Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em
Copyright: Vatican Media

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

Hướng dẫn Tuần Thánh tại Vatican, không có sự tham dự của tín hữu, Đức Phanxico khen ngợi những anh hùng thường ngày

05 tháng Tư, 2020 12:11

Giữa đại dịch này, Chúa Giê-su nói với tất cả chúng ta hãy can đảm, khi chúng ta có thể cảm thấy cô đơn và ngã lòng, Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh em sẽ an ủi anh em … 

Chỉ còn đúng một tuần trước Chúa nhật Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxico trao những lời an ủi, nhắc nhở các tín hữu hãy tham dự Thánh Lễ qua truyền hình trực tiếp, rằng Chúa Giê-su đã sống qua cảm giác bị bỏ rơi và đau khổ này, chỉ có sự gần gũi trọn vẹn duy nhất với Chúa Cha.

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

Trong bài giảng tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, không có sự tham dự của tín hữu vì những lo lắng về coronavirus tiếp tục buộc mọi người phải ở trong nhà, Đức Phanxico nhấn mạnh rằng chúng ta đừng sợ, hay quá chú ý đến những gì chúng ta bị thiếu thốn trong cuộc sống mà trước đây chúng ta vẫn thường có, nhưng hãy nhận biết rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, và cùng với Ngài, chúng ta có tất cả.



TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em


Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

***

Chúa Giê-su “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:7). Chúng ta hãy cho phép những lời của Thánh Tông đồ Phaolo dẫn đưa chúng ta đi vào những ngày thánh này, khi Lời Chúa, như một điệp khúc, trình bày Chúa Giê-su như người nô lệ: vào Thứ Năm Thánh, Ngài được trình bày như người hầu rửa chân cho các môn đệ Ngài; vào Thứ Sáu Thánh, Ngài được trình bày như người tôi tớ chịu đau khổ và khải hoàn (x. Is 52:13); và ngày mai chúng ta sẽ nghe thấy lời tiên báo của I-sai-a về Ngài: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ” (Is 42:1). Chúa cứu thoát chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là người phục vụ Thiên Chúa. Không phải, Ngài chính là người chọn việc phục vụ chúng ta một cách tự do, vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước. Thật khó để yêu thương và không được yêu thương đáp lại. Và thậm chí còn khó hơn để phục vụ nếu chúng ta không để cho bản thân được Thiên Chúa phục vụ.

Nhưng Chúa phục vụ chúng ta như thế nào? Bằng cách hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta. Chúng ta vô cùng thân thương với Ngài; chúng ta vô cùng giá trị đối với Ngài. Thánh Angela Foligno nói rằng có lần thánh nhân nghe thấy Chúa Giê-su nói: “Tình yêu của Ta cho con không phải là chuyện đùa.” Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta đã khiến Ngài hy sinh chính thân mình và gánh lấy mọi tội của chúng ta. Điều này làm chúng ta sững sờ kinh ngạc: Thiên Chúa cứu chúng ta bằng cách mang lấy tất cả mọi hình phạt của tội chúng ta trên mình Ngài. Không than phiền, nhưng với lòng khiêm nhường, kiên nhẫn và vâng phục của một người hầu, và yêu thương tận cùng. Và Chúa Cha đã nâng đỡ Chúa Giê-su trong sự phục vụ của Ngài. Chúa Cha không cất đi sự dữ đã nghiền nát Ngài, nhưng tăng thêm sức mạnh cho Ngài khi chịu đau khổ để sự dữ của chúng ta được chiến thắng bởi việc thiện, bởi một tình yêu yêu cho đến tận cùng.

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

Chúa phục vụ chúng ta đến mức độ gánh chịu những tình trạng đau thương nhất của người đang yêu: bị phản bội và bỏ rơi.

Phản bội. Chúa Giê-su đau khổ vì sự phản bội của người môn đệ đã bán Ngài và người môn đệ chối bỏ Ngài. Ngài bị phản bội bởi những người đã từng tung hô Ngài và rồi sau đó hét lên: “Đóng đinh nó!” (Mt 27:22). Ngài bị phản bội bởi cơ chế tôn giáo kết án bất công với Ngài và bị phản bội bởi cơ cấu chính trị rửa tay đối với trường hợp của Ngài. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những sự phản bội lớn và nhỏ mà chúng ta đã chịu đựng trong cuộc sống. Thật kinh khủng khi khám phá ra rằng niềm tin đã được đặt vững chắc vào một nơi lại bị phản bội. Từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta một sự thất vọng dâng tràn và thậm chí nó làm cho cuộc sống dường như vô nghĩa. Điều này xảy ra vì chúng ta sinh ra để được yêu thương và để yêu thương, và điều đau khổ nhất là bị phản bội bởi người đã hứa trung thành và gần gũi với chúng ta. Chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng nó còn đau đớn như thế nào đối với Chúa Đấng là tình yêu.

Chúng ta hãy nhìn vào lòng mình. Nếu chúng ta thành thật với bản thân, chúng ta sẽ nhìn thấy những sự bất trung của mình. Không biết bao điều sai trái, những điều giả hình và hai mặt! Không biết bao nhiêu dự định tốt đẹp bị phản bội! Không biết bao nhiêu sự hứa hẹn bị thất hứa! Không biết bao nhiêu quyết tâm bị bỏ giữa chừng! Chúa thấu hiểu tâm hồn chúng ta còn rõ hơn chính chúng ta. Ngài biết chúng ta yếu đuối và thiếu quyết tâm như thế nào và rất khó để chữa lành các vết thương. Và Ngài đã làm gì để đến trợ giúp và phục vụ chúng ta? Ngài nói với chúng ta qua Ngôn sứ: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình” (Hs 14:5). Ngài chữa lành chúng ta bằng cách mang lấy trên mình Ngài sự bất trung của chúng ta và bằng cách cất khỏi chúng ta những sự bội phản. Thay vì cảm thấy ngã lòng vì sợ vấp ngã, giờ đây chúng ta hãy nhìn lên thập giá, cảm nhận cái ôm của Ngài, và thưa rằng: “Lạy Chúa Giê-su, đây là sự bất trung của con mà Người đã gánh lấy cho con. Chúa giang rộng vòng tay cho con, Chúa phục vụ con bằng tình yêu của Người, Người vẫn tiếp tục hỗ trợ con … Và vì vậy con sẽ tiếp tục tiến bước.”

Bỏ rơi. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói một câu trên Thánh giá, chỉ một câu: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Đây là những lời quá mạnh mẽ. Chúa Giê-su đã đau khổ vì bị bỏ rơi bởi những người của Ngài đã bỏ trốn. Nhưng Chúa Cha ở lại với Ngài. Lúc này, ở vực sâu của sự cô đơn, lần đầu tiên Ngài gọi Chúa bằng danh xưng “Lạy Thiên Chúa.” Và “với giọng lớn tiếng” Ngài kêu lên câu hỏi đau đớn nhất “tại sao”: “Sao Ngài bỏ rơi con?” Quả thật đây là những lời của một Thánh vịnh (x. 22:2); chúng cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su cũng đưa cảm nhận của sự cô đơn cực độ vào trong lời cầu nguyện của Ngài. Nhưng sự thật là chính Ngài trải nghiệm sự cô đơn đó: Ngài đã trải nghiệm sự bỏ rơi hoàn toàn, điều mà các Tin mừng minh chứng bằng cách trích dẫn lại nguyên văn lời của Ngài: Eli, Eli, lama sabachthani?

Tại sao tất cả mọi việc này lại xảy ra? Một lần nữa, nó được thi hành vì ích lợi của chúng ta, để phục vụ chúng ta. Để khi chúng ta đứng trước bức tường chắn ngang, khi chúng ta thấy mình đến đường cùng, không còn thấy tia sáng của lối thoát, khi mà dường như chính Thiên Chúa cũng không đáp lời, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta không cô đơn. Chúa Giê-su đã trải nghiệm sự bỏ rơi hoàn toàn trong một hoàn cảnh mà trước đó Ngài chưa bao giờ trải qua để trở thành một người ở giữa chúng ta trong mọi việc. Ngài làm điều đó cho tôi, cho bạn, để nói với chúng ta: “Đừng sợ, con không cô đơn. Ta đã từng trải nghiệm tất cả mọi sự cô quạnh của con để Ta luôn mãi ở gần bên con”. Đó là điểm tận cùng mà Chúa Giê-su phục vụ chúng ta: Ngài đã bước xuống tận vực sâu của những đau khổ cay đắng nhất của chúng ta, đỉnh điểm là sự phản bội và bỏ rơi. Ngày nay, trong thảm kịch của một trận đại dịch, đứng trước nhiều sự an toàn giả tạo đã bị sụp đổ, trước nhiều niềm hy vọng bị bội phản, trong cảm giác bị bỏ rơi đang đè nặng lên tâm hồn chúng ta, Chúa Giê-su nói với từng người chúng ta: “Hãy can đảm, mở rộng tâm hồn của con cho tình yêu của Ta. Con sẽ cảm nhận được sự an ủi của Thiên Chúa là Đấng gìn giữ con.”

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm gì để đáp lại cho Thiên Chúa, là Đấng phục vụ chúng ta thậm chí đến mức bị phản bội và bị bỏ rơi? Chúng ta hãy gạt bỏ sự phản bội Người là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, và không bỏ rơi những gì thật sự quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta được đi vào thế giới này để yêu mến Ngài và yêu thương tha nhân. Mọi điều khác rồi sẽ qua đi, chỉ duy nhất điều này còn lại. Thảm kịch chúng ta đang trải qua kêu gọi chúng ta hãy nghiêm túc đón nhận những gì thật sự quan trọng, và không bị cuốn hút bởi những điều ít quan trọng hơn; để tái khám phá rằng đời sống sẽ chẳng ích gì nếu nó không được dùng để phục vụ người khác. Vì cuộc sống được đo lường bằng yêu thương. Vì vậy, trong những ngày thánh này, trong nhà chúng ta, chúng ta hãy đứng trước Đấng bị Đóng đinh, con đường tột đỉnh của tình yêu của Chúa cho chúng ta, và trước Thiên Chúa là Đấng phục vụ chúng ta đến mức hiến dâng mạng sống của Ngài, và chúng ta hãy xin ơn biết sống để phục vụ. Ước mong rằng chúng ta sẽ tiến đến với những người đang đau khổ và những người thiếu thốn nhất. Ước mong rằng chúng ta sẽ không lo lắng về những thứ chúng ta thiếu, nhưng là để ý xem chúng ta có thể làm gì tốt lành cho người khác.

Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ. Chúa Cha là Đấng gìn giữ Chúa Giê-su trong cuộc Khổ nạn của Ngài cũng hỗ trợ chúng ta trong những cố gắng phục vụ. Yêu thương, cầu nguyện, tha thứ, chăm sóc cho người khác, trong gia đình và xã hội: tất cả những điều này chắc chắn là khó khăn. Có thể cảm thấy nó giống như chặng đàng thánh giá. Nhưng con đường phục vụ là con đường vinh quang và trao sức sống mà qua đó chúng ta được giải thoát. Cha muốn nói điều này đặc biệt với giới trẻ, trong Ngày dành riêng cho các con suốt 35 năm nay. Các bạn thân mến, hãy nhìn đến những người anh hùng thật sự là những người bước ra tuyến đầu trong những ngày này: họ không phải là người nổi tiếng, giàu có và thành công; nhưng hơn thế, họ là những người hy sinh bản thân để phục vụ người khác. Hãy để cho bản thân cảm nhận được tiếng gọi đặt cuộc sống của mình ra tiền tuyến. Đừng sợ hiến dâng cuộc đời cho Chúa và cho tha nhân; nó sẽ được đền đáp! Vì sự sống là một ân ban chúng ta nhận được chỉ khi nào chúng ta trao tặng bản thân, và niềm vui sâu sắc nhất của chúng ta đến từ lời xin vâng với tình yêu, không có những chữ nếu và nhưng. Như Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta.

[Văn bản của Vatican (bản tiếng Anh)]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/4/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét