Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Tòa Thánh tại Liên Hiệp quốc: Nhân quyền là gì?

Tòa Thánh tại Liên Hiệp quốc: Nhân quyền là gì?

Đức Tổng Giám mục kêu gọi việc hiểu đúng cơ sở của các quyền và ý nghĩa của thuật ngữ
15 tháng 7, 2016
United Nations Headquarters in New York City
WIKIMEDIA COMMONS - Neptuul
Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hiệp quốc đã có bài phát biểu tuần này xoay quanh Tranh luận Chủ đề Cấp độ cao về Nhân quyền.
Tổng Giám mục Bernardino Auza khẳng định trong bài phát biểu rằng để nói về nhân quyền được hiệu quả và hữu ích, phải có một cái hiểu đúng về nhân quyền có từ đâu trước đã.
Hơn nữa, đức tổng giám mục nhắc nhở, “thuật ngữ ‘nhân quyền’ phải được áp dụng một cách nghiêm túc và khôn ngoan, để nó không trở thành một cách hiểu bao gồm tất cả, được mở rộng vô tận cho phù hợp với ý thích của thời đại.”
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ngài:
__
New York, 12-13 tháng 7, 2016
Thưa ngài Chủ tịch,
Ngay từ đầu, Liên Hiệp Quốc có một vai trò riêng độc nhất trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới. Khi chúng ta suy tư về tầm quan trọng của lần Kỷ niệm thứ 70 của Liên Hiệp Quốc và Kỷ niệm Lần thứ 50 Hiệp Ước Nhân quyền quốc tế, thật phù hợp khi chúng ta tập trung và khen ngợi bao nhiêu nỗ lực Liên Hiệp Quốc đã làm để soạn thảo và mở rộng luật quốc tế và lập nên những quy phạm nhân quyền quốc tế.
Những lý tưởng được đưa vào trong bản Hiến chương và thành lập Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế là một lời nhắc nhở mạnh mẽ và vĩnh viễn của lòng nhân ái và đoàn kết nhân loại được xuất phát từ đó. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng thể hiện một gia sản chung đòi hỏi sự tôn trọng và tuân thủ của thế giới. Nơi đâu nó tồn tại, sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền là một thành tựu đạo đức phải liên tục được đón nhận với lòng tri ân, được củng cố vững chắc với sự bền bỉ và được xây dựng dựa trên những quyết định cụ thể mà các cá nhân, các xã hội và chính phủ đưa ra.
Thưa ngài Chủ tịch,
Sự tranh luận này đến trong một thời điểm rất lộn xộn khi nhân phẩm và nhân quyền bị từ chối, bị chà đạp và bị vi phạm bằng nhiều cách khác nhau trên toàn thế giới: dân thường trở thành mục tiêu trong chiến tranh và xung đột vũ trang; con người đang bị buôn bán làm nô lệ lao động, tình dục, hay bán nội tạng; những cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số đang bị tách ra để bách hại và tiêu diệt; những người bị coi là không được mong chờ hay vô dụng đang bị loại bỏ theo cách nói của Đức Giáo hoàng Phanxico là “văn hóa loại trừ”; hàng trăm triệu người liều mạng sống để trốn chạy sự bách hại và nạn nghèo đó cùng cực; vô vàn các con người là nạn nhân của các hình thức phân biệt đối xử khác nhau.
Sự thật có quá nhiều người bị bỏ lại đàng sau hay chịu thua thiệt vì sự cố tình không tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của những người đó làm cho việc thảo luận này hôm nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và cần phải có những hành động theo sau vô cùng khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Để thúc đẩy được việc tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, điều rất quan trọng là hiểu được nguồn gốc và cơ sở của nó. Cùng lúc có một tín hiệu lớn về sự tiến bộ đạo đức khi ngày nay hầu hết mọi người đều nói về nhân quyền và nhân phẩm, thì nhiều người cũng nói về nó nhưng không hiểu đúng đắn nguồn gốc nhân quyền và nhân phẩm có từ đâu. Nhân phẩm là một cách diễn đạt giá trị cốt lõi bên trong của từng con người bất kể sắc tộc, giới tính, bất kể tuổi tác già hay trẻ, mạnh mẽ hay yếu đuối, khỏe mạnh hay tàn tật, cần thiết hay không được chào đón, có khả năng lao động hay đã mất khả năng lao động, có ảnh hưởng hay tầm thường.
Nhân phẩm là tính vốn có của mỗi con người và mỗi sự sống con người, ngay từ giây phút thụ thai ban đầu. Nó không phải là một điều gì đó chúng ta đạt được khi chúng ta tiến đến một chiều kích thể lý, khả năng tinh thần hay độ tuổi nào đó, nó cũng không phải là một loại “đặc ân” có thể được công nhận hay tước mất bởi chính phủ, giống như một vấn đề thuộc chính sách. Hơn thế, nó là bản chất thực có của mỗi con người, là tiền lệ có trước khi có những đòi hỏi của nhà nước, nó phải luôn luôn được công nhận và bảo vệ bởi nhà nước.
Trong những năm gần đây, nhiều đòi hỏi về “quyền lạ thường” đã làm nổi lên sự lệch lạc nghiêm trọng ra ngoài giới hạn của con người, trong đó Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và những hiệp định khác góp phần hình thành nên luật nhân quyền quốc tế đã ấn định. Nhân quyền chân thực là không thể chuyển nhượng và phải được tôn trọng và thăng tiến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà thuật ngữ “nhân quyền” phải được áp dụng một cách nghiêm túc và thận trọng, vì sợ rằng nó trở thành một cách hiểu bao gồm tất cả, được mở rộng vô tận cho phù hợp với ý thích của thời đại. Một cách tiếp cận co giãn như vậy sẽ làm mất uy tín và ngầm phá hoại nhận thức đúng về nhân quyền. Việc thực thi có ý thức về nhân quyền quan trọng phải đưa đến việc thi hành trung thành những trách nhiệm liên quan. Sự tương quan này giữa quyền và trách nhiệm không chỉ áp dụng ở mức độ những cá nhân, nhưng nó cũng phải được thấm nhuần vào trong mối quan hệ dân sự, pháp lý và các cấp pháp luật đối với công dân và nhóm và tổ chức xã hội dân sự.
Thưa ngài Chủ tịch,
Trong bảy mươi năm qua, cấu trúc nhân quyền quốc tế đã phát triển về cơ bản, và cùng với nó, là công việc của Liên Hiệp quốc trong việc giữ gìn và bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm của mọi người, đặc biệt những người nhỏ bé và dễ bị tổn thương nhất. Điều này rất xứng đáng được mừng.
Nhưng khi chúng ta mừng, chúng ta cũng phải ý thức rằng còn rất nhiều việc phải làm, vì những vi phạm về quyền cơ bản và không thể chuyển nhượng của con người và những sự phân biệt đối xử lan rộng đang gióng lên những tiếng kêu đòi hỏi sự trợ giúp và giải pháp tức thì, thậm chí khi chúng ta đang nói ở đây.
Khi xem xét lại tiến trình đã được thực hiện với sự hài  lòng, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy và củng cố một văn hóa biết tôn trọng nhân quyền và xây dựng những điều kiện cho các thế hệ tương lại tiếp nhận, bảo vệ, nuôi dưỡng và thực thi các quyền đó.
Xin cảm ơn ngài Chủ tịch.

[Nguồn: https://zenit.org]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/07/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét