Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Ghi chép đầy đủ phỏng vấn của Đức Hồng y Dziwisz với EWTN

Ghi chép đầy đủ phỏng vấn của Đức Hồng y Dziwisz với EWTN

(Gồm 5 phần - Phần 2)

EDWARD PENTIN
27/07/2016
pope john paul II
– YouTube
Chỉ ít ngày trước khi Ngày Giới trẻ Thế giới khai mạc ở Krakow, Robert Rauhut thuộc EWTN Đức đã có buổi phỏng vấn mở rộng (for an extensive interview) với Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz. Vị Tổng giám mục Krakow và là thư ký riêng phục vụ rất lâu cho Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, ngài không chỉ chia sẻ những hy vọng và kỳ vọng về Ngày Giới trẻ Thế giới, nhưng cũng bình luận về những chủ điểm quan trọng khác trong đó gồm Di sản của Đức Gioan Phaolo II cho thế giới, Bí mật thứ Ba của Fatima việc dâng hiến nước Nga, tình bạn của ngài với Đức Joseph Ratzinger, và lòng yêu thương giới trẻ của Đức Gioan Phaolo, tương lai của Giáo hội và xã hội.
***


Nói về Lòng thương xót Chúa, nói đến việc thực hiện những việc  làm tốt đẹp cho anh em, và nói đến thánh Faustina, con muốn đề cập đến một khía cạnh khác được đan quyện một cách âm thầm với đời sống của Đức Gioan Phaolo II. Chúng ta biết năm tới là kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, đây là một ngày rất đặc biệt, và cũng được kết nối với một ngày đáng chú ý khác, 31 tháng 5, 1981. Chính cha, thưa Hồng y, đã ở đó, tại Quảng trường Thánh Phê-rô trong ngày đó, và đã chứng kiến chuyện xảy ra đầu tiên. Câu hỏi của con là: Sự liên hệ giữa ngài Gioan Phaolo II và Lần hiện ra ở Fatima như thế nào? Cha có thấy lời tiên báo vẫn còn tồn tại và đó là điều quan trọng cho Giáo hội, như ngài Benedict XVI có lần nhấn mạnh?
Đúng ngày đó, tôi không ở trong Quảng trường Thánh Phê-rô, nhưng tôi ở trên xe jeep với Đức Giáo hoàng khi viên đạn trúng vào ngài. Tôi đã đỡ ngài khi toàn bộ sức lực của ngài sụp xuống. Vì thế, tôi là nhân chứng trực tiếp của vụ tấn công. Tôi đã ở trong xe cứu thương với ngài. Khi ngài vẫn còn tỉnh, ngài cầu nguyện, ngài cầu nguyện thậm chí cho kẻ đã gây ra vụ tấn công. Cho dù ngài không biết kẻ tấn công là ai, ngài tha thứ cho người đó và dâng cơn đau của ngài thay cho Giáo hội và cho nhân loại. Đó là điều mọi người thường kể với nhau, nhưng nghĩ lại chuyện đó, ngài cũng cầu nguyện cho sự thánh thiêng của gia đình, vì một thị kiến đại diện cho tất cả các trẻ em bị phá thai dường như cũng đã xảy ra. Ngài liên kết sự đau đớn này với sự đau đớn của Đức Giê-su Ki-tô, qua đó Người đã cứu chuộc trần gian. Ngài luôn vững tin rằng mỗi sự đau khổ đều có mục đích của nó. Đau khổ là một bạn đồng hành đức tin của ngài suốt cuộc đời. Với ngài nó là một phần của những nỗ lực và hành động của bản thân, của sự tận hiến và nhận biết nó… Ngài biết về Fatima và những lời kinh từ rất lâu, nhưng ngài không quá chú ý sâu vào những bí mật của Fatima. Chỉ về sau, khi ở trong bệnh viện, khi ngài cảm thấy khá hơn, ngài bắt đầu ý thức – và có những người khác giúp ngài nhận ra – rằng vụ tấn công ngày 13 tháng 5 xảy ra đúng ngày kỷ niệm hiện ra ở Fatima. Sau đó, ngài yêu cầu muốn biết bí mật thứ ba của Fatima, lúc đó thì chưa ai biết. Khi ngài đã trở nên quen thuộc với bí mật đó, nó đã làm ngài đau khổ rất nhiều vì những lời của Mẹ Thiên Chúa nói với các trẻ ở Fatima đã không được thực hiện. Mẹ yêu cầu dâng hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria và Mẹ cổ vũ đọc kinh Mân côi cầu nguyện vì tội của nhân loại. Vì vậy Đức Thánh Cha đã quyết định thi hành trọn vẹn lời yêu cầu của Mẹ. Những vị Giáo hoàng trước đó có thể không nhận ra cơ hội và có thể đó cũng chưa phải là đúng thời điểm – nhưng Đức Gioan Phaolo đế ý thấy rằng đã đúng thời điểm để hoàn tất nó. Tuy nhiên, cũng không phải là dễ, vì Mẹ Thiên Chúa muốn Giáo hội phải nên một – trong đó là Đức Giáo hoàng và tất cả các giám mục – để dâng hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria. Ngài quyết định như vậy và bắt tay thực hiện. Đức giám mục Fatima sau đó chuyển bức tượng gốc sang Roma, và tại đó Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã truyền phép cho bức tượng.
Sự kiện đã có sức đánh động khổng lồ. Tôi chỉ có thể kể lại những gì tôi nghe được từ các giám mục đến từ các quốc gia phương đông: việc truyền phép đó đã đánh dấu cho khởi đầu một tiến trình mà kết thúc là sự giải phóng của các quốc gia đó trước đây bị đàn áp bởi chủ nghĩa cộng sản và Mác-xít. Mẹ Thiên Chúa đưa ra yêu cầu với một lời hứa ban sự tự do và độc lập ngay lập tức. Từ đó anh có thể nghĩ đến phong trào Solicarnosc [Phong trào Liên kết] và mọi thay đổi chính trị, nhưng chúng ta cũng phải cân nhắc đến đặc điểm này. Đó là lời tiên báo của Thiên Chúa mà chúng ta phải cân nhắc. Chúng ta phải cân nhắc đến khía cạnh của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa trong những thay đổi đã diễn ra với sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác-xít và chủ nghĩa cộng sản trong những quốc gia không chỉ ở Châu Âu, nhưng trên cả thế giới. Sau sự kiện này, thế giới trở thành một nơi khác … Nó không chỉ là sự sụp đổ của Bức tường Berlin, nhưng còn là sự sụp đổ của Bức màn sắt cũng như hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-xít đã cắm rễ trong các trường đại học và hệ thống trên thế giới.
Con muốn nhấn mạnh đến hai khía cạnh mà cha vừa đề cập đến, thưa Đức Hồng y. Trải nghiệm của vụ tấn công đã dẫn Đức Gioan Phaolo II hiểu sâu hơn về sự hiện ra ở Fatima và cũng từ đó ngài nhận ra có sự liên quan bí mật đến ngài. Ngài Benedict XVI khẳng định giữ cùng quan điểm, nhưng còn thêm rằng còn nhiều hơn thế. Ngài có đề cập rằng có gì đó đang diễn ra trong thực tại ngày nay, và bí mật này không nên xem như sự hoàn tất lịch sử, nhưng nó có một ý nghĩa cho tình hình Giáo hội trong thế giới ngày nay.  Riêng cha có đồng quan điểm này không?
Tôi nghĩ sự giải phóng như vậy cho nhân loại vẫn còn giá trị và vẫn còn phải tiếp tục hoàn tất. Có lẽ không liên quan quá nhiều đến giải phóng chính trị, nhưng là giải phóng tinh thần (...) Những đe dọa vẫn còn tiếp tục. Vì thế sự giải phóng vẫn còn cần thiết. Nó sẽ đạt được nhờ vào lời cầu nguyện và sám hối, nhờ hoán cải và canh tân – đó là điều Mẹ Thiên Chúa yêu cầu. Vì vậy tất cả những điều này đang là và sẽ là một vấn đề quan trọng hiện nay, vì con người rất yếu đuối, nó vấp ngã, và đang tiếp tục cần sự hỗ trợ và giúp đỡ.
Nói về sự kiện hiện ra ở Fatima, cha cũng nhấn mạnh đến vai trò của gia đình. Ngày nay, vấn đề phải hiểu hôn nhân và gia đình như thế nào đang được thảo luận rộng khắp trên thế giới và trong Giáo hội. Liệu thế giới và Giáo hội hôm nay đã hiểu đúng di sản trong lãnh vực này của Đức Gioan Phaolo II chưa, vì ngài là một chuyên gia? Hay vẫn còn nhiều điều cần phải được hiểu và học hỏi?
Đã là một linh mục và một giáo sư, Đức Gioan Phaolo II nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chăm sóc mục vụ gia đình. Khi còn là giám mục ở đây, ở Krakow, ngài đã chú ý đến tình trạng phá thai liên tục dưới thể chế cộng sản. Những người cộng sản ngay lập tức giới thiệu chương trình phá thai, nhưng ngài không bao giờ chấp nhận. Thay vì vậy, ngài luôn dạy về tính thánh thiêng của sự sống – tính thánh thiêng của sự sống từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc theo tự nhiên. Rồi ngài về Roma, tại đây thì tình hình dường như cũng thế: chẳng có gì thay đổi về vấn đề gia đình và phá thai. Ngài nói: “Không được! Đây là điều quan trọng nhất trong đời sống của Giáo hội và xã hội. Nếu chúng ta phá bỏ gia đình là chúng ta phá bỏ nền tảng đời sống con người, chúng ta phá bỏ những giá trị của Giáo hội.” Điều này giải thích cho sự cam kết bảo vệ quyết liệt của ngài về gia đình, về sự sống, và nó cho thấy lý do tại sao ngài lại thành lập thánh bộ này [nghiên cứu về hôn nhân và gia đình]. Cho dù nó không thể giải quyết được vấn đề đã nói, nhưng nó là một sự khởi đầu cho khoa học và chăm sóc mục vụ để mang lại tính thánh thiêng và giá trị cho gia đình. Thông điệp còn cho biết nhiều hơn nữa: Sự sống con người là thiêng liêng và không ai được phép giết người, kể cả những người không có khả năng tự vệ và vô tội, những sinh linh không thể tự bảo vệ bản thân, nhưng là những sinh linh đã được thụ thai.
Thưa Hồng y, Đức Gioan Phaolo II hiểu từ “lòng ái quốc” là như thế nào, và sự liên hệ với quê hương của đức Thánh Cha có ý nghĩa gì với ngài? Chúng ta có thể học được gì từ ngài trong vấn đề này?
Ngài nhấn rất mạnh vào sự khác biệt giữa “chủ nghĩa quốc gia” và “lòng ái quốc”. Chủ nghĩa quốc gia thì tiêu cực. Ngược lại, lòng ái quốc có nhiều hàm ý tích cực; nó là một điều bạn cần phải phát triển. Lòng ái quốc đòi phải có khía cạnh tôn giáo trong đó. Ngài thực sự là một người yêu nước Ba lan. Ở Roma, ngài thường nói: “Cha ở đây với tư cách là một người Ba lan.” Ngài luôn thích văn hóa Ba lan, Giáo hội Ba lan, tôi cũng từ Giáo hội Ba lan, và người Ba lan. Ngài nhìn thấy những giá trị lớn. Vì vậy, ngài cố gắng thật nhiều. Ngài quen với văn hóa Châu Âu và những giá trị của nó. Ngài giữ ý kiến cho rằng cả tây và đông đã định hình cho Châu Âu ngày nay.
Hai lá phổi ...
Hai lá phổi, nhưng một cơ quan. Ngài đã nhấn mạnh phải có một cộng đồng Châu Âu, một cộng đồng tinh thần. Ngài luôn nhấn mạnh đến ý tưởng đó: Nếu có một cộng đồng (chung) tinh thần, thì Cộng đồng Châu Âu sẽ tồn tại và được duy trì. Nếu ngược lại tương lai Châu Âu sẽ không chắc. Một câu nói rất mạnh: “Nếu bạn cắt rễ, cây sẽ khô.” Đó là lý do tại sao ngài tiếp tục ủng hộ Cộng đồng Châu Âu. Anh thậm chí có thể gọi ngài là một trong những người cha đã xây dựng nên liên minh – dựa trên những giá trị. Không có những giá trị, không có văn hóa Ki-tô giáo mà Châu Âu đã dựa trên đó, thì cộng đồng khó có thể tồn tại. Vì thế chúng ta phải quay lại với những giá trị đó, với ý kiến tiên báo của ngài. Nếu chúng ta không làm như vậy, cộng đồng hiện đang không ổn định sẽ chịu đựng thêm nhiều vấn đề lớn hơn và một cuộc khủng hoảng.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II thường nói về Châu Âu. Ngài là một người sáng lập của Châu Âu, người cha của một ý tưởng rất sâu sắc về Châu Âu. Liệu những giới quyền lực của thế giới, những giới quyền lực của Châu Âu, thực sự hiểu được ý tưởng mà ngài đã nhìn thấy trước, và là điều ngài ước mơ?
Chúng ta quay lại vai trò của những tiên tri. Họ đưa ra những tiên báo nhưng không ai nghe họ. Chỉ sau khi họ chết, người ta mới bắt đầu chú ý đến những lời tiên báo của họ. Tôi nghĩ rằng Châu Âu đang quay trở lại với những tiên báo của Đức Gioan Phaolo II đã loan báo nhưng bị bỏ ngoài tai. Có thể ngài không được người ta lắng nghe lúc ngài còn sống, nhưng ngày nay người ta đang nhìn lại những gì ngài đã loan báo, người ta quay lại với “sự hiệp nhất tinh thần”, điều vô cùng cần thiết phải xây dựng. Đó là công việc của những người đương thời, của những người Châu Âu. Điều đó tùy thuộc vào những người trẻ hành hương đến Krakow, để mừng đức tin của họ ở đây, sự gần gũi của họ với Thiên Chúa, với Đức Ki-tô, và với cộng đồng văn hóa Ki-tô giáo.
Đức Gioan Phaolo II rất cởi mở với người Đức, cho dù ngài đã trải nghiệm Thế Chiến thứ Hai và do đó ngài cảm nhận được sự lao động cưỡng bức dưới thời bị chiếm đóng là như thế nào. Tuy nhiên ngài tiếp cận người Đức với một sự rất cởi mở của trái tim và tâm hồn. Thưa Hồng y, cha có thể nói thêm về chủ đề này?
Ngài không có một thành kiến nào cả. Ngài không có thành kiến nào liên quan đến người Đức. Còn gì nữa? Ngài biết văn hóa Đức, ngài biết giáo hội Đức. Ngài có các bạn bè ở đó. Ngài đánh giá rất cao khoa học của người Đức cũng như thần học và triết học của Đức. Ngài biết tất cả mọi điều đó. Ngài luôn thấy vai trò của Giáo hội trong xã hội Đức rất tích cực. Không nghi ngờ gì, Giáo hội Đức, giám mục đoàn là dẫn đầu. Nước Đức có ảnh hưởng lớn trên đời sống của toàn Giáo hội … Nó luôn luôn là như vậy trong lịch sử, và nó phải là như thế, nó vẫn như vậy. Nước Đức vẫn luôn xuất sắc về khoa học và đóng góp nhiều ý tưởng cho Châu Âu và cho Giáo hội Công giáo.


(Xin quý vị đọc tiếp phần 3 ngày mai ...)
[Nguồn:  ncregister]

[Chuyển ngữ:TRI KHOAN 29/07/2016]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét