đài truyền hình Công giáo Pháp.
Etienne Loraillere (KTO): Thưa Đức Thánh Cha, có một câu hỏi từ nhóm phóng viên Pháp. Một số người chống lại đối thoại liên tôn và rao giảng phúc âm. Trong chuyến đi này cha đã nói đến đối thoại để xây dựng hòa bình. Nhưng, đâu là ưu tiên? Rao giảng phúc âm hay đối thoại cho hòa bình? Vì rao giảng phúc âm có nghĩa mang đến những cuộc nói chuyện tạo ra những căng thẳng và đôi khi gây ra những xung khắc giữa các tín đồ. Vậy thì, đâu là vấn đề ưu tiên, rao giảng phúc âm hay đối thoại? Cảm ơn Đức Thánh Cha.
ĐTC Phanxico: Trước hết phải phân biệt: rao giảng phúc âm không phải là chủ nghĩa cải đạo. Giáo hội phát triển không phải vì chủ nghĩa cải đạo nhưng là sự cuốn hút, nghĩa là làm chứng tá, đây là điều Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nói. Việc rao giảng phúc âm là như thế nào? Là sống Tin mừng và mang trên mình chứng tá thể hiện cách sống Tin mừng, làm chứng nhân cho các Mối phúc, làm chứng tá cho Tin mừng Mát-thêu 25, người Sa-ma-ri tốt lành, tha thứ bảy mươi lần bảy và trong chứng tá này Thánh Thần sẽ hoạt động và sẽ có người trở lại, nhưng chúng ta không quá hấp tấp trong việc tạo ra những sự trở lại ngay lập tức. Nếu họ đến, họ chờ đợi, anh nói, anh thu hút … thấy rằng một sự trở lại là câu trả lời cho việc Thánh Thần đã hoạt động trong tâm hồn của tôi trước chứng tá của người Ki-tô hữu.
Trong bữa trưa tôi cùng ăn với giới trẻ tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Krakow, 15 bạn hay khoảng đó đến từ khắp nơi trên thế giới, một bạn hỏi tôi câu này: Con phải nói gì với một người bạn cùng lớp đại học, một người bạn tốt, nhưng là người vô thần … con phải nói sao để làm người đó thay đổi, làm người đó trở lại? Câu trả lời như vầy: việc cuối cùng con phải làm là nói điều gì đó. Con cứ sống Tin mừng và nếu người bạn đó hỏi con tại sao con làm như vậy, thì con hãy giải thích lý do tại sao. Và để Thánh Thần tác động người bạn đó. Đây là sức mạnh và sự nhân từ của Thánh Thần trong việc hoán cải. Nó không phải là sự thuyết phục về lý trí, bằng khoa biện giáo, bằng lý luận, chính Thánh Thần đưa ra ơn gọi. Chúng ta là những chứng nhân, những chứng nhân của Tin mừng. ‘Chứng tá’ (testimony) là một từ Hy lạp có nghĩa là tử đạo. Sự tử đạo mỗi này, kể cả tử đạo bằng máu, khi việc xảy đến. Và câu hỏi của anh là: ưu tiên là gì, hòa bình hay rao giảng? Nhưng khi anh sống với chứng tá và sự tôn trọng, anh tạo ra hòa bình. Hòa bình bắt đầu tan vỡ trong phạm vi này khi chủ nghĩa cải đạo bắt đầu và có rất rất nhiều cách cải đạo và đây không phải là Tin mừng. Tôi không biết tôi trả lời được câu hỏi của anh chưa.
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Và bây giời nhóm phóng viên nói tiếng Anh. Joshua McElwee của tờ National Catholic Reporter.
Joshua McElwee (National Catholic Reporter) : Con cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều. Thay đổi chủ đề một chút. Trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, Thánh Gio-an Phao-lô II nói rằng chính sách của thế giới về vũ khí nguyên tử ngăn chặn được xem là có thể chấp nhận được về mặt luân lý. Tháng trước, cha nói tại một hội nghị về giải trừ quân bị rằng mọi sự sở hữu vũ khí nguyên tử đều phải bị kết án. Những thay đổi nào trên thế giới làm Đức thánh Cha đưa ra sự thay đổi này? Những tình tiết và những đe dọa giữa Tổng thống Trump và Kim Jong Un đã tác động như thế nào trong quyết định của cha? Cha sẽ nói gì với các nhà chính trị không muốn từ bỏ vũ khí nguyên tử hay giảm bớt?
ĐTC Phanxico: Tôi thích trả lời những câu hỏi về chuyến đi trước đã, như tôi đã nói với mọi người, nhưng tôi đưa ra ngoại lệ vì anh đã hỏi câu hỏi này. Bây giờ chúng ta sẽ giải quyết những câu hỏi về chuyến đi, rồi tôi sẽ nói về chuyến đi, và rồi những câu hỏi khác sẽ tiếp theo. Điều gì đã thay đổi? Vì tính phi lý đã thay đổi (đã tăng lên nhiều). Tôi chợt nhớ lại Tông huấn Laudato Si (Chúc tụng Chúa), sự chăm sóc tạo vật, từ thời Đức Gio-an Phao-lô II đến giờ đã nhiều năm trôi qua. Bao nhiêu năm nhỉ? Anh có nhớ ngày không? (82) 82, 92, 2002, 2012 … 34 năm. Về vấn đề nguyên tử, trong 34 năm đó thì nó đã đi xa rất xa, rất xa, rất xa, và hôm nay chúng ta đang ở một hạn giới. Đây có thể là một vấn đề để tranh luận, nó là ý kiến của tôi, nhưng tôi vững tin ý kiến của tôi: chúng ta đang ở hạn giới của sự sở hữu và sử dụng vũ khí nguyên tử. Vì ngày nay, với loại vũ khí nguyên tử quá tinh vi, chúng ta có nguy cơ phá hủy toàn nhân loại hay ít nhất một phần lớn (nhân loại). Đây là điều nói trong Laudato Si.
Điều gì đã thay đổi? Đây: sự phát triển các loại vũ khí nguyên tử, bản thân vũ khí nguyên tử cũng đã thay đổi quá tinh vi và thậm chí tàn ác, chúng có khả năng diệt trừ con người, để lại … chẳng còn một sự gì trên mặt đất, nhưng chúng ta đã đến giới hạn. Và vì chúng ta đã đến một giới hạn mà tôi phải tự hỏi mình câu hỏi này: và đừng nghĩ điều này như là huấn quyền giáo hoàng, nhưng nó là câu hỏi của một Giáo hoàng: Ngày nay việc duy trì kho vũ khí nguyên tử như đang có là hợp pháp, hay ngày nay, để cứu tạo vật, để cứu nhân loại, chúng ta không cần phải quay trở lại? Tôi quay lại điều mà tôi đã nói theo Guarini, nó không phải của tôi, (nhưng) có hai hình thức văn hóa:
Trước hết, sự hội nhập văn hóa mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta, để tạo ra văn hóa từ việc làm, từ nghiên cứu. Chúng ta hãy nghĩ đến khoa y học, quá nhiều tiến bộ, quá nhiều văn hóa, quá nhiều điều thuộc kỹ thuật. Và con người có sứ mạng tạo ra văn hóa được đón nhận từ tính hội nhập văn hóa, nhưng chúng ta đã bước đến một mức hạn định trong đó con người có trong tay khả năng tạo ra một “sự hội nhập văn hóa” khác, chúng ta hãy nghĩ đến Hiroshima và Nagasaki. Chuyện này cách nay 60/70 năm, sự phá hủy và việc này xảy ra khi năng lượng nguyên tử chưa có toàn bộ sức mạnh. Hãy nghĩ đến những sự cố như ở Ukraine. Vì quay trở lại với những loại vũ khí, tức là chiếm đoạt và phá hủy, tôi cho rằng chúng ta đã đến hạn giới của sự hợp pháp.
Mời quý vị đọc tiếp phần 2 ngày mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét