Vatican Media Screenshot
WYD: Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Đêm Canh thức Cầu nguyện Thứ Bảy (Toàn văn)
‘Ơn cứu độ Chúa ban tặng cho chúng ta là một lời mời gọi dự phần vào câu chuyện tình yêu được đan xen với những câu chuyện riêng của chúng ta …’
27 tháng Một, 2019 01:17
Ngày 26 tháng Một, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico hòa mình vào với đám đông khổng lồ người trẻ tại Ngày Giới trẻ Thế giới Panama để tham dự Đêm Canh thức tại Campo San Juan Pablo II – Công viên Metro. Dưới đây là toàn văn diễn từ của ngài trong dịp này.
******
Các bạn trẻ thân yêu, chào (buổi chiều) chúng con!
Chúng ta đã xem phần trình bày rất đẹp về Cây Sự Sống. Nó thể hiện cho chúng ta thấy cuộc sống mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là một câu chuyện tình yêu, một lịch sử cuộc sống muốn hòa quyện với lịch sử của chúng ta và đâm rễ sâu vào trong lòng đất cuộc đời của chúng ta. Cuộc sống đó không phải là ơn cứu độ được lưu “trên đám mây” và chờ được tải xuống, không phải là một “ứng dụng” mới để khám phá, có thể được phát hiện, hoặc một bí quyết tự cải thiện tinh thần. Và nó cũng chẳng phải là “bản hướng dẫn sử dụng” để tìm kiếm những bản tin mới nhất. Ơn cứu độ Chúa ban tặng cho chúng ta là một lời mời gọi dự phần vào câu chuyện tình yêu được đan xen với những câu chuyện riêng của chúng ta; nó sống động và muốn được sinh ra giữa chúng ta để chúng ta có thể trổ sinh hoa trái, ở bất kỳ nơi đâu chúng ta đến và với bất kỳ người nào ở chung quanh chúng ta. Chúa đến đó để gieo hạt và được gieo. Ngài là người đầu tiên nói tiếng “vâng” với cuộc sống và lịch sử của chúng ta, và Người muốn chúng ta nói tiếng “vâng” cùng với Ngài.
Đó là cách Ngài làm cho Mẹ Maria ngạc nhiên, và yêu cầu Mẹ dự phần vào câu chuyện tình yêu này. Rõ ràng, người thiếu nữ của làng Na-da-rét đó không phải là một thành viên của “các mạng xã hội” khi đó. Mẹ không phải là một “người tạo ảnh hưởng,” nhưng dù không muốn hoặc không cố đạt được, Mẹ vẫn trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.
Mẹ Maria, “người tạo ảnh hưởng” của Chúa. Với một vài lời, Mẹ đã có thể nói tiếng “xin vâng” và tin tưởng vào tình yêu và lời hứa của Thiên Chúa, sức mạnh duy nhất có khả năng biến đổi mọi sự nên mới.
Chúng ta luôn bị ấn tượng bởi sức mạnh của tiếng “xin vâng” của người nữ trẻ đó, lời nói “xin cứ thực hiện như lời Thiên Thần” mà Mẹ thưa với Thiên Thần. Đây không đơn thuần là một sự nhận lời thụ động hay cam chịu hoặc là tiếng “vâng” hờ hững theo kiểu muốn nói rằng, “À, để mình thử xem, để xem chuyện gì xảy ra.” Nó là một điều khác, hoàn toàn khác. Nó là một tiếng “xin vâng” của một người sẵn sàng nhận trách nhiệm và dám phiêu lưu, sẵn sàng đánh cược mọi thứ Mẹ có, mà chẳng có gì bảo đảm hơn là lòng vững tin rằng Mẹ là người mang một lời hứa. Rõ ràng Mẹ mang một sứ mạng khó khăn, nhưng những thách đố đang nằm phía trước không phải là lý do để nói tiếng “không”. Dĩ nhiên, mọi việc có thể trở nên phức tạp, nhưng nó không giống như những gì xảy ra khi sự nhát gan làm chúng ta tê liệt vì mọi việc không rõ ràng hoặc không được bảo đảm trước. Tiếng “xin vâng” và khao khát phục vụ mạnh mẽ hơn bất kỳ sự hoài nghi và khó khăn nào. Chiều nay chúng ta cũng đã nghe thấy tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria âm vang như thế nào và trải rộng ra trên mọi thế hệ. Nhiều người trẻ, như Mẹ Maria, dám phiêu lưu và đặt cược tương lai của họ vào một lời hứa. Cảm ơn chúng con, Erika và Rogelio, về chứng tá chúng con đã cho chúng ta. Chúng con chia sẻ những nỗi sợ hãi và khó khăn và những rủi ro mà chúng con phải đối mặt khi sinh con gái của chúng con là Inés. Có đoạn chúng con nói rằng, “Là cha mẹ, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta thấy khó chấp nhận rằng đứa con của chúng ta sẽ chào đời và mang một căn bệnh hoặc bị khuyết tật.” Điều đó là thật và có thể hiểu được. Nhưng điều kỳ diệu là những gì chúng con nói tiếp sau đó, “Khi con gái chúng tôi chào đời, chúng tôi quyết định dành trọn tình yêu cho nó.” Trước khi đứa con ra đời, khi phải đối mặt với mọi vấn đề và những khó khăn xảy đến, như Mẹ Maria, chúng con đưa ra một quyết định nói rằng, “xin cứ để điều đó được thực hiện”; chúng con quyết định dành tình yêu cho bé. Đứng trước sự sống của đứa con gái yếu đuối, cần được bảo vệ và mong manh, câu trả lời của chúng con là “xin vâng”, và nhờ đó chúng ta có Inés. Chúng con tin rằng thế giới này không chỉ dành cho những người mạnh mẽ!
Nói tiếng “xin vâng” với Chúa có nghĩa là chuẩn bị đón nhận sự sống đúng như bản chất của nó, với tất cả những sự mong manh, sự đơn giản và thường là cả với những mâu thuẫn và phiền toái của nó, và làm như vậy với cùng một tình yêu mà Erika và Rogelio đã nói. Nó có nghĩa là đón nhận đất nước, gia đình và bạn bè theo đúng con người của họ, với tất cả những yếu điểm và những thiếu sót của họ. Đón nhận sự sống cũng được tìm thấy trong việc chấp nhận những điều không hoàn hảo, không thuần khiết hoặc “bị chưng cất,” nhưng vẫn không thiếu sự yêu thương. Có phải một người khuyết tật hay một người yếu đuối về sức khỏe không đáng được yêu thương không? Có phải một người ngoại kiều, một người phạm lỗi lầm, một người đau ốm hoặc trong tù tội, không đáng được yêu thương không? Chúng ta biết những gì Chúa Giê-su đã làm: người ôm lấy người phong hủi, người mù, người bại liệt, người Pha-ri-sêu và người tội lỗi. Người ôm lấy kẻ trộm trên thập giá và thậm chí ôm lấy và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài.
Tại sao Ngài làm như vậy? Vì chỉ có những gì được yêu thương mới có thể được giải thoát; chỉ có những được đón nhận thì mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa lớn hơn mọi vấn đề, mọi sự yếu đuối và lỗi lầm của chúng ta. Nhưng chính qua những vấn đề, những yếu đuối và những lỗi lầm của chúng ta mà Người muốn viết nên câu chuyện tình yêu này. Người ôm lấy đứa con hoang đàng, người ôm lấy Phê-rô sau khi ông chối Ngài và Ngài luôn ôm lấy chúng ta bất cứ khi nào chúng ta vấp ngã: Người nâng chúng ta đứng dậy và đứng trên đôi chân của mình. Vì sự vấp ngã tồi tệ nhất, sự vấp ngã có thể làm hại cuộc đời chúng ta, là cứ để mình trượt ngã và không cho phép bản thân được giúp để đứng dậy.
Có những lúc thật khó hiểu được tình yêu của Chúa! Nhưng thật là một ơn sủng khi chúng ta biết rằng chúng ta có một người Cha luôn ôm lấy chúng ta bất kể những sự bất toàn của chúng ta!
Vì vậy, bước đầu tiên là không e sợ chào đón cuộc sống như đúng bản chất của nó, chào đón cuộc sống!
Alfredo, cảm ơn con về chứng ngôn và lòng can đảm chia sẻ với tất cả mọi người ở đây. Cha rất xúc động khi con nói với chúng ta: “Tôi bắt đầu làm việc cho một dự án xây dựng, nhưng rồi khi dự án kết thúc, tôi không có việc làm và mọi sự thay đổi nhanh chóng, không có học thức, không nghề nghiệp và không có việc làm.” Để cha tóm tắt điều này trong bốn chữ “không” làm cho cuộc sống chúng ta mất cội rễ và khô héo: không việc làm, không học vấn, không cộng đồng, không gia đình.
Chúng ta không thể phát triển nếu chúng ta không có cội rễ mạnh mẽ hỗ trợ và giữ cho chúng ta đứng vững. Thật dễ dàng trôi đi khi chẳng có gì giữ chúng ta lại. Có một câu hỏi mà người lớn chúng ta phải tự hỏi mình, nhưng cũng là một câu hỏi mà chúng con cần phải hỏi chúng ta và chúng ta phải trả lời: Chúng ta đang trao tặng cho chúng con những cội rễ nào, những nền tảng gì để chúng con phát triển nên người? Thật dễ dàng để chỉ trích và than phiền về người trẻ nếu chúng ta tước đoạt những cơ hội việc làm, học hành và cộng đồng mà người trẻ cần có để đâm rễ và ước mơ về một tương lai. Không có học vấn, thật khó mơ về một tương lai; không có việc làm, thật khó để ước mơ về một tương lai; không có gia đình và cộng đồng, hầu như không thể mơ ước về tương lai. Vì mơ ước về một tương lai có nghĩa là học cách trả lời cho câu hỏi không những tôi sống vì điều gì nhưng nhưng tôi sống vì ai, ai làm cho tôi xứng đáng để sống cuộc đời của mình.
Như Alfredo đã kể cho chúng ta, khi chúng ta thấy mình lạc lõng và không có việc làm, không có học hành, không có cộng đồng, và không có gia đình, cuối cùng chúng ta thấy mình trắng tay và rút cục chúng ta sẽ lấp đầy khoảng trống đó bằng bất cứ thứ gì chúng ta có thể có. Vì chúng ta chẳng còn biết mình sống vì ai, chiến đấu vì ai và yêu thương ai.
Cha nhớ có lần nói chuyện với giới trẻ, và một bạn hỏi cha: “Thưa cha, tại sao ngày nay có quá nhiều bạn trẻ không quan tâm đến việc Thiên Chúa có tồn tại hay không hoặc thấy rất khó tin vào Người, và họ sống có vẻ rất chán nản và không mục đích?” Cha lại đặt câu hỏi đó ngược lại cho các bạn. Cha nhớ một câu trả lời rất đặc biệt làm cha xúc động và nó có liên quan đến kinh nghiệm mà Alfredo đã chia sẻ – “vì nhiều người cảm thấy rằng, dần dần họ không còn sống vì người khác; họ thường cảm thấy như vô hình.” Đây là văn hóa loại bỏ và thiếu sự quan tâm đến người khác. Không phải tất cả mọi người, nhưng nhiều người thấy rằng họ có rất ít hoặc chẳng có gì để đóng góp vì chung quanh chẳng có ai yêu cầu họ tham gia. Làm sao các bạn đó nghĩ được rằng Thiên Chúa tồn tại, nếu người khác từ lâu đã không còn nghĩ đến sự tồn tại của họ?
Chúng ta biết rất rõ rằng để cảm thấy được chân nhận hoặc yêu thương thì việc giữ kết nối suốt ngày với nhau vẫn chưa đủ. Cảm nhận được tôn trọng và được yêu cầu tham gia còn quan trọng hơn với việc chỉ đơn giản “ở trên mạng” (on-line). Nó có nghĩa là tìm được những không gian, nơi mà với đôi tay, với con tim và đầu óc, chúng con cảm nhận được là một phần của một cộng đồng lớn hơn đang cần chúng con và chính chúng con cần.
Các vị thánh hiểu rất rõ điều này. Chẳng hạn, cha nghĩ đến Thánh Gioan Bosco. Ngài chẳng phải khăn gói lên đường để tìm những bạn trẻ ở các nơi xa xôi nhưng học cách nhìn mọi việc đang diễn ra trong thành phố của ngài bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Vì thế, ngài thấy động lòng trước hàng trăm thiếu nhi và thiếu niên bị bỏ rơi, không học hành, không việc làm và không có bàn tay giúp đỡ của cộng đồng. Rất nhiều người sống trong thành phố đó, và nhiều người chỉ trích những thanh thiếu niên đó, vì họ không thể nhìn đến những thanh thiếu niên đó bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Thánh Don Bosco thì có, và tìm được sức mạnh để thực hiện bước đi đầu tiên: đón nhận cuộc sống như đúng bản chất nó thể hiện. Từ đó, ngài không e ngại thực hiện bước thứ hai: xây dựng một cộng đoàn, một gia đình cùng với các em, ở nơi đó qua sự làm việc và học tập các em cảm thấy được yêu thương. Ngài đã trao tặng cho các em nguồn cội để từ đó các em có thể tiến lên nước trời.
Cha nghĩ đến nhiều nơi ở Châu Mỹ Latinh chúng ta thúc đẩy điều mà họ gọi là familia grande hogar de Cristo. Cùng tinh thần như Tổ chức Gioan Phaolô II mà Alfredo đề cập đến và nhiều trung tâm khác, họ tìm cách đón nhận cuộc sống như chính bản chất nó thể hiện, với tính trọn vẹn và phức tạp của nó, vì họ biết rằng “đến như cây cối mà vẫn còn có niềm hy vọng, bị chặt rồi, còn có thể mọc lại xanh tươi, và không ngớt đâm chồi nảy lộc” (G 14:7).
Sự “đâm chồi nảy lộc” luôn luôn khả thi khi có một cộng đồng, một ngôi nhà ấm áp cho phép chúng ta bén rễ, đem đến sự tự tin cần thiết và chuẩn bị cho tâm hồn của chúng ta khám phá một chân trời mới: chân trời của một đứa con yêu dấu được tìm về, được tìm thấy và trao phó một sứ mạng. Qua những khuôn mặt thật sự, Thiên Chúa tỏ lộ sự hiện hữu của Ngài. Nói tiếng “xin vâng” cho câu chuyện tình yêu này là nói tiếng “xin vâng” để trở thành một công cụ xây dựng những cộng đoàn hội thánh trong các khu xóm của chúng ta đủ khả năng bước đi trên những con đường trong thành phố của chúng ta, đón nhận và đan kết những mối quan hệ mới. Để trở thành một “người có ảnh hưởng” trong thế kỷ 21 là trở thành người bảo vệ những nguồn cội, bảo vệ tất cả những điều tránh cho chúng ta không lãng phí bản thân và tan biến vào hư không. Hãy là những người bảo vệ mọi điều có thể làm cho chúng ta cảm nhận được mình là phần thân thể của nhau, cảm nhận rằng chúng ta thuộc về.
Đó là điều Nirmeen đã trải nghiệm trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Krakow. Bạn ấy đã tìm thấy một cộng đoàn sống động, hân hoan chào đón bạn, cho bạn ấy ý thức mình thuộc về và cho phép bạn sống niềm vui xuất phát từ việc được tìm thấy bởi Chúa Giê-su.
Có lần một thánh nhân đặt câu hỏi: “Có phải sự tiến bộ của xã hội chỉ bao gồm trong việc sở hữu chiếc xe hơi đời mới nhất hay mua được món đồ điện tử hiện đại nhất trên thị trường không? Đấy có phải là mức độ vĩ đại của con người chúng ta không? Có phải đấy là tất cả những gì để chúng ta sống vì nó không?” (x. THÁNH ALBERTO HURTADO, Tĩnh tâm Tuần Thánh cho Giới trẻ, 1946). Vậy cho phép cha đặt câu hỏi với chúng con: Đó có phải là ý kiến của chúng con về sự vĩ đại không? Có phải chúng con được tạo dựng cho một điều lớn lao hơn không? Mẹ Maria Đồng Trinh hiểu điều này và nói, “xin cứ thực hiện như lời Thiên Thần truyền!” Nirmeen hiểu điều này và nói, “xin cứ để điều đó được thực hiện!” Tin mừng dạy chúng ta rằng thế giới sẽ chẳng trở nên tốt hơn vì có ít người bệnh, ít người yếu đuối, ít người già phải quan tâm hơn, hay vì có ít tội nhân hơn. Thay vì vậy, thế giới sẽ tốt hơn khi có nhiều người, như những người bạn này, sẵn sàng và đầy nhiệt huyết để tạo sinh một tương lai và tin tưởng vào sức mạnh biến đổi của tình yêu Thiên Chúa. Chúng con có sẵn sàng trở thành một “người có ảnh hưởng” như Mẹ Maria, người dám thưa rằng “Xin hãy thực hiện như lời Thiên Thần truyền” không? Chỉ có sự yêu thương mới làm chúng ta trở nên nhân văn hơn và trọn vẹn hơn; mọi thứ khác chỉ là một loại giả dược dễ uống nhưng vô dụng.
Lát nữa đây, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giê-su sống động trong Chầu Thánh Thể. Chắc chắn Người sẽ có nhiều điều để nói với chúng con, về những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, gia đình, và đất nước của chúng con.
Khi ở trước nhan Ngài, đừng e ngại mở rộng tâm hồn của chúng con cho Ngài và xin Ngài canh tân ngọn lửa yêu thương của Ngài để chúng con có thể đón nhận cuộc sống với tất cả sự yếu đuối và thiếu sót của nó, nhưng cả với sự lớn lao và đẹp đẽ của nó. Xin Người giúp chúng con tái khám phá được vẻ đẹp của cuộc sống.
Đừng e sợ thưa với Ngài rằng chúng con cũng muốn dự phần vào câu chuyện tình yêu của Người trên thế giới này, rằng chúng con sẵn sàng cho một điều gì đó lớn lao hơn!
Các bạn ơi: khi chúng con gặp gỡ trực tiếp Chúa Giê-su, cha xin chúng con cầu nguyện cho cha, để cả cha nữa cũng không e sợ đón nhận cuộc sống, chăm sóc cho những cội nguồn của nó và thưa rằng “Xin hãy thực hiện như lời Thiên Thần truyền!”, như Mẹ Maria.
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/2/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét