Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Đức Thánh Cha với Diễn đàn Kinh tế: Hãy cho mỗi người được sống đúng phẩm giá

Đức Thánh Cha với Diễn đàn Kinh tế: Hãy cho mỗi người được sống đúng phẩm giá

“tạo ra những cơ hội thật sự cho sự phát triển con người toàn diện của tất cả mọi người”

23 tháng Một, 2018
Đức Thánh Cha với Diễn đàn Kinh tế: Hãy cho mỗi người được sống đúng phẩm giá
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy những chính sách cho phép mỗi con người được sống đúng phẩm giá. Lời kêu gọi của ngài trong một tuyên bố của Vatican phát hành ngày 23 tháng Một, 2018, gửi đến chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, họp tại Davos từ 23-26 tháng Một, 2018.

Đức Thánh Cha nói, “Điều trọng yếu nhất là phải bảo vệ phẩm giá của nhân vị, đặc biệt bằng cách tạo ra những cơ hội thật sự cho sự phát triển con người toàn diện của tất cả mọi người và bằng cách áp dụng những chính sách kinh tế ủng hộ cho gia đình. Vì thế, những mô hình kinh tế cũng có trách nhiệm tuân thủ đạo đức đối với sự phát triển bền vững và toàn diện, đặt nền tảng trên những giá trị với trung tâm là nhân vị và quyền của của nhân vị.”

Đức Thánh Cha nói rằng thế giới đang chứng kiến sự phân mảnh ngày càng lớn giữa các chính phủ và các tổ chức, với sự nổi lên của “những vai diễn mới” và “sự cạnh tranh kinh tế mới và những hợp đồng thương mại khu vực.” Thêm vào đó là những công nghệ mới thay đổi các mô hình kinh tế và “một tham vọng tìm lợi nhuận bằng mọi giá,” dẫn đến “sự phân mảnh và chủ nghĩa cá nhân lớn hơn, chứ không tạo điều kiện cho những bước tiếp cận bao gồm hơn.”

Nhắc các nhà lãnh đạo thế giới nhớ đến sự đau khổ của hàng triệu người trên thế giới, Đức Phanxico nói rằng “chúng ta không thể giữ im lặng … và chúng ta cũng không thể tiếp tục tiến tới đồng thời nhìn sự lan rộng của tình trạng nghèo khổ và bất công là chuyện tự nhiên.”

“Nó là một mệnh lệnh đạo đức, một trách nhiệm bao gồm tất cả mọi người, để tạo ra những điều kiện phù hợp cho phép mỗi con người được sống đúng phẩm giá,” Đức Thánh Cha tiếp tục kêu gọi từ bỏ một văn hóa “loại bỏ” và tâm tính “thờ ơ.”

Phản ánh về tia hy vọng cho tương lai, Đức Thánh Cha nhắc các nhà lãnh đạo rằng, “thế giới doanh nghiệp có tiềm năng khổng lồ để thực hiện sự thay đổi quan trọng bằng cách nâng cao chất lượng năng suất, tôn trọng luật lao động, chống lại nạn tham nhũng công và tư và thúc đẩy sự công bằng xã hội, cùng với sự chia sẻ lợi nhuận công bằng và vô tư.

“Đây là lúc phải có những bước đi quan trọng và dũng cảm cho hành tinh yêu quý của chúng ta. Đây chính là thời điểm thích hợp để thi hành trách nhiệm của chúng ta, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.”



Tuyên bố của Đức Thánh Cha, do Tòa Thánh công bố



SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO GỬI ÔNG CHỦ TỊCH “DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI’ NHÂN DỊP PHIÊN HỌP THƯỜNG NIÊN Ở DAVOS-KLOSTERS

[23-26 THÁNG MỘT 2018]


Kính gửi Giáo sư Klaus Schwab

Chủ tịch Điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Tôi vô cùng biết ơn lời mời của ông đến tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 và lòng khát khao của ông muốn lồng ghép quan điểm của Giáo hội Công giáo và Tòa Thánh tại buổi họp ở Davos. Tôi cũng cảm ơn vì những nỗ lực của ông đã đưa quan điểm này vào trọng tâm chú ý của những quý vị tham dự trong Diễn đàn thường niên này, trong đó có những giới chức chính trị cấp cao và của các chính phủ hiện diện và tất cả những người hoạt động trong môi trường kinh doanh, kinh tế, việc làm và văn hóa, khi họ thảo luận về những thách đố, những quan tâm, những hy vọng, và những viễn cảnh của thế giới hôm nay và tương lai.

Chủ đề được chọn cho Diễn đàn năm nay rất hợp hoàn cảnh – Xây Dựng Một Tương Lai Chung trong một Thế Giới Rạn Nứt. Tôi tin rằng nó sẽ giúp hướng dẫn những thảo luận của quý vị khi quý vị tìm kiếm các nền tảng tốt hơn cho công cuộc xây dựng những xã hội bao gồm, công bằng và tương hỗ, đủ khả năng phục hồi lại phẩm giá cho những người sống trong tình trạng rất bấp bênh và những người không thể mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn.

Ở tầm mức quản lý toàn cầu, chúng ta ngày càng ý thức hơn rằng có một sự phân mảnh ngày càng lớn giữa các chính phủ và các tổ chức. Những vai diễn mới đang nổi lên, cũng như sự cạnh tranh kinh tế mới và những hợp đồng thương mại khu vực. Thậm chí những công nghệ mới nhất đang thay đổi các mô hình kinh tế và chính bản thân thế giới toàn cầu hóa bị đặt điều kiện bởi những lợi ích cá nhân và một tham vọng tìm lợi nhuận bằng mọi giá, tạo đà cho sự phân mảnh và chủ nghĩa cá nhân lớn hơn, chứ không tạo điều kiện cho những bước tiếp cận bao gồm hơn.

Những sự mất ổn định tài chính luôn tái diễn đã đem đến các vấn đề mới và những thách đố lớn mà các chính phủ phải đương đầu, chẳng hạn sự gia tăng tình trạng thất nghiệp, sự tăng mạnh nhiều hình thức nghèo túng, sự mở rộng khoảng cách kinh tế xã hội và những hình thức nô lệ mới, thường xuất phát trong những tình hình xung đột, di cư và những vấn đề xã hội khác. Cùng với vấn đề này, chúng ta vấp phải những lối sống ích kỷ, được thể hiện qua sự xa hoa không còn mang tính bền vững và trở nên dửng dưng với thế giới xung quanh, và đặc biệt đối với người nghèo nhất trong những người nghèo. Đứng trước sự hoang mang, chúng ta nhìn thấy các vấn đề kỹ thuật và kinh tế thống trị các cuộc tranh luận chính trị, làm phương hại đến những quan tâm thật sự cho con người. Con người có nguy cơ bị biến thành những bộ phận nhỏ trong một cỗ máy và xem như những hạng mục tiêu dùng để bóc lột, và kết quả dẫn đến là bất cứ khi nào sự sống con người không chứng tỏ được sự hữu dụng cho cỗ máy đó, nó liền bị loại bỏ – và điều đó trở nên quá rõ ràng” (Diễn từ trước Quốc hội Châu Âu, Strasbourg, 25 tháng Mười Một, 2014).

Trong bối cảnh này, điều trọng yếu nhất là phải bảo vệ phẩm giá của nhân vị, đặc biệt bằng cách tạo ra những cơ hội thật sự cho sự phát triển con người toàn diện của tất cả mọi người và bằng cách áp dụng những chính sách kinh tế ủng hộ cho gia đình. “Sự tự do kinh tế không được vượt trên sự tự do hành nghề của con người và quyền của con người, và thị trường không được trở nên độc đoán, nhưng phải tôn trọng tính cấp thiết của công bằng” (Diễn từ trước Liên đoàn Công nghiệp Ý, 27 tháng Hai, 2016). Vì thế, những mô hình kinh tế cũng có trách nhiệm tuân thủ đạo đức đối với sự phát triển bền vững và toàn diện, đặt nền tảng trên những giá trị với trung tâm là nhân vị và quyền của của nhân vị.

“Đứng trước nhiều rào cản của bất công, của sự cô đơn, của sự bất tín và ngờ vực mà chúng vẫn đang bị biến tướng ngày càng tinh vi trong thời đại của chúng ta, thế giới lao động có trách nhiệm đặt những bước đi can đảm để việc ‘sát cánh và làm việc với nhau’ không chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu nhưng là một chương trình cho hiện tại và tương lai” (Ibid.). Chỉ với sự quyết tâm vững chắc được tất cả các thành phần kinh tế chia sẻ thì chúng ta mới hy vọng đưa ra một hướng đi mới cho vận mệnh của thế giới chúng ta. Cũng vậy, bộ óc nhân tạo, người máy, và những cuộc cách mạng công nghệ khác phải được sử dụng để góp phần phục vụ nhân loại và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, chứ không phải ngược lại, như một số đánh giá đưa ra.

Chúng ta không thể giữ im lặng trước sự đau khổ của hàng triệu con người với phẩm giá bị thương tổn, và chúng ta cũng không thể tiếp tục tiến tới đồng thời nhìn sự lan rộng của tình trạng nghèo khổ và bất công là chuyện tự nhiên. Nó là một mệnh lệnh đạo đức, một trách nhiệm bao gồm tất cả mọi người, để tạo ra những điều kiện phù hợp cho phép mỗi con người được sống đúng phẩm giá. Bằng cách từ bỏ một văn hóa “loại bỏ” và tâm tính thờ ơ, thế giới doanh nghiệp có tiềm năng khổng lồ để thực hiện sự thay đổi quan trọng bằng cách nâng cao chất lượng sản suất, tạo ra thêm việc làm mới, tôn trọng luật lao động, chống lại nạn tham nhũng công và tư và thúc đẩy sự công bằng xã hội, cùng với sự chia sẻ lợi nhuận công bằng và vô tư.

Tìm kiếm sự nhận thức khôn ngoan là một trách nhiệm vô cùng lớn, vì những quyết định được đưa ra sẽ là chìa khóa để định hình cho thế giới ngày mai và thế giới của các thế hệ tương lai. Từ đó, nếu chúng ta muốn một tương lai chắc chắn hơn, một tương lai nhắm tới sự thịnh vượng cho tất cả, thì điều cần thiết là phải giữ cho la bàn liên tục chỉ về “đúng hướng Bắc,” đó là những giá trị đích thực. Đây là lúc phải có những bước đi quan trọng và dũng cảm cho hành tinh yêu quý của chúng ta. Đây chính là thời điểm thích hợp để thi hành trách nhiệm của chúng ta, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Vì vậy, tôi hy vọng rằng cuộc họp năm 2018 này của Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ cho phép một sự trao đổi cởi mở, tự do và tôn trọng, và trên hết được khơi gợi bởi khát khao muốn nâng cao thiện ích chung.

Cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho sự thành công của cuộc họp, tôi khẩn xin ơn lành sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa đổ xuống trên ông và tất cả những quý vị tham dự Diễn đàn.

Viết từ Vatican, 12 tháng Một, 2018

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/1/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét