Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Tiếp phái đoàn Chức sắc Phật giáo Mông Cổ, 28.05.2022

Tiếp phái đoàn Chức sắc Phật giáo Mông Cổ, 28.05.2022

Tiếp phái đoàn Chức sắc Phật giáo Mông Cổ, 28.05.2022

*****

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp phái đoàn Chức sắc Phật giáo của Mông Cổ, nhân kỷ niệm ba mươi năm hiện diện của Giáo hội Công giáo tại đất nước Châu Á này, và kỷ niệm ba mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Mông Cổ.

Sau đây là lời chào mừng của Đức Thánh Cha với những người hiện diện:

_________________________________

Lời chào của Đức Thánh Cha

Thưa quý ngài!

Với tình thân ái và lòng kính trọng, tôi xin chào mừng quý ngài là các nhà lãnh đạo của Phật giáo Mông Cổ, và Đức Tổng Giám mục Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar là người đồng hành cùng quý ngài. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn về chuyến thăm viếng đầu tiên của quý ngài tới Vatican với tư cách là đại diện chính thức của Giáo hội Phật giáo Mông Cổ. Chuyến đi nhằm mục đích đào sâu hơn mối quan hệ bằng hữu của quý vị với Giáo hội Công giáo, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác nhằm xây dựng một xã hội hòa bình. Đây là một dịp vô cùng đặc biệt vì năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập Phủ doãn Tông Tòa trên đất nước xinh đẹp của quý vị, cũng như quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Mông Cổ.

Ngày nay hòa bình là niềm khao khát thiết tha của nhân loại. Vì vậy, thông qua đối thoại ở tất cả các cấp, việc thúc đẩy văn hóa hòa bình và phi bạo lực và hoạt động để đạt mục đích này là vô cùng cấp thiết. Cuộc đối thoại này phải mời gọi tất cả mọi người loại bỏ bạo lực dưới mọi hình thức, kể cả bạo lực đối với môi trường. Thật đáng buồn, có những người tiếp tục lợi dụng tôn giáo bằng cách sử dụng tôn giáo để biện minh cho các hành vi bạo lực và hận thù.

Chúa Giêsu và Đức Phật là những người kiến tạo hòa bình và thúc đẩy phi bạo lực. “Chính Chúa Giêsu đã sống trong thời kỳ bạo lực. Tuy nhiên, Ngài dạy rằng chiến trường thật sự, nơi gặp gỡ giữa bạo lực và hòa bình, chính là trái tim con người. … Người không ngừng rao giảng về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, là tình yêu thương chào đón và tha thứ. Người dạy các môn đệ phải yêu thương kẻ thù của mình (x. Mt 5:44) và quay má bên kia (x. Mt 5:39). … Chúa Giêsu đã vạch ra con đường phi bạo lực. Người đã đi trên con đường ấy đến tận cùng là bước lên thập giá, qua đó Người trở thành sự bình an của chúng tôi và chấm dứt sự thù ghét (x. Êp 2:14-16)”. Vì vậy, “để trở thành những môn đệ thật sự của Chúa Giêsu ngày hôm nay cũng bao gồm việc tuân theo lời dạy của Ngài về phi bạo lực” (Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình, 1 tháng Một năm 2017, 3).

Thông điệp trọng tâm của Đức Phật là phi bạo lực và hòa bình. Ngài đã dạy rằng “chiến thắng để lại dấu vết của hận thù, bởi vì kẻ bại trận phải chịu đau khổ. Hãy từ bỏ mọi tư tưởng về chiến thắng và thất bại và sống trong bình an và niềm vui” (Kinh Dhammapada, XV, 5 [201]). Ngài cũng nhấn mạnh rằng chinh phục bản thân thì vĩ đại hơn chinh phục người khác: “Thà chiến thắng chính mình còn hơn chiến thắng một ngàn trận đánh chống lại một ngàn người” (ibid., VIII, 4 [103]).

Trong một thế giới bị tàn phá bởi xung đột và chiến tranh, trong vai trò là các nhà lãnh đạo tôn giáo, bám chặt vào các giáo lý tôn giáo của chúng ta, chúng ta có trách nhiệm khơi dậy trong con người ý chí từ bỏ bạo lực và xây dựng một nền văn hóa hòa bình.

Mặc dù sự hiện diện của những cộng đồng tín hữu Công giáo chính thức ở đất nước của quý vị là mới đây, và số lượng ít nhưng có ý nghĩa, Giáo hội cam kết trọn vẹn trong việc thúc đẩy một văn hóa gặp gỡ, theo lời của Thầy và Đấng sáng lập Giáo hội dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15:12). Chúng ta hãy củng cố tình bằng hữu của chúng ta vì ích lợi của tất cả mọi người. Mông Cổ có một truyền thống lâu đời về sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau. Tôi hy vọng rằng lịch sử xa xưa về sự hài hòa trong đa dạng này có thể tiếp tục đến ngày nay, thông qua việc thực hiện hiệu quả tự do tôn giáo và thúc đẩy những sáng kiến chung vì ích chung. Sự hiện diện của quý vị ở đây hôm nay tự nó là một tín hiệu của hy vọng. Với những tình cảm này, tôi mời gọi quý vị tiếp tục cuộc đối thoại huynh đệ và những quan hệ tốt đẹp với Giáo hội Công giáo ở đất nước của quý vị, vì sự nghiệp hòa bình và hòa hợp.

Một lần nữa xin cảm ơn quý vị về chuyến thăm; và tôi hy vọng rằng thời gian ở lại Roma của quý vị sẽ đầy ắp những niềm vui và trải nghiệm thú vị. Tôi cũng chắc chắn rằng cuộc gặp gỡ của quý vị với các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn sẽ mang đến cho quý vị cơ hội khám phá những cách thức để thúc đẩy hơn nữa cuộc đối thoại Phật giáo-Kitô giáo ở Mông Cổ và trong toàn khu vực.

Tôi cầu chúc cho quý vị và những người mà quý vị đại diện, trong các tu viện Phật giáo ở Mông Cổ, tràn đầy bình an và thịnh vượng.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/5/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét