Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha trước các nhà lãnh đạo Miến điện
Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ trước các giới chức chính phủ và xã hội dân sự Miến điện - AP
28/11/2017 12:15
(Vatican Radio) Hôm thứ Ba Đức Thánh Cha Phanxico đã đọc diễn từ trước các giới chức chính phủ, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn của Miến điện tại thủ đô Nay Pyi Taw, trong chuyến Tông du của ngài đến Miến điện.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) chính thức diễn từ của Đức Thánh Cha:
Diễn từ trước các Giới chức Chính phủ, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn
Trung Tâm Hội Nghị Naw Pyi Taw
Thứ Ba, 28 tháng Mười Một, 2017
Thưa Bà Cố vấn Nhà nước,
Các vị lãnh đạo Chính phủ và Xã hội Dân sự,
Thưa Đức Hồng y, các Đức Giám mục,
Thưa các vị Thành viên thuộc Ngoại giao đoàn,
Thưa quý vị,
Tôi rất cảm kích vì lời mời tôi đến thăm đất nước Miến điện và tôi xin cảm ơn Bà Cố vấn Nhà nước với những lời chào thăm rất trang trọng của bà. Tôi xin tri ân những người đã làm việc rất vất vả để giúp cho chuyến thăm viếng này diễn ra tốt đẹp. Trên hết, tôi đến để chung lời cầu nguyện với cộng đoàn Công giáo tuy nhỏ nhưng rất nhiệt thành của dân tộc, và để củng cố niềm tin của họ, và để động viên họ nỗ lực đóng góp cho thiện ích của dân tộc. Tôi cảm kích nhất là chuyến viếng thăm của tôi được thực hiện một thời gian ngắn sau khi những quan hệ ngoại giao giữa Miến điện và Tòa Thánh được thiết lập. Tôi nhìn thấy quyết định này như một tín hiệu của sự cam kết của đất nước nhằm theo đuổi đối thoại và hợp tác xây dựng với cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, cho dù đất nước phải cố gắng làm mới lại cơ cấu của xã hội dân sự.
Tôi cũng mong muốn rằng chuyến viếng thăm của tôi là để mở rộng vòng tay ôm lấy tất cả mọi người dân Miến điện và để gửi đến một lời động viên cho những người đang hoạt động nhằm xây dựng một trật tự xã hội công bằng, hòa giải và bao gồm. Miến điện được chúc phúc với vẻ đẹp thiên nhiên bao la và những nguồn tài nguyên, tuy nhiên gia tài lớn nhất chính là người dân của đất nước, họ đã chịu đựng rất nhiều, và còn tiếp tục phải chịu đựng, vì sự mâu thuẫn và những thù hận đã kéo dài quá lâu và tạo ra những hố sâu chia rẽ. Khi đất nước đang nỗ lực để lấy lại hòa bình, thì việc chữa lành những vết thương phải trở thành ưu tiên hàng đầu của chính trị và tinh thần. Tôi xin bày tỏ sự đánh giá cao đối với những nỗ lực của Chính phủ dám nhận lấy thách thức này, đặc biệt thông qua Hội nghị Hòa bình Panglong, với sự có mặt của nhiều nhóm khác nhau trong nỗ lực chấm dứt bạo động, xây dựng niềm tin và bảo đảm sự tôn trọng quyền cho tất cả mọi người gọi mảnh đất này là đất mẹ.
Quả thật, tiến trình xây dựng hòa bình và hòa giải dân tộc chỉ có thể xúc tiến qua một cam kết vì công bằng và tôn trọng nhân quyền. Sự khôn ngoan của cổ nhân đã định nghĩa công bằng là một ý chí kiên định trao cho mỗi người quyền họ được hưởng, và những vị tiên tri của thời xa xưa đã xem công bằng là nền tảng của mọi nền hòa bình đích thực và lâu bền. Những nền tảng kiến thức sâu sắc này, được khẳng định bởi kinh nghiệm đau thương của hai cuộc đại chiến thế giới, dẫn đến sự thành lập Liên Hợp quốc và tuyên ngôn chung về nhân quyền làm nền tảng cho những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy công bằng, hòa bình và sự phát triển con người trên toàn thế giới, và để giải quyết những xung đột bằng đối thoại, không phải bằng cách dùng vũ lực. Với ý nghĩa này, sự hiện diện của ngoại giao đoàn ở giữa chúng ta chứng minh rằng Miến điện không chỉ là một nơi hòa hợp các dân tộc, nhưng còn là cam kết của đất nước duy trì và theo đuổi những nguyên tắc nền tảng đó. Tương lai của Miến điện phải là hòa bình, một nền hòa bình đặt nền tảng trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền của mỗi thành viên trong xã hội, tôn trọng từng nhóm sắc tộc và giá trị riêng của họ, tôn trọng pháp quyền, và tôn trọng một trật tự dân chủ cho phép từng cá nhân và từng nhóm – không loại trừ bất kỳ ai – được đưa ra sự đóng góp hợp pháp cho thiện ích chung.
Trong công cuộc vĩ đại của sự hòa giải và hòa hợp dân tộc, các cộng đồng tôn giáo của Miến điện đóng một vai trò ưu tiên. Những sự khác biệt của tôn giáo không phải là nguồn gốc của chia rẽ và nghi ngờ, nhưng là một sức mạnh cho sự hiệp nhất, tha thứ, khoan dung và xây dựng dân tộc khôn ngoan. Các tôn giáo có thể đóng một vai trò đặc biệt trong việc chữa những vết thương tình cảm, tinh thần và tâm lý của những người đã chịu đựng đau khổ trong những năm xung đột. Với những giá trị nền tảng sâu sắc, họ có thể giúp nhổ rễ những nguyên nhân của xung đột, xây dựng những cầu nối đối thoại, tìm kiếm công bằng và trở thành một tiếng nói tiên tri cho tất cả những người đau khổ. Thật là một dấu hiệu hy vọng lớn khi các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau trong đất nước này đang nỗ lực hoạt động chung với nhau, trên tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, cho hòa bình, cho việc giúp đỡ người nghèo và cho việc giáo dục những giá trị tôn giáo và nhân bản đích thực. Trong khi tìm kiếm con đường xây dựng một văn hóa gặp gỡ và đoàn kết, họ đóng góp cho thiện ích chung và đặt những nền tảng luân lý trọng yếu cho một tương lai hy vọng và sự thịnh vượng cho những thế hệ mai sau.
Tương lai đó bây giờ đang ở trong tay của lớp người trẻ của đất nước. Giới trẻ là một món quà phải được yêu thương và động viên, là một sự đầu tư sẽ thu về những kết quả giàu có chỉ khi nào họ được trao cho những cơ hội việc làm và giáo dục chất lượng thật sự. Đây là một đòi hỏi cấp thiết của tính công bằng liên thế hệ. Tương lai của Miến điện trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và tương thuộc lẫn nhau sẽ tùy thuộc vào sự đào tạo lớp người trẻ, không chỉ trong những lĩnh vực kỹ thuật, nhưng trên hết là đào tạo những giá trị đạo đức của sự trung thực, sự chính trực và sự đoàn kết con người sẽ bảo đảm cho sự vững chắc của nền dân chủ và sự phát triển của tình hiệp nhất và hòa bình ở mọi cấp độ của xã hội. Sự công bằng liên thế hệ như vậy đòi buộc rằng các thế hệ tương lai phải được thừa hưởng một môi trường thiên nhiên không bị tàn phá bởi lòng tham và sự cướp bóc của con người. Điều vô cùng quan trọng là giới trẻ không bị cướp mất hy vọng và bị cướp mất cơ hội thực hiện những lý tưởng và tài năng của họ trong việc định hình cho tương lai của đất nước và từ đó, tương lai của toàn gia đình nhân loại.
Thưa bà cố vấn nhà nước, thưa các bạn:
Trong những ngày này, tôi mong muốn được động viên những anh chị em người Công giáo của tôi kiên gan trong đức tin và tiếp tục thể hiện thông điệp hòa giải và tình anh em qua những công việc bác ái và nhân đạo làm ích lợi chung cho xã hội. Hy vọng của tôi là, cùng với sự hợp tác đáng quý của các tín đồ các tôn giáo khác, và tất cả mọi người thiện chí, họ sẽ giúp mở ra một kỷ nguyên mới hòa hợp và tiến bộ cho người dân của đất nước thân yêu này. “Miến điện bền vững!” Tôi xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, và cùng với những lời ước mong tốt đẹp nhất cho sự phục vụ thiện ích chung của quý vị, tôi khẩn cầu cho tất cả quý vị được ơn khôn ngoan, sức mạnh và hòa bình của Thượng đế.
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét