Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng vững chắc đến từ Thập giá

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng vững chắc đến từ Thập giá

‘Thật tuyệt vời khi chúng ta biết dừng lại trước Thập giá – tất cả anh chị em đều có một Thập giá ở nhà — và nhìn lên Ngài và nói với Ngài: “Với Người không điều gì bị bỏ mất. Với Người con luôn có niềm hy vọng vững chắc’
12 tháng Tư, 2017
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, nơi Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu đến từ Ý và toàn thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy niệm vào chủ đề: “Niềm hy vọng của thế giới và hy vọng đến từ Thập giá (x. Ga 12:24-25).
Sau khi tóm tắt bài giáo lý của ngài bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến những tín hữu đang hiện diện.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
Dưới đây là bản dịch của bài giáo huấn của Đức Thánh Cha:
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúa Nhật vừa rồi chúng ta đã kỷ niệm việc Chúa Giê-su đi vào thành Giê-ru-sa-lem, giữa những tiếng tung hô vang dậy của các tông đồ của Ngài và đám đông khổng lồ. Những con người đó đặt rất nhiều hy vọng vào Chúa Giê-su: rất nhiều người mong chờ những phép lạ và những dấu chỉ vĩ đại từ Ngài, những chứng tỏ về quyền năng và thậm chí là sự tự do thoát khỏi những kẻ thù đang chiếm đóng. Có ai trong số họ tưởng tượng được rằng chỉ ít lâu sau đó Chúa Giê-su bị làm nhục, bị kết án và bị giết trên một thập giá? Những hy vọng thuộc trần gian của những con người đó đã sụp đổ trước cây thập giá. Nhưng chúng ta tin rằng chính trong Đấng Chịu Đóng Đinh niềm hy vọng của chúng ta được tái sinh. Những hy vọng của trần gian sụp đổ trước thập giá, nhưng những hy vọng mới được tái sinh, những hy vọng đó tồn tại vô tận. Nó là một niềm hy vọng khác với những hy vọng đã bị sụp đổ, khác với những hy vọng của trần gian. Vậy đó là sự hy vọng gì? Niềm hy vọng gì sinh ra từ Thập giá?
Quả thật, những gì Chúa Giê-su nói sau khi vào trong thành Giê-ru-sa-lem có thể giúp chúng ta hiểu được: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác(Ga 12:24). Chúng ta hãy cố gắng nghĩ về một hạt giống nhỏ, rơi xuống lòng đất. Nếu nó vẫn khép mình trong vỏ của nó, chẳng có gì xảy ra; thay vì vậy, nếu nó vỡ ra, nó mở ra và trao tặng sự sống cho một mầm non, một chồi non, rồi là một cây và cây này sẽ sinh hoa trái.
Chúa Giê-su mang lại sự hy vọng mới cho thế giới, và Ngài làm như vậy theo con đường của một hạt giống. Ngài biến mình thành nhỏ bé — nhỏ bé, như một hạt lúa mì; Ngài bỏ lại vinh quang nước trời để đến giữa chúng ta: Người “rơi xuống đất.” Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Để trổ sinh hoa trái Chúa Giê-su sống yêu thương đến cùng, để cho chính Ngài bị tan vỡ ra bằng cái chết như hạt giống để nó bị tan vỡ ra dưới lòng đất. Chính tại đó, trong đỉnh điểm của sự nhục nhã của Ngài – đó cũng là đỉnh điểm của tình yêu – niềm hy vọng đâm chồi. Nếu ai trong anh chị em hỏi: “Niềm hy vọng được sinh ra như thế nào?” “Từ Thập giá. Hãy nhìn lên Thập giá, hãy nhìn lên Đức Ki-tô chịu Đóng Đinh và từ đó niềm hy vọng sẽ đến với anh chị em và không bao giờ biến mất, nó kéo dài đến đời sống vĩnh hằng.” Và niềm hy vọng này đâm chồi chính bởi sức mạnh của tình yêu: vì một tình yêu “hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13:7), tình yêu là sự sống của Thiên Chúa, đã làm canh tân mọi thứ nó vươn tới được. Vì vậy trong sự Phục sinh, Chúa Giê-su, mang lấy tội của chúng ta trên mình Ngài, biến đổi nó trong sự tha thứ, cái chết của chúng ta thành sự sống lại, nỗi sợ hãi của chúng ta thành lòng tín thác. Anh chị em thấy được tại sao từ đó, trên cây thập giá, niềm hy vọng của chúng ta được sinh ra và luôn luôn được tái sinh; thấy được bằng cách nào Chúa Giê-su biến mọi bóng tối của chúng ta thành ánh sáng, mọi sự thất bại thành vinh quang, mọi sự thất vọng thành hy vọng – mọi điều, vâng, mọi điều. Sự hy vọng vượt trội trên tất cả, vì nó được sinh ra bởi tình yêu của Chúa Giê-su Đấng biến mình thành một hạt giống lúa mì trong lòng đất và Đấng đã chết đi để trao ban sự sống và từ sự sống ngập tràn yêu thương đó niềm hy vọng sinh ra.
Khi chúng ta chọn niềm hy vọng của Chúa Giê-su, dần dần chúng ta khám phá rằng con đường chiến thắng cuộc sống là con đường của hạt giống, của tình yêu khiêm nhường. Sẽ không có con đường nào khác để vượt thắng cái ác và trao tặng hy vọng cho thế giới. Nhưng anh chị em có thể nói với tôi: “Không, như vậy nó là một luận lý của sự thua cuộc!” Nghe có vẻ như vậy, có vẻ là một luận lý thua cuộc, vì người sống yêu thương luôn đánh mất sức mạnh. Anh chị em đã nghĩ đến điều này chưa? Người đang yêu đánh mất sức mạnh, người cho đi, hạ mình xuống và tình yêu là một quà tặng. Trong thực tế luận lý của hạt giống chết đi, của tình yêu khiêm nhường, là con đường của Thiên Chúa, và chỉ có con đường này trổ sinh hoa trái. Chúng ta cũng nhìn thấy điều đó nơi chúng ta: sự sở hữu luôn luôn thúc đẩy chúng ta muốn thêm nữa: tôi đã đạt được cái gì đó cho tôi và ngay lập tức tôi muốn cái khác lớn hơn, và cứ như thế, và tôi không bao giờ thỏa mãn. Đó là một cơn khát khủng khiếp! Bạn càng có nhiều, bạn càng muốn thêm. Và Chúa Giê-su nói rất rõ về điều này: “ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất” (Ga 12:25). Anh là người tham lam, anh muốn quá nhiều thứ nhưng rồi … anh sẽ mất tất cả, cả mạng sống mình, nghĩa là: ai yêu chính mình và sống vì những lợi lộc vui thú của mình sẽ dương dương tự đắc với bản thân rồi mất tất cả. Ngược lại, ai chấp nhận, sẵn sàng phục vụ đời sống theo con đường của Thiên Chúa: người đó sẽ chiến thắng, cứu được mình và người khác: trở thành hạt giống của hy vọng cho thế giới. Thật tốt lành khi giúp đỡ người khác, phục vụ người khác . . . Có thể chúng ta sẽ mệt mỏi! Nhưng cuộc sống là vậy và tâm hồn sẽ ngập tràn niềm vui và hy vọng. Đây là tình yêu và hy vọng đi chung với nhau: phục vụ và cho đi.
Tình yêu đích thực chắc chắn bước qua thập giá, hy sinh, giống như Chúa Giê-su. Thập giá là một hành trình bắt buộc nhưng nó không phải là mục tiêu, nó là một hành trình: mục tiêu là sự vinh quang, như ngày Phục sinh cho chúng ta thấy. Và ở đây một hình ảnh rất đẹp khác hiện lên hỗ trợ cho chúng ta, hình ảnh Chúa Giê-su để lại cho các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly. Ngài nói: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16:21). Như vậy đó: trao ban sự sống, không phải sở hữu nó. Và đây là điều những người mẹ làm: họ trao ban một sự sống mới, họ chịu đau đớn, nhưng rồi họ hân hoan, hạnh phúc vì họ đã trao tặng sự chào đời cho một sự sống mới. Nó cho niềm vui; tình yêu trao tặng sự khai sinh sự sống và thậm chí trao ý nghĩa cho sự đau khổ. Tình yêu là một động cơ làm cho sự hy vọng của chúng ta tiếp tục. Tôi nhắc lại: Tình yêu là một động cơ làm cho sự hy vọng của chúng ta tiếp tục. Và, mỗi chúng ta tự hỏi mình: “Tôi có biết yêu không? Tôi đã học cách yêu thương chưa? Mỗi ngày tôi có học cách để yêu thương nhiều hơn không? – vì Tình yêu là một động cơ làm cho sự hy vọng của chúng ta tiếp tục.
Anh chị em thân mến, trong những ngày này, những ngày của tình yêu, hãy để cho chúng ta được bao bọc bởi mầu nhiệm của Chúa Giê-su, chết đi như hạt lúa mì, chết đi để ban cho chúng ta sự sống. Ngài là hạt giống của niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh, suối nguồn hy vọng. Dần dần chúng ta sẽ hiểu rằng hy vọng với Chúa Giê-su là học cách nhìn thấy một bóng cây đã có trong hạt giống, sự Phục sinh trong thập giá, sự sống trong cái chết. Tôi muốn tặng anh chị em một bài tập để làm ở nhà. Thật tuyệt vời khi chúng ta biết dừng lại trước Thập giá – tất cả anh chị em đều có một Thập giá ở nhà — và nhìn lên Ngài và nói với Ngài: “Với Người không điều gì bị bỏ mất. Với Người con luôn có hy vọng vững chắc. Người là nguồn hy vọng của con.” Chúng ta bây giờ hãy tưởng tượng ra Chúa Chịu Đóng Đinh và chúng ta cùng nhau nói với Chúa Giê-su Chịu Đóng Đinh ba lần: “Người là nguồn hy vọng đời con.” Tất cả: ‘Người là nguồn hy vọng đời con.” Xin lớn hơn nữa! “Người là nguồn hy vọng đời con.” Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Zenit, Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/04/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét